Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Cắt giảm đầu tư công và thành tích “ảo”

Cắt giảm đầu tư công và thành tích “ảo”

Viết email In

Không lâu sau khi Nghị quyết 11 của Chính phủ được ban hành hồi tháng 2 năm ngoái với nội dung nổi bật là cắt giảm đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo con số được cắt giảm lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nhưng, thành tích này có lẽ chỉ là... “ảo”.

Bởi vì, không biết cắt giảm thế nào, mà chi cho đầu tư phát triển vẫn tiếp tục tăng lên. Thẩm tra kết quả thực hiện chi ngân sách nhà nước năm 2011, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay tổng chi ngân sách Nhà nước vẫn có xu hướng tăng lớn (100.167 tỷ đồng), vượt 13,8% so với dự toán, trong đó, khoảng 23% số tăng chi ngân sách Nhà nước là tăng cho đầu tư phát triển!

“Trong bối cảnh thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, vừa phải tiết kiệm chi thường xuyên, vừa phải cắt giảm đầu tư công mà trước hết là giảm tỷ lệ chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách Nhà nước mà kết quả lại như vậy là chưa hợp lý, chưa thể hiện sự nhất quán trong việc thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư. Điều này tạo áp lực lớn cho tái cấu trúc đầu tư công”, ông Hiển nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh luôn thể hiện một tinh thần rất kiên quyết trong cắt giảm, khi đưa ra những dẫn chứng cụ thể như một cây cầu ở Tuyên Quang, vẫn bị kiên quyết “cắt” khi không đạt tiêu chí đề ra.

Ông cũng tỏ vẻ rất tự tin về Chỉ thị 1792 triển khai từ tháng 10/2011, với trọng tâm là khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư phân tán và thiếu đồng bộ, sẽ là “cú hích” đáng kể cho tiến trình tái cơ cấu đầu tư công.

Vậy nhưng kết quả giám sát tổng thể các dự án đầu tư, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa hoàn thành trong tháng 4, các con số đem lại cũng không mấy vui và thậm chí còn như “thụt lùi”. Như đối với các dự án nhóm A dùng vốn ngân sách, kiểm tra 302 dự án thì phát hiện 93 dự án chậm tiến độ, chiếm 28,10% tổng số dự án đã kiểm tra, cao hơn so với các kỳ báo cáo trước như năm 2010 là 19,35%, năm 2009 là 11,55%, năm 2008 là 16,73%.

Tuy nhiên, cũng cảm thông với ngành kế hoạch đầu tư khi cắt giảm đầu tư công và thực hiện tái cơ cấu đầu tư công trong bối cảnh mà lĩnh vực này đã ủ bệnh từ rất lâu, “phẫu thuật”‘ mà mang lại kết quả ngay quả thật không dễ dàng. Như theo sự phân tích của TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế, trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12, đã liên tục tăng mức bội chi và phát hành trái phiếu chính phủ (nhưng không tính vào bội chi) để phân bổ cho các ngành và địa phương đầu tư vào các lĩnh vực mà Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, chưa có sự đánh giá mang tính định lượng nào về hiệu quả của các dự án và công trình đã sử dụng nguồn vốn này.

Khi phân bổ nguồn vốn đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đưa ra tiêu chí để phân bổ, nhưng chưa thấy có sự đánh giá về kết quả thực hiện một cách cụ thể. Tình trạng các ngành và địa phương đưa ra quá nhiều dự án, trong khi đó nguồn vốn rất hạn chế, nên nơi nào, ngành nào “chạy” thủ tục sớm thì được chấp thuận và giải ngân sớm, nơi nào chậm thì để lại.

“Cách làm này dẫn đến hệ quả là phá vỡ tính ưu tiên và tính đồng bộ của đầu tư, tình trạng “vốn nằm” khắp nơi; ngân sách phải trả lãi, nhưng dự án thì phơi sương phơi gió. Với cách phân bổ vốn đầu tư như hiện nay, tôi có cảm tưởng là chúng ta lâm vào tình trạng “phóng lao phải theo lao”, ông Lịch nói.

Một lý do nữa, để có thể thông cảm được với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn là vì “các địa phương được quyền tự chủ rất lớn về quy hoạch phát triển, phân cấp đất, quyền quyết định xây dựng các cơ sở hạ tầng trong tỉnh, tuy là cần có sự đồng ý của cấp trên (dù chưa thấy cấp trên bác bỏ rõ rệt các đề nghị của cấp tỉnh).

Đặc điểm này đã và đang chi phối các vấn đề phát triển của Việt Nam, trong đó có đầu tư công”, như nhận định của TS. Võ Đại Lược, Viện Kinh tế và chính trị thế giới.

Đến giờ thì chưa thấy cơ quan nào của Chính phủ đưa ra thêm các con số về cắt giảm nữa và cũng không hào hứng nói về thành tích nữa, bởi, “càng vào cuộc thì mới càng “ngấm đòn””. Đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế vừa được Chính phủ trình ra phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần rồi, đã nhận phải những phản ứng chưa mấy tích cực vì thiếu tính đột phá và còn chung chung. Không phải là quá bi quan, nhưng nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cũng đưa ra nhận định rằng tái cơ cấu đầu tư công, có thể sẽ chỉ là trên... giấy.

Đoàn Trần


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo