Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Bảo tàng Nghệ thuật Sifang và cơn sốt mở bảo tàng tư nhân ở Trung Quốc

Bảo tàng Nghệ thuật Sifang và cơn sốt mở bảo tàng tư nhân ở Trung Quốc

Viết email In

Nhiều người giàu mới phất ở Trung Quốc đang muốn thể hiện tham vọng và cái tôi của mình bằng việc xây bảo tàng riêng. Qua việc này, họ không chỉ muốn bỏ tiền vào túi, mà còn muốn để lại một di sản văn hóa cho đời sau. 

“Anh có nhớ tên cụ mình không? Tôi thì không nhớ. Phần lớn mọi người đều không thể nhớ được tên cụ mình. Tôi muốn thế hệ của mình nhớ tới mình” - Budi Tek, một ông trùm nông nghiệp đồng thời là nhà sưu tầm nghệ thuật người Indonesia gốc Hoa nói.  


Bảo tàng Nghệ thuật Sifang ở Nam Kinh (Trung Quốc) 

Thi nhau mở bảo tàng 

Vào tháng 1 năm tới, Budi Tek sẽ khai trương bảo tàng nghệ thuật đương đại riêng, đặt tên là Yuz, tại một nhà chứa máy bay cũ ở Thượng Hải. Giống như nhiều người giàu khác ở Trung Quốc, Budi Tek lập bảo tàng riêng vừa để nhập vào xu thế đang thịnh hành hiện nay ở đất nước này, vừa để thấy tên mình được trân trọng trong lịch sử. 

Nhiều người giàu Trung Quốc sẵn sàng chi tới hàng trăm triệu USD để xây dựng bảo tàng riêng, trưng bày các bộ sưu tập nghệ thuật và di sản lớn của mình. Trong số đó có Wang Wei và người chồng tỷ phú Liu Yiqian. 

Hồi năm 2012, họ đã khai trương một bảo tàng ở Thượng Hải với diện tích tới 10.000m2. Họ đang có kế hoạch mở bảo tàng thứ 2 ở Thượng Hải và chuẩn bị khai trương Trung tâm Nghệ thuật sông Hoàng Hà ở tỉnh Ninh Hạ.

Còn phải kể tới Bảo tàng Nghệ thuật Sifang thuộc sở hữu của trùm bất động sản Lu Xun, vừa được khai trương ở ngoại ô thành phố lịch sử Nam Kinh. Do kiến trúc sư Mỹ Steven Holl thiết kế, bảo tàng mang hình chiếc hộp màu trắng, nằm trên những cột lớn cách mặt đất 10m. Đêm đến, trông tòa nhà này như lơ lửng trong không trung.

Lu Jun đã chi hơn 160 triệu USD cho bảo tàng, kéo dài cả thập kỷ. Tuy nhiên, bảo tàng chỉ là một phần trong dự án xây dựng lớn hơn của Lu, gồm một trung tâm hội nghị, khách sạn và nhiều villa hạng sang do nhiều kiến trúc sư hàng đầu thế giới thiết kế.

Cách nay vài thế kỷ, nhiều ông trùm ở Mỹ và châu Âu đã thành lập các bảo tàng riêng và chúng hiện rất nổi tiếng, như Tate, Rockefeller và Guggenheim. Giờ có vẻ như giới nhà giàu Trung Quốc cũng đi theo xu thế đó.

Ông Tek cho rằng, các bảo tàng là một phần không thể thiếu để khuếch trương sức mạnh văn hóa của Trung Quốc: “Trung Quốc đang có sức mạnh về quân sự và kinh tế, tuy nhiên lại thiếu quyền lực mềm để chinh phục và làm bạn với các nước trên thế giới”. 

Không dễ duy trì hoạt động

Ông Philip Tinari, Giám đốc UCCA tin rằng trung tâm cùng nhiều bảo tàng tư nhân thành công khác ở Trung Quốc sẽ đảm đương được vai trò giống như nhiều thiết chế nghệ thuật danh tiếng ở phương Tây.

Làn sóng xây dựng bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Trung Quốc bắt đầu hình thành từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, phần lớn các nhà đầu tư trong số đó đã thất bại hoặc gặp khó khăn lớn, khi phải lo chi phí hoạt động hàng ngày không hề nhỏ. 

Giờ đây, các nhà đầu tư trong làn sóng thứ hai đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm từ làn sóng đầu tiên. Thay vì ném tiền vào lễ khai trương rầm rộ, họ chú tâm tới việc duy trì hoạt động của bảo tàng trong thời gian dài, từ việc tuyển chọn đội ngũ nhân viên sao cho thích hợp, tới việc lo kinh phí.

Ông Lu Xun hy vọng dự án của mình sẽ "tự sống" được trong vòng 3-5 năm tới, với tiền cho thuê khách sạn và các villa sẽ bù đắp cho chi phí hoạt động của bảo tàng. Tuy nhiên, ông vẫn lường trước khó khăn: “Tôi sẽ bị áp lực rất lớn trong giai đoạn kế tiếp, về việc phải vận hành bảo tàng như thế nào”.

Các nhà phê bình cũng chỉ ra vô số hạn chế và thách thức khác liên quan tới bảo tàng tư nhân. Theo họ, các bảo tàng này thường chỉ là những dự án phù phiếm, không chú trọng tới tri thức. Chúng không có cái nhìn mạch lạc cần thiết, để trở thành những thiết chế văn hóa mang đẳng cấp thế giới thực sự.

Rất nhiều bảo tàng, trong đó có cả quần thể Sifang, chỉ là một phần trong những dự án phát triển bất động sản lớn hơn, mang tính thương mại. Nhiều người hoài nghi rằng chúng được khai trương chỉ để nhằm đẩy cao giá đất mà thôi.

Trưng bày hiện vật rởm cũng là vấn đề nhức nhối tại không ít bảo tàng ở Trung Quốc hiện nay. Hồi tháng 7, bảo tàng Jibaozhai ở Ký Châu (tỉnh Hà Bắc) đã bị đóng cửa, sau khi các nhà chức trách phát hiện ra hầu hết hiện vật trong bộ sưu tập gồm gần 40.000 cổ vật của bảo tàng đều là đồ rởm. 

Hy vọng công chúng quan tâm hơn tới nghệ thuật 

Đó là mặt trái của không ít bảo tàng tư nhân ở Trung Quốc. Song có một số bảo tàng tư nhân là ngoại lệ, đang hoạt động rất tốt. Chẳng hạn như Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Ullens (UCCA). Trung tâm này được các nhà sưu tầm Guy và Myriam Ullens de Schooten khai trương ở Bắc Kinh từ năm 2007. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những bảo tàng danh tiếng nhất ở Bắc Kinh.

Trong cuộc trò chuyện với BBC, Lu Xun hy vọng Bảo tàng Nghệ thuật Sifang sẽ thu hút công chúng tới chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật, hơn là tò mò về người chủ giàu có của nó. 

“Tôi muốn mọi người quan tâm tới kiến trúc và nghệ thuật hơn. Nhiều người tới đây chỉ để muốn biết ai là chủ bảo tàng, mục đích của việc mở bảo tàng tư nhân này là gì. Ý tưởng mở bảo tàng của tôi rất đơn giản, chỉ là để chia sẻ với mọi người những gì mà tôi yêu thích” – ông Lu Xun bày tỏ. 

Thiết kế của Bảo tàng Nghệ thuật Sifang (nguồn: Steven Holl Architects): 

Việt Lâm (Thể thao & Văn hóa - theo BBC

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo