Ashui.com

Monday
Dec 09th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Kinh nghiệm quốc tế trong chỉnh trang đô thị

Kinh nghiệm quốc tế trong chỉnh trang đô thị

Viết email In

Chỉnh trang đô thị có ý nghĩa lớn đối với sự thay đổi bộ mặt của đô thị và làm ổn định, đảm bảo cải thiện cuộc sống cho người dân. Hãy tham khảo một số kinh nghiệm quốc tế về chỉnh trang đô thị mà Việt Nam có thể áp dụng.  


Thâm Quyến - đặc khu kinh tế của Trung Quốc

Kinh nghiệm của Pháp

“Kinh đô ánh sáng” Paris luôn hấp dẫn du khách bốn phương bởi những đại lộ xanh thẳm, những tượng đài, cung điện và công trình kiến trúc tinh tế, thơ mộng.

Tuy nhiên, trong số chúng ta, it ai biết được rằng giữa thế kỷ XIX, Paris vẫn chỉ là một thành phố mang hơi hướng trung cổ với các khu nhà ổ chuột, hậu quả của hàng thế kỷ phát triển tùy tiện, lệch lạc và đầy những bất cập.

Thế vậy mà chỉ trong khoảng 15 năm (1853 - 1868), nhà quản lý đô thị lỗi lạc Georges Eugène Haussmann đã biến Paris xấu xí thành một thủ đô hiện đại và tráng lệ với những đại lộ thẳng tắp chạy xuyên qua thành phố. Dọc theo những đại lộ ấy mọc lên những nhà hát, nhà thờ mới, khu đô thị cao tầng cùng rất nhiều công viên tươi đẹp.

Ngay từ thế kỷ XVII, chính quyền thành phố đã ban hành các quy chuẩn đầu tiên về quy hoạch và quản lý đô thị ở Paris. Trong đó, có những quy tắc vẫn còn được áp dụng tới tận ngày nay (ví dụ như chuẩn mực giới hạn về chiều cao của tòa nhà mặt phố).

Dù vậy, bộ mặt của thành phố này chỉ thực sự thay đổi như ngày nay nhờ dự án cải tạo Paris mang tên Haussmann - dự án tái quy hoạch và hiện đại hóa Thủ đô Paris của Pháp thời Napoleon đệ Tam. Dự án này bao trùm lên tất cả các khía cạnh về quy hoạch đô thị của Paris như kiến trúc đường phố, không gian xanh, hệ thống dẫn và thoát nước.

Haussmann đã đưa ra các công cụ luật pháp giúp xúc tiến dự án cải tạo Paris như quyền trưng dụng đất đai “vì mục đích sử dụng công”. Theo đó, chính quyền được phép trưng dụng các toà nhà nằm dọc con đường được dự kiến xây dựng.

Quyền này đã cho phép Haussmann xóa bỏ mọi chướng ngại như phá hủy hàng nghìn ngôi nhà cũ kĩ và điều hàng vạn dân cư ra khỏi trung tâm thành phố để xây dựng các công trình kỳ diệu như Đại lộ Champs Elysée, Quảng trường Concorde và Quảng trường Trocadero… Đồng thời, chính sách áp dụng của ông còn quyền buộc chủ các ngôi nhà mặt tiền phải tu sửa nhà định kỳ 10 năm/lần.

Năm 1859, ông tiếp tục ban hành luật định về đô thị hóa, cho phép mặt tiền các tòa nhà chỉ được cao tối đa 20 m trong những con phố rộng 20 m mà Haussmann đang xây dựng (trước đó chiều cao tối đa là 17,55 m). Các mái nhà phải được làm nghiêng một góc 45º và mặt tiền của các nhà nằm trên cùng một con phố phải tuân thủ cùng một kích thước...

Không chỉ làm nên bộ mặt mới của Paris ngày nay, thời còn quản lý Bordeaux, Haussmann cũng ghi dấu bằng những công trình kiến trúc tuyệt vời có giá trị đến tận ngày nay, điển hình là khu quảng trường Bourses được UNESCO xếp hạng di sản thế giới.

Trong thời gian 1970 - 1980, rất nhiều chương trình chỉnh trang các khu chung cư cũ đã được triển khai như khu Ronceray-Glonnieres, Lievre D'or ở thành phố Dreux, Garges les Gonesse ở Mans và ở Clichy…

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Thành phố Thượng Hải - một trong những trung tâm kinh tế và dân số lớn của Trung Quốc - đã trải qua quá trình mở rộng đô thị và tái phát triển khu vực trung tâm thành phố từ những năm 1990. Để tăng tốc độ thực hiện và có nguồn lực thực hiện, thành phố đã có kế hoạch cho thuê đất để làm nhà ở cho người nước ngoài, bên cạnh việc tổ chức các không gian thương mại, bán lẻ, phục vụ ăn uống và giải trí gắn với các đặc điểm văn hóa, lịch sử.

Bài học kinh nghiệm của Thượng Hải từ công tác chỉnh trang, tái thiết đô thị, đó là phải đạt được sự đồng thuận trong các ý tưởng và ưu tiên của chính quyền địa phương, cũng như các bên liên quan ngay từ đầu; cân bằng giữa chi phí và lợi ích dài hạn của một khu vực đặc biệt trong quá trình chỉnh trang và tái phát triển; di sản văn hóa phải được coi là một tài sản, có thể nâng cao bản sắc của một đô thị, làm gia tăng giá trị tài sản.

Một ví dụ nhỏ về tái định cứ cho thấy chính quyền rất quan tâm và theo sát thực tiễn: Tại Thượng Hải, nếu tái định cư tại chỗ thì diện tích có thể nhỏ hơn diện tích nhà ở cũ, còn người dân chuyển đi nơi khác ở thì sẽ được bồi thường diện tích lớn hơn diện tích nhà ở cũ.

Thượng Hải có bốn loại hình nhà ở xã hội là nhà ở giá rẻ, nhà ở cho thuê chi phí thấp, nhà ở cho thuê công cộng, nhà ở di dời và tái định cư. Theo “Quy định quản lý nhà ở di dời và tái định cư Thượng Hải”, nhà ở tái định cư Thượng Hải có diện tích xây dựng là 70 m2 với cấu trúc chủ yếu 2 phòng ngủ 1 phòng khách. Việc di dời và tái định cư nhà ở được đảm bảo trong thời hạn 3 năm, không được chuyển nhượng, thế chấp.

Kinh nghiệm của Hà Lan

Cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, dự án xanh hóa là yếu tố chủ chốt trong chỉnh trang đô thị tại Amsterdam. Trong đó, dữ liệu mở giúp xác định và giải quyết các vấn đề dân sự, đảm bảo trách nhiệm giải trình của các quan chức thành phố và tạo ra các cơ hội kinh doanh. Dữ liệu về giáo dục, y tế, giao thông và du lịch là chất xúc tác cho phát triển ứng dụng mới, các dự án nghiên cứu và các chiến dịch địa phương.

Amsterdam đã có dữ liệu thành phố mở từ năm 2012, bao gồm dữ liệu điều tra dân số, tăng trưởng khu vực lân cận, sử dụng điện và công trường. Khi dữ liệu và nền tảng Amsterdam được mở, điều đó có nghĩa là các nhà phát triển có thể sử dụng dữ liệu để phát triển các ứng dụng và khái niệm mới. Amsterdam cũng lắp đặt hệ thống mạng LoRaWAN (mạng không dây tầm xa) công cộng kết nối toàn thành phố từ tháng 9/2015.

Một trong những dự án xanh nổi bật của Amsterdam là Groen Grachten, hay còn gọi là dự án "những con kênh xanh", nhằm cải tạo các kiến trúc cổ dọc kênh đào trong thành phố trở nên tiết kiệm năng lượng mà không ảnh hưởng đến di sản kiến trúc nói chung. Bằng cách sử dụng các pin nguyên liệu, các toà nhà cổ có nguồn điện riêng và có thể cắt giảm một nửa lượng CO2 phát thải.

Alliander, nhà cung cấp năng lượng chính trong cả nước, đã ứng dụng mạng lưới điện thông minh, với các trang bị đồng hồ đo hiện đại và sử dụng tập trung tấm năng lượng mặt trời, từ đó giảm chi phí chi tiêu cho năng lượng của người dân.

Cùng với đó là chính sách phát triển các dự án tập trung chủ yếu vào giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà, các tuyến phố để giảm lượng khí thải CO2 thông qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến và khuyến khích thay đổi hành vi của người dân.

Nhiều dự án đã được thiết lập trong 4 lĩnh vực khác nhau: không gian công cộng bền vững, giao thông bền vững, cuộc sống bền vững và làm việc bền vững. Những sáng kiến sau đó được thử nghiệm để rút ra bài học thành công và hạn chế rủi ro, tăng tính bền vững khi ứng dụng quy mô lớn hơn. Quá trình này tạo ra nền tảng cho các giải pháp bền vững sau này.

Khánh Phương

(Tạp chí Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo