Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Đối thoại GS.TS Võ Tòng Xuân: Nên giao đất vĩnh viễn cho dân

GS.TS Võ Tòng Xuân: Nên giao đất vĩnh viễn cho dân

Viết email In

Sự kiện cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) cho thấy bất cập trong việc thu hồi, giao quyền sử dụng đất. Nhiều chuyên gia đã đề nghị cần phải sớm sửa Luật đất đai.

Tuy nhiên, đâu là những nội dung bất cập của luật này cần phải sửa? Tuổi Trẻ đã trao đổi với GS.TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, người từng là đại biểu Quốc hội, từng tham gia việc xây dựng Luật đất đai trước đây. GS Xuân nói:

- Khi tham gia xây dựng luật trước đây, tôi đã nêu ý kiến về giao đất có thời hạn và sở hữu đất đai. Sản xuất nông nghiệp vốn có yếu tố rủi ro cao, chậm thu hồi vốn nên người dân chỉ toàn tâm toàn ý đầu tư sản xuất khi mảnh đất họ đang canh tác thuộc sở hữu của mình. Việc giao đất nông nghiệp chỉ 20 năm vô tình tạo ra tâm lý âu lo, không ai dám phát triển quy mô sản xuất.

Trong khi nhiều ý kiến khác cho rằng VN là nước nông nghiệp, giao đất có thời hạn là để dễ dàng thu hồi, chia lại đất nhằm bảo đảm chính sách người cày có ruộng. Lúc đó tôi bảo làm như vậy sẽ xáo trộn việc quản lý sử dụng đất, sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, đất nông nghiệp sẽ bị manh mún, khó tiến lên nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Về sở hữu toàn dân, tôi cũng nói đất đã có người sử dụng, đất thừa kế thì nên giao sở hữu cho dân; chỉ đất mới khai phá, chưa có ai sử dụng mới thuộc sở hữu toàn dân. Tuy nhiên, Quốc hội hồi đó... chỉ có tôi dám nói, chẳng có ai ủng hộ, sau đó luật được thông qua.

Như vậy theo GS, đâu là những bất cập cần phải sửa đổi trong Luật đất đai?

"Công nhận đa sở hữu đất đai giúp quản lý đất đai tốt hơn, tránh tiêu cực, đồng thời góp phần sử dụng đất có hiệu quả"

- GS Võ Tòng Xuân  
- Rõ ràng việc giao đất có thời hạn và không công nhận sở hữu đất đai khiến người sử dụng chưa an tâm, phần nào hạn chế, không khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, do luật chưa sát với thực tiễn nên phát sinh chuyện ngoài luật còn “đẻ” ra thêm vô số văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành, rồi nào là thông tư, nghị định... Từ đó chính quyền cấp địa phương muốn vận dụng sao cũng được, và dễ... vận dụng sai làm tình hình quản lý đất đai thêm phức tạp, nhất là dễ lợi dụng để trục lợi, hay vận dụng sai luật dẫn tới gây thiệt thòi cho ngưởi sử dụng đất. Vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng là một điển hình. Phải nhìn nhận là chính sách đất đai cứ thay đổi liên tục như vừa qua gây khó trong quản lý, vừa phát sinh tiêu cực. Đáng lý ra nó nhất thiết phải chuẩn, tinh gọn và nhất quán.

Trên thế giới nhiều nước công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, ở nước ta chỉ giao quyền sử dụng, hiện người dân không có quyền sở hữu về đất. Tuy nhiên, lâu nay người dân vẫn mua bán, chuyển thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất và đều được chính quyền công nhận, thừa nhận. Như vậy điều đó cho thấy thực tế đất đai đã là một dạng tài sản, đồng thời quyền sử dụng đã giống như quyền sở hữu rồi. Với thực tế đó thì luật cũng phải thay đổi cho phù hợp thực tiễn. Chúng ta nên giao đất vĩnh viễn theo hình thức sở hữu. Nghĩa là công nhận quyền sở hữu đất đai cho người dân, đồng thời đa dạng hóa sở hữu đất đai như sở hữu quốc gia do Nhà nước quản lý, sở hữu của cộng đồng dân cư, sở hữu của pháp nhân và sở hữu của cá nhân.

Nhưng liệu Nhà nước có khó khăn khi thu hồi, và không đảm bảo chính sách nông dân phải có đất sản xuất?

- Tôi nghĩ không khó, đất đai do Nhà nước quản lý khi cần thì thu hồi lúc nào mà chẳng được. Nhưng mặt khác, khi đã công nhận quyền sở hữu thì nó lại hạn chế được việc các địa phương thu hồi đất sử dụng sai mục đích, thu hồi đất sử dụng không hiệu quả. Thực tế vừa qua với quan niệm là đất đai sở hữu toàn dân, nhiều tỉnh coi đất đai là vô chủ nên đã thu hồi đất nông nghiệp làm hàng loạt khu kinh tế, khu cụm công nghiệp, đô thị... nhưng rồi bỏ hoang, gây lãng phí.

Để đảm bảo thu nhập cho người dân nông thôn, không nhất thiết buộc ai cũng phải có đất canh tác. Trong xu thế hội nhập, chúng ta phải xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa có tính cạnh tranh cao. Nghĩa là cần tổ chức lại sản xuất, đầu tư khoa học kỹ thuật, công nghệ tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, để làm gia tăng và chia sẻ giá trị lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp.

Thưa GS, nếu vậy thì bên cạnh công nhận quyền sở hữu có cần xóa bỏ mức hạn điền?

- Cần xóa bỏ mức hạn điền. Lâu nay ở nước ta tuy bị hạn chế bởi mức hạn điền nhưng đã có rất nhiều hộ canh tác hàng chục, thậm chí hàng trăm hecta đất qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc thuê đất. Do luật quy định nên khi “mua” họ nhờ người khác đứng tên. Thực tế này chính quyền địa phương đều biết rõ nhưng mặc nhiên thừa nhận.

Những hộ có diện tích lớn sẵn sàng ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất cũng như thu hoạch nên sản xuất rất hiệu quả, giá trị lợi nhuận tăng lên. Người “bán” quyền sử dụng đất hay cho thuê đất vừa có tiền, vừa làm công cho người “mua” đất cũng có thu nhập cao hơn trước nhiều. Tôi biết ông Nguyễn Lợi Đức ở Tri Tôn (An Giang) hiện canh tác hàng trăm hecta đất, ứng dụng cơ giới hóa toàn bộ khâu sản xuất, máy laser trong san phẳng mặt ruộng... nên đạt lợi nhuận hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Ông Đức tạo việc làm với thu nhập cao cho hàng trăm lao động, phần lớn là người “bán” quyền sử dụng đất, cho thuê đất.

VN đang hướng đến một nền nông nghiệp hàng hóa lớn nên việc tích tụ ruộng đất là quy luật tất yếu. Diện tích canh tác lớn mới ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản phẩm mới có chất lượng ổn định, có tính cạnh tranh và có thể liên kết sản xuất, từ đó giá cả mới ổn định, nông dân được lợi nhuận cao.

Hoàng Trí Dũng - Đức Vịnh (thực hiện) 

Ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang):
Giao đất có thời hạn cũng khó thu hồi

Tôi nghĩ dù giao đất có thời hạn nhưng khi tới hạn cũng khó thu hồi. Chẳng hạn như đất giao cho dân ở tứ giác Long Xuyên hiện nay đã gần hết thời hạn. Sau khi nghỉ hưu tôi cũng làm ruộng nên biết rõ rằng nếu thu hồi đất này sẽ làm hàng ngàn hộ dân bức xúc, phẫn nộ, bởi họ sẽ làm ăn sinh sống sao đây? Nếu thu hồi sẽ trái đạo lý vì bà con đã qua một quá trình đổ bao công sức, tiền của cải tạo từ vùng đất hoang hóa trở thành màu mỡ như hôm nay. Chắc chắn người dân không dễ dàng giao lại. Nếu chính quyền làm mạnh sẽ xảy ra vô số vụ như “anh Vươn”. Điều này không chỉ ở ĐBSCL mà nhiều nơi khác cũng tương tự. Nhà nước đặt ra thời hạn giao đất mà thực tế không thu hồi được và nếu làm mà dân không thông thì có nên không?

Nếu cho là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, khái niệm đó quá mơ hồ, bởi không có chủ thể nào được gọi là toàn dân cả. Nó vô tình tạo kẽ hở cho sự lạm dụng trong sử dụng quỹ đất hơn là phục vụ lợi ích toàn dân.

Vợ ông Vươn tố cáo hành vi hủy hoại tài sản

Ngày 16/1, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn), người liên quan đến vụ chống cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng, cho biết đã cùng em dâu là Phạm Thị Hiền làm đơn gửi chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Công an TP Hải Phòng và một số cơ quan trung ương để tố cáo hành vi hủy hoại tài sản công dân của đoàn cưỡng chế.

Sau khi được cơ quan điều tra cho tại ngoại từ ngày 10/1, bà Thương và bà Hiền trở về nhà trong tâm trạng sững sờ trước hiện trạng căn nhà hai tầng cùng nhiều tài sản khác của gia đình mặc dù không thuộc diện tích bị cưỡng chế nhưng bị hủy hoại. Tôm cá dưới đầm và gà vịt nuôi đã bị các đối tượng lạ đánh bắt. Đáng nói là cho đến thời điểm hiện tại, lực lượng công an xã, dân quân tự vệ và một số đối tượng khác vẫn ngăn cản không cho gia đình vào khu đầm chưa bị cưỡng chế để dựng lại nhà, tiếp tục sản xuất. Trước đó, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền trả lời báo chí rằng ngôi nhà của gia đình ông Vươn bị đánh sập là do có các đối tượng chống đối đoàn cưỡng chế.

Liên quan đến vụ việc này, Bộ Tài nguyên - môi trường đã yêu cầu Sở Tài nguyên - môi trường TP Hải Phòng báo cáo vụ việc.

V.Thắng - L.Kiên 

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1658 khách Trực tuyến

Quảng cáo