Ashui.com

Sunday
Apr 28th
Home Tương tác Đối thoại TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn: "Người làm vườn nào cũng có thể hạnh phúc"

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn: "Người làm vườn nào cũng có thể hạnh phúc"

Viết email In

Sau 30 năm làm tư vấn quy hoạch và kiến trúc trong và ngoài nước, TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn mới đúc kết và trình bày cụ thể về triết lý làm nghề trong một cuốn sách đầu tay có tựa – Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại – Câu chuyện Quy hoạch – Kiến trúc (Phanbook & NXB Dân Trí, 2023). Cuốn sách đang gây chú ý với công chúng, giới chuyên môn, giới đầu tư và làm chính sách.

KTSG đã có cuộc trao đổi với ông xoay quanh tác phẩm này và quan điểm làm nghề của ông.

Sau 30 năm làm nghề, để gói lại thành một triết lý mà anh gọi là CITY DESIGN (thể hiện trong cuốn sách đầu tay mới xuất bản), liệu có quá muộn? Hay đặc thù của quy hoạch là phải thận trọng như vậy?

TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn (ảnh bên): - Với quy hoạch, cần phải có kinh nghiệm thực tiễn. Với tôi, qua thực tiễn nhiều thập niên tư vấn thiết kế quy hoạch kiến trúc tại các nước trong khu vực Vành đai Thái Bình Dương bao gồm Việt Nam, tôi đúc kết được kinh nghiệm bảo tồn, chỉnh trang và phát triển đô thị thành 10 nguyên lý Văn hóa Đô thị Bền vững, mà các chữ cái đầu tiên tạo thành cụm từ CITY DESIGN (Thiết kế Đô thị): Communication – Văn hóa giao tiếp và chia sẻ thông tin đa chiều; Interdisciplinary – Văn hóa hợp tác đa ngành; Teamwork – Văn hóa liên kết cộng đồng; Yin Yang – Văn hóa cân bằng lợi ích hài hòa âm dương; Direction – Văn hóa quản lý có định hướng chiến lược và kế hoạch khả thi; Environment – Văn hóa môi trường gắn với trách nhiệm xã hội; Sense of Place – Văn hóa bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc; Intelligence & Integration & International – Văn hóa khoa học, công nghệ thông minh, và hội nhập quốc tế; Growth – Văn hóa tầm nhìn trăm năm và Network – Văn hóa liên kết Vùng. 

Triết lý CITY DESIGN mà anh đã đúc kết và rút ra từ 30 năm làm nghề có tính thích ứng thế nào trước những thách đố mà đô thị hiện đại đang đối diện (biến đổi khí hậu, dân số tăng đột biến, dịch bệnh, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế)?

– CITY DESIGN có thể xem là một hệ khung tư duy quy hoạch kiến trúc gắn kết nghiên cứu với thực hành, giúp cho việc phân tích tổng hợp hiện trạng và các đề xuất quy hoạch kiến trúc một cách hiệu quả và có hệ thống từ góc nhìn đa ngành, bao trùm được những định hướng chiến lược cần thiết cho việc giải quyết các vấn đề bức xúc và nhu cầu của thời đại trong thế kỷ 21.

Anh thường xuất hiện trên báo chí nói về các vấn đề thời sự quy hoạch, kiến trúc, các nan vấn trong phát triển đô thị và đặc biệt là thẳng thắn phản biện các bản quy hoạch rác… Vì sao anh có chọn lựa một mặt làm nghề quy hoạch, một mặt, thiên về “truyền thông” từ góc độ chuyên môn?

– Là bởi vì qua thực tiễn, tôi dần nhận thức rằng sức người có giới hạn, trong khi tiềm năng thì vô hạn. Nếu như một kiến trúc sư chỉ tập trung làm các dự án, thì cả đời cũng chỉ có thể đóng góp một số lượng khiêm tốn các dự án quy hoạch kiến trúc mang tên mình. Nhưng nếu chúng ta có thể kịp thời góp những ý kiến cố vấn thiết thực trên báo, giúp gỡ rối cho các địa phương trên cả nước có hướng giải quyết ngay cho những vấn đề bức xúc và cấp thời của các đô thị, hoặc xa hơn, là có thể góp những bài viết, giống như trong cuốn sách bạn đang cầm trên tay, giúp lan tỏa kiến thức chuyên ngành quy hoạch kiến trúc và quản lý đô thị theo hướng đơn giản phổ cập hóa, sao cho từ quan đến dân, ai cũng có thể hiểu được, để thu hút mọi người cùng chung tay góp sức với nhau hiệu quả hơn… thì tác dụng cộng hưởng lan tỏa từ đó có thể cao hơn gấp trăm nghìn lần, giúp cho đất nước ngày càng phát triển tốt hơn.

Thường thì người ta sẽ nói tới sự tác động của các thứ quyền lực đến bản vẽ của nhà quy hoạch. Và tiếp theo, ta sẽ nói tới chuyện làm sao để “giữ mình”?

- Tác động của các thế lực đó thường phát xuất từ “lòng tham” của người có tiền và có quyền. Do đó, nếu muốn giữ mình trước những áp lực và cám dỗ, thì chuyên gia cũng cần phải biết làm chủ chính mình trong việc ứng phó với lòng tham của bản thân, sao cho ý kiến cố vấn của mình luôn khách quan, bất vụ lợi, gieo được các hạt mầm tích cực cho phát triển kinh tế đô thị và văn hóa xã hội ngày càng bền vững hơn trong tương lai.

Thường nhật, có thể thấy anh di chuyển trong thành phố bằng xe máy và gặp bạn bè ở những quán cà phê vỉa hè Sài Gòn để nói chuyện chuyên môn hay trao đổi các dự án. Anh luôn toát lên nguồn năng lượng tích cực, sự lạc quan. Làm sao để có một tinh thần sống như vậy khi mà một mặt trên báo lại thấy anh có vẻ như rất nhiều phản biện không mấy “thuận gió” và nhẹ nhàng?

- Tôi xem những phản biện đóng góp ý kiến của mình giống như việc tưới cây trong vườn, trong đó sẽ có những nơi cây có thể hấp thụ nhanh và ngày càng xanh tốt, và cũng sẽ có những nơi khô cằn, tưới bao nhiêu nước cũng không đủ. Nhưng nếu chúng ta đủ kiên nhẫn, thì một ngày đẹp trời nào đó chúng ta sẽ xanh hóa được toàn bộ khu vườn.

Với tầm nhìn đó, “người làm vườn” nào cũng có thể hạnh phúc với những đóng góp của mình, bất kể kết quả được nhiều hay ít hơn so với mong đợi.

Hạnh phúc không nhất thiết chỉ đạt được khi đến đích, mà cả trong quá trình thực hiện.

KTS Ngô Viết Nam Sơn sẽ có buổi trò chuyện chủ đề Đô thị Việt Nam đương đại: Nhận diện và Viễn kiến cùng nhiều chuyên gia kiến trúc, quy hoạch, độc giả lúc 8h30-11h sáng nay 15/10/2023 tại Nam Thi House,152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM.

Nguyễn An Nam thực hiện

(KTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1430 khách Trực tuyến

Quảng cáo