Ashui.com

Sunday
Apr 28th
Home Tin tức Việt Nam Chương trình 135: Giảm nghèo vẫn khó bền vững

Chương trình 135: Giảm nghèo vẫn khó bền vững

Viết email In

Ngày 21/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc và Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo công bố đánh giá tác động chương trình 135 giai đoạn II qua 2 cuộc điều tra cơ bản đầu kỳ và cuối kỳ. 

Sau 5 năm triển khai, Chương trình 13-II về cơ bản đã góp phần thay đổi diện mạo, góp phần tăng cường hơn nữa sự phát triển về kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn vùng đồng bào dân tộc, miền núi đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mục tiêu quan trọng vẫn chưa hoàn thành.  

Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ nghèo ở nhóm dân tộc thiểu số giảm được 8% (từ 57,2% năm 2007 xuống 49,2% năm 2012). Đặc biệt, trong đó, nhóm dân tộc Nùng, Mông, Tày là nhóm giảm được tỷ lệ nghèo nhiều nhất. Nhóm dân tộc Mông giảm tới 24,3% tỷ lệ hộ nghèo (từ 83,5% năm 2007 xuống còn 59,2% năm 2012). 

Chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình trong các xã chương trình đã được cải thiện thể hiện bằng tỷ lệ các hộ có số đồ dùng lâu năm bền đều tăng. Khoảng 70,9% các hộ có ít nhất mọt điện thoại (năm 2012) và gần 70% các hộ có tivi. Tỷ lệ các hộ có xe máy đã tăng từ 43,8% lên 66,2%. 

  • Ảnh bên: Cầu treo tại thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình 135 (Ảnh: Thanh Tùng /TTXVN) 

Theo ông Phùng Đức Tùng, chuyên gia về vấn đề nghèo đói thuộc Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Đông Dương (IRC): “Chương trình đã có tác động đáng kể tới mức sống của các hộ gia đình thụ hưởng ở các xã mục tiêu, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số. Thu nhập của hộ đã tăng lên khoảng 20% sau 5 năm. Những hộ nghèo hơn, có mức tăng thu nhập thấp hơn so với hộ khá và khoảng cách giữa các hộ nghèo và không nghèo ở các xã này ngày một mở rộng”. 

Sau 5 năm thực hiện, Chương trình 135 giai đoạn II đã triển khai trên địa bàn 3.274 thôn bản, 1.946 xã; của 369/690 huyện thuộc 50/63 tỉnh. Trung ương đã bố trí 14.025,25 tỷ đồng, trong đó định mức đầu tư các dự án thành phần được tăng theo hàng năm. 

Chương trình đã hỗ trợ cho 2.2 triệu hộ dân. Xây dựng 12.646 công trình hạ tầng, hỗ trợ cho 926.326 cháu là con hộ nghèo đi học, thành lập 1.570 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, hỗ trợ cho 544.823 hộ nghèo sửa chữa, cải tạo, làm mới hoặc di chuyển chuồng trại chăn nuôi và nhà vệ sinh, giúp 181 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn... 

Nhận định về nhiều mục tiêu chưa được hoàn thành, ông Võ Văn Bảy, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Uỷ ban Dân tộc) cho rằng: “Công tác giảm nghèo mới chỉ chú trọng vào việc tăng thu nhập. Nhưng vì mức tăng này có xu hướng giảm theo thời gian, nên giảm nghèo ở các xã chương trình 135-II chưa bền vững. Tỷ lệ các hộ nghèo, tái nghèo còn khá lớn chiếm hơn 14%”. 

Mặt khác, tình hình sử dụng nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn vẫn còn rất hạn chế. Nước sạch vẫn là một vấn đề rất đáng quan tâm vì chỉ có trên 13% các hộ dân tộc thiểu số có nước máy, trong khi cả nước là 27% (năm 2010).

Mục tiêu 100% các xã có thể làm chủ đầu tư ở các công trình dự án đã không đạt được mục tiêu. Số lượng công trình dự án do xã làm chủ đầu tư hiện nay là 45,9%.

Từ những kết luận của cuộc điều tra đưa ra, Ông Võ Văn Bảy cho rằng: “Tác động rõ rệt nhất chính của chương trình đã cải thiện cơ bản tình trạng kinh tế, xã hội tại vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Nhờ có hai cuộc điều tra đầu và cuối kỳ này mà chính phủ có thể đánh giá rõ nhất sự thay đổi này, từ đó có những bộ dữ liệu quan trọng để thiết kế và đánh giá các chương trình giảm nghèo trong tương lai của Chính phủ”./. 

Hồng Kiều 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo