Ashui.com

Saturday
Nov 02nd
Home Tin tức Việt Nam Hà Nội đặt mục tiêu 55 công trình xây dựng đạt danh hiệu sử dụng “năng lượng xanh” năm 2022

Hà Nội đặt mục tiêu 55 công trình xây dựng đạt danh hiệu sử dụng “năng lượng xanh” năm 2022

Viết email In

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 264/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022 trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Nội dung Kế hoạch có nêu rõ 5 giải pháp và các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành các mục tiêu cụ thể trong năm 2022.

Tiết kiệm 1,3 - 1,7% năng lượng so với nhu cầu

Theo Kế hoạch được ban hành, UBND Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2022 đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,3 - 1,7% so với mức năng lượng dự báo nhu cầu.


UBND Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu có 55 cơ sở, công trình xây dựng trên địa bàn thành phố được công nhận danh hiệu sử dụng “năng lượng xanh”, tiết kiệm và hiệu quả.

Một mục tiêu quan trọng khác là chỉ tiêu 60% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện/giải pháp kỹ thuật trong khai thác, sử dụng phương tiện giao thông cơ giới theo hướng tiết kiệm năng lượng; 70% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 55% các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 70% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định; 55 cơ sở, công trình xây dựng trên địa bàn được công nhận danh hiệu sử dụng “năng lượng xanh”, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và có ít nhất 2 – 3 công trình được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cấp quốc gia và khu vực ASEAN...

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ đảm bảo việc tuân thủ và thực hiện các yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả đối với các công trình xây dựng thuộc phạm vi áp dụng của quy chuẩn.

Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022, Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho 1.000 lượt cán bộ kỹ thuật, người quản lý năng lượng trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng; đào tạo và cấp chứng chỉ 25-30 cán bộ quản lý năng lượng; phấn đấu đạt 45% trường học có hoạt động tuyên truyền, giảng dạy về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ngoài ra, Chương trình cũng được kỳ vọng sẽ góp phần giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành, phân ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố so với giai đoạn 2016 – 2020.

5 nhiệm vụ và 5 giải pháp

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch, UBND Thành phố Hà Nội nêu ra 5 nhiệm vụ trọng tâm: Một là hỗ trợ kỹ thuật đối với các hoạt động sản xuất, chế tạo, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất, công trình xây dựng, chiếu sáng công cộng, giao thông vận tải, tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình...

Hai là thống kê tiêu thụ năng lượng của Thành phố Hà Nội. Ba là tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bốn là tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thưc hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật. Năm là tổ chức, phối hợp thực hiện tuyên truyền việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trong đó, mỗi nhiệm vụ sẽ có những công việc, dự án cụ thể cần thực hiện trong năm 2022, tổng cộng là 25 chương trình, dự án được ban hành kèm theo Kế hoạch số 264/KH-UBND.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố Hà Nội cũng đưa ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022. Đó là giải pháp huy động và ưu đãi đối với hoạt động sử dung năng lượng và hiệu quả; giải pháp về khoa học công nghệ và đào tạo; giải pháp tuyên truyền, giáo dục, phát triển dịch vụ tư vấn; giải pháp quản lý, kiểm tra, thanh tra và giải pháp về hợp tác quốc tế.

Về cơ quan tổ chức thực hiện, UBND Thành phố đã giao Sở Công Thương giữ vai trò cơ quan thường trực của Ban Chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Thủ đô. Theo đó, Sở Công Thương sẽ có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương và các Sở, ngành, đơn vị liên quan để tham mưu, triển khai thực hiện Chương trình quốc gia, Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không trùng lặp, đúng mục tiêu, kết quả đề ra.


Một trong các nhiệm vụ của Sở Xây dựng là đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng.

Trong khi đó, Sở Xây dựng có trách nhiệm thẩm định thiết kế, nghiệm thu các công trình xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng phải tăng cường phổ biến các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế, xây dựng các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng.

Các Sở, ban, ngành khác tùy theo chức năng của từng đơn vị sẽ phối hợp với Sở Công Thương để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao trong Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan đơn vị cần kịp thời phản ánh cho Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Dịch Phong - Ảnh: Internet

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo