Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tin tức Việt Nam Ý kiến của Bộ Xây dựng về việc chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh

Ý kiến của Bộ Xây dựng về việc chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh

Viết email In

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 12160/VPCP-CN ngày 14/12/2018 về việc giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét đề nghị của UBND Thành phố Hồ Chí Minh tại Văn bản số 5322/TTr-UBND ngày 29/11/2018 về chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025. Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


(Ảnh minh họa)

Theo Bộ Xây dựng, cơ sở pháp lý của việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh, gồm: Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, các quy định pháp luật về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị có nhiều thay đổi; quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đã có sự điều chỉnh làm ảnh hưởng tới tính chất, chức năng và quy mô của Thành phố.

Cụ thể: Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 (QHC năm 2010) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 được thực hiện theo quy định tại Luật Xây dựng năm 2003, Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật trên đã hết hiệu lực, được thay thế bằng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Theo đó, QHC năm 2010 còn chưa nghiên cứu cụ thể các nội dung như: Thiết kế đô thị, đánh giá môi trường chiến lược, quy hoạch không gian ngầm, ứng phó với biến đổi khí hậu… làm cơ sở để thực hiện quản lý phát triển đô thị theo yêu cầu phát triển và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2076/QĐ-TTg ngày 22/12/2017.

Theo đó, vai trò, vị thế và tính chất của Thành phố đã có sự thay đổi so với định hướng tại QHC năm 2010, hướng tới mục tiêu trở thành một đô thị hạt nhân, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển; là trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 của thành phố đạt khoảng từ 80 - 90%.

Một số dự án trọng điểm cấp vùng và thành phố được ưu tiên triển khai thực hiện theo Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 có ảnh hưởng lớn đến sử dụng đất, môi trường và bố cục không gian kiến trúc đô thị hiện nay của thành phố.

Về rà soát việc triển khai thực hiện theo QHC năm 2010: Theo báo cáo của UBND thành phố, việc triển khai thực hiện theo QHC năm 2010 cơ bản được thực hiện theo đúng quy hoạch được duyệt, tuy nhiên tại một số lĩnh vực, các chỉ tiêu phát triển đã vượt qua dự báo năm 2025 hoặc thay đổi so với định hướng của QHC năm 2010 như: Dân số thành phố gia tăng nhanh, tập trung cao ở khu vực các quận nội thành gây quá tải hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trong đô thị; định hướng phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm diện tích và chuyển chức năng sử dụng đất; đầu tư phát triển dịch vụ logistics, các kho ngoại quan gắn với cảng và các khu công nghiệp của thành phố.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện theo QHC năm 2010 còn gặp một số tồn tại như: Quỹ đất dành cho giao thông đô thị và giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; diện tích cây xanh công viên đô thị còn thiếu; đất quy hoạch xây dựng đô thị chưa được sử dụng hiệu quả do tình trạng chậm triển khai thực hiện quy hoạch tại các khu đô thị mới Tây Bắc, khu đô thị phía Nam, Khu đô thị cảng Hiệp Phước,….; cụm y tế cửa ngõ chưa hình thành đồng bộ; quy hoạch các khu giáo dục đào tạo đại học tập trung ở các cụm phía Nam, Đông, Tây, Bắc chưa triển khai thực hiện dự án do còn thiếu nguồn vốn, hệ thống giao thông kết nối chưa thuận lợi và đồng bộ.

Trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố tác động đến quá trình phát triển đô thị thời gian qua; qua kết quả rà soát việc triển khai thực hiện theo QHC năm 2010 của UBND TP Hồ Chí Minh cho thấy việc lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh là cần thiết nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị bền vững; đảm bảo tầm nhìn, chiến lược dài hạn; xây dựng định hướng, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết các vấn đề của đô thị như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường...

Việc UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị xem xét chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh là đúng trình tự và phù hợp với quy định pháp luật về điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị được quy định tại Điều 47, Điều 49 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; thống nhất với các quy định về việc thực hiện các quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của pháp luật tại Điều 59 Luật Quy hoạch năm 2017.

Bộ Xây dựng thống nhất với đề nghị của UBND TP Hồ Chí Minh và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện: Tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch theo quy định pháp luật; Tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập thực hiện rà soát, đánh giá quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch; đấu thầu quốc tế lựa chọn tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.

Tuyết Hạnh

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo