Những quy tắc mới do Hội đồng Chuẩn mực Báo cáo bền vững quốc tế (ISSB) soạn thảo trong bối cảnh hàng nghìn tỷ USD đang được đầu tư cho các dự án gắn nhãn bảo vệ môi trường, xã hội và quản trị.
Các doanh nghiệp sẽ chịu nhiều sức ép hơn trong việc công bố thông tin về những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hoạt động kinh doanh theo bộ quy tắc mới của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhằm giúp các nhà quản lý phát hiện và ngăn chặn các hành vi "tẩy xanh."
(Nguồn: Insurance Iournal)
Những quy tắc mới được công bố ngày 26/6 do Hội đồng Chuẩn mực Báo cáo bền vững quốc tế (ISSB) soạn thảo trong bối cảnh hàng nghìn tỷ USD đang được đầu tư cho các dự án gắn nhãn bảo vệ môi trường, xã hội và quản trị.
Theo Chủ tịch ISSB Emmanuel Faber, các quốc gia thành viên G20 được tự quyết định liệu các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán có phải áp dụng các chuẩn mực mới hay không, đồng thời cho biết thêm rằng các tiêu chuẩn nêu trên có thể được sử dụng trong các báo cáo thường niên từ năm 2024 trở đi.
Các nước Canada, Anh, Nhật Bản, Singapore, Nigeria, Chile, Malaysia, Brazil, Ai Cập, Kenya và Nam Phi đang cân nhắc sử dụng các chuẩn mực này.
Các chuẩn mực trên tiếp tục bổ sung cho những quy tắc tự nguyện từ Lực lượng chuyên trách các báo cáo tài chính liên quan khí hậu (TCFD) của G20.
Anh là nền kinh tế lớn đầu tiên buộc các doanh nghiệp đa niêm yết phải công bố các báo cáo TCFD.
ISSB là một phần của Nền tảng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, đơn vị soạn thảo các quy định kế toán được sử dụng ở hơn 100 quốc gia.
Cơ quan giám sát thị trường chứng khoán toàn cầu (IOSCO) sẽ là cơ quan phê chuẩn những chuẩn mực mới.
Theo Chủ tịch IOSCO Jean-Paul Servais, việc phê chuẩn các chuẩn mực mới sẽ tạo ra "yếu tố thay đổi cuộc chơi" dành cho các nhà quản lý trên toàn thế giới khi xem xét việc sử dụng khuôn khổ ISSB.
David Harris, trưởng bộ phận sáng kiến chiến lược tài chính bền vững tại London Stock Exchange Group cho rằng những quy định mới sẽ giúp hoạt động báo cáo bền vững chính xác hơn, phù hợp với báo cáo tài chính hơn.
Theo ông Harris, 42% trong nhóm 4.000 công ty hàng đầu thế giới không cung cấp các dữ liệu phát thải carbon Phạm vi 1 và Phạm vi 2.
Phạm vi 1 là tất cả lượng phát thải nhà kính phát sinh trực tiếp từ các nhà máy, hoạt động của một tổ chức, lượng khí thải này nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của tổ chức.
Phạm vi 2 là phát thải gián tiếp phát sinh từ việc tổ chức mua điện, năng lượng để sử dụng cho hoạt động sản xuất-kinh doanh.
Điều này có làm giảm hiệu quả của các thị trường vốn vì chưa có được bức tranh đầy đủ về tình trạng phát thải.
Theo các quy định của ISSB, các doanh nghiệp cần công bố dữ liệu phát thải với sự giám sát bởi các cơ quan kiểm toán bên ngoài.
ISSB cũng yêu cầu các ngân hàng công bố những báo cáo chi tiết hơn về phát thải khí carbon liên quan tới những lĩnh vực riêng lẻ như dầu mỏ và khí đốt.
Liên minh châu Âu (EU) sẽ hoàn thiện các quy định mới vào tháng tới, và sẽ tìm cách phối hợp với ISSB để các quy định mới không chồng lấn với các quy định của ISSB.
Hai bên dự định công bố hướng dẫn liên quan để tránh chồng lấn quy định trong vài tháng tới./.
Lê Ánh
(TTXVN/Vietnam+)
- Nhật Bản: Gần 1/5 số trang trại năng lượng Mặt Trời có nguy cơ sạt lở
- Thỏa thuận G20 về nhiên liệu hóa thạch bị Saudi Arabia chặn đứng
- London nghiêng và sụt lún do biến đổi khí hậu
- Dubai trở thành trung tâm giao dịch nhà ở cao cấp lớn nhất thế giới
- Giá nhà đất ở Singapore lần đầu sụt giảm sau 3 năm
- "Bom nợ" từ các văn phòng bỏ trống trên khắp thế giới
- Thuê nhà giá rẻ trở nên "bất khả thi" tại Singapore
- Sự thật những thành phố có mức sống đắt đỏ nhất thế giới
- Indonesia tự tin có thể đạt mục tiêu net zero trước năm 2060
- 169 nước nhất trí soạn dự thảo hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa toàn cầu