Ashui.com

Sunday
Apr 28th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Đã đến lúc cần có ngành khoa học đô thị hóa

Đã đến lúc cần có ngành khoa học đô thị hóa

Viết email In

Ngày nay, đô thị là nơi tập trung hơn 90% hoạt động kinh tế, nơi cư ngụ của hơn 50% dân số, tiêu thụ hơn 65% nguồn năng lượng và thải ra 70% khí thải nhà kính của toàn thế giới(1). Giới khoa học cũng như các chính trị gia ngày càng nhận ra rằng các thành phố, các khu vực đô thị, và cả quá trình đô thị hóa chính là tâm điểm của thay đổi khí hậu toàn cầu và các thách thức cho phát triển bền vững. Mặt khác, các nhà hoạch định chính sách cần phải có cơ sở thực tiễn, các bằng chứng thực nghiệm và cả lý luận về cách hoạch định và quản lý đô thị cùng quá trình đô thị hóa trong thời đại có nhiều thay đổi đến chóng mặt và môi trường biến động như hiện tại.  


Một khu dân cư tại Singapore với các dãy cao ốc kéo dài ngút tầm mắt. 

Các học giả ở nhiều lĩnh vực từ nhân văn đến khoa học xã hội và khoa học tự nhiên đều đã bắt tay vào nghiên cứu đô thị từ thế kỷ trước và phát hiện rất nhiều điều về các nơi chốn đô thị và các quá trình dẫn đến sự hình thành và phát triển của các nơi chốn đô thị đó. Một số nghiên cứu kết luận rằng đô thị là nguồn gốc của suy thoái môi trường, tuy nhiên vẫn có bằng chứng cho thấy đô thị và phong cách sống đô thị có thể là giải pháp tiềm năng cho những vấn nạn môi trường và thách thức cho phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai. 

Dấu hiệu sự tự tin của chúng ta đối với kiến thức về các đô thị được thể hiện rõ qua việc hội nghị Rio +20 nhận thức ra “nhu cầu cần có phương pháp tiếp cận toàn diện cho vấn đề phát triển đô thị và định cư của con người” và kêu gọi thiết lập “phương pháp tổng hợp để hoạch định và xây dựng các thành phố, các khu vực được phát triển của đô thị” để tạo ra những những nơi con người có thể sinh sống đồng thời là biện pháp giải quyêt các vấn đề môi trường của từng khu vực, từng vùng và thậm chí là toàn cầu. Ý tưởng được nêu ra khá đơn giản và hấp dẫn: Hành động diễn ra bên trong mỗi thành phố có thể giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu. 

Dù nghe có vẻ hấp dẫn là vậy, nhưng phương pháp nói trên chưa đụng đến một nửa vấn đề còn lại. Khối lượng kiến thức về đô thị rất lớn(2), thế nhưng kiến thức về quá trình đô thị hóa lại khá rời rạc. Đô thị là một nơi chốn, còn đô thị hóa lại là một quá trình, một trong những sự biến chuyển đồng thời về địa điểm, dân cư, kinh tế và môi trường giúp tạo ra xã hội đô thị. Số lượng các nhà nghiên cứu đô thị nhiều là thế nhưng các cuộc nghiên cứu về đô thị hóa vẫn chưa tập trung vào quá trình đô thị hóa cũng như những vấn đề giao thoa của nó với các hệ thống môi trường khác. Hậu quả là, những nghiên cứu đô thị đương thời chưa thể mang lại thông tin và kiến thức cần có để biến các khu vực đô thị trở thành nơi xúc tác giúp tạo ra các giải pháp cho phát triển bền vững. Vì sao lại có chuyện này? Một phần nguyên nhân là do mỗi ngành lại tiếp cận và thực hiện nghiên cứu với phương pháp và công cụ phân tích riêng để nghiên cứu những quá trình mà họ quan tâm về đô thị: quá trình tăng dân số trong các đô thị, sinh thái học đô thị, quá trình di dân đô thị, kinh tế đô thị hay khí hậu đô thị. 

  • Ảnh bên: Một khu phố lộn xộn tại Dhaka, Bangladesh. Người dân tại đây ở trong những tòa nhà cũ kỹ lụp xụp và đi lại bằng xe kéo. 

Kết quả, thông tin và dữ liệu về đô thị dưới góc độ một nơi chốn rất phong phú và đa dạng, thế nhưng chúng ta lại thiếu đi sự hiểu biết cặn kẽ về các quá trình đô thị hóa vận động tạo ra đô thị và sự tương tác của các quá trình này với những hệ thống khác. Vậy mà, chính quá trình đô thị hóa này hiện đang tăng tốc ở quy mô và tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử. Khu vực đô thị sẽ mở rộng ra với diện tích tương đương 29000 sân bóng mỗi ngày trong vòng 18 năm tới và thế giới sẽ có thêm khoảng 1 tỷ dân thành thị sau mỗi 13 năm, tốc độ nhanh gấp hai lần so với thời kỳ cách đây ba thập kỷ(3).  

Thiếu hiểu biết thấu đáo sẽ khiến các chính sách phát triển bền vững về khí hậu, khí CO2 hay sự công bằng mang tính tạm bợ hoặc thậm chí là những sai lầm tai hại. Các giải pháp hiện thời chỉ mới giải quyết những triệu chứng bên ngoài của vấn đề chứ chưa động tới quá trình cũng như bối cảnh của đô thị hóa bên dưới. Nếu cứ tiếp tục với cách tiếp cận nhỏ lẻ như thế này, chúng ta sẽ không bao giờ có thể định rõ được phương pháp phát triển bền vững toàn cầu có hiệu quả. Lấy ví dụ, các thành phố ở Bắc Mỹ xây làn đường dành cho xe đạp là một ý tưởng hay cho phát triển bền vững, nhưng hiệu quả của chính sách này lại bị triệt tiêu khi các thành phố này hiện đang tiếp tục mở rộng phạm vi và trở nên lệ thuộc vào ô tô và bất tiện cho việc sử dụng xe đạp hơn.

Để giải quyết khiếm khuyết này, chúng ta cần phải có cái nhìn sâu rộng và sáng tạo hơn vào những điểm còn đang thiếu sót. Chúng ta cần có ngành khoa học đô thị hóa. Ngành khoa học này sẽ tập trung về các quy luật cơ bản của tiến trình đô thị hóa: nguồn gốc, sự phát triển, cách tổ chức, các đặc tính nổi bật và sự liên kết với các tiến trình xã hội, lý sinh khác. Ngành khoa học này sẽ như thế nào? Tối thiểu nhất, nó phải nhắm đến ba khía cạnh cơ bản của đô thị hóa mà cho đến nay chỉ mới được lý giải phần nào. Đầu tiên, ta chưa hề thống nhất về những yếu tố cơ bản của đô thị hóa. Điều còn thiếu chính là một khuôn khổ tập trung vào đô thị hóa, coi đây là đối tượng nghiên cứu trong một thành phố và quan trọng hơn là liên quan đến các nhóm thành phố có điểm chung hoặc một số đông các thành phố. Nói chung là còn thiếu nhiều lý thuyết trong các vấn đề như các điều kiện cần thiết trong mối quan hệ giữa tỉ lệ dân cư tập trung ở trung tâm thành phố và thu nhập cho thành phố, hay mô hình chọn lựa địa điểm cư trú đánh đổi thời gian di chuyển với diện tích nhà vốn liên quan đến quy hoạch sử dụng đất và suy thoái môi trường. Những vấn đề này chỉ ra rằng ta cần phải tìm hiểu điều gì tạo ra hầu hết các khía cạnh cơ bản của đô thị hóa, bất kể các yếu tố khác biệt về không gian, địa điểm, thời gian và văn hóa. Để chủ động tiếp cận đô thị hóa cùng tập hợp các hệ thống sinh thái xã hội phức tạp có tác động qua lại bên trong và giữa các khu vực đô thị, chúng ta cần phải nắm rõ hơn về tất cả yếu tố cấu thành các hệ thống. 

Thứ hai, chúng ta cần tìm hiểu và nghiên cứu cặn kẽ những bằng chứng thực nghiệm thể hiện hệ thống đô thị hóa (nghĩa là tập hợp các yếu tố và quá trình thay đổi trung tâm đô thị) bên trong và cá biệt trong các hệ thống (ở mọi quy mô), và nghiên cứu xem các yếu tố và quá trình liên quan của nó ảnh hưởng đến những hệ thống khác ra sao. Liệu chúng ta có thể xây dựng được lý luận về đô thị hóa - với những yếu tố cơ bản và độc nhất đứng vững trước các đánh giá khoa học và tạo ra những quy luật và lý luận mang tính phổ biến có giá trị hay không? Việc xem xét kỹ lưỡng về những vấn đề thực nghiệm coi đô thị hóa là một tiến trình thay vì nghiên cứu đô thị dưới lăng kính một nơi chốn, sẽ có thể đưa ra những giải pháp hệ thống giải quyết toàn diện thay vì những phần nhỏ lẻ của vấn đề. 

Cuối cùng, sau khi đã làm được hai điều trên, chúng ta có thể tìm ra được mối quan hệ giữa đô thị hóa và những khía cạnh khác của Hệ thống Trái Đất hay không? Chúng tôi cho rằng cần có một ngành khoa học hiểu rõ đô thị hóa bùng nổ như thế nào, từ đó phát triển ra quy luật tổng quát của quá trình ở quy mô lớn hơn và nắm được quá trình này tác động qua lại với môi trường tại chỗ và toàn cầu ra sao. Lấy ví dụ, đã có nhiều cuộc nghiên cứu về sự suy giảm đa dạng sinh học của đô thị so với nông thôn, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu liệu đô thị hóa có ảnh hưởng và nếu có thì nó diễn ra thế nào đến sự suy giảm đa dạng sinh học theo hướng từ Bắc xuống Nam, hay bất kỳ quy luật địa lý sinh thái nào khác của đa dạng sinh học hay không. Đô thị hóa toàn cầu có khả năng dẫn tới sự xuất hiện các loại hình thành phố, giúp ta hiểu được sự tác động và đối phó lại với thay đổi khí hậu hay không? Đô thị hóa ảnh hưởng đến chuyển đổi sử dụng đất như thế nào? Đô thị hóa ảnh hưởng đến nghèo đói giữa khu vực thành thị - nông thôn ra sao? Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta cần phải nắm vững được đô thị hóa là gì, nó ảnh hưởng qua lại với các hệ thống khác bằng cách nào. Đáp án cho những câu hỏi này sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về cách thức, thời gian, địa điểm và mức độ mà đô thị hóa gắn kết với các quy luật và nguyên tắc trong những ngành khoa học khác. 

Ngành khoa học được sản sinh ra từ những câu hỏi cơ bản nêu trên sẽ góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững trong thực tiễn. Khi ta hiểu rõ hơn về đô thị hóa diễn ra trong khu vực nhỏ, trong vùng rộng lớn và trên toàn cầu, những hiểu biết ấy có thể được áp dụng trong quá trình xây dựng hoặc tái thiết các đô thị hiện đang diễn ra do chính sách và thị trường. Nhu cầu hiểu biết mang tính khoa học về đô thị hóa đặc biệt thể hiện rõ qua những sự kiện thời tiết gần đây, ví dụ như bão Sandy đã đổ bộ vào khu vực các thành phố nằm dọc theo bờ biển ở New York và New Jersey tháng 10/2012. Tác động của cơn bão được cho là gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, đã nhấn mạnh thêm nhu cầu bức thiết cần phải hiểu rõ hơn về đô thị hóa và quan hệ của nó với những quá trình phức tạp như thay đổi khí hậu, đúng lúc thay đổi khí hậu nhận được rất nhiều quan tâm. Nếu không phát triển một ngành khoa học liên hệ những vấn đề cơ bản như thế này, chúng ta sẽ tiếp tục phân mảnh kiến thức và thiếu đi sự thống nhất khoa học để xây dựng chính sách dựa trên thực tiễn. 


Khu French Quarter tại New Orleans chịu ngập úng sau cơn bão Katrina năm 2005. 

Tại sao lại là bây giờ?

Chúng ta đang có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng ngành khoa học đô thị hóa, đầu tiên là số lượng dữ liệu sẵn có ngày một nhiều giúp ta giải quyết những trở ngại cho việc xây dựng các mô hình trước đây. Ngoài ra, số lượng các cộng đồng nghiên cứu kêu gọi tạo ra một ngành khoa học mới, bao gồm các nhà nghiên cứu sinh thái dài hạn, cộng đồng xây dựng mô hình đô thị, cộng đồng viễn thám, các nhà khoa học nghiên cứu về thay đổi đất, cộng đồng nghiên cứu về đô thị hóa và biến đổi môi trường toàn cầu, cùng những người đang tìm cách áp dụng các quy tắc vật lý vào xây dựng thành phố(4). Các học giả này đủ kiến thức để phát triển một ngành khoa học như đã nêu trên. Cuối cùng, ta còn có thể áp dụng các phân tích phức tạp, nguồn dữ liệu quy mô lớn cùng cấu hình máy tính mạnh sẵn có vào việc phân tích. 

Nhu cầu bức thiết cần phải phát triển ngành khoa học này quan trọng hơn cả dữ liệu, kiến thức và công nghệ nói ở trên. Đồng ý với ý kiến tại hội nghị Rio +20 cho rằng “các thành phố” có thể là chất xúc tác hữu dụng cho phát triển bền vững, tuy nhiên, chúng chỉ mới là điều kiện cần để thực hiện nỗ lực bền vững. Đô thị hóa phát triển với nhiều quy mô và cần phải được xem xét từ các quy mô này. Có quá ít chương trình đô thị về đô thị hóa mang tính khu vực và quốc gia, và không có chương trình nào ở quy mô toàn cầu. Việc nghiên cứu về đô thị hóa tương tự như ngành khoa học biến đổi khí hậu đã làm rất cần thiết để hỗ trợ phát triển chính sách ở những quy mô lớn như trên(5). Chắc chắn rằng các nhà hoạch địch chính sách ở các cấp chính quyền khác nhau có thể tác động theo hướng tích cực lên yếu tố ngoại tác liên quan đến đô thị hóa, nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được khi họ có các bằng chứng khoa học và kiến thức về cách hoạt động của hệ thống. Trong bối cảnh tầm quan trọng của đô thị hóa và sự tập trung của dân số, hoạt động kinh tế trong các thành phố ngày một gia tăng, hiện tại đô thị hóa đã trở thành mối quan tâm toàn cầu của các nhà khoa học và các chính sách, một điều nên xảy ra. Chúng tôi tin tưởng rằng thời điểm phát triển ngành khoa học đô thị hóa đã đến và sẽ mang lại những cơ sở nền tảng cũng như động lực thúc đẩy tạo ra các quy tắc, luật lệ và thỏa thuận của các khu vực, các quốc gia và quốc tế. 

William Solecki, Karen C.Seto, Peter J. Marcotullio 
Nguyễn Trương Quỳnh Châu, TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan (dịch) 
(Bài đăng Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 13 

Về tác giả:

  • Wiliam Solecki là giáo sư địa lý học tại Đại học Hunter, giám đốc của viện Institute for Sustainable Cities thuộc City University of New York,. Ông còn là đồng chủ tịch của Ban Biến đổi khí hậu New York City, thành viên Ban chỉ đạo Khoa học của Global Environmental Change Project (UGEC) thuộc Chương trình International Human Dimensions Programme on Global Environmental Change (IHDP).
  • Karen C.Seto là phó giáo sư ngành môi trường đô thị tại Yale School of Forestry & Environmental Studies. Bà là đồng chủ tịch Global Environmental Change Project (UGEC) thuộc Chương trình International Human Dimensions Programme on Global Environmental Change (IHDP).
  • Peter J. Marcotullio là phó giáo sư địa lý học tại Đại học Hunter, phó giám đốc của viện Institute for Sustainable Cities thuộc City University of New York thành viên chương trình của Global Environmental Change Project (UGEC) thuộc Chương trình International Human Dimensions Programme on Global Environmental Change (IHDP). 

Chú thích: 

  1. IEA, World Energy Outlook 2008 (Paris, OECD/IEA, 2008); UNFPA, State of the World Population: Unleashing the Potential of Urban Growth (New York, NY: United Nation Population Fund, 2007); and United Nations, National Accounts Main Aggregates Database (New York, NY: United Nations, Statistics Divison, 2011), available at http://unstats.un.org/unsd/snaama (accessed March 21, 1012).
  2. See, for example, M. R. Montgomery, R. Stren, et al., Cities Transformed, Demographic Change in its Implications in the Developing World (Washington, DC: National Academies Press, 2003).
  3. K. Seto, M. Fragkias, at al., “A Meta-Analysis of Global Urban Land Expansion,” PloS One 6, no. 8 (2011).
  4. M. Batty, “The Size, Scale, and Shape of Cities,” Science 319 (2008): 769-711; L. Bettencourt and G. West, “A Unified Theory of Urban Living,” Nature 467 (2010): 912-913; N. Grimm, S. H. Faeth, et al., “Global Change and the Ecology of Cities,” Science 319, no. 5864 (2008): 756-760; and K. C. Seto, A. Reenberg, et al., “Urban Land Teleconnection and Sustainability.” Proceeding of the National Academy of Sciences of the United States of America 109, no. 18 (2012), available at www.pnas.org/cgi/doi/10.1073/pnas.1117622109
  5. C. Rosenzweig, W. D. Solecki, et al., eds., Climate Change and Cities, First Assessment Report of the Urban Climate Change Research Network (Cambridge, UK: Cambridge University Press, 2011).

 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo