Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Từ CIAM đến CNU - Cội nguồn của thiết kế đô thị

Từ CIAM đến CNU - Cội nguồn của thiết kế đô thị

Viết email In

LTS: Ngày nay, Thiết kế Đô thị (TKĐT) đã là một lĩnh vực chuyên biệt và tương tác với nhiều khía cạnh của đời sống đô thị, từ văn hóa, môi trường, giao thông tới kiến trúc. Một nền tảng kiến thức đa dạng và lý luận cốt lõi của TKĐT cũng đã được hình thành nhưng lại thiếu một cuốn sách có tính toàn diện (comprehensive) và xác tín (authoritative) để trình bày chúng. Do đó, hai giáo sư Tridib Banerjee và Anastasia Loukaitou-Sideris của Đại học Nam California và Đại học California tại Los Angeles đã tập hợp 50 bài viết của các học giả có uy tín quốc tế trong lĩnh vực TKĐT để hình hành cuốn sách "Companion to Urban Design" (tạm dịch: Đồng hành cùng TKĐT). Nhằm mục xây dựng kiến thức nền tảng về TKĐT, một số thành viên trong nhóm DoThiVietNam đã nỗ lực lược dịch cuốn sách này ra tiếng Việt. Tạp chí Quy hoạch Đô thị xin trân trọng giới thiệu bài mở đầu của cuốn sách trên về cội nguồn TKĐT của giáo sư Eugénie Birch, Giám đốc Viện nghiên cứu đô thị thuộc Đại học Pennsilvania. Bản tiếng Việt do tiến sỹ Phó Đức Tùng lược dịch.  

Lịch sử đô thị, xét từ một khía cạnh nào đó, gắn liền với lịch sử kiến trúc và cư trú của loài người. Như vậy có thể nói là nó có gốc rễ từ rất xa xưa. Nhưng vì quy mô một cuốn sách không thể giải quyết mọi vấn đề, vả lại đã có nhiều tác phẩm kinh điển bàn về nguồn gốc xa xưa đó, nên trong phạm vi cuốn sách này, chúng ta chỉ xét đến cái gọi là đô thị học đương đại, với xuất phát điểm từ khoảng đầu thế kỷ trước. 

Trong chương mở đầu, Eugenie Birch giới thiệu tổng quan về những tác giả, dự án, nhà đầu tư, nhà bảo trợ, những vận động và thể chế cơ bản liên quan tới đô thị học hiện đại. Tác giả chọn hai tổ chức quốc tế, đại diện cho hai trào lưu tư tưởng phổ biến toàn cầu trong quy hoạch để làm khung cho phần giới thiệu của mình: Bắt đầu bằng CIAM (tên tiếng pháp của Đại hội quốc tế về kiến trúc hiện đại – International congress of modern architecture) và kết thúc bằng CNU (Đại hội về đô thị học mới – Congress for New Urbanism) (sau đây chúng tôi để nguyên tên viết tắt). Phần giới thiệu lịch sử này đưa ra những lý tưởng và thực tiễn, những nỗ lực của cá nhân và tổ chức, được phân tích chủ yếu trong bối cảnh kinh tế xã hội của nước Mỹ. 

Từ CIAM đến CNU, gốc rễ và những nhà lập thuyết của thiết kế đô thị hiện đại 

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, làn sóng đô thị hóa rầm rộ ở phương Tây đã kích thích những nghiên cứu, tìm tòi của rất nhiều ngành, từ các ngành thiết kế đến kinh tế, xã hội, nhằm thích ứng được với bối cảnh mới. Trong nhóm các nhà thiết kế nảy ra một ngành nghề mới, từng được gọi bằng rất nhiều tên, ở mỗi thứ tiếng lại khác, nhưng sau này chúng ta quen gọi là thiết kế đô thị. Có 5 nhóm người cơ bản đặc biệt ảnh hưởng lớn tới lịch sử hơn 100 năm phát triển của ngành này, đó là các nhóm Tiền Bối – Precursors, Nhóm Sáng Lập – Founders, nhóm Tiên Phong – Pioneers, nhóm Phát Huy – Developers và nhóm Ăn Theo – Later Evolvers. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào 3 nhóm chính là những người Sáng Lập, Tiên Phong và Phát Huy, trong phạm vi từ khoảng năm 1920 -1970, vì những nhóm này và thời gian này tạo nên những đặc điểm cốt lõi của ngành thiết kế đô thị. 

Thiết kế đô thị hiện đại chính thức hình thành khoảng những năm 1920, dưới dạng một tổ chức lỏng lẻo của một số thành viên Sáng Lập, bao gồm một số kiến trúc sư và nhà quy hoạch Âu, Mỹ. Những người này cho rằng họ có phương pháp xây dựng đô thị mới, có thể giải quyết được những vấn nạn ngày một gia tăng của đô thị thời đó như nhà ở thiếu vệ sinh, giao thông vận tải, sử dụng đất kém hiệu quả v.v. Những tác phẩm của nhóm này chủ yếu mang tính ý tưởng, dưới dạng bài viết lý thuyết, ít khi được thực hiện. 

Tiếp theo đó là nhóm Tiên Phong, bao gồm các kiến trúc sư, nhà quy hoạch, nhà văn, học giả v.v. Trong những thập kỷ 30,40, họ mở rộng và đào sâu nghiên cứu trong các lĩnh vực trên, đóng góp nhiều bài viết, nghiên cứu, một số công trình và kinh nghiệm giảng dạy. 

Nhóm Phát Huy xuất hiện từ cuối những năm 40, khi ở cả Mỹ và Châu Âu có những chương trình đổi mới trong chính sách quy hoạch. Nhóm này cũng chủ yếu là dân thiết kế, nhưng đã được trang bị thêm nhiều kiến thức kinh tế xã hội mới và gặp điều kiện thuận lợi. Họ viết nhiều sách, thực hiện hàng loạt dự án và gây dựng những chương trình đào tạo bài bản. Từ đó, ngành thiết kế đô thị có thể nói là có một nền tảng lý thuyết và thực tế tương đối vững chắc. 


Từ CIAM đến CNU – Cội nguồn của thiết kế đô thị. Chú giải: Precursors – Tiền bối; Founders – Nhóm Sáng Lập; Pioneers – Nhóm Tiên Phong; Developers – Nhóm Phát Huy; Late evolvers – Nhóm Ăn Theo; Designers – Các nhà thiết kế; Architects – Các kiến trúc sư; City planners – Các quy hoạch sư; Landscape architects – Các kiến trúc sư cảnh quan; Authors – Các tác giả; 
 

Nhóm Sáng Lập

Đầu thế kỷ 20, ý tưởng về một đô thị hiện đại, hiệu quả cho thời công nghiệp hấp dẫn rất nhiều nhà thiết kế, đặc biệt là kiến trúc sư. Những đại diện quan trọng nhất có thể nói là Le Corbusier ở Pháp và Walter Gropius ởĐức. Họ cho rằng đã tìm thấy trong tháp cao tầng một giải pháp hoàn hảo của thời đại mới: tính hiệu quả kinh tế của sản xuất hàng loạt công nghiệp, vẻ đẹp của một thánh đường hiện đại, mật độ cao của một đô thị sầm uất và diện tích trống mênh mông cho giao thông, cây xanh, ánh sáng, vui chơi giải trí v.v. Vấn đề của thiết kế đô thị chẳng qua là sắp xếp những tòa cao ốc này theo một trật tự hình học nào đó. Le Corbusier đã minh họa ý tưởng này trong một loạt đồán không được thực hiện như: La ville contemporaine (1922), Voisin Plan (1925), La ville radieuse (1935) cũng như trong cuốn sách viết về đô thị học – Urbanisme (1924).

Năm 1928, Le Corbusier cùng một số kiến trúc sư có cùng chí hướng đã sáng lập ra CIAM - Congrès Internationaux d’Architecture Moderne. CIAM đã tổ chức những hội nghị thường niên ở châu Âu từ năm 1928 đến 1956, trừ một vài năm chiến tranh. Hội nghịđã tập hợp và xuất bản, công bố những nghiên cứu, công trình của nhóm ra khắp thế giới. Từ một nhóm nhỏ khoảng hơn 20 người họp nhau ở La Sarraz, Thụy Sỹ năm 1928, CIAM đã thu hút được trên 3000 thành viên trong kỳ hội nghị năm 1950. Vốn có xu hướng hữu khuynh, với nhiệt huyết tạo công bằng xã hội, ban đầu nhóm tập trung vào các giải pháp cho khu ổ chuột, nhà ở cho người nghèo, nhưng sau đó nhanh chóng mở rộng chủ đề ra toàn đô thị.

Đến hội nghị lần thứ 4 thì CIAM lấy chủ đề là “The Functional City” (Đô thị công năng). Hội nghị này ban đầu dự định tổ chức ở Mạc Tư Khoa, nhằm quảng bá ưu thế của kiến trúc hiện đại trong môi trường xã hội chủ nghĩa, nhưng bị Liên Xô từ chối, với chỉ thị rõ ràng “nhóm avant-garde không có chỗ ở nước Nga Stalin”.

CIAM 4 do đó được tổ chức trên du thuyền đi từ Marseille đến Athen và tại khách sạn ở Athen. Trong 14 ngày, các thành viên đã cùng nhau nghiên cứu so sánh 33 thành phố dựa trên hệ thống tiêu chuẩn được nhà quy hoạch Hà Lan Cornilis van Eesteren hệ thống hóa trên cơ sở phương pháp phân tích của Patrick Geddes – Scottland. Cuối cùng, họ chắt lọc những kết quả phân tích, nghiên cứu đểđưa ra mô hình đô thị hiện đại bao gồm 4 công năng đơn giản là: Ở, Làm việc, Nghỉ ngơi và Giao thông. Về giải pháp, về cơ bản họ đề xuất giải tỏa các khu ổ chuột và những khu đô thị cổ chật chội, tắc nghẽn, thay bằng mô hình “Cao ốc trong công viên” của Le Corbusier. Mô hình này đối lập hoàn toàn với mô hình đô thị vườn của Anh, với đề xuất phân tán đô thị ra ngoại ô, tạo những đô thị vệ tinh mật độ thấp để giảm mật độ trong nội thành đồng thời tạo môi trường sống tốt cho thị dân và công nhân. 


(a) Cuộc gặp gỡ của CIAM và những tác phẩm sau đó: (b) Hiến chương Athens và (c) “Liệu thành phố có thể sống sót” của Luis Sert 

Vì lý do bất đồng quan điểm nội bộ, CIAM 4 đã không công bố kết quả nghiên cứu như dự định. Tuy nhiên, năm 1941, Le Corbusier đã tổng hợp hết những điều quan trọng nhất của CIAM 4 thành một dạng cương lĩnh được xuất bản năm 1943 dưới tên “Hiến chương Athen”. Trong hiến chương này, tất cả những nguyên tắc quan trọng nhất của thiết kế đô thị hiện đại thời kỳ trước chiến tranh thế giới được tổng hợp thành 95 mục, chẳng hạn như:
(1) Đô thị chỉ là một phần trong một tổng thể kinh tế, chính trị, xã hội tạo nên một vùng…
(9) Mật độ dân cư trong các trung tâm đô thị cổ truyền là quá lớn…
(30) Không gian trống trong các trung tâm đô thị này nhìn chung là thiếu…
(69) Việc phá bỏ những khu ổ chuột vây quanh những di tích, danh thắng sẽ tạo cơ hội cho không gian trống mới…Thiết kếđô thị là một ngành khoa học nghiên cứu không gian ba chiều chứ không phải mặt phẳng. Việc đưa chiều cao vào đô thị sẽ tạo cơ hội giải tỏa mặt bằng cho giao thông và cây xanh. 

Trong cùng khoảng thời gian đó, kiến trúc sư Tây Ban Nha Josep Lluís Sert, thành viên CIAM, đã xuất bản một ấn phẩm dài hơn bằng tiếng Anh về kết quả của CIAM 4 là cuốn Can Our Cities Survive? An ABC of Urban Problems, Their Analysis Their Solutions Based on the Problems Formulated by the CIAM (1942).

Sau này, cuốn của Sert và hiến chương Athen của Le Corbusier được coi là trọng tâm của trường phái CIAM trong thiết kế đô thị. 

Ngoài CIAM ra, cũng có những kiến trúc sư khác tham gia vào việc hình thành trào lưu hiện đại, nhưng từ những góc nhìn khác. Đáng kể nhất là Hugh Ferris, với hàng loạt minh họa rất ấn tượng về cao ốc trong đô thị hiện đại trong cuốn Metropolis of Tomorrow (1929), và Kiến trúc sư Đức Werner Hegemann, với cuốn The American Vitruvius, The Architect’s Handbook of Civic Art (1922). Hegemann đặc biệt nhấn mạnh là thiết kế đô thị cần phải kết hợp được yếu tố xã hội, nhân văn với thiết kế. Joseph Hudnut, trợ lý của Hegemann, đã trở thành trưởng khoa quy hoạch trong trường đại học kiến trúc Comlumbia và sau này là người sáng lập ra Trường Thiết kế của Đại học Harvard. Với chức vị đó, Hudnut đã là người mở đầu cho việc đào tạo thiết kế đô thị theo trường phái hiện đại ở Mỹ, với trọng tâm chính là ý tưởng của Hegemann về phối hợp các lĩnh vực khác nhau như kinh tế, xã hội, nhân văn, thiết kế thành một ngành mới là civic design mà sau này cũng gọi là thiết kế đô thị.

Trong thời gian đó, nhóm chủ trương phân tán đô thị theo mô hình đô thị vườn cũng có những hoạt động đáng kể. Quan trọng nhất là Raymond Unwin, tác giả các cuốn Nothing Gained by Overcrowding (1912), Town Planning in Practice (seventh edition 1920) và chủ trì thiết kế khu Letchworth Garden Suburb 1903–1920s. Ý tưởng chủ đạo là giải tỏa mật độ trong các khu trung tâm đô thị cổ bằng cách tạo ra các đô thị vệ tinh nhỏ tương đối khép kín ở ngoại ô. Quan điểm của ông sau này được nhà lý luận đô thị học hàng đầu nước Mỹ là Lewis Mumford rất ủng hộ. Nhưng người thực hiện những ý tưởng này trên thực tế ở Mỹ lại là Frederick Law Olmsted và học trò của ông là John Nolen, cả hai là giáo sư ngành thiết kế cảnh quan của trường Harvard. Những công trình tiêu biểu của Nolen là khu Charlotte’s Myers Park và các thành phố như Mariemont, Ohio, Kistler, Pennsylvania và Venice, Florida. Nolen đề xuất “Nguyên lý Mỹ” cho việc quy hoạch một đô thị nhỏ từ 25.000-100.000 dân, tương đối khép kín, với vành đai xanh khống chế xung quanh, có trung tâm đô thị, một số mẫu nhà ở, cấu trúc khu ở, hệ thống công viên, đất sản xuất công nghiệp, giao thông phân cấp, kết nối vùng v.v. Nói chung, nhóm phân tán này không cùng chí hướng với CIAM, nhưng họ là một nguồn cung cấp ý tưởng và kinh nghiệm thực tế mang tính nền tảng cho đô thị học, đặc biệt là cho New Urbanism sau này. 

  • Ảnh bên: Khu vực cải tạo đô thị Bệnh viện Michael Reese trước (a) và sau khi được tái thiết (b). 
     

Nhóm Tiên Phong 

Sự bất đồng quan điểm giữa tập trung, cao tầng và phân tán, thấp tầng trong thế hệ Sáng Lập đã dẫn đến những đối lập ngày một rõ rệt trong nhóm Tiên Phong. Nhóm Tiên Phong này nhìn chung dựa trên cơ sởý tưởng chủ đạo đã được đưa ra từ thế hệ sáng lập, và có bổ sung thêm. Clarence Perry đưa ra ý tưởng về “neighborhood unit,” là một tổ chức không gian, xã hội xung quanh một cụm trường học các cấp và cho đó là modul cơ bản của đô thị. Nguyên lý này được Clarence Stein và Henry Wright áp dụng trong đô thị vườn Radburn – New Jersey 1929. Những người theo trường phái CIAM như Sigfried Giedion (1966) thì phê phán giải pháp “neighborhood unit,” và cho rằng cần phải bao quát toàn bộ đô thị như một thể thống nhất chứ không thể chia nó ra thành những modul biệt lập. 

Một nhân vật chuyển tiếp đặc biệt là Sert. Ông này vốn là thành viên kỳ cựu của CIAM, người tổng kết những kết quả của CIAM trong cuốn Can Our Cities Survive? Do viết cuốn này và với cương vị là trưởng khoa, chịu trách nhiệm về phương hướng đào tạo, ông đã góp phần đáng kể vào việc quảng bá tư tưởng CIAM. Sau này sang Mỹ, ông lại được sự ủng hộ của những thành viên cự phách trong CIAM lúc đó đang giữ những cương vị chủ chốt ở Harvard như Walter Gropius, Sigfried Giedion, Joseph Hudnut. Mặt khác, ông lại là fan hâm mộ Lewis Mumford, vì thế lại có sự đồng cảm nhất định với quan điểm đối lập. Khoảng năm 1941, Sert được coi là đại diện của CIAM ở Mỹ nhưng với một số cải biên. Ông ủng hộ ý tưởng “neighborhood unit,” muốn đưa yếu tố tỷ lệ con người, sự thân thiện với con người vào trong mô hình của CIAM, nhưng đồng thời muốn bảo vệ ý tưởng về sự tập trung đô thị của CIAM. Từđóông đưa ra ý tưởng về trung tâm đô thị trong tầm bán kính đi bộ. Dưới cương vị là phó chủ tịch CIAM từ 1944-1952, ông luôn tìm cách đưa quan điểm này vào phổ biến trong CIAM. Cuốn sách thứ 2 của ông, The Heart of the City (1952), tập trung vào ý tưởng trung tâm đô thị với tỷ lệ con người này, trong đó có phân tích về những đổi mới trong quy hoạch đô thị ở Mỹ và châu Âu. Sert giảng dạy ở Mỹ từ năm 1940, và từ năm 1953, khi ông được bổ nhiệm làm trưởng khoa kiến trúc của Harvard thì nền tảng đào tạo ngành thiết kế đô thị Mỹđược định hình. Sert, với ảnh hưởng của Mumford, hình dung thiết kế đô thị là một ngành nghiên cứu không gian ba chiều, tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực: kiến trúc, quy hoạch đô thị, thiết kế cảnh quan, mỹ thuật, nhằm cải thiện môi trường đô thị. Việc ông nhấn mạnh yếu tố 3 chiều cho thấy nguồn gốc CIAM cũng như chủ trương lấy kiến trúc làm trọng tâm trong thiết kế đô thị. 
 

Nhóm Phát Huy 

Đô thị học Hậu chiến nhận được sự đóng góp nhiều nhất của nhóm kiến trúc sư Philadelphia là Oskar Stonorov, Edmund Bacon, Robert B. Mitchell và Louis Kahn. Nhóm này vừa chịu ảnh hưởng của CIAM, vừa của Eliel Saarinen, người chủ trì chương trình đào tạo thiết kế đô thị tại Cranbrook Academy. Năm 1947, nhóm này làm một triển lãm kiến trúc, với hơn 400.000 người xem. Thông điệp tại triển lãm này khác hẳn đường lối CIAM. Thứ nhất, đô thị tương lai cần phải kế thừa bản sắc truyền thống và mọc lên từ quá khứ. Thứ hai, nhiệm vụ của quy hoạch là làm sao kết hợp được một loạt các dự án riêng rẽ vào trong một cấu trúc đô thị hiện hữu để tạo ra được một kết quả hài hòa mà không cần phải phá hủy hàng loạt cấu trúc cũ. Thứ ba, trung tâm đô thị phải được đặc biệt chú trọng như cửa sổ, hay mặt tiền đô thị. Và cuối cùng là các khu ở thì cần nhiều không gian trống, nhà cửa tốt hơn và cần được tách khỏi luồng giao thông chính để có được sự yên tĩnh. Tóm lại, quan điểm của nhóm này là làm sao kết hợp những giá trị lịch sử với hiện đại hóa, vừa đảm bảo không gian cho người đi bộ, vừa thuận lợi cho giao thông ô tô. Tư tưởng này được thể hiện rõở tiêu đề bài viết: “Liệu pháp Philadelphia: Xử lý ổ chuột bằng Penicillin chứ không phải phẫu thuật” trong tạp chí Architecture Forum 1952. Một planning commission (hội đồng quy hoạch) của Philadelphia được lập ra từ 1943 để thực hiện những ý tưởng nêu trên. Chương trình cải tạo Philadelphia bao gồm 75 dựán công, tư và được dư luận Mỹ đánh giá rất cao. Edmund Bacon, chủ tịch hội đồng quy hoạch Philadelphia 1949-71, được tờ Time Magazine coi là nhà quy hoạch xuất sắc nhất nước Mỹ lúc bấy giờ (1964). 

Đầu thập kỷ 60, Martin Meyerson và Jacqueline Tyrwhitt của Harvard xuất bản một cuốn sách kinh điển, tổng kết những công trình tiêu biểu về thiết kế đô thị ở Mỹ và châu Âu, cả Mỹ La tinh, thể hiện những nguyên tắc cơ bản của ngành thiết kế công nghiệp thời kỳ Hậu chiến. Đáng chú ý là trong cuốn sách này không có dự án Stuyvesant Town (1947), một dự án lớn với 18 block nhà, 11.500 căn ở hạ Manhattan. Sự bỏ sót này báo hiệu trước một rạn nứt trong lý thuyết thiết kế đô thị sẽ ngày một toác rộng trong những năm 60 và 70. Những tiếng nói phản biện xuất phát từ lĩnh vực xã hội học, rồi lan sang cả lĩnh vực kỹ thuật, thiết kế không gian, với những tên tuổi như Jane Jacobs (1961), Kevin Lynch (1960), Gordon Cullen (1961), Christopher Tunnard và Boris Pushkarev (1963), Robert Venturi, Denise Scott Brown và Steven Izenour (1972), Colin Rowe và Fred Koetter (1978), và William H. Whyte (1980).

Trước Jane Jacobs cũng từng có nhiều người phê phán thiết kế đô thị hiện đại từ góc độ xã hội học như: Catherine Bauer (1934, 1945), Reginald Isaacs (1948), Ruth Glass (1948). Họ đặc biệt phản đối ý tưởng “neighborhood unit”, vì lý do chúng có xu hướng co cụm cục bộ, không hướng tới sự phát triển chung của toàn đô thị và mở đường cho những sự phân biệt đẳng cấp, chủng tộc. 

Những người sau này như Jacobs, Lynch, Cullen, Venturi/Scott-Brown/Izenour, Rowe và Whyte thì đặt trọng tâm vào việc phê phán không gian đô thị hiện đại và phát triển quan điểm đối lập với những giá trị đô thị như tính cá thể, bản sắc, lịch sử, đa dạng v.v. Họ cũng chuyển hướng nghiên cứu, không chú trọng quy hoạch toàn đô thị, mà quan tâm đến những dự án cụ thể như một không gian công cộng, một tuyến phố. Họ cho rằng kiến thức về đô thị học cần được thu thập thông qua việc quan sát hoạt động và phản ứng của người dân trong các không gian đô thị cụ thể. Ý tưởng của họ là phải tạo ra những không gian hữu cơ, thân thiện, có thể đi bộ, và đa dạng công năng. Họ đặc biệt nhấn mạnh việc phải hiểu được mối quan hệ mật thiết giữa những hình thái đô thị và các yếu tố kinh tế, văn hóa xã hội, tự nhiên đã tạo nên chúng. Dựa trên những bài học kinh nghiệm rút ra từ công trình của Giambattista Nolli – Pianta Grande di Roma (1748) và Camillo Sitte về các không gian công cộng ở châu âu (1889), những tác giả này (đặc biệt Rowe và Koetter, Cullen, Whyte và Jacobs) đã tập trung vào phân tích những yếu tố cụ thể của đô thị như độ lớn của block, chiều rộng của đường, cách tổ chức không gian công cộng. Bằng việc chú tâm vào quy mô nhỏ như khu ở, block nhà, họ hướng sự quan tâm của các nhà quy hoạch vào những cảm xúc cá nhân của người dân đô thị. Trên cơ sở đó, họ phát triển phương pháp quy hoạch đô thị từ dưới lên. Dần dần, tất cả những nghiên cứu này mở ra một hướng đi mới, nền tảng mới cho thiết kế đô thị. Đến cuối thế kỷ 20, trường phái này bắt đầu được áp dụng vào thực tế, trong các dự án tiêu biểu như: Battery Park City (New York), RestonCityCenter (Virginia) và St Lawrence (Toronto). 

Sự hình thành trào lưu tư tưởng mới này được nảy sinh từ rất nhiều hoạt động nghiên cứu, thiết kế từ những năm 1950. Nhưng quan trọng nhất phải kể đến vai trò của Rockefeller Urban Design Studies Program. Chương trình này đã cấp rất nhiều học bổng cho những hướng nghiên cứu mới về thiết kế đô thị, chẳng hạn như các nghiên cứu của Kevin Lynch, E.A. Gutkind, Jane Jacobs, Edmund Bacon, Christopher Alexander và Christopher Tunnard. 

Khởi nguồn cho những tìm tòi mới về thiết kế đô thị là mấy sự kiện lớn sau ở Mỹ: Đạo luật về nhà ở và giải tỏa ổ chuột năm 1949, với hậu quả là một làn sóng đập phá và xây mới khắp nơi. Đạo luật về Đường cao tốc 1956, với một hệ thống đường liên bang, xẻ ngang dọc qua các vùng miền. Và hiện tượng phát triển ngoại ô tràn lan thời hậu chiến. Những vấn đề này đã khơi gợi nhu cầu của các học giả về việc làm thể nào hiểu rõ hơn bản chất, cơ chế của đô thị cũng như tìm ra giải pháp tối ưu cho phát triển đô thị. Kevin Lynch phân tích cơ chế cảm nhận không gian của con người. Edmund Bacon dùng những ví dụ lịch sử và đương đại để làm rõ cấu trúc không gian từ vùng đến đô thị, khu ở, đặc biệt nhấn mạnh không gian công cộng. Christopher Tunnard lên án những khu ngoại ô xấu xí. Và quan trọng nhất là Jane Jacobs, vừa phân tích những vấn đề cơ bản của đô thị hiện đại, vừa đề xuất được những giải pháp, hướng đi rất cơ bản cho đô thị học tương lai, gần như được coi là “kinh thánh” trong lĩnh vực thiết kế đô thị. 

Trào lưu xây dựng và cải tạo đô thị đã đẻ ra nghề thiết kế đô thị với những chuyên gia tư vấn như Victor Gruen, Lawrence Halperin và I.M.Pei. Gruen là nhân vật đặc biệt quan trọng. Mô hình tái tạo trung tâm đô thị bằng khu đi bộ và mô hình trung tâm thương mại ngoại ô trong dựán Fort Worth (1956) của ông đã được nhân rộng trên 200 thành phố tới năm 1980. I.M.Pei nỗ lực cải tạo những khu ở và trung tâm thương mại, dân sự trong đô thị. Nói về sản phẩm của các nhà thiết kế đô thị Mỹ, có thể nhìn chung là ở thời kỳ đầu của làn sóng cải tạo, xây dựng đô thị (sau 1943) thì chủ yếu là phá sạch xây mới, với mô hình chung cư, cao ốc theo phương thức CIAM. Từ những năm 60, 70 có sự chuyển đổi dần dần theo cách tư duy mới. Đặc biệt nổi trội là nhóm New York’s Urban Design Group. Ban đầu, các nhà quy hoạch chủ yếu tuân thủ các luật lệ đã được đề ra, nhưng sau này, họ nhận thấy quy hoạch không được bị lũng đoạn bởi giới tài chính và chính trị, ngược lại vai trò của nhà quy hoạch làđịnh hướng cho các thành phần khác nhau trong xã hội có thể cùng nhau tiến tới những mục tiêu chung. Từ đó, họ đã góp phần đáng kể vào việc hiểu và cải tiến luật pháp trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, nhóm New York này đã sáng kiến ra hai công cụ phân vùng rất hiệu quả: thứ nhất là “incentive zoning”, tức là dành ra một số khu để đổi đất cho nhà đầu tư lấy hạ tầng công cộng và “special districts to achieve desired design objectives”, tức là khoanh ra một số đặc khu nhằm đạt được những tiêu chí thiết kế mang tính chiến lược. Trong đặc khu này, nhà quy hoạch sẽ đưa ra một số tiêu chí chiến lược, rồi xét xem mỗi khu nhà, mỗi chủ sở hữu sẽ có thể làm gì để góp phần đạt được tiêu chí đó. Sau khi đã xác định, họ thuyết phục các chủ sở hữu, các nhà đầu tư làm theo quy hoạch, và mỗi người sẽ được hưởng một lợi ích nào đó tương ứng với đóng góp của họ. Kết quả của quá trình này là tạo ra một số tiến bộ về đô thị như nhiều không gian công cộng hơn, giao thông thuận tiện hơn, tiện ích khu ở tốt hơn, công bằng xã hội hơn v.v. tùy theo dự án, nhưng vẫn giữ lại được những giá trị lịch sử cốt yếu khác của khu vực đó. Ví dụ về việc áp dụng giải pháp này là dự án phố Greenwich ở Hạ Manhattan, Time Square, Lincoln Center, khu ở Clinton. Tới cuối thế kỷ 20, đã có trên 500 khu công cộng nằm trong sở hữu tư nhân và khoảng 125 đặc khu đô thị như trên được hình thành. Trong thập kỷ 70, Whyte đã cải tiến kỹ thuật “incentive zoning” ở New York qua việc nghiên cứu và quay phim những hành động, ứng xử của người dân để đưa ra những chi tiết thiết kế đô thị tối ưu. (Whyte 1980). 

Tại Boston, kiến trúc sư Ben Thompson và nhà đầu tư James Rouse đã đưa ra mô hình tái thiết trung tâm đô thị với những khu ở được cải tạo nhẹ nhàng, thêm vào đó các chức năng đa dạng như khu đi bộ, trung tâm thương mại, khu ẩm thực v.v. Mô hình này đã được hai người này nhân rộng thành công ở Baltimore và ít thành công hơn ở New York. 

Thông qua những thử nghiệm, rút kinh nghiệm, nhóm Developers này đã đưa ra được nhiều giải pháp chi tiết, từ kích thước tòa nhà, chiều rộng đường, cảnh quan, phân khu v.v. để có thể tạo ra những môi trường đô thị hài hòa, hiệu quả. Những kinh nghiệm này tạo thành nền tảng cho công tác thiết kế đô thị ngày nay. Những kinh nghiệm đó được tổng hợp trong một số tác phẩm chính như Great Streets (Alan Jacobs, 1995), The American City: What Works What Doesn’t (Alex Garvin, 2002) và cuốn sổ tay Street Design Manual của sở giao thông New York (2009). 

Trong cùng thời gian trên, ở châu Âu cũng có những chuyển biến nhất định. Một làn sóng xây dựng đô thị đã nổ ra sau thế chiến, với hàng chục triệu căn hộ được xây dựng. Có rất nhiều chương trình phát triển đô thị khác nhau, với những đặc thù của từng nước, từng vùng, nhưng hầu hết đều mang đậm sắc thái của CIAM, hoặc CIAM sau cải biên của Sert những năm 40. Riêng ở Anh và Hà Lan, các nhà quy hoạch tỏ ra không thỏa mãn với những cải biên này. Chương trình đô thị hóa ở Anh bao gồm việc xây dựng hàng chục ngàn nhà ở trong nội đô Luân Đôn và 8 đô thị mới ở vùng phụ cận. Hà Lan cũng đưa ra hàng loạt chương trình nhà ở tại hầu hết các đô thị lớn. Đối với hai nước này, nguyên lý cơ bản của CIAM về việc phân chia đô thị thành 4 vùng công năng chính bị coi là không phù hợp và không quan trọng. Họ đòi hỏi một giải pháp may đo hơn, ít cơ giới hơn để phù hợp với bối cảnh văn hóa, lịch sử, kinh tế xã hội, địa lý, tự nhiên của từng vùng. Họ đã nhiều lần thổ lộ quan điểm của mình tại các hội nghị của CIAM. Năm 1954, một nhóm kiến trúc sư dẫn đầu bởi Peter và Alison Smithson, Anh quốc và Jaap Bakema của Hà Lan, gọi là nhóm Team 10, đã họp riêng tại Doorn, Hà Lan, để tổng hợp tất cả những tín điều của mình thành 8 mục, gọi là Cương lĩnh Doorn – Doorn Manifesto. Họ đề xuất một phương pháp phân tích đô thịtheo 4 khía cạnh: Nhà, Đường, Khu phố và Thành phố. Họ chịu ảnh hưởng lớn của nhà xã hội học tiên phong Patrick Geddes người Scotland. Ông này chuyên dùng hình ảnh “mặt cắt thung lũng” để chỉ ra mối quan hệ khăng khít giữa hoạt động con người với điều kiện thiên nhiên. Trong mặt cắt thung lũng, mỗi vùng từ cao đến thấp, bằng hay dốc sẽ tương ứng với những hoạt động, công năng khác nhau. Các nhà quy hoạch áp dụng mô hình mặt cắt này vào đô thị, và cho rằng từ đỉnh núi đến đáy thung lũng sẽ tương ứng với những loại hình xây dựng đặc trưng khác nhau. Mô hình này của họ rất gần về lý thuyết với mô hình mặt cắt New Urbanism của Andres Duany ngày nay. Trong mô hình này, từ trung tâm ra đến ngoại ô sẽ tương ứng với những chương trình hoạt động đô thị khác nhau. 


Bản vẽ của Patrick Geddes (a), Team 10 (b), và New Urbanism (c)
Ghi chú: Nhóm 10 dựa vào tác phẩm của Patric Geddes, Mặt cắt Thung lũng (Valley Section) (1905), để minh hoa các mô hình cho thiết kế. Năm thập kỷ sau, Andres Duany đề xuất một mô hình tương tự, Transect (lát cắt), để minh họa các ý tưởng về tổ chức vùng trong Đô thị học Mới. 

Một đệ tử khác của Geddes là Ian McHarg, sau này thành giáo sư về cảnh quan ở đại học Penn, Mỹ. Cũng giống như bạn ông là Mumford, McHarg rất bất bình với chương trình đào tạo kiểu CIAM màông đã tự phải trải qua, nhất là vì chương trình này gần như không chú trọng chút nào điều kiện tự nhiên, địa lý, cảnh quan. Quan điểm của ông, cũng trở thành trường phái giảng dạy tại Penn, được thể hiện rõ trong cuốn sách kinh điển của ông - Design with Nature (1969).
Về khía cạnh xã hội học trong thiết kế đô thị thì có hai tác phẩm chính của Michael Young và Peter Wilmott – Family and Kinship in East London (1957), và Herbert Gans, The Urban Villagers: Group and Class in the Life of Italian-Americans (1962). Các tác giả này đi sâu nghiên cứu mối quan hệ xã hội, gia tộc, khu phố v.v. giữa các cư dân đô thị và kêu gọi những giải pháp thiết kế đô thị có lưu ý đến các loại quan hệ tâm lý, xã hội này. Một số nhà quy hoạch như Smithsons đã hưởng ứng lời kêu gọi này và đưa ra giải pháp “phố trên không”. Đây là giải pháp nhà cao tầng có phố chạy quanh, tương tự như một dãy phố truyền thống được cuộn thành hình xoắn ốc lên cao. Giải pháp này ban đầu làý tưởng dự thi cho Golden Lane 1952. Sau này đã được thử nghiệm ở Robin Hood Gardens (1967), ở Luân Đôn và Chicago, nhưng nói chung đều thất bại, cả vì lý do bất hợp lý của giải pháp kiến trúc, quy hoạch lẫn bản thân ý tưởng “phố trên không”

Nói chung, những vấn đề của các dự án theo quan điểm hiện đại CIAM hoặc cải biên đã gặp trục trặc ở khắp nơi, châu Âu cũng như Mỹ, dẫn tới sự hình thành nhiều lý thuyết mới, đa số đều xoay quanh ý tưởng về một đô thị đa dạng, phức tạp, nhiều chiều. Một số nhà lý luận như Christopher Alexander thì tập làm rõ nhưng nguyên lý tổng thể, giải thích tại sao người ta lại có xu hướng tạo ra những đô thị đơn giản, máy móc, hữu cơ và vì sao bản chất đô thị là một tổ chức phức tạp gồm nhiều lớp lang chồng lên nhau. Một số người khác như Cullen, Rowe, Lynch thì chú trọng hơn vào việc phát triển những quy chuẩn, công cụ và giải pháp cụ thể để đạt hiệu quả cao hơn. Năm 1987, Alan Jacobs và Donald Appleyard, của California viết cuốn Toward an Urban Design Manifesto (1987), tổng hợp hết những trào lưu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn mới, với tham vọng thay thế cho Hiến chương Athen của Le Corbusier. Trong tác phẩm này, nói chung thiết kế đô thị có xu hướng tập trung vào các dự án quy mô nhỏ, như những không gian công cộng, đường phố, quảng trường v.v. với nhiều khía cạnh lịch sử, văn hóa xã hội, tổ chức v.v. phức tạp của nó. 

Một số chủ đề khác được nhóm Developers triển khai là ”Tham gia cộng đồng”, “Chủ nghĩa địa phương”, “Quản trị phát triển”, “Phát triển bền vững”. Cơ sở của chúng trong thời kỳ những năm 70, thời của những Developers còn rất chập chững, mỏng manh nhưng những gốc rễ cơ bản đã được xác lập vào thời kỳ này. 

Jane Jacobs là người khởi xướng việc đưa những kiến thức, kinh nghiệm của cộng đồng địa phương vào quy hoạch. Ý tưởng này được phát triển thành trường phái “advocacy planning,” Paul Davidoff (1965) và Roger Montgomery (1966). 

Ý tưởng về chủ nghĩa địa phương (regionalism) bắt nguồn từ chính hiến chương Athen, trong đó nói rõ vùng là yếu tố quan trọng chứ không chỉ đô thị. Sau đó nhóm Team 10 kết hợp với ý tưởng mặt cắt thung lũng của Geddes thể hiện rõ sự cần thiết phải nghiên cứu vùng trong quy hoạch. Edmund Bacon thì đưa ra ví dụáp dụng nguyên tắc quy hoạch vùng trong đồán quy hoạch Philadelphia (1976). 

William H.Whyte thì đề xuất những giải pháp thực hiện nhằm tăng cường hiệu quả việc bảo tồn tự nhiên và di tích tại các khu vực ngoại ô trước trào lưu đô thị hóa tràn lan, từ đó đặt nền móng cho ý tưởng kiểm soát phát triển. (1959) Robert Yaro đã phát huy ý tưởng này trong đồ án đoạt giải Dealing with Change in the Connecticut River Valley, A Design Manual for Conservation and Development (1988). 

Những ý tưởng đầu tiên về quy hoạch cấu trúc vùng (regional pattern) đã có khởi điểm từ những nghiên cứu xã hội học ở vùng Boston, Washington (Gottman 1961). Peter Calthorpe WilliamFulton đã triển khai quan điểm này ra toàn nước mỹ (2001). Kỹ thuật cơ bản của họ làđưa ra những kịch bản khác nhau về cấu trúc vùng, dựa trên những điều kiện phát triển khác nhau. Gần đây nhất là những nghiên cứu của Jonathon Barnett và Robert Yaro về ảnh hưởng của các cấu trúc tự nhiên và giao thông trên diện rộng tới thiết kế đô thị (2007). 

IanMcHarg là người đi tiên phong cho phong trào phát triển bền vững với rất nhiều ý tưởng về quy hoạch xanh, cảnh quan đô thị hiện đại. Sự hấp dẫn của trào lưu sinh thái trong thiết kế đô thị thể hiện đặc biệt rõở số lượng đông đảo trên 400 thành viên tham gia hội nghị “Re-imagining Cities: Urban Design After the Age of Oil,” của Rockefeller Foundation năm 2008 tại đại học Pennsylvania. 
 

Kết luận 

Thiết kế đô thị xuất hiện trong bối cảnh trào lưu đô thị hóa rầm rộ khắp Âu Mỹ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Có thể nói phần cốt lõi trong lịch sử của nó là từ khoảng 1920 đến 1970, và chia làm 3 giai đoạn theo 3 nhóm tác nhân, nhóm “Founders”, ”Pioneers”“Developers”. Ban đầu, vấn đề đặt ra là thiết kế một đô thị hoàn toàn mới. Có 2 trường phái chính, gốc từ châu Âu, một là kiểu cao ốc trong công viên, với mật độ tập trung cao, với liên hệ vùng rộng của CIAM và thứ hai là kiểu phân tán thành các đô thị vườn mật độ thấp và tương đối tự cung tự cấp của Anh. Sang đến Mỹ thời kỳ Hậu chiến, hai ý tưởng gốc này biến thái thành hai giải pháp cơ bản: Khu trung tâm đô thị đi bộ, mật độ cao và các “neighbourhood unit”. Cả hai giải pháp này đều đã có thời kỳ giữa bị coi là kém hiệu quả, nhưng gần đây lại hồi sinh thông qua New Urbanism. 

Những mô hình duy ý chí kiểu quy chuẩn hiện đại ban đầu được áp dụng khắp nơi, sau này bị lên án, khi nhiều người bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn các đặc trưng lịch sử, tự nhiên, kinh tế văn hóa cũng như tâm lý sống của cư dân từng khu đô thị. Người ta nhận thấy là đô thị là một thực thể nhiều chiều và phức tạp hơn nhiều so với những gì mô hình không gian hiện đại kia đề xuất. Từ việc quy hoạch mới cả đại đô thị, người ta chú trọng thiết kế từng góc nhỏ trong đô thị, cài đặt chúng một cách hữu cơ vào cấu trúc hiện hữu. Vấn đề quy trình thiết kế và vai trò của người thiết kế cũng được đặt lại. Từ lối quy hoạch từ trên xuống, với nhà quy hoạch toàn quyền sinh sát, tới xu hướng tham gia cộng đồng, từ dưới lên, trong đó nhà quy hoạch đóng vai trò tư vấn, kết nối. 

Ngược lại, một số nhóm lại chú trọng vào tầm vĩ mô hơn nữa, tức là kết nối cả hệ thống sinh thái, tự nhiên nhân văn trên diện rộng, thậm chí toàn cầu. 

Nói chung, trong suốt chiều dài lịch sử của nó, thiết kế đô thị đã tìm cách thử trả lời những câu hỏi mà thực tế đặt ra, thử nghiệm và thay đổi rất nhiều giải pháp để có được hệ thống công cụ và kiến thức này nay. Đặc biệt đáng chú ý là tính có tổ chức của lịch sử này. Cả ba nhóm tác nhân nói trên đều thường xuyên cộng tác, trao đổi với nhau thông qua những hội nghị, hội thảo, sách vở, chương trình giảng dạy, nghiên cứu v.v. vì thế các trào lưu tư tưởng của từng thời kỳ tương đối có tính nhất quán và rõ ràng. 

GS Eugénie Birch, Giám đốc Viện nghiên cứu đô thị thuộc Đại học Pennsilvania
TS Phó Đức Tùng (lược dịch) 
(Bài đăng Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 13 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo