Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Chữ “an” trong quy hoạch và phát triển đô thị

Chữ “an” trong quy hoạch và phát triển đô thị

Viết email In

Trong phát triển xã hội nói chung và phát triển các đô thị nói riêng, “an ninh, an toàn, an sinh và an dân” bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu và quan trọng bậc nhất.

Đó chính là mục tiêu tối thượng của phát triển, là nhiệm vụ của chính quyền được dân tin cậy giao phó và là mong đợi của người dân đối với chính quyền. “An cư lạc nghiệp” luôn là niềm mong ước của tất cả các thế hệ người Việt Nam.

  • Ảnh bên : Đường lớn không có vỉa hè... (ảnh chụp trên đường xuyên A, Q.12, TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.

Trong một thời rất dài, nhiều quốc gia đã coi nhẹ chữ “an” mà đặt các mục tiêu khác lên hàng đầu như chạy theo tăng trưởng kinh tế, chạy đua vũ trang, bành trướng quyền lực chính trị. Cố nhiên các chính khách cũng có lý khi họ nói rằng khi có nhiều tiền sẽ lo được cho mọi người, nhưng thực tế để tích lũy cho đến khi có thật nhiều tiền thì có quá nhiều thứ phải hi sinh như môi trường tự nhiên, môi trường sống... Mà người hi sinh đầu tiên lại là dân nghèo và những người không có khả năng tự bảo vệ. Do vậy trong những năm gần đây nhiều quốc gia đang nhận thức lại mục tiêu của tăng trưởng và phát triển. Tăng trưởng vì con người chứ không phải hi sinh con người cho tăng trưởng.

“An” trong đời sống đô thị liên quan rất nhiều tổ chức, lực lượng và hành động khác nhau, trong đó nó liên hệ chặt chẽ trước tiên đến việc quy hoạch đô thị. Quy hoạch trước hết là sự xác lập vị trí, bố cục, sắp xếp các vật thể và con người trong không gian ba chiều. Việc sắp xếp này có thể đưa con người đến trạng thái an bình nhưng cũng có thể đưa đến bất an. Mặc dù cẩn trọng đến như thế nhưng không biết bao nhiêu thành phố đã biến mất hoặc rơi vào thảm họa do ngay từ đầu xác định sai vị trí và sai lầm khi chọn hướng phát triển.

Quy hoạch đô thị không phải chỉ đơn giản là bài toán hình học và cơ học như nhiều người lầm tưởng mà trước hết là bài toán của chính trị và kinh tế - xã hội, trong đó các nhà chính trị chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Vì nói cho cùng các nhà quy hoạch chỉ là các nhà kỹ thuật chuyên môn, còn quyết định cuối cùng lại thuộc về nhà chính trị.

Nhiệm vụ của quy hoạch và kiến trúc không chỉ tạo ra những khu nhà hoành tráng, những con đường cao tốc, những khu dịch vụ sầm uất cho con người sống và làm việc mà còn phải tạo ra môi trường sống an toàn, an ninh cho tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo. Một thành phố giàu có, hoành tráng sẽ không có ý nghĩa một khi con người ta sống trong đó lúc nào cũng cảm thấy sinh mạng bị đe dọa. 

  • Ảnh bên : Khu đô thị mới ở Hà Nội bị ngập nước trong trận mưa cuối tháng 10/2008

Ở thành phố chúng ta công tác quy hoạch đã được chú ý và có được những thành quả, nhưng do nhiều yếu tố khác nhau mà công tác quy hoạch chưa thật sự thỏa mãn được sự “an” cho xã hội, người ta có thể liệt kê ra rất nhiều ví dụ cho trường hợp này.

Khi cắt rời khu dân cư ra để phát triển một đại lộ, người ta đã thành công trong giao thông, còn chủ nhân của hàng nghìn căn nhà hoan hỉ vì bỗng chốc nhà trở thành mặt tiền nằm sát ngay rìa đại lộ, nhưng cũng chính từ đây cuộc sống của người ta bị rơi vào tình trạng mất an toàn. Không ở đâu trên thế giới này đường cao tốc lại có vỉa hè và nhà rải sát dọc trục đường. Giá như người ta giải tỏa rộng thêm một chút làm lộ giới an toàn và dải phân cách mềm thì đời sống người dân an toàn hơn, cho dù có tốn kém hơn.

Ở những vùng trũng phía nam, người ta tạo ra những khu dân cư hiện đại, bề thế và an ninh, an toàn rất tốt cho cư dân tại chỗ, nhưng chính khu dân cư này lại chiếm mất nơi mà trước kia nó là vùng chứa nước mưa, nước triều dâng. Việc phát triển đô thị ở khu vực này đã đẩy nước sang khu vực khác, làm nhiều khu dân cư khác rơi vào tình trạng bất an do nước ngập ngày càng dữ dội.


Vụ hỏa hoạn cạnh Trụ sở Đài truyền hình trung ương Trung quốc (CCTV) 

Sự thật thì công tác quy hoạch và xây dựng kế hoạch tốt đến mấy cũng không thể tránh khỏi những sai sót, kể cả những rủi ro bất thường ngoài ý muốn. Nhưng một chính quyền có tài, có tầm (khả năng nhìn xa), có tâm (đạo đức) có thể loại trừ hay tránh được những yếu tố chi phối làm cho công tác hoạch định chính sách sai lạc như quyền lực đen, tiền bạc (tham nhũng), những sự nôn nóng duy ý chí và cả sự ngây ngô ấu trĩ. Người làm quản lý tốt không chỉ tính toán hoạt động của một hệ thống trong trạng thái bình thường mà cả khi bất thường của tự nhiên (bão lụt, động đất), của xã hội (bạo động, cháy nổ, tai nạn dây chuyền...) để giảm thiểu rủi ro, tăng độ an toàn cho xã hội.

Cơ quan công quyền của một thành phố có nhiều chức năng, trong đó chức năng bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh và an dân cho một thành phố bao giờ cũng đặt ở mức cao nhất và chính quyền nhà nước có đủ điều kiện trong tay vì có đội ngũ nhân lực mạnh, có quyền lực, có luật pháp, có tài chính và có phương tiện kỹ thuật hiện đại... Không phải vô cớ mà ngày xưa người ta gọi giới lãnh đạo là “quan chi phụ mẫu” theo nghĩa đẹp của từ này.

TS Nguyễn Minh Hòa

>> Đô thị làng quê bền vững ở châu Âu – Kinh nghiệm phát triển

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo