Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Phong thủy Từ vật liệu, chất liệu đến chất cảm

Từ vật liệu, chất liệu đến chất cảm

Viết email In

Chọn chất liệu gì đem đến cảm nhận phù hợp cho nhà mình là câu hỏi ngày càng thường gặp hiện nay trong quá trình xây nhà, đặc biệt ở giai đoạn hoàn thiện. Nếu như thời xa xưa khi xây nhà chỉ cần chuẩn bị gạch, gỗ là chính thì theo thời gian, sự phát triển vật liệu xây dựng ngày càng phong phú, phân nhánh, và thậm chí phức tạp. Với những ai không quen, quá trình “đi chợ” chọn lựa vật liệu (từ phần thô đến hoàn thiện) có thể gây “choáng” và mệt mỏi. Còn với những gia chủ có sự trợ giúp từ nhà chuyên môn, quản lý, giám sát thì… đỡ hơn đôi chút nhưng cũng đòi hỏi rất tập trung và dễ gây ra những va chạm trong quá trình này.

Bỏ qua các yếu tố giá cả, cách thức chọn lựa và kỹ thuật thuần túy, chuyện phong thủy khi chọn vật liệu xây nhà cũng đã và đang trở thành sức ép không nhỏ, và cần cả kiến thức, kỹ năng và thái độ đúng để ứng xử phù hợp.


Cùng là kiểu hoàn thiện tường có ốp gợn sóng, nhưng với 2 loại chất liệu, chất cảm, thuộc nhóm Ngũ Hành khác nhau, hiệu quả khác nhau.

Từ chọn vật liệu đến các nhóm chất liệu

Dù việc chọn lựa vật liệu nội thất cho nhà thường được các gia chủ tiến hành ở phần hoàn thiện, nhưng thực ra các ý tưởng và mong muốn biểu hiện đã hình thành từ phần thiết kế cho đến giai đoạn xây thô, thậm chí được nung nấu trước đó, tích lũy qua kinh nghiệm sống, trải nghiệm và cả những sai lệch trong nhận thức. Vật liệu xây thô đã có bảng dự liệu vật tư và đa số là phổ biến, dễ kiểm tra và với nhiều người thì “chìm trong khung xương nên cứ chọn loại tốt và đúng quy cách kỹ thuật” là chắc ăn rồi!

Tuy nhiên đến đoạn chọn vật liệu hoàn thiện thì không đơn giản như vậy.

Yêu cầu phong thủy cho vật liệu hoàn thiện, vật liệu nội thất nằm ở biểu hiện bề mặt có khả năng kết nối Trường Khí, hài hòa Ngũ Hành và tạo năng lượng tích cực trong không gian sống. Đó chính là nghệ thuật của sự dung hòa giữa nhu cầu và tiện ích, giữa các thủ pháp kỹ thuật đi từ bản chất cấu tạo đến phương cách xử lý bề mặt. Ta thấy nhà truyền thống xưa dựng khung lên rồi lợp mái gắn cửa là xong cơ bản và… xong luôn! Vì đại đa số vật liệu xây nhà xưa đều từ thiên nhiên và không có các lớp bao phủ hoàn thiện nhiều như vật liệu hiện đại (đóng trần thạch cao, lát gạch đá bóng bẩy hay ốp các tấm kim loại… vật liệu có tính Dương hơn). Nhà truyền thống dùng vật liệu nguồn gốc từ thiên nhiên, chỉ sơ chế, để bề mặt thô nhám, màu sắc sậm xuống theo thời gian… nghiêng về tính Âm nhiều.

Tuy vậy, các không gian cần nghỉ ngơi, yên tĩnh, đối nội, tâm linh… của nhà hiện nay vẫn thiên về cách dùng vật liệu tính Âm. Nguyên tắc phong thủy hiện đại khuyến khích cân bằng, hài hòa Âm - Dương khi sử dụng vật liệu để tạo sự thân thiện với con người. Theo Dịch Lý thì những vật liệu cứng và có bề mặt sáng, bóng loáng, màu sắc tươi khiến ánh sáng phản xạ mạnh hơn, mang tính Dương nhiều hơn. Những vật liệu xốp, mềm, màu sắc đậm và tối, bề mặt nhám… mang nhiều tính Âm hơn, và làm chậm dòng di chuyển của Khí hơn.

Do đó, từ việc chọn một số nhất định các vật liệu theo kiểu cũ, hiện nay gia chủ và nhà chuyên môn thường chọn theo nhóm chất liệu để dễ bề kiểm soát các chỉ định về phong cách và phong thủy mong muốn. Ví dụ, chủ nhà xác định phong cách hiện đại, tính Kim hợp mệnh gia đình, thì các nhóm chất liệu sẽ được tổng hợp sao cho tương thích những “gạch đầu dòng” đó. Cụ thể như nhóm chất liệu tính Kim thì mang màu sắc từ khoảng nào đến khoảng nào trên các bảng màu, có bề mặt từ bóng loáng đến bóng mờ, có đường nét khi gia công hoàn thiện, phối hợp các chất liệu với nhau theo mẫu hình nào… Từ đó, các nhà cung cấp vật liệu sẽ lần lượt tư vấn, đưa dữ liệu tham khảo, và tổng hợp nhóm chất liệu khớp với thiết kế và yêu cầu của gia chủ. Các thay đổi nếu có sẽ được ghi rõ và liên đới đến hệ khung xương, hệ kỹ thuật và nhất là tác động cụ thể của bề mặt chất liệu đó với người sử dụng. Vẫn là dùng gỗ công nghiệp làm tủ bếp, nhưng theo hành Kim nghĩa là bề mặt ván MDF có màu xám, màu trắng, bóng hoặc phản quang mờ, là một dạng chọn “ruột Mộc vỏ Kim” khá phổ biến hiện nay.

Thời của cảm nhận, cảm xúc và tương tác với chất liệu

Các vấn đề hay gặp của vật liệu nội thất hiện nay là chất cảm, màu sắc và độ bền trong quá trình tương tác. Cùng một loại vật liệu nhưng chịu tác động khác nhau của các yếu tố bên ngoài lẫn bên trong, nên cần xem xét tổng hòa theo Âm Dương và Ngũ Hành của bản thân ngôi nhà và gia chủ, chứ không phải trên thông số chung chung. Về phong thủy môi trường, các kiểu hoàn thiện vật liệu tốn nhiều công sức mài giũa, chế tác thủ công tại công trường càng nhiều thì càng gây ô nhiễm. Những gia chủ chuộng lối sống giản dị, ít thích hóa chất sơn phủ bề mặt phức tạp sẽ chọn cách hoàn thiện gọn ghẽ, ít tác động môi trường hơn.

Trong Tứ Đắc khi hoàn thiện nhà ở (bốn yếu tố bền vững, hữu dụng, thẩm mỹ và kinh tế) thì yếu tố bền vững hiện là xu hướng cốt lõi, mang tính quyết định các giải pháp, và bền vững phải hiểu rộng về mặt môi trường, khả năng thích ứng trước các biến đổi, chứ không đơn thuần là bền chắc.

Chọn vật liệu hoàn thiện nội thất dung hòa là cách chọn lựa sao cho các thông số liên quan mệnh trạch tương phối với gia chủ được tương hòa với dáng vẻ bề ngoài và chất cảm bề mặt. Đây là một hệ thống các tiêu chí tương tác qua lại với nhau, đòi hỏi nhiều bên hợp tác để tư vấn cho gia chủ đi đến chọn lựa tối ưu về phong thủy.

Cần quan niệm các thông số kỹ thuật phải đi cùng hình dáng thẩm mỹ và hiệu quả phong thủy. Ví dụ gia chủ thích một mảng tường ốp kính màu có hoa văn đẹp, chất liệu đắt tiền, nhưng nếu xem xét không phù hợp với đặc tính sử dụng (ví dụ kính soi vào giường ngủ), không hài hòa tỷ lệ không gian, bố trí sai phương vị và ngũ hành của phòng… thì chỉ được Tướng mà hỏng Số. Để dung hòa hai phần này, nhà chuyên môn và gia chủ phải cụ thể hóa được các tính toán và bố trí vật liệu nội thất theo từng trường hợp cụ thể, như phòng nhiều cửa sổ, ánh sáng mạnh thì chọn loại gạch nào, sơn nào, trong khi không gian sâu bên trong, ít sử dụng thì nên chọn loại nào phù hợp hơn. Không thể có một vật liệu tối ưu cho mọi không gian, cho nên “Hình nào thì Khí ấy” là triết lý chọn lựa vật liệu không theo cảm tính, giá cả hay duy mỹ thuần túy.


Hoàn thiện tinh tế mà ít “son phấn” với chất liệu - chất cảm mộc mạc là một đặc trưng của cách thức xây dựng truyền thống.

Cũng như các nguyên lý phong thủy khác, sử dụng vật liệu trong nhà cửa là hệ thống kinh nghiệm tích lũy và phát triển, biến đổi qua thời gian. Có nhiều nguyên tắc thời trước làm đúng nhưng thời nay không còn hợp môi trường và văn hóa hiện đại. Do đó, để khai thác vật liệu nội thất hợp phong thủy từ bản chất bên trong đến bề mặt bên ngoài, cần lưu ý các nguyên tắc sau:

- Tốt gỗ tốt cả nước sơn: vẻ đẹp vật liệu làm nên vẻ đẹp công trình, và cần giữ vững vẻ đẹp đó qua thời gian, thuận tiện cho việc sử dụng và bảo trì sửa chữa. Ngoài ra vật liệu khéo chọn sẽ tạo nên tính cách riêng, điểm nhấn bên trong cũng như ngoài nhà, tạo Nổi Bật Khí trong không gian sống.

- Nhà nào chất nấy: chọn vật liệu phù hợp với nhu cầu và kinh tế, nếu không đáng phải sử dụng vật liệu nội thất đắt tiền thì nên cân nhắc. Đây cũng là yếu tố Ngũ Hư trong phong thủy truyền thống: tránh lãng phí không gian, vật liệu, chi phí. Cha ông ta xưa chọn vật liệu rất thích đáng, bền chắc mà giản dị.

- Tốt khoe xấu che: vật liệu phải dùng thích đáng, đúng chỗ trong ngoài rạch ròi, tránh lẫn lộn, tránh dùng vật liệu thiếu bền vững để tiếp xúc với môi trường khắc nghiệt. Dùng vật liệu còn cần tương đồng nội khí với chức năng sử dụng (ví dụ phòng karaoke nên dùng vật liệu hút âm, phòng vệ sinh dùng gạch chống trơn).

Bản chất phong thủy là văn hóa sống truyền qua nhiều thế hệ, thường song hành cùng các quyết định quan trọng của đời người như “tậu trâu - cưới vợ - làm nhà”. Hoàn thiện một ngôi nhà không chỉ để ngắm nhìn mà phải căn cứ theo thực tế sử dụng. Đa số gia chủ chỉ hình dung ra không gian nhà mình khi nhà đã… làm gần xong, khi đó các tính toán để có bề mặt chất liệu đẹp, hợp phong thủy trở nên khó khăn. Do đó, cần xác định không có ranh giới giữa phần thô hay phần tinh (hoàn thiện) của nhà nếu như muốn chủ động điều chỉnh.

KTS Hà Anh Tuấn - ảnh: Khánh Phương

(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 198)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo
Bảng quảng cáo