Ashui.com

Tuesday
Oct 08th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Việt Nam khởi đầu Chương trình UN-REDD giai đoạn II

Việt Nam khởi đầu Chương trình UN-REDD giai đoạn II

Viết email In

Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong 47 nước đối tác UN-REDD chuyển sang giai đoạn II với khoản tài trợ không hoàn lại khoảng 30 triệu USD để giảm phát thải khí nhà kính thông qua cải thiện quản lý rừng và sử dụng đất. 

Chiều 29/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cùng đại diện các cơ quan của Liên hợp quốc gồm: bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam; ông JongHa Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam; bà Louise Chamberlain, Giám đốc UNDP Việt Nam; ông Young-Woo Park, Giám đốc UNEP và Trưởng đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã ký văn kiện khởi đầu Chương trình UN-REDD Việt Nam, giai đoạn II.  

UN-REDD là chương trình hợp tác Liên hợp quốc về Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) ở các nước đang phát triển. 

Được Chính phủ Na Uy tài trợ, Chương trình UN-REDD sẽ trở thành trụ cột chính trong kế hoạch giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính từ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam vào năm 2020. 

Mục tiêu của chương trình là tăng diện tích bao phủ rừng ở Việt Nam lên 45% vào năm 2020 thông qua xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm giải quyết các nguyên nhân của việc chặt phá rừng và suy thoái rừng. 

Trong bốn năm qua, Việt Nam đã thí điểm thành công một số lĩnh vực trong công tác sẵn sàng thực hiện REDD+, bao gồm hỗ trợ điều phối giữa các bên liên quan; xây dựng khuôn khổ cho công tác đo lường, báo cáo và kiểm chứng (MRV); thử nghiệm các cách tiếp cận nhằm cung cấp đầy đủ thông tin và đạt được sự đồng thuận của các nhóm dân tộc thiểu số và các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.

Giai đoạn 2 sẽ phát huy kết quả từ giai đoạn 1 trong công tác sẵn sàng thực hiện REDD+ và bắt đầu thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia REDD+ ở sáu tỉnh, bao gồm Bắc Kạn, Lào Cai, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Lâm Đồng và Cà Mau. 

Trong ba năm tới, Chương trình sẽ hỗ trợ việc xác định, đàm phán, lập kế hoạch và triển khai thực hiện những phương thức sử dụng đất bền vững, phù hợp với khí hậu và nhu cầu địa phương.

Chính phủ Na Uy và các đối tác quốc tế khác sẽ có những khuyến khích tài chính đối với việc giảm phát thải khí nhà kính được đo lường và xác minh rõ ràng.

Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chủ động và rất tích cực tham gia các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng cũng đề nghị Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II phối hợp với Dự án của Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) và các chương trình, dự án biến đổi khí hậu và REDD+ do các đối tác phát triển khác tài trợ nhằm nâng cao hiệu quả tài trợ, hỗ trợ Việt Nam nhanh chóng có đầy đủ năng lực sẵn sàng thực hiện REDD+ và được chi trả từ kết quả giảm phát thải khí nhà kính.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quôc tại Việt Nam cho rằng sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt đối với Việt Nam và Chương trình UN-REDD.

Bà Pratibha Mehta nhấn mạnh, chương trình giai đoạn 2 có hướng đi rõ ràng và có trọng tâm cho Việt Nam được hưởng lợi theo nhiều cách. Tuy nhiên, để Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội, tất cả các mục tiêu của giai đoạn 2 cần được thực hiện đúng thời hạn.

Các cơ quan của Liên hợp quốc sẽ giúp tối ưu hóa tác động của những nỗ lực giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu ở Việt Nam./. 

Hoàng Tùng 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo