Ashui.com

Friday
Oct 11th
Home Tương tác Phản biện Di sản văn hóa - Bảo tồn và lưu truyền

Di sản văn hóa - Bảo tồn và lưu truyền

Viết email In

Lưu truyền là bản năng tự nhiên của mọi sự sống. Lưu truyền vô thức là sự đảm bảo cho tiến hóa. Lưu truyền hữu thức là sự đảm bảo cho phát triển. Chính sự lưu truyền và phát triển đã kiến tạo nên nền văn minh của loài người. 

Ngàn vạn năm Con người lưu truyền giống nòi, tiếng nói, cách sống, cách làm ra của cải, những ký ức và truyền thuyết về những thời đã qua… Đến lúc nào đó, cái đầu và bộ nhớ không còn đủ chứa chất những gì cần lưu truyền, con người bèn nhờ cậy đến những mảnh giấy. Đó chính là phương thức lưu truyền bằng văn tự.  


Đình Chu Quyến sau khi được trùng tu (nguồn: Ashui.com) 

Thời nay, trong xu hướng mở rộng những lãnh địa của cuộc sống và trong xu hướng làm chủ đến tận cùng mọi tri thức, con người vươn tới một hình thái lưu truyền quán xuyến hết thảy, - đó là sự níu kéo lại, giành giật lấy những gì của cha ông để lại, lẽ ra phải bị thời gian cuốn đi, để bảo tồn, để phát huy và trao vào tay các thế hệ mai sau. 

Hình thức lưu truyền ấy mệnh danh là Bảo tồn. Đối tượng của bảo tồn là di sản văn hóa, bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể cùng di sản thiên nhiên. 

Trong lịch sử, người ta lưu giữ những báu vật và kỷ vật. Ở thế kỷ XIX và cho đến cách nay vài thập kỷ, người ta chú trọng bảo vệ những tuyệt tác nghệ thuật, đặc biệt là các công trình kiến trúc. Vài thập kỷ gần đây, khái niệm di sản văn hóa được mở rộng không những sang địa hạt phi vật thể, mà còn bao hàm những đối tượng không bắt buộc có niên đại xa xưa, không bắt buộc là kiệt xuất, không bắt buộc phải đẹp và quý giá. Những tiêu chí cơ bản được sử dụng trong đánh giá di sản là giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, khoa học, nghệ thuật v.v… Di tích và di sản có thể là những thể loại âm nhạc dân gian hoặc sân khấu, những cây cầu sắt xây dựng ở thế kỷ XIX, những dãy phố hay khu phố cổ hoặc cũ… Có thể được liệt vào diện di sản những đối tượng chưa hẳn có giá trị cho hôm nay, song chắc là sẽ có giá trị kiệt xuất cho tương lai. 

Bảo tồn di sản văn hóa trong sự đa dạng đang là một vấn đề được quan tâm đặc biệt. Một khi sự đa dạng được đề cao, điều đó có nghĩa là các thể loại và loại hình di sản khác nhau sẽ được coi trọng, những di sản khiêm nhường của các dân tộc nhỏ và của các tộc người sẽ được hưởng sự công bằng trong đánh giá. Từ sự đa dạng của di sản văn hóa và của bản thân văn hóa, các dân tộc, to và nhỏ, đều có thể hãnh diện bởi bản sắc riêng của mình. Bản sắc là sản phẩm của sự lưu truyền và tiến hóa. Bản sắc thúc đẩy tính đa dạng và ngược lại. Toàn cầu hóa kèm theo sự đồng nhất hóa. Bản sắc của mỗi dân tộc, mỗi khu vực sẽ là những đối trọng của nguy cơ phi tự nhiên này. Di sản văn hóa, một khi được nhận biết và giữ gìn, sẽ là một trong những đảm bảo cho sự khẳng định và bền vững của bản sắc. Chính vì vậy mà bảo tồn ngày càng trở thành mối quan tâm của cộng đồng, của các quốc gia. Nó không còn thuần túy là đối tượng của khoa học, của văn hóa. 

Song, bảo tồn di sản văn hóa với khái niệm mở rộng như ngày nay cũng đang đặt ra nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi cần được trả lời, để nó thực sự mang tính khả thi. 

Chẳng hạn, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy. Giữa bảo tồn và tôn tạo. Giữa bảo tồn và phát triển. 

Bảo tồn đặt mục đích trước tiên và trên hết là sự giữ gìn nguyên vẹn, không biến đổi và lâu dài, các di tích. Sự nguyên vẹn được hiểu là việc duy trì tối đa các đặc điểm của di tích, tính nguyên gốc và tính thời gian của nó, và đặc biệt, việc lưu giữ lại đầy đủ những thông tin lịch sử mà nó hàm chứa. Di tích càng có niên đại xa xưa, càng độc hiếm, thì càng phải bảo tồn triệt để. Các văn tự cổ được lưu giữ trong những điều kiện không thể bị hủy hoại, người ta khai thác chúng vào các mục đích khoa học, song không ai tính đến chuyện biên tập lại hoặc chỉnh sửa chúng. Các nhạc cụ cổ hoặc dân gian cũng đòi hỏi cách ứng xử tương tự, hễ chúng được coi là đối tượng của bảo tồn.

Các di tích lịch sử và văn hóa ở dạng bất động sản, như Lam Kinh ở Thanh Hóa, như tháp Chăm ở Mỹ Sơn, cần được giữ lại nguyên vẹn cho mai sau, chính từ những quan điểm về chúng như những chứng nhân cực kỳ hiếm hoi của những thời kỳ lịch sử đã hoàn toàn lui tụt vào dĩ vãng. Cả một thời huy hoàng như Lê Sơ, với hai vĩ nhân là Lê Thái Tổ và Lê Thánh Tông, duy nhất đại diện bởi 2 di tích, 2 vết tích, đó làm Lam Kinh và nền điện Kính Thiên ở Hoàng thành, Hà Nội. Dù cho chúng là phế tích, dù cho chúng không đồ sộ và nguy nga như ta mong muốn, song việc cứu vớt chúng, duy trì chúng ở dạng còn sót lại cho đến nay, phải là mục tiêu số 1. Trùng tu là nhằm mục đích ấy. Nếu làm những phế tích (phế tích là tình trạng kỹ thuật, chứ không phải là cấp độ giá trị) ấy bị nghèo nàn đi về phương diện thông tin lịch sử xác thực, làm cho chúng bị sai lệch đi, thì điều đó có nghĩa là những nhân chứng vật chất cuối cùng của thời Lê Sơ (thế kỷ XV - XVI) sẽ chịu sự mất hẳn không tài nào bù đắp được. 


Hàng cột đình Chu Quyến (nguồn: Ashui.com) 

Nhân đây xin trở lại với cách ứng xử đối với các di sản văn hóa phi vật thể, chẳng hạn các nền âm nhạc dân tộc ít người, dân gian hoặc các nghệ thuật sân khấu của người Việt như tuồng, chèo, cải lương v.v… Bảo tồn và cải tiến chúng theo hướng nào? Theo tôi, phải có sự rành mạch trong ứng xử. Cái gì cần được lưu giữ, do giá trị đặc biệt hoặc do đã thuộc hẳn về dĩ vãng, thì dứt khoát phải được “bảo tàng hóa”, y hệt những di vật và di tích có một không hai.

Chúng ta nên chủ trương, ngoài sưu tầm và ghi chép, việc thiết lập những “nhà hát – sân khấu – bảo tàng” đặc trưng, dành cho việc lưu giữ lâu dài, ở dạng sống động, những loại hình âm nhạc, sân khấu dân gian hoặc cổ truyền. Ở những nơi đó chúng phải được duy trì hoàn toàn không có sự cải biên và cách tân nào, hoàn toàn theo cổ truyền, từ nội dung, đến nhạc cụ, đến trang phục, đến cách thức biểu diễn. Người ta đến đấy như đến với di tích. Ở Tokyo, người Nhật duy trì các nhà hát Kabuki và No ở dạng bất biến, như những nhà hát – bảo tàng. Ở Moskva, Nhà hát Hàn lâm Bolsoi hơn một trăm năm nay vẫn chỉ trình diễn vở ballet “Hồ Thiên nga” mà không có sự cải tiến nào. Kabuki, No và “Hồ Thiên nga” đã là di sản, di tích sống động của nghệ thuật sân khấu.

Những sáng tác của các nhạc sĩ Trần Tiến và Nguyễn Cường khai thác làn điệu và chất Tây Nguyên thật sự mở ra cách tiếp cận nền văn hóa của xứ sở này hoàn toàn mang tính sáng tạo, song chớ nên để xảy ra sự nhầm lẫn giữa những sáng tác đầy tài năng ấy với những di sản âm nhạc đích thực, là đối tượng bảo tồn và phát huy ở dạng nguyên thủy.

Xem và nghe cách thức biểu diễn âm nhạc các dân tộc ít người, cách trình diễn quan họ, thậm chí là Nhã nhạc Huế, tôi e ngại là chúng ta đang tạo ra những cái gì đó “lưng chừng” công chúng đang thưởng thức những cái gì đó “lưng chừng” giông giống văn công. Giữa bảo tồn và sáng tạo cần thiết lập biên giới. Chí ít là để bảo tồn.

Chúng ta được UNESCO công nhận Nhã nhạc Huế là di sản thế giới và đang mong chờ điều này với văn hóa cồng chiêng. Song, có lẽ trước tiên bản thân chúng ta phải lập danh mục và công nhận những di sản văn hóa phi vật thể của chính mình, tương tự chúng ta làm với các di tích vậy.

Để bảo toàn được tính đa dạng của sinh vật, người ta lập sách đỏ. Vì sao chúng ta chưa tính đến việc lập sách đỏ cho những báu vật của văn hóa dân tộc, cho những di tích cực kỳ hiếm hoi. Sách đỏ của những gì mà hễ đánh mất đi, hễ để cho hủy hoại đi hoặc bị làm sai lệch đi, là di sản văn hóa dân tộc bị mất đứt.
Mối liên quan giữa bảo tồn và tôn tạo thường gây nhiều băn khoăn. Tương quan giữa chúng thế nào là hợp lý? Về phương diện này, ở Âu châu từ thế kỷ XIX, người ta đã có sự phân chia di tích thành 2 thể loại: di tích “sống” và di tích “chết”. Từ đó mà đưa ra 2 cách ứng xử khác nhau. Đối với các di tích thuộc dạng “chết”, như Lam Kinh hoặc Mỹ Sơn chẳng hạn, như đã trình bày ở trên, những hoạt động chính về trùng tu là bảo quản, nhằm giữ gìn cho được những thành phần và đặc điểm gốc. Những hoạt động tôn tạo ở đây chủ yếu là tạo điều kiện để các di tích tồn tại lâu dài, để bộc lộ và khẳng định những đặc điểm và giá trị của chúng. Những bổ sung mới, thuộc thời ta, dù xuất phát từ những động cơ tốt đẹp, dứt khoát phải đưa ra ngoài di tích.

Hãy giữ cho di tích thuộc hẳn về quá khứ. Ở các di tích, sự chăm sóc và nâng niu chính là dấu tích của sự ứng xử văn hóa của thời đại chúng ta đối với quá khứ. Bằng lao động sáng tạo và tri thức, đến lượt chúng ta để lại di tích cho con cháu. 

Đối với các di tích thuộc dạng “sống”, tức là vẫn đang hoạt động với công năng ban đầu, thì những sự tôn tạo, những sự bổ sung là có thể. Song, những gì ở đấy thuộc lịch sử, có giá trị như di tích gốc, thì phải giữ cho được. Những bổ sung mới không nên làm thay đổi tính chất của di tích, mà có bổn phận thực sự “tôn tạo” nó. Ở đây, sự phát triển tiếp nối mang màu sắc tự nhiên. 

Xin nói thêm một lần nữa: Không nên sử dụng khái niệm “xây dựng di tích”. Di tích do lịch sử để lại. Đối với di tích, chỉ có bảo tồn, trùng tu và tôn tạo theo bài bản khoa học và phát huy giá trị. Khái niệm “khai thác” di tích cũng cần sử dụng thận trọng, xuất phát từ sự tiếp cận văn hóa đặc trưng. 

Bảo tồn, về bản chất, không mâu thuẫn với phát triển. Văn minh nhân loại là sự cộng sinh. Cộng sinh giữa thiên tạo và nhân tạo. Giữa nền văn hóa này với nền văn hóa nọ. Giữa dĩ vãng và hiện tại. Cộng sinh, phát triển tiếp nối là một tiến trình logic tự nhiên. Không phủ định lẫn nhau.

Khi chúng ta coi khu phố cổ Hà Nội là di sản, coi Huế và Đà Lạt là những đô thị di sản, chúng ta không quan niệm chúng tương tự như thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội, điện Thái Hòa ở Hoàng thành Huế… Chúng ta ứng xử với chúng như những cơ thể lịch sử – nhân văn sống động, mà phù hợp nhất là sự duy trì những giá trị văn hóa – lịch sử – kiến trúc – đô thị, bên cạnh sự cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang và hiện đại hóa phù hợp. Những nội dung trên là nhằm tạo dựng những cơ thể đô thị, những môi trường sống hài hòa, mà ở đó quá khứ và hiện tại, đô thị và thiên nhiên, con người và cộng đồng, có được sự cộng sinh bền vững. 

Chúng ta là một trong những thế hệ người Việt Nam đầu tiên nhận thức đầy đủ và đảm nhận trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Bảo tồn di sản văn hóa đòi hỏi ở chúng ta cái tâm, tầm nhìn, sự hiểu biết, tri thức khoa học ở tầm nhân loại và cả sự tiếp cận đích thực văn hóa. Có thế di sản mới được bảo toàn đểu lưu truyền cho con cháu mai sau. 

Hoàng Đạo Kính - 2004 

  • Bài viết được in trong cuốn sách vừa xuất bản của tác giả - "Văn hóa kiến trúc", NXB Tri Thức (11/2012) 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo