Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Giới thiệu sách "Văn hóa Kiến trúc" của tác giả GS Hoàng Đạo Kính

Giới thiệu sách "Văn hóa Kiến trúc" của tác giả GS Hoàng Đạo Kính

Viết email In

Ngập trong bể tri thức văn hóa kiến trúc đầy cảm luận này, thật khó để có vài lời súc tích giới thiệu quyển sách "Văn hóa Kiến trúc" dày gần 500 trang cùng bạn đọc. 

Khó ở độ rộng các lĩnh vực mà tác giả, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, đề cập trong quyển sách. Từ hiện trạng và các vấn đề lý luận, ứng xử và phát hiện trong Bảo tồn di sản kiến trúc mà Anh (xin được gọi là anh) đề cập; đến câu chuyện Văn hóa kiến trúc-đô thị mênh mông thấm đẫm hồn người hồn đất, quền quện chất tư duy và sáng tạo nghệ thuật; đến những thân phận “ngõ phố đời người”, thân phận biệt thự và cây xanh ngàn lần ta đi qua, nhìn mà không thấy. Từ Thủ đô Hà Nội mở rộng với 3340 km2 đến các đô thị tỉnh lỵ, đô thị biển; tới “những điều nho nhỏ” như đá lát vỉa hè, hàng rào tường rào trong phố, “con mắt-cửa hàng” của phố hay những ẩn niệm “nem cua bể Cát Tần”, “gánh phở Đảo ngõ Tạm Thương”…lần lượt được Anh đưa ra cho người đọc thưởng ngoạn, chiêm nghiệm, thụ cảm và suy nghĩ.

Một “bữa tiệc đời”, nhiều mà không chán. 

Và Làng Việt, chao ôi! Đọc sách Anh sao mà thương mà bùi ngùi cho làng quê ta, song cũng ngộn đầy những ẩn tưởng tạo hình cho giới nghề và cho nghệ thuật nói chung. Những con đường làng, cấu trúc không gian làng, cổng làng, đình và chùa làng, hàng dậu chè tàu và những con sông bến nước…cái còn cái mất, nhưng giá trị trong văn hóa Việt thì vĩnh viễn trường tồn. Anh nói “ Văn hóa làng, kiến trúc làng là những biểu hiện sâu và đậm của nền văn minh ăn ở trong cộng đồng, của nền kiến trúc Việt. Làng rèn đúc, gạn chắt, duy trì và phát triển, chậm chạp và bền vững, những trụ cột, những truyền thống và giá trị vật chất lẫn tinh thần của người Việt, qua mọi biến hóa của lịch sử”. 

Khó ở độ sâu của những lý luận Bảo tồn di sản kiến trúc mà Anh nêu ra hoặc đề xuất. GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho người đọc biết một cách rạch ròi, minh hiển các cặp khái niệm: phế tích - di sản – di tích, thế nào là bảo quản, gia cố, tu sửa; thế nào là phục hồi, phục nguyên, tôn tạo…Anh đề cao và khăng khăng bảo vệ giá trị của “cái nguyên gốc”, “cái duy nhất”. Anh kêu gọi “Hãy giữ cho di tích thuộc hẳn về quá khứ”; rằng “Nếu không duy trì được giá trị lịch sử, trùng tu trở thành vô nghĩa”…Đó là những trang chữ thâm minh của nghề nghiệp hay là… những trang đời chằng chịt dấu vết bàn chân Anh trong những năm đầu khai mở công cuộc bảo tồn di sản kiến trúc Chăm, kiến trúc Huế, di sản Hội An, rồi, gần đây làng cổ Phước Tích?  

Gần 500 trang về Văn hóa kiến trúcPhát triển đô thị tiếp nối đã xuyên suốt hầu hết các thang bậc và vấn đề của Văn hóa kiến trúc-đô thị. Từ những khái lược về sự phát triển của kiến trúc Việt đến những hòn đá tảng của kiến trúc nước nhà như: Bản sắc kiến trúc Việt, Phê bình và Sáng tạo kiến trúc, dạy nghề và hành nghề kiến trúc, sử dụng vật liệu xây dựng…được trình bày ngắn gọn và dung dị, dễ hiểu với đời và dễ nhớ với nghề. Ngôi nhà Việt, con phố Việt thẩm qua Anh đã không chỉ là những bản thể tự nó mà là những tầng sắc giá trị văn hóa, những triết luận dân gian về tồn tại, những căn cơ dung hòa của con người và tự nhiên.
Lần theo các trang chữ này, các định hướng phát triển tiếp nối, những thế mạnh điểm yếu, cái duy nhất cần nâng niu, các tài nguyên cần kiệm dụng, các giá trị cần níu giữ… của các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vũng Tàu, Thanh Hóa, Buôn Ma Thuột hay các đô thị Hội An, Sơn Tây, Nam Định, Vĩnh Long…được hiển minh, giúp người đọc nắm bắt dễ dàng và nhanh chóng cái đời, cái thể, cái hình, cái hồn của các quần cư đô thị nước nhà. 

Là người cùng với Anh trong thời gian dài thực hiện các hội thảo quốc gia về đô thị, tôi hiểu tính nghiêm cẩn của Anh với tri thức đô thị. Thời gian Anh còn phụ trách chuyên môn trong Hội KTS VN, hàng loạt các hội thảo quốc gia về đô thị được thực hiện, từ Thái Nguyên, Bắc Ninh, Yên Bái đến Ninh Bình, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang hay Vũng Tàu, Vĩnh Long, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột…Anh cùng các chuyên gia địa phương và trung ương cày xới các vấn đề đô thị, đề xuất các giải pháp chỉnh trang và phát triển đô thị, đánh giá và tôn vinh các giá trị văn hóa kiến trúc – đô thị. Qua những tác nghiệp này, Anh nêu lên những khái niệm “Quỹ kiến trúc đô thị”, “Đô thị di sản”, “Đô thị hàng tỉnh”, “Chủ nghĩa hình thức cơ chế”, “Thiết kế đô thị can thiệp”…Dẫu còn phải bàn luận, song rõ ràng đó là những chất kết dính hiếm hoi góp phần tạo dựng bộ khung lý luận và phê bình kiến trúc – đô thị nước nhà, vốn đang rất còm cỏi. 

Những trang viết đó không phải là những chuyên luận đi sâu mà là những nhận cảm tinh tế, những nắm bắt chính xác, những kết luận súc tích và các đề xuất giản dị khả thi. Nhiều lúc, những nhận cảm và nắm bắt của Anh được chuyển thành ngôn từ như những ngạn ngữ, châm ngôn, cách ngôn của đời. Anh nói: “Nhà không dựng từ móng từ cột/ Nhà dựng từ nếp nghĩ, nếp sống”; “Để Giàu mất vài năm; để Sang mất vài đời”. Hay “Quản lý không chỉ là ngăn sông đắp đập, quản lý phải là sự điều tiết khéo léo dòng chảy”, “Chớ để tư duy ngõ ngách chi phối tư duy nhà chiến lược”… Đó là những trang viết rút ruột mà có. 

"Hầu hết những bài viết trong cuốn sách này hướng về anh chị em kiến trúc sư trẻ hơn tôi, với hy vọng là họ không buông xuôi để trở thành next "lost generation"" - Lời đề tặng của tác giả, GS Hoàng Đạo Kính, dành cho Ashui.com. 

Văn của Anh ngắn gọn mà giàu hình ảnh, tri thức và cảm nhận được tải bằng cách ví. Anh nói “nhà mà như cái ấm ủ”, “Cái sự phong lưu, tưởng nhẹ như gió, vậy mà sâu thăm thẳm” hay “cửa hàng – con mắt của phố”, hay “Cổng, với sức nặng bản thân và thời gian, thấp lùn dần – nó mọc ngược xuống đất”. Tinh tế, chính xác và rất nặng lòng…Lối sắp chữ hình tượng đó làm cho nội dung chuyên môn nhập tâm rất tự nhiên, dễ cảm, dễ nhớ, hợp với mọi đối tượng. Chữ của Anh sắc lẹm, tỉnh khô mà da diết. Những “tổ người”, “ngõ phố người đời”, “nguồn cội bạc phơ”, “thân phận biệt thự”, “di sản - mồ côi”… đọc lên sao cứ thấy bâng khuâng, là lạ mà quen quen như đồ vật trong nhà mình. Lẫn trong các bài chuyên luận hay nhận xét là các đoạn tản văn lúc nao lòng, lúc nhẩn nha kể chuyện, khi thì thâm trầm ẩn ức, khi thì tếu táo bông đùa. Đọc lên không quên được, mà hạ hỏa cái đầu khi dung nạp quá nhiều thông tin. Tất cả chất văn đó, lối đẻ chữ độc lạ đó, cách khảm nạm các tản văn trong các chuyên khảo sâu rộng đó làm nên văn thức Hoàng Đạo Kính trong lý luận và phê bình văn hóa kiến trúc Việt Nam đương đại. 

Chắc có lẽ vậy mà phần cuối của tập sách Anh dành cho “Nơi chốn – Thời buổi – Con người”, cái phần say hồn đất, ngất tình đời và miên man hoài niệm. Nhiều bài viết trong đó, theo tôi, là kiệt xuất về văn hóa kiến trúc Việt. Không chỉ là những niệm cảm về nguồn cội bạc phơ, cổng làng, con ngõ cái ngách, thân phận biệt thự, nơi chốn thân quen của Hà Nội cũ và mới – tôi xếp lại chữ của Anh, ở đó còn có cái mộc mạc tự thân, xộc xệch tự nhiên đáng yêu và duyên dáng của người quê đất làng; chất phong lưu nhẹ thênh của thị dân, chất phiêu lãng mờ sương của rừng thông Đà Lạt, chất dĩ vãng nặng trịch đọng trong đá của đền tháp Angkor. Nhưng thâm tình hơn cả là những bài viết của Anh dành cho những con người mà anh cảm trọng và yêu quý: Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – nhà lãnh đạo kiến thiết, người Anh cả của kiến trúc sư cả nước; các bậc tiền bối của kiến trúc Việt Nam hiện đại như kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Huỳnh Tấn Phát, Hoàng Như Tiếp; hay bạn Anh, đồng nghiệp của Anh, kiến trúc sư Kazic con người “cởi trần, đi chân đất, da đỏ như tôm hấp” mà cả đời tận tụy với di sản văn hóa Việt Nam. Họ đã đi xa rồi. Những trang chữ như những nén hương lòng.

Cuốn sách "Văn hóa Kiến trúc" hiện có bán tại tầng 1 - Văn phòng Hội Kiến trúc sư VN, 23 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội - Giá: 250.000 VNĐ. 

Hoặc liên hệ email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.  

Văn hóa kiến trúc” – NXB Tri Thức, là quyển sách thứ ba của GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính sau các quyển: “Di sản văn hóa, bảo tồn và trùng tu” – NXB Văn hóa-Thông tin (2002), “Ngõ phố người đời” – NXB Văn học (2008). Nếu quyển đầu là “quyển nghề”, quyển thứ là “quyển văn”, thì quyển này là “quyển trí”. Anh đã khéo chọn các nhà xuất bản cho các đầu sách của mình. Hơn ngàn trang chữ đó chưa tải hết tri thức uyên thâm, tâm niệm cháy đượm và cảm nhận tinh nhã của con người Anh, một người được đào tạo bài bản và thành danh trong nghề, trong đời. 

Anh gọi Bộ Văn hóa – Thông tin là “ông từ” quốc gia. Tôi gọi Anh là “người giữ đền” của văn hóa kiến trúc trong đời. 

KTS Nguyễn Luận 


KTS Nguyễn Luận (trái) cùng với GS Hoàng Đạo Kính và cuốn sách "Văn hóa Kiến trúc" vừa xuất bản. 

"Văn hóa Kiến trúc" / Hoàng Đạo Kính 

BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA 

1. Di sản văn hóa – bảo tồn và lưu truyền 
2. Duy trì giá trị lịch sử – ưu tiên số 1 của trùng tu di tích 
3. Bảo tồn và tu bổ di tích kiến trúc 
4. Đào tạo những nhà bảo tồn chuyên nghiệp 
5. Giữ lấy những cái duy nhất của di sản kiến trúc Huế 
6. Huế trước nguy cơ suy xuyển 
7. Kế thừa bản sắc kiến trúc Huế 
8. Lựa chọn chiến lược bảo tồn di sản kiến trúc Chăm 
9. Bảo tồn di sản kiến trúc Chăm những năm 80 thế kỷ XX 
10. Bảo tồn Mỹ Sơn tương xứng với di sản văn hóa thế giới 
11. Ứng xử thế nào với di tích Phật điện Đồng Dương 
12. Gợi ý ứng xử với khu di tích khảo cổ học Cát Tiên 
13. Ứng xử thế nào với khu di tích Lam Kinh 
14. Di sản Hội An – một phần tư thế kỷ bảo tồn trong đô thị phát triển 
15. Làng cổ Phước Tích – các giá trị và hướng phát triển tiếp nối 
16. Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Pác Bó 
17. Cầu Long Biên – từ giao thông sang văn hóa 
18. Mấy dòng gửi các nhà quy hoạch quốc lộ N1 

VĂN HÓA KIẾN TRÚC 

19. Bàn luận về kiến trúc 
20. Đôi nét về nền kiến trúc Việt Nam sau 1945 
21. Bàn về nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến và bản sắc 
22. Di sản kiến trúc và vấn đề bản sắc trong kiến trúc 
23. Sáng tạo và hành nghề kiến trúc 
24. Phê bình kiến trúc – bản chất và thực trạng 
25. Kiến trúc hôm nay phản ánh cái gì 
26. Chủ nghĩa hình thức trong kiến trúc Việt Nam đương đại 
27. Giải thưởng kiến trúc – tác giả và tác phẩm 
28. Đừng quá sợ đánh mất bản sắc dân tộc 
29. Dạy nghề kiến trúc 
30. Chọn con đường xây đắp lò đào tạo kiến trúc sư 
31. Dụng vật liệu – thật và giả 
32. Vật liệu xây dựng – chiêm nghiệm từ phương diện tiến hóa 
33. Vật liệu và hình thức kiến trúc 
34. Cái đẹp mộc – cái đẹp thật 
35. Những chặng đường đến với mô hình nhà chung cư 
36. Thiên nhiên và khí hậu nhiệt đới nóng - ẩm trong sự cấu thành bản sắc kiến trúc 
37. Kiến trúc nhiệt đới và chiến lược bảo vệ môi trường – triết lý từ những nhận biết không mới 
38. Nhà ở sinh thái – chiêm nghiệm và ý tưởng 
39. Ứng xử thay vì ứng phó 
40. Áp tai xuống đất mà nghe 
41. Chốn ở hôm qua – chốn ở hôm nay 
42. Vẽ nhà và làm nhà 
43. Đối ngược và cân bằng 
44. Quen và lạ, cũ và mới 
45. Ăn ở nơi nhà mình 
46. Tản mạn về nhà Việt và tâm thức Việt 
47. Chụp ảnh kiến trúc 
48. Nhuệ khí vươn tới cái mới 
49. Hướng tới kiến trúc Việt Nam thế kỷ XXI 

ĐÔ THỊ PHÁT TRIỂN TIẾP NỐI

50. Văn hóa thành thị truyền thống trong phát triển đô thị 
51. Bảo tồn và phát triển tiếp nối các di sản đô thị 
52. Phát triển tiếp nối và bền vững các đô thị thời kỳ công nghiệp hóa 
53. Đô thị Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau 
54. Kiến trúc đô thị – phát triển và quản lý 
55. Văn hóa và thiết kế đô thị 
56. Phố trong tiến hóa đô thị 
57. Điểm nhấn kiến trúc và đô thị – những cách hiểu 
58. Những ứ tồn đô thị 
59. Đô thị mang chứng thiểu năng 
60. Những vấn đề và câu hỏi từ khảo sát kiến trúc nông thôn 
61. Đô thị hóa và kiến trúc nông thôn 
62. Đô thị hàng tỉnh – chân dung và những con đường tiếp nối 
63. Xây dựng đô thị – tỉnh lỵ 
64. Đô thị biển – tiếp cận vấn đề và đường hướng phát triển 
65. Nửa thế kỷ xây dựng Thủ đô 
66. Duy trì các đặc trưng đô thị của Hà Nội trong quá trình hiện đại hóa 
67. Nghĩ về bản sắc kiến trúc đô thị trong phát triển thành phố Hồ Chí Minh 
68. Phát triển Huế – đô thị di sản trong sự tiếp nối 
69. Bàn về chủ trương mở rộng Huế ra cả tỉnh 
70. Suy nghĩ từ xa về xây dựng Đà Nẵng 
71. Để Đà Nẵng trở thành đô thị – đóa hoa trên biển Đông 
72. Thành phố Hội An – tài nguyên di sản và phát triển tiếp nối 
73. Quỹ kiến trúc đô thị Đà Lạt và hướng phát triển tiếp nối 
74. Tạo dựng bản sắc cho thành phố Thanh Hóa 
75. Buôn Ma Thuột – bản sắc đô thị và đô thị trung tâm 
76. Đóng góp cho phát triển thành phố Vũng Tàu 
77. Đô thị cho muôn đời 

NƠI CHỐN – THỜI BUỔI – CON NGƯỜI

78. Nguồn cội bạc phơ 
79. Cổng làng – tàn dư và hoài niệm 
80. Con ngõ cái ngách – phố phường xưa nay 
81. Ngõ phố người đời 
82. Sống phong lưu 
83. Những con mắt của phố 
84. Thân phận biệt thự Hà Nội 
85. Hoài niệm xanh 
86. Hà Nội cũ và Hà Nội mới 
87. Hà Nội – nơi chốn quen thân 
88. Hà Nội và những điều nho nhỏ 
89. Góp thêm ý cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long 
90. Nghĩ về làng 
91. Chúng ta phải quay mặt về với nông dân 
92. Nghĩ về miền Trung 
93. Nghĩ về Đà Lạt 
94. Dĩ vãng đọng trong đá 
95. Võ Văn Kiệt – nhà lãnh đạo kiến thiết 
96. Nhớ thương Kazik, người tận tụy với di sản văn hóa Việt Nam 
97. Viết về những kiến trúc sư thuộc thế hệ đầu 
98. Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện – thế hệ và thời đại Ông sống 
99. Việt phủ Thành Chương – sưu tập, nghệ thuật sắp đặt và tác giả 
100. Dựng tượng xây đài 



Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
0 # Dũng 30/11/2012 16:57
Tác giả viết không phải ai đọc cũng hiểu, không phải ai hiểu cũng thấm, và không phải ai thấm cũng biết phải làm gì. Từ trước đọc bài Giáo sư thấy nhiều những suy tư và sự tự trải nghiệm nhiều, nhưng cơ sở của những nghiên cứu đưa ra không nhiều, chủ yếu là cảm nhận cá nhân. Cái này tham khảo trao đổi thì được nhưng sử dụng trong nghiên cứu tôi nghĩ sẽ hạn chế. Tuy nhiên tôi sẽ tìm đọc cuốn sách này.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo