Ashui.com

Thursday
Sep 19th
Home Tương tác Phản biện Khảo cổ học đô thị: Bao giờ hết khai quật kiểu "chữa cháy"?

Khảo cổ học đô thị: Bao giờ hết khai quật kiểu "chữa cháy"?

Viết email In

Do đặc thù của lịch sử nên những di tích khảo cổ học (KCH) có giá trị của nước ta phần nhiều đều gắn liền với các đô thị hiện đại. Rõ nhất trong số này là các cuộc khai quật Di tích Hoàng thành Thăng Long và Thành cổ Hà Nội, Hội An, Huế... những năm gần đây. Điều này cấp thiết đặt ra vấn đề về KCH đô thị cần phải được quan tâm đúng mức hơn.

  • Ảnh bên : Dấu vết nền cung điện thời Lý ở Hố A20 - Di tích Hoàng Thành Thăng Long 

Có thực tế là hầu hết những cuộc khai quật KCH quy mô lớn ở ta đều là "sự đã rồi", tức sự vào cuộc của giới khảo cổ chỉ "chữa cháy" cho những bản quy hoạch đã có trước đó. Cũng chính vì thế tại Di tích 18 Hoàng Diệu (Hà Nội), trong một thời gian rất ngắn vào cuối năm 2002, một đại công trường khai quật đã được dựng lên với diện tích gần 20.000m2. May là "sự đã rồi" ấy đang đem lại cho Hà Nội cơ hội có được một di sản văn hóa thế giới. Nhưng điều đó cũng không dễ làm an lòng người khi vấn đề bảo tồn di tích này ra sao đến nay vẫn là một câu hỏi lớn, trong điều kiện Việt Nam hầu như chưa có kinh nghiệm đối với vấn đề này.

TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội học TP Hồ Chí Minh cho rằng, sự hủy hoại di tích lịch sử, văn hóa trên quy mô ngày càng lớn, nhất là ở những quốc gia đang phát triển. Tại các thành phố, đô thị, di tích trên mặt đất cũng đang bị đặt trên "bàn cân" giữa bảo tồn và di dời giải tỏa cho quy hoạch một thành phố, đô thị hiện đại hơn. Vấn đề đặt ra là bảo tồn các di tích KCH như thế nào, nhất là những di tích KCH đô thị?

Nhiều thập kỷ qua, một số cơ quan nghiên cứu đã tiến hành điều tra, khai quật ở nội thành và một số vùng ngoại thành Hà Nội. Hầu như năm nào, các đơn vị làm nhiệm vụ khai quật như ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Viện KCH, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng đưa ra những kết quả khả quan. Tuy nhiên, các cuộc khai quật, thám sát đó chưa được thực hiện quy mô do hạn chế về kinh phí cùng nhiều nguyên nhân khác. Ai cũng biết rằng quá trình đô thị hóa ở Hà Nội đang diễn ra nhanh chóng và một khi các di sản trong lòng đất bị xâm hại thì cũng đồng nghĩa với việc chúng sẽ một đi không trở lại. Đáng tiếc là câu chuyện này không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn là nỗi lòng chung của những nhà khảo cổ tại Huế, Hội An... 

  • Ảnh bên : Di tích hành cung Cổ Bi-Gia Lâm thời Trịnh

Đứng trên quan điểm KCH đô thị là bằng chứng từ quá khứ cho sự phát triển bền vững, TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng các di tích lịch sử văn hóa thuộc loại hình di tích KCH, việc bảo tồn có hai giai đoạn. Việc đầu tiên cần làm là thu thập thông tin dữ liệu, qua đó những di tích và khu vực liên quan sẽ được nhận biết và kịp thời đưa vào bản đồ KCH của khu vực và quốc gia. Trên cơ sở đó sẽ lập kế hoạch khai quật, ưu tiên những di tích đã bị xâm hại hay có nguy cơ bị xâm hại. Loại này phải kể đến những di tích nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng phát triển như những dự án mở đường giao thông hay các công trình công nghiệp lớn, kể cả khu vực mở rộng của các thành phố, đô thị...

"Giai đoạn hai là việc triển khai các cuộc khai quật cứu hộ và quá trình nghiên cứu tiếp theo, nhằm phát hiện, thu thập, nghiên cứu giá trị của di tích, đồng thời đề xuất các biện pháp bảo tồn... Các di tích KCH đô thị có thể cung cấp cho chúng ta nhiều loại tư liệu để có cái nhìn toàn diện về đô thị, thành thị trong quá khứ. Tiêu biểu cho giá trị này là kết quả khai quật Khu di tích Hoàng thành Thăng Long thời gian qua" - TS Nguyễn Thị Hậu nhấn mạnh.

Vậy câu chuyện về KCH đô thị được nhắc đến ở thời điểm này có vẻ hơi muộn rồi chăng?

Văn Giang

 

Khảo cổ học đô thị không chỉ là bài toán khó đối với Hà Nội  

Bài viết “Khảo cổ học đô thị bao giờ hết khai quật kiểu chữa cháy” đã nêu đúng thực trạng còn bất cập của việc khai quật khảo cổ hiện nay ở các đô thị nước ta, trong đó Thủ đô Hà Nội là một trong những trung tâm điển hình.

  • Ảnh bên : Cổ vật tư nhân Hà Nội

Liệu rằng, những khó khăn do hầu như luôn bị đặt trong tình trạng bị động, đi sau một bước đối với sự phát triển đô thị của công cuộc nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa có phải là bài toán nan giải chỉ riêng cho chúng ta?

Trong cuộc hội thảo được tổ chức gần đây về khu khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long, một chuyên gia khoa học người Bỉ đã cho thấy tình hình khảo cổ ở nước này, trong đó có những vấn đề khó khăn tương tự như khảo cổ học đô thị ở Việt Nam.

Không hiếm những di tích khảo cổ ở các thành phố nước Bỉ sau khi khai quật phải lấp đất trở lại, vì người ta chưa tìm ra giải pháp gì để bảo tồn và phát huy giá trị, đành để tiếp tục nghiên cứu thời gian sau hoặc thậm chí là cho thế hệ sau có lời giải. Cũng có trường hợp công cuộc khai quật khảo cổ phải dừng lại, nhường chỗ cho việc xây dựng các công trình mới, để lại những dự án bảo tồn không bao giờ hoàn thành.

Như thế, khảo cổ học đô thị ở Bỉ cũng bị áp lực trước sự phát triển quy hoạch của các thành phố. Quy hoạch đô thị thay đổi lại làm cho các kế hoạch khảo cổ phải thay đổi theo để phù hợp với tình hình mới.

  • Ảnh bên : Giếng cổ ở Bảo tàng Thái Bình

Nhưng dẫu sao thì ở các thành phố nước Bỉ cũng đã tạo ra được những công viên khảo cổ bằng phương pháp bảo tồn những di chỉ khảo cổ ngoài trời. Cách làm này rõ ràng hấp dẫn khách tham quan hơn và tránh được việc để quá nhiều hiện vật một cách tĩnh lặng trong các bảo tàng. Một kinh nghiệm khác rất đáng lưu tâm là người ta giữ lại một phần di tích khảo cổ dưới mặt đất ngay trong khuôn viên khu nhà Quốc hội của nước Bỉ và các vị nghị sĩ Quốc hội cũng tỏ ý không những hài lòng mà còn cảm thấy danh giá khi được làm việc ở vị trí có giá trị lịch sử-văn hóa như vậy. Tuy nhiên, để làm được điều đó, người ta phải có đủ điều kiện để bảo tồn thường xuyên tại chỗ với những biện pháp phòng ngừa và cứu hộ di vật khỏi bị tàn phá vì các nguyên nhân về khí hậu, độ ẩm, mức độ nước ngầm, độ phóng xạ, sự chuyển động của trầm tích, độ nở của chất muối, sự hiện diện của các loại vi sinh vật, lượng mưa trung bình...

Điều đó cho thấy những mâu thuẫn tất yếu, không thể tránh khỏi giữa bảo tồn và phát triển của các đô thị không chỉ riêng có ở nước ta. Vấn đề ở đây là làm sao đạt được sự hài hòa giữa khảo cổ học đô thị và quy hoạch đô thị với việc hoạch định được một cách cụ thể những gì cần bảo tồn và quan trọng hơn là bảo tồn những di sản ấy như thế nào, mức độ bảo tồn ra sao ? Đó vẫn còn là bài toán đang trong quá trình tìm lời giải của khảo cổ học đô thị Việt Nam.

Chí Thành 

>> Loay hoay tìm cách bảo tồn Hoàng thành Thăng Long 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo