Ashui.com

Monday
Oct 07th
Home Tương tác Phản biện Vài gợi ý cho chủ trương xây dựng Thành phố Thừa Thiên - Huế

Vài gợi ý cho chủ trương xây dựng Thành phố Thừa Thiên - Huế

Viết email In

1. Để xây dựng Đề án đưa tỉnh Thừa Thiên – Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch UBND Tỉnh tại thư ngỏ ngày 19/11/2009 huy động “sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước về lý luận và thực tiễn, liên quan đến mô hình đô thị Thừa Thiên – Huế tương lai”, theo các nội dung lớn là “kiến trúc đô thị và không gian Huế; phát triển đồng bộ các lĩnh vực kinh tế – xã hội”.

Chúng tôi thấy bỡ ngỡ và khó khăn khi bắt tay viết tham luận, trước hết bởi chưa được đọc bất cứ một tài liệu nào do cơ quan chuyên môn soạn thảo, trong khi đó lại có bản Kết luận của Bộ Chính trị số 48KT-TW và bản Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 86/2009/QĐ-TTg. Khó có thể thực hiện vai trò phản biện trong tình huống như vậy. Chúng tôi đành chọn cách thức còn có thể phù hợp, - đó là đưa ra một vài gợi ý cho chủ trương lớn, hoặc chí ít là để các chuyên gia soạn thảo Đề án và các quy hoạch sau này tham khảo thêm.

Trước hết, chúng tôi phân vân về việc sử dụng những cụm từ “xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương” hoặc “xây dựng thành phố thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh”. Sự “trực thuộc” dễ bị hiểu là về hành chính, dẫn tới nhận thức nó là mục đích tự thân. Trong lịch sử và hiện nay, các đô thị hình thành nảy sinh khi có nhu cầu thực tế, dựa vào những tiềm lực thực tế, phát triển, vươn tới tầm cỡ quốc gia và đương nhiên đặt mình vào khu vực chi phối về quản lý tương ứng. Chúng tôi chưa có dịp bắt gặp khái niệm đầu tư xây dựng thành phố để cho nó đạt chuẩn mực trực thuộc cấp quản lý hành chính này nọ. Có lẽ nên phải hiểu cụm từ “xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương” ám chỉ sự đầu tư cho nó ở tầm tư duy vĩ mô quốc gia, quy mô tiền của ở tầm quốc gia chăng? 

Đối với tỉnh Thừa Thiên – Huế phía trước là 2 bước: trở thành thành phố thực thụ, rồi sau đó là thành phố tầm cỡ quốc gia. Và để là một thành phố như thế, nó phải trở thành một trung tâm lớn về các phương diện như văn hoá và du lịch, khoa học công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo chất lượng cao v.v .... Là thành phố trung tâm, trước hết nó phải có những gì mà các thành phố láng giềng không có hoặc có mà kém hơn. Là thành phố trung tâm nó phải sở hữu những cái hiếm hoi và những cái tinh. Huế trong các thế kỷ qua đã tạo cho mình vị thế trung tâm về phương diện văn hoá (và có lẽ chỉ phương diện này thôi), bởi nó là kinh đô, là đất của quan lại, đất thu hút nhân tài vật lực, đất của nền học thức. Nay Huế phần nào vẫn bảo lưu được cái vốn liếng văn hoá - trí tuệ đó, song cũng đã có những thành phố – trung tâm khác vươn lên và sáng chói chẳng kém gì cố đô. Những trung tâm này do sự phát triển mạnh và sự tích luỹ vật chất lớn hơn hẳn so với Huế, đang phát huy mạnh mẽ 2 nhân tố cực kỳ quan trọng của mỗi đô thị, đó là sức thu hútsức lan toả. Dù ta có đầu tư tập trung cho các lĩnh vực mà Huế dứt khoát phải dựa vào mà bứt phá lên, thì không phải là trong một thời gian ngắn Huế đã có được sức thu hút và sức lan toả thực tế. Điều cần vượt qua trước hết ở đây chính là lực quán tính lịch sử đặc trưng cho xứ Huế, tạo dựng ở thời nay một mô hình đô thị và cộng đồng đô thị mở, thôi thúc bởi sự cộng lực của lực hút và lực toả.

Ở tầm nhìn chiến lược, sự chọn lựa phát triển các lĩnh vực văn hoá - du lịch, khoa học công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục đào tạo chất lượng cao là hoàn toàn chính xác cho Huế. Song, ngoại trừ văn hoá - du lịch, các lĩnh vực khác không thể nào đầu tư ồ ạt được, ngay cả khi có nguồn dư dật, bởi những hạn chế trước tiên về nhân lực, đủ đông và đủ mạnh để tiếp thu. Chúng lại càng không thể trở thành những động lực lớn trong sự  mở mang đô thị, với quy mô lãnh thổ rộng lớn mà nó sở hữu, cũng như không thể trở thành nhân tố tạo thị, một khi không phải là Huế vốn có với những giới hạn không gian của nó. Chúng cũng không thể trở thành nhân tố thúc đẩy dân cư nông thôn bước vào quá trình đô thị hoá - thành thị hoá và tri thức hoá. Đồng thời, do những lĩnh vực này đòi hỏi trình độ tri thức nhất định, không thể mong đợi sự chảy về đây ồ ạt dân cư từ các địa phương khác. 

Chúng tôi cũng cho rằng, để Thành phố Thừa Thiên – Huế trở thành một trung tâm lớn của miền Trung, chưa nói là của cả nước, không phải là điều dễ dàng.  Trước tiên, không dễ dàng bởi sự hiện hữu của thành phố láng giềng Đà Nẵng, đang nhanh chóng trở thành một trung tâm kinh tế của toàn miền Trung, với những cơ sở vật chất kỹ thuật và tài sản đô thị khá đồ sộ đã hình thành, với những lợi thế nổi trội về nhiều mặt, với đà phát triển bứt phá trong hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, cũng bắt đầu nhận ra, để đích thực là một trung tâm của miền Trung, Đà Nẵng đang  bộc lộ không ít hạn chế. Chúng tôi cho rằng Huế cần xem xét, phân tích toàn diện các kinh nghiệm của Tp. Đà Nẵng láng giềng và đặc biệt những gì đã tạo nên bước đi mãnh liệt của nó trong hướng vươn lên thành thành phố trung tâm, tìm ra những con đường và những cách để Huế có thể thiết lập vị trí trung tâm của mình, khi đi sau và từ những cơ sở khiêm nhường hơn nhiều.

Xin được nhắc lại, ngay bây giờ Huế đã là trung tâm không những của miền Trung về văn hoá rồi. Song để trở thành trung tâm về những phương diện quan trọng khác nhau, trên lãnh thổ một đô thị – tỉnh, trong một quãng thời gian không dài, là một thách thức đặc biệt lớn. Hễ vượt qua và trở thành đô thị trung tâm, Thừa Thiên – Huế sẽ là hiện tượng vô tiền khoáng hậu.

Để mở rộng thành phố ra lãnh thổ toàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy cần thiết xem xét, phân tích và đánh giá thật khoa học, thật tỉnh táo đô thị hạt nhân - thành phố Huế. Sau những nỗ lực to lớn trong phát triển ở các thập kỷ qua, Huế vẫn chưa trở thành thành phố phát triển nhanh toàn diện, kinh tế tăng trưởng chưa hẳn nhanh, chưa trở thành nơi thu hút đầu tư, thu hút nhân lực. Tiến bộ nhiều, song chưa hẳn đã là bứt phá. Với ngót 30 vạn dân, với tính chất đô thị hành chính – dịch vụ và kinh tế chưa mạnh như hiện nay, Huế chưa hẳn đã chứa đựng sức mạnh nội tại để lan toả, để thúc đẩy và đóng vai trò quyết định trong việc đô thị hoá một tỉnh. Cục diện này chỉ có thể thay đổi cơ bản, nếu Thừa Thiên – Huế có sự đầu tư to lớn từ bên ngoài.

Một phân vân nữa, liệu thương hiệu thơm thảo của Huế sẽ phai mờ hoặc pha loãng hay không, khi mọi nỗ lực và nguồn đầu tư sẽ bị giàn trải cho những không gian địa lý rộng lớn gấp bội, song lại sơ khai về mặt đô thị.

Chúng tôi hy vọng là các nhà chuyên môn được giao nhiệm vụ xây dựng các quy hoạch và các dự án sẽ đưa ra những luận cứ xua tan những phẫn vân nêu trên, bằng những tính toán và giải pháp khả thi sẽ góp phần thực thi chủ trương xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế thành một đô thị mang tầm vóc quốc gia.


2. Xin đưa ra một vài gợi ý cho việc xây dựng Đề án và các quy hoạch xây dựng thành phố trên toàn tỉnh  Thừa Thiên – Huế.

    a) Tỉnh Thừa Thiên – Huế có 2 tài nguyên nổi trội: Đó là tài nguyên thiên nhiên gồm những nhân tố cấu thành gia tài giang sơn đất nước Việt Nam thu nhỏ, như núi, đồi, rừng, sông ngòi, đầm vạc, bờ biển, cánh đồng v.v .... Tài nguyên này hướng ta về một đô thị sinh thái và phong cảnh, mở ra những triển vọng lớn cho phát triển du lịch thiên nhiên. Đó là tài nguyên lịch sử – văn hóa – nhân văn – kiến trúc to lớn và đặc sắc vào bậc nhất nước ta, làm nền tảng và xuất phát điểm cho việc xây dựng một đô thị có sắc thái đặc trưng, cho phát triển du lịch văn hoá. Cả hai tài nguyên này đều mong manh, đặc biệt trong quá trình đô thị hoá. Nếu ta biết đề cao và dựa vào chúng mà tạo lập ra hình thái đô thị và bản sắc đô thị, thì ắt thành phố rộng lớn này có cơ may trở thành độc nhất vô nhị.

    b) Chúng tôi hình dung thành phố Thừa Thiên – Huế sẽ có hình thái đô thị – sinh thái (ecocity) thời hậu hiện đại, cấu thành bởi hạt nhân Huế và các thị trấn – sinh thái (ecotown). Sở dĩ chúng tôi nói tới thị trấn, bởi có ít khả năng xuất hiện nhiều những cấu trúc đô thị lớn. Ngoài ra, với những cấu trúc đô thị nhỏ dạng thị trấn, ta có thể tạo ra sự phát triển chuyển tiếp cho các làng mạc và phố xá hiện nay. Đồng thời bảo tồn được thiên nhiên và đất nông nghiệp, không gây ra sự tan vỡ tài nguyên thiên nhiên và nền cảnh đất trời như là một biểu hiện bản sắc Trời cho của vùng đất này.

    c) Thành phố Huế, về cơ bản sẽ được bảo tồn và phát triển trong giới hạn ít biến đổi so với hôm nay, là hạt nhân của hệ thống các cấu trúc đô thị trên địa bàn lãnh thổ của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nó chi phối không gian và hình thái kiến trúc các các cấu trúc đô thị – satellite chủ yếu bởi tinh thần và giá trị văn hoá, bởi tính chất kiến trúc đô thị nó sở hữu, chứ không bởi quy mô của quỹ kiến trúc đô thị và bởi độ bành trướng của mạng lưới đường xá to rộng khởi đầu từ nó.

Trong điều kiện thành phố mở rộng ra toàn tỉnh, thành phố Huế cần được coi là thành phố – di sản duy nhất ở nước ta. Mọi xây dựng lớn sẽ chuyển ra các vùng phụ cận và trên toàn tỉnh. Giảm thiểu mọi sự chất tải lên cơ thể thành phố. Cần xây dựng quy chế quản lý xây dựng đặc trưng cho Huế cùng các quy hoạch cải tạo và phát triển phù hợp với một đô thị – di sản.

    d) Do Thừa Thiên – Huế có 2 tài nguyên (thiên nhiên và văn hoá - lịch sử) nổi trội và có vai trò định đoạt đặc trưng hình thái đô thị Thừa Thiên – Huế tương lai, chúng tôi cho rằng cần xây dựng tổng quy hoạch thành phố lớn và khác biệt này bằng những cách thức riêng, trong đó nên áp dụng phương pháp thiết lập các bản đồ ghi nhận và phân tích hết sức kỹ lưỡng các tài nguyên của lãnh thổ tỉnh, chồng xếp chúng lên nhau, từ đó cân nhắc kỹ những gì cần duy trì cho được, cần phát triển và thậm chí cần chấp nhận sự hy sinh.

    e) Chúng tôi cho rằng trong viễn cảnh đầu tư không thể quá ồ ạt các nguồn vốn từ Trung ương và từ nước ngoài, từ ngay bản thân địa phương, tỉnh Thừa Thiên – Huế không thể có sự phát triển bùng nổ thành thành phố, cho nên hợp lý hơn cả nếu trong Đề án, trong các quy hoạch chúng ta đưa ra những dự liệu khả thi về những bước phát triển thực tế. Điều này hết sức hệ trọng, bởi như vậy chúng ta vừa sớm hình thành cơ thể thành phố trong quá trình phát triển vừa tránh được tình trạng dở dang, nhất là không làm tổn hại đến tài nguyên thiên nhiên và đất đai. Chúng ta dành phần cho con cháu mai sau.


Hy vọng, với tinh thần khoa học, với tư duy thực tế và sự sáng tạo đặc biệt, chúng ta sẽ dựng xây trên đất tỉnh Thừa Thiên – Huế một đô thị có một không hai, đô thị duy nhất bởi nó đi ra từ đất và từ văn hoá xứ Huế, duy nhất như ông cha ta đã dựng xây nên kinh thành Huế của nước Việt, không giống trước đó và cũng không giống ai.

Hà Nội, tháng 1 năm 2010 

GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo