Hầu hết các khu vực ngập nước do mưa lớn đều là khu vực đô thị hóa, xây dựng công trình và nhà ở. Ngập nước trong đô thị do mưa chỉ có nguyên nhân duy nhất xuất phát từ nguyên lý cân bằng nước cho khu vực đó trong một thời gian nhất định, tức khi tổng lượng nước mưa vượt quá khả năng giúp tiêu thoát ra vùng trũng thông với cống, kênh, rạch, sông. Vì thế, để chống ngập, thành phố có thể tìm cách khơi thông dòng nước ra sông, rạch… khi có mưa lớn kéo dài.
Đường Hồ Học Lãm ngập sâu. (Ảnh: Minh Hoàng)
Đô thị hoá và mặt trái là thường xuyên bị ngập
Những ngày qua, vài trận mưa đầu mùa cũng gây ngập nước nhiều nơi. Địa hình cao như quận Gò Vấp vẫn chìm trong nước như các đường Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Khối, Phạm Văn Chiêu… Thông thường, bên cạnh sông Sài Gòn lẽ ra rất thuận lợi tiêu thoát nước nhưng lại ngập nặng trên các đường Quốc Hương, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Hưởng…
Quan sát dễ thấy những khu vực ngập nước do mưa hầu hết đã đô thị hóa, hình thành các khu dân cư. Vùng trũng có các dự án bất động sản, lấn chiếm và lấp rạch. Dự án, công trình xây dựng tràn lan cản trở hướng thoát nước. Như đường Đỗ Xuân Hợp qua cầu Nam Lý khoảng 300 m hướng về ngã tư Bình Thái có trận mưa nước ngập gần hết bánh xe máy; nhiều người tham gia giao thông rẽ trái vào khu dân cư Phước Bình cũng gặp cảnh mênh mông nước trong khi mực nước dưới sông Rạch Chiếc vẫn còn thấp. Tương tự ngập nặng do mưa lớn nhưng gần đó nước dưới kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Bến Nghé – Tàu Hũ vẫn còn cạn.
Tình trạng phổ biến là trong khi phát triển đô thị, phân lô bán nền xây dựng chiếm một diện tích lớn đất trống, mảng xanh, không gian thoát nước nhưng không có hồ điều tiết. Ngoại thành vốn nhiều kênh, rạch và vườn cây, hoa màu bỗng chốc được bê tông hóa lên phố như các đoạn đường Hồ Ngọc Lãm(quận Bình Tân), đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè)…
Hay dọc hai bên sông Sài Gòn phía đường Nguyễn Văn Hưởng (TP Thủ Đức) và Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), trước đây có quỹ đất trống tự nhiên với cây xanh dẫn dòng thoát nước tự nhiên cho các khu vực lân cận, hiếm khi ngập dù có mưa lớn. Sau này hình thành hàng loạt dự án bất động sản, biệt thự, chung cư cao cấp trở thành con đê chắn ngang bờ sông đã xảy ra tình trạng ngập nặng đến mức phải cải tạo nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Hầu hết các khu vực ngập nước do mưa lớn đều đô thị hóa, xây dựng công trình và nhà ở. Ngập nước trong đô thị do mưa chỉ có nguyên nhân duy nhất xuất phát từ nguyên lý cân bằng nước cho khu vực đó trong một thời gian nhất định, tức khi tổng lượng nước mưa vượt quá khả năng giúp tiêu thoát ra vùng trũng thông với cống, kênh, rạch, sông.
Bê tông hóa mở rộng thì hệ số dòng chảy càng cao, tức là lượng nước mưa rơi xuống tạo thành dòng chảy tăng lên. Vì thế, đòi hỏi kích thước cống, không gian vận chuyển lượng nước mưa cũng phải phải tăng theo, nếu hạ tầng không đáp ứng thoát nước sẽ gây ngập.
Thêm một thực trạng hệ thống thoát nước hiện nay đấu nối theo lưu vực, chưa bổ trợ lẫn nhau, điều này được thấy trong thực tế, đó là lúc có mưa lớn thì nhiều khu vực quá tải nhưng nơi khác chưa vận hành hết công suất. Do đó, chỉ cần một vị trí nào đó bị chặn lại đều có thể làm nghẽn dòng chảy, gây ngập nước.
Tận dụng sông, rạch để làm kênh dẫn nước
TPHCM có hệ thống sông rộng lớn thông ra biển là túi chứa nước khổng lồ như sông Sài Gòn, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu… cùng kênh rạch chằng chịt kết nối, len lỏi khắp ngõ ngách. Trong nội thành còn có các hệ thống kênh lớn như Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé, Tân Hóa – Lò Gốm bao gồm diện tích lên đến 142 km2. Nếu tận dụng tốt địa hình đặc thù, điều kiện tự nhiên này sẽ giúp giải quyết ngập nước đáng kể và đỡ tốn kém rất nhiều.
Chẳng hạn những trường hợp lấn sông, kênh, rạch trái phép cần kịp thời xử lý cương quyết và dứt điểm để trả lại không gian thoát nước. Phân cấp, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng quận, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm hay tái lấn chiếm.
Xem lại các dự án nhà ở, khu phức hợp nhà ở thương mại, dịch vụ. Nếu có quy hoạch xét thấy ảnh hưởng thoát nước và hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch cũng nên điều chỉnh dành không gian thoát nước khi có mưa lớn, mưa kéo dài…
Cần tìm cách thu nước qua hồ điều tiết hoặc dẫn dòng thoát ra sông, kênh, rạch. Địa hình cao ngập nước nên khai thông dòng chảy như tăng kích thước cống, cửa thu nước, nâng cấp hệ thống thoát nước. Làm hồ điều tiết tùy điều kiện, ví dụ đường Nguyễn Văn Khối và Lê Văn Thọ có thể làm hồ điều tiết ngầm dưới công viên Làng hoa Gò Vấp.
Ở trung tâm thành phố, nơi có giá đất đắt đỏ, có thể kết hợp cải tạo đô thị lập dự án thu hồi đất và kêu gọi đầu tư hệ thống thoát nước hiện đại. Đây là việc trước sau gì cũng phải làm hướng đến thành phố có chất lượng sống tốt, làm càng sớm càng lợi.
Trên nhiều tuyến đường, cửa thu nước/cống thoát nước mưa có kích thước gần giống nhau. Cửa thu nước xuống hố ga nhỏ và hẹp, khiến nước thoát không kịp, nhất là khi mưa lớn. Rà soát mở rộng cửa thu nước cho phù hợp vì cống lớn nhưng cửa thu nhỏ cũng giảm năng lực thoát nước.
TPHCM đặt chỉ tiêu trong kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025, chuyển 684 ha đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở, chuyển 9.867 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp … Vấn đề này cần tính toán thận trọng với quy hoạch bài bản đảm bảo cân bằng thoát nước, hạn chế thu hẹp dòng chảy và không gian thấm hút nước cho đô thị.
Bên cạnh đó, có biện pháp kiểm soát chủ đầu tư làm dự án tránh ảnh hưởng môi trường tự nhiên gây ngập nước, nếu buộc phải san lấp rạch đòi hỏi làm hồ điều tiết với hệ thống thoát nước đáp ứng nhu cầu. Tính toán chống ngập trên cơ sở khoa học dựa trên bản đồ sông, kênh, rạch, hệ thống thoát nước cùng mặt bằng thoát nước cả lưu vực, diện tích, dân số. Tùy tình hình mỗi lưu vực sông, kênh, rạch mà xác định giữ lại một phần diện tích không được xâm phạm nhằm phục vụ điều tiết nước mưa vừa duy trì hệ sinh thái, tích trữ đất tự nhiên.
Trần Văn Tường - Kỹ sư cầu đường
(KTSG Online)
- Cân nhắc việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội
- Tiếp thu, chỉnh lý phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
- Nên có 4 phương pháp định giá đất
- Áp dụng 'hệ số K' về giá đất có thể ‘bỏ sót’ nhiều dự án quy mô lớn?
- Ba đột phá chiến lược cụ thể để triển khai cơ chế đặc thù của TPHCM
- Tính cấp thiết biên soạn tiêu chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo dưỡng công trình ngầm đô thị
- Giảm thiểu rủi ro từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất
- Dự thảo Luật Đất đai: Đấu thầu 5ha hay 10ha?
- Phương án nào cho cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long?
- Phát triển trung tâm tài chính quốc tế: Làm tốt hơn hay tạo sự khác biệt?