Tìm kiếm thị trường ngách, xây dựng cơ chế thử nghiệm đặc thù và mang tính đột phá, có thể là một hướng đi giúp xây dựng TPHCM từng bước trở thành trung tâm tài chính quốc tế, cũng là nơi có khả năng cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính xuyên biên giới. Đây là một hành trình kéo dài trong tương lai, còn trước hết, những điều có thể làm ngay đó là cải thiện việc thu hút dòng vốn đầu tư từ khối ngoại.
TPHCM có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. (Ảnh: H.P)
Tìm cơ hội để làm khác đi
“Có hai cách để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế TPHCM. Một là làm tốt hơn những trung tâm đang có ở châu Á như Singapore hay Hồng Kông, cách hai là phải làm khác đi”, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, trường Đại học Kinh tế TPHCM, đặt vấn đề tại tọa đàm “TPHCM cần cơ chế đặc thù ra sao để phát triển trung tâm tài chính quốc tế?” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào cuối tuần trước.
“Giấc mơ” biến TPHCM thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế không mới, nhưng được nhắc nhiều trong khoảng ba năm trở lại đây, trong bối cảnh thành phố trên đường tìm kiếm cơ chế đặc thù, không chỉ để giải quyết những khó khăn hiện hữu mà còn tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, tiến đến một vị trí tốt hơn trên bản đồ tài chính toàn cầu.
Nhưng vấn đề nan giải là TPHCM sẽ làm thế nào để trở thành TTTC trong khu vực, sau đó tiến tới toàn cầu? Một hướng đi mà các chuyên gia góp ý tại cuộc tọa đàm nêu trên là tìm hiểu nhu cầu thế giới, hướng đến thị trường ngách, đặc biệt là đối với các lĩnh vực mới nhờ quy định pháp lý linh hoạt hơn. Điều này giúp TPHCM tạo sức hấp dẫn riêng, thay vì cạnh tranh trực diện với các TTTC vốn đã định hình và phát triển mạnh mẽ lâu nay.
“Ở những quốc gia không có sức mạnh kinh tế nội tại thì có thể tập trung vào những ngách về pháp luật”, TS. Phùng Hương Giang, giảng viên, nghiên cứu viên trường Kinh doanh ISC (Paris), chuyên gia thuộc tổ chức AVSE Global, chia sẻ. Trong đó, một số gợi ý bao gồm cung cấp sản phẩm tài chính số hay các tổ chức tài chính phi ngân hàng, xây dựng hệ sinh thái bao quanh ngách và nâng cấp hệ thống hạ tầng.
Theo ông Huân, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chọn Singapore vì có hệ sinh thái, khả năng tiếp cận thị trường vốn và công nghệ, nhưng Việt Nam cũng có lợi thế riêng về chi phí hoạt động. |
Muốn hướng đến thị trường ngách, một gợi ý khác từ TS. Huân là câu chuyện đồng tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương (CBDC). Hiện thị trường tài chính toàn cầu vẫn đang chờ đợi những sáng kiến xây dựng nền tảng giao dịch chuyển đổi xuyên biên giới, do đó, nếu Việt Nam muốn làm khác thì có thể xây dựng cơ chế thử nghiệm trung tâm giao dịch và chuyển đổi loại đồng tiền này trong tương lai.
Dĩ nhiên, viễn cảnh đó hiện vẫn còn quá xa. Mặt khác, việc hình thành TTTC quốc tế TPHCM đòi hỏi nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng, uy tín quốc gia, khả năng đáp ứng của Chính phủ và lòng tin của doanh nghiệp, người dân, TS. Giang nhìn nhận.
Dù vậy, các diễn giả cũng cho rằng TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn có lợi thế riêng của mình. Theo ông Huân, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chọn Singapore vì có hệ sinh thái, khả năng tiếp cận thị trường vốn và công nghệ, nhưng Việt Nam cũng có lợi thế riêng về chi phí hoạt động, trong khi hệ thống thuế thực chất cũng không đi sau quá xa.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu và phát triển, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng mỗi đặc khu kinh tế hay trung tâm tài chính quốc tế đều có đặc trưng riêng, tùy vào khẩu vị rủi ro của từng khu vực như Hồng Kông thì chấp nhận rủi ro cao hay Singapore kiểm soát chặt chẽ đầu vào. Ngay cả việc đầu tư trực tiếp tại thị trường Thượng Hải cũng không phải là quá dễ dàng, mà có những rào cản riêng. “Việt Nam có đặc trưng riêng là tính năng động, tư duy chấp nhận sự thay đổi hơn khi so sánh với các thị trường phát triển”, ông Minh nói.
Thu hút vốn ngoại là mục tiêu quan trọng
Hiện nay, chính sách, cơ chế thí điểm để xây dựng TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế đang được thảo luận. Theo nhóm soạn thảo dự thảo đề án trước đó, TPHCM có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, nhờ múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây là “lợi thế tự nhiên” và đặc biệt, giúp thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch của các trung tâm này.
Trên thị trường chứng khoán, đại diện Yuanta Việt Nam cho rằng điều quan trọng là phải thu hút dòng vốn nhà đầu tư ngoại và nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân đang chiếm vai trò chủ đạo. Theo đó, tỷ lệ giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 90%, trong khi ở những thị trường trong khu vực như Thái Lan hay các thị trường phát triển thì cao lắm cũng chưa đến một nửa.
Kích hoạt dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán còn nhiều giải pháp đã bàn nhiều lần trước đây, chẳng hạn như tăng cường chất lượng hàng hóa niêm yết đầu vào, tăng giới hạn sở hữu cổ phần khối ngoại ở một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, phát triển các sản phẩm phái sinh để trực tiếp và gián tiếp bổ sung nguồn vốn và tăng thanh khoản cho thị trường, hay trao quyền cho TPHCM thực hiện việc cổ phần hóa các doanh nghiệp địa phương.
Cơ chế thử nghiệm cũng là trụ cột quan trọng để thu hút dòng vốn, đặc biệt là những lĩnh vực có sự giao thoa giữa công nghệ mới và kinh doanh truyền thống. “Ngoài rủi ro về thị trường, tài chính, kinh doanh thì còn rủi ro lớn nhất với nhà đầu tư nước ngoài và công ty khởi nghiệp là pháp lý. Họ thực sự mong muốn có khung pháp lý thử nghiệm (sandbox). Cơ chế này không hề dễ dàng nhưng các quy định cũng cần phải cụ thể, nếu không thì khó kích hoạt được đổi mới sáng tạo”, ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc điều hành, Quỹ đầu tư Touchstone Partners, nhấn mạnh.
Một vấn đề khác là câu chuyện “vốn mồi” trong nền kinh tế. Kinh nghiệm thành công của Singapore là chính phủ chi đầu tư “mồi” vào quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân. Các quỹ này sau đó tự huy động thêm và đầu tư vào công ty của Singapore. Liệu TPHCM có thể thử nghiệm mô hình đầu tư này, cùng với ưu đãi thuế, phí để giúp khởi động hệ sinh thái đầu tư nền kinh tế số tại Việt Nam, ông Khanh đặt vấn đề.
Đánh giá tương tự, bà Giang cho rằng Việt Nam cần tăng cường khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư mạo hiểm tư nhân, các dự án không có vốn đầu tư từ khối tư nhân nhưng có vai trò chiến lược với quốc gia có thể được xem xét sử dụng vốn đầu tư mạo hiểm từ quỹ của nhà nước.
Về mặt vĩ mô, thách thức với nền kinh tế nhỏ có độ mở thương mại lớn như Việt Nam là câu chuyện về việc kiểm soát dòng vốn luân chuyển tự do (sẽ giúp kích hoạt vốn ngoại nhiều hơn), trong khi đồng thời giữ chính sách tiền tệ độc lập và tỷ giá cố định, theo ông Huân. Rào cản vĩ mô này khó có thể thay đổi trong ngắn hạn, cũng như sẽ khó có chính sách nào làm thay đổi toàn bộ cục diện hiện nay của thành phố.
Tuy nhiên, việc có cơ chế đặc thù mới, mang tính đột phá ít nhất cũng sẽ giúp TPHCM cải thiện được hiệu quả thu hút vốn ngoại và cả chất lượng tăng trưởng. “Có cơ chế thì nhà đầu tư tự tìm thấy cơ hội”, ông Khanh nhìn nhận.
Dũng Nguyễn
(KTSG Online)
- Cần tận dụng sông, kênh, rạch để chống ngập cho TPHCM
- Tính cấp thiết biên soạn tiêu chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo dưỡng công trình ngầm đô thị
- Giảm thiểu rủi ro từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất
- Dự thảo Luật Đất đai: Đấu thầu 5ha hay 10ha?
- Phương án nào cho cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long?
- Cấm xe máy ở nội đô vào năm 2030: Liệu có khả thi?
- Chưa tách bạch công – tư trong thu hồi đất
- Đã đến lúc "trả nợ" cho Đồng bằng sông Cửu Long
- Lời giải cho bài toán thu hồi đất
- Để trung tâm kinh tế thực sự chuyển mình khi được trao cơ chế vượt trội