Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Tương tác Phản biện TPHCM: làm gì để xây dựng trung tâm AI?

TPHCM: làm gì để xây dựng trung tâm AI?

Viết email In

Tại Hội thảo khoa học Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2019-2025 ngày 20/3/2019, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu chính quyền thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu chung với các chuyên gia, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động AI, đồng thời thành lập một ban xây dựng và điều hành chương trình hợp tác nghiên cứu lĩnh vực này.

Theo ông Nhân, “đây không phải là một ban thuộc chính quyền, mà tập hợp những nhà khoa học tham mưu cho thành phố nghiên cứu gì, đầu tư ở đâu, chọn đối tác chiến lược thế nào, xác định những chương trình trọng tâm trong những năm tới”. Trên tinh thần này, TBKTSG xin giới thiệu góp ý của số chuyên gia đang làm việc, nghiên cứu trong lĩnh vực AI tại Nhật Bản.


Cần có một kiến trúc sư trưởng thiết kế mô hình phù hợp cho từng lĩnh vực ở TPHCM.
(Ảnh: Thành Hoa)

TS. Lê Anh Sơn: Trước tiên, cần trả lời một số câu hỏi

Muốn phát triển AI thì phải có dữ liệu, và chúng ta phải xây dựng kho dữ liệu ngay từ bây giờ để có thể phát triển được các công cụ giúp ích cho xã hội trong tương lai.

Đầu tiên, phải khẳng định việc nghiên cứu và phát triển các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI để xây dựng một đô thị thông minh là cần thiết. Muốn phát triển AI thì phải có dữ liệu, và chúng ta phải xây dựng kho dữ liệu ngay từ bây giờ để có thể phát triển được các công cụ giúp ích cho xã hội trong tương lai.

Các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI nên phát triển theo hướng nào? Đây là câu hỏi thực sự khó cho các nhà khoa học cũng như các nhà hoạch định chính sách. Phải hiểu đúng nghĩa việc xây dựng trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI - để giải quyết những vấn đề gì, đô thị thông minh là gì, đô thị sáng tạo là gì (hai cái này vốn khác nhau về mặt thuật ngữ)? Trong đô thị thông minh hay sáng tạo thì trung tâm sẽ giải quyết vấn đề nào trước, vấn đề nào sau?

Cơ chế hoạt động của trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI sẽ như thế nào? Trung tâm sẽ thu thập các dữ liệu sau đó xây dựng các đề án cụ thể dựa trên ý kiến của các chuyên gia? Tiếp theo, sẽ đưa các đề án đó cho các công ty chuyên về công nghệ thực hiện? Đội ngũ chuyên gia sẽ bao gồm những ai, lĩnh vực nào? Hay là tổ hợp của tất cả các chuyên gia và mỗi chuyên gia sẽ làm một hướng khác nhau? Các trường đại học sẽ đóng vai trò gì?

Theo ý kiến cá nhân tôi, chúng ta cần hiểu rõ các định nghĩa cơ bản về một số vấn đề trước khi đi vào chi tiết. Chẳng hạn, “ứng dụng” là áp dụng công nghệ để giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó. “Dữ liệu” có nhiều nguồn khác nhau (người dân, thiết bị, cây cối, đường sá...) và các cách thu thập khác nhau (cảm biến, thông tin cá nhân...). Còn thành phố thông minh là gì, nó bao gồm những gì và chúng ta thực hiện ở mức nào? Nó là một hệ thống được kết nối và sử dụng AI để nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tiêu thụ năng lượng... Thành phố thông minh có thể bao gồm: theo dõi và phân tích hoặc điều tiết hệ thống giao thông, hệ thống điện lưới, hệ thống cung cấp nước, hệ thống xử lý rác thải, hệ thống thông tin, trường học, bệnh viện...

Chúng ta xây dựng thành phố thông minh ở mức nào? Chỉ một ứng dụng nhỏ cũng có thể coi là thành phố thông minh (ví dụ chỉ áp dụng mô hình giao thông thông minh trong thành phố), hay chúng ta làm tất cả các vấn đề và tất cả các lĩnh vực sau đó kết nối chúng với nhau để tạo sự tương tác (đây là việc thực sự khó vì chúng ta cần định hướng rõ các vấn đề, các hệ thống sẽ tương tác với nhau như thế nào cho hài hòa và hợp lý. Lấy ví dụ sự tương tác giữa hệ thống theo dõi ngập nước và hệ thống giao thông, khi hệ thống ngập nước báo thì sẽ tương tác thế nào với các hệ thống khác nhằm đạt được mục đích tối ưu. Việc tương tác này rất phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian cũng như công sức của nhiều chuyên gia khác nhau).

Tôi cũng đồng ý với ý kiến của PGS. Nguyễn Hoàng Tú Anh (Hiệu trưởng Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM), là cần phải có kế hoạch trung, dài hạn và thực hiện theo từng bước một, tránh đầu tư tràn lan, dài trải, kết cục sẽ không gom các hệ thống lại với nhau được.

Về giáo dục, tôi không nghĩ việc đưa môn lập trình vào chương trình giáo dục phổ thông (như một số ý kiến) là cần thiết lúc này. Theo tôi, muốn làm được AI, không phải chỉ dựa vào lập trình mà còn nhiều yếu tố khác nữa. Chính vì thế chúng ta phải nâng cao chất lượng giáo dục trước, sau đó mới tính đến việc đưa các môn học mới vào chương trình đào tạo. Hoặc có thể đưa môn lập trình vào làm một trong những môn tự chọn.

TS.BS. Bùi Quốc Thắng: PHẢI CÓ KIẾN TRÚC SƯ TRƯỞNG

AI đã được nghiên cứu và phát triển từ rất lâu ở những nước có nền tảng khoa học kỹ thuật tốt, tuy nhiên những sản phẩm của họ vẫn rời rạc, mang dấu ấn riêng của từng công ty, chưa thật sự kết nối thành một môi trường chung.

Cho nên, để có thể phát triển ứng dụng AI tại Việt Nam, cụ thể là tại TPHCM, cần có một kiến trúc sư trưởng thiết kế mô hình phù hợp cho từng lĩnh vực ở TPHCM. Tránh việc đặt hàng các doanh nghiệp riêng lẻ hay triển khai từng hạng mục rời rạc, như vậy sẽ dẫn tới thiếu đồng bộ và cồng kềnh hệ thống.

Cần có một môi trường để các doanh nghiệp làm về AI cùng nhau chia sẻ nguồn lực, chung tay vì lợi ích chung của cộng đồng. Việc dạy cho học sinh về sự phát triển của khoa học công nghệ sẽ có ích hơn việc đưa giáo trình học lập trình vào cấp phổ thông, vì AI cần sự chung tay của rất nhiều lĩnh vực tưởng chừng không liên quan như luật, kinh tế, xã hội học. Chính những lĩnh vực đó đóng vai trò quan trọng không thua gì kỹ sư công nghệ thông tin lập trình.

Y tế là lĩnh vực đặc biệt vì liên quan đến sức khỏe con người. Nó tiêu tốn rất nhiều nguồn lực, nhất là nhân sự cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng và điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Trong y học hiện đại, sử dụng các thiết bị ứng dụng công nghệ mới vào việc chẩn đoán và điều trị đóng vai trò quan trọng, thay thế dần các phương pháp truyền thống, cho nên ứng dụng AI trong y học sẽ mang lại kết quả rõ ràng nhất nhưng lại là lĩnh vực khó khăn nhất. Để có thể phát triển được AI trong y tế, cần có một bản vẽ cụ thể, các bước thực hiện thật chi tiết, sự phối hợp giữa nhà làm luật, hoạch định chính sách, bảo hiểm y tế với nhà sản xuất trang thiết bị y tế, công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông và quan trọng nhất là tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế trong khu vực. Việc thay đổi giáo trình đào tạo nhân viên y tế cũng cần được nghiêm túc xem xét. Môi trường AI trong y tế cần có những nhân viên y tế thông minh bên cạnh những bệnh nhân thông minh, đó không phải là những mảnh ghép hình mà là một bức tranh tổng thể.

M.L.

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo