Ashui.com

Sunday
Sep 08th
Home Tương tác Phản biện Cấm xe máy: Mới tập trung phần ngọn, chưa giải quyết phần gốc

Cấm xe máy: Mới tập trung phần ngọn, chưa giải quyết phần gốc

Viết email In

Các chuyên gia cho rằng việc cấm xe máy vào trung tâm TPHCM cần đặt trong bối cảnh chung và có giải pháp mạnh mẽ hơn, vượt ra ngoài lĩnh vực giao thông thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề.

Khó khả thi

Với tính chất quan trọng, tác động đến đa số người dân, việc cấm xe máy vào trung tâm TPHCM dù đã được lên kế hoạch nhiều năm nay, song đến nay việc cấm hay không cấm vẫn đang còn nhiều tranh luận. Hôm 1/3, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã tổ chức hội nghị phản biện dự thảo đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân. Phần lớn các chuyên gia phát biểu tại hội nghị đều nhận định mục tiêu đến năm 2030 sẽ cấm xe máy lưu hành vào khu vực trung tâm là không thực tế. Bởi TPHCM là đô thị có rất đông người dân nhập cư với đời sống phụ thuộc rất lớn vào xe máy.


Kẹt xe tại TPHCM.
(Ảnh: Lê Anh)

Bà Phan Thị Hồng Xuân, Trưởng khoa Đô thị học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TPHCM, cho rằng số liệu điều tra xã hội học thực hiện từ năm 2017 chưa đầy đủ, trong đó số liệu thống kê xe Grab, Uber từ năm 2015 đã cũ vì hiện nay Uber đã rút khỏi Việt Nam. Bà cho rằng cần cập nhật số liệu điều tra xã hội học và bổ sung thêm đánh giá nhu cầu, tâm lý của người dân, chứ không thể đi theo ý muốn chủ quan của đề án. Việc điều tra xã hội cần phân theo giới, độ tuổi, đặc thù công việc thì mới có sự đánh giá chính xác. Hơn nữa, khi cấm xe cũng cần xem xét đến yếu tố thói quen di chuyển của người dân. “Khó có thể bỏ xe cá nhân thời gian ngắn khi hạ tầng, giao thông công cộng chưa đảm bảo, do vậy, cần có lộ trình và thời gian”, bà nói.

Tương tự, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, chỉ ra rằng số liệu thống kê cho thấy xe máy đang chiếm 90% các loại xe. Với đặc thù TPHCM có nhiều đường hẻm, trong khi giao thông công cộng còn quá nhiều bất cập thì việc cấm xe máy vào trung tâm chưa thể thực hiện trong vài năm tới.

Vị luật sư này cũng chỉ ra ngoài việc cấm xe máy vào trung tâm, đề án còn đề xuất thu phí ùn tắc giao thông, phí ô nhiễm môi trường... là chưa phù hợp. Trong đó, việc thu phí ô nhiễm môi trường với xe cá nhân chưa có trong luật, đóng thêm nhiều loại phí còn gây khó khăn cho người dân. Hơn nữa, hiện nay xe đạt kiểm định là được lưu thông, đề án đưa ra việc kiểm soát khí thải xe nào không đủ tiêu chuẩn không được phép vào trung tâm là không phù hợp. “Nên có giải pháp hiệu quả hơn để người dân tự nguyện không đi xe máy. Tôi thấy, giải pháp mới tập trung phần ngọn mà chưa có giải quyết được phần gốc”, ông Hậu nói.

Chính quyền TPHCM cứ loay hoay hết giải pháp này đến giải pháp khác mà vẫn không giải quyết được ùn tắc giao thông.

Chìa khóa đô thị vệ tinh

Để giải quyết được ùn tắc giao thông tại TPHCM theo hướng bền vững, các chuyên gia cho rằng mấu chốt nằm ở vấn đề quy hoạch. Ông Nguyễn Minh Hòa, khoa Đô thị học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhận định việc cấm xe máy cần đặt trong bối cảnh rộng hơn, cần có đề xuất mạnh mẽ hơn, vượt ra ngoài lĩnh vực giao thông thì mới giải quyết được vấn đề. Đơn cử, phải phân bổ lại dân cư bằng cách tạo ra nhiều trung tâm mới tương tự như quận 1, quận 3, khi đó, người dân tự động dịch chuyển ra các trung tâm mới thì vấn đề giao thông sẽ được giải quyết. Kinh nghiệm của nhiều nước đã làm cho thấy các thành phố mới sẽ tạo ra sự di dân lớn, thậm chí thành phố cũ còn đìu hiu.

Trong những năm qua, TPHCM chỉ phát triển trong 930 héc ta ở khu trung tâm nên kẹt xe thường xuyên xảy ra là đương nhiên. “Việc cấm xe máy vào trung tâm thành phố lớn đã nói nhiều lần nhưng Chính phủ lại khuyến khích cho các công ty phát triển xe máy để thu thuế. Như vậy không ổn, Chính phủ cần suy nghĩ giảm lượng xe máy sản xuất”, ông Hòa đề xuất. “Nếu đã cấm xe máy thì phải tính đến các phương án cấm sản xuất, cấm mua bán, trao đổi ở những nơi dự kiến cấm.

Kỹ sư Trần Đình Tứ cũng đề nghị xem lại công tác quy hoạch, khi thành phố hơn 10 triệu dân mà thiếu những đô thị vệ tinh và tập trung quá nhiều văn phòng, ngân hàng, trung tâm thương mại tại khu vực trung tâm. Ông cho rằng chính việc quy hoạch lệch lạc là nguyên nhân làm cho giao thông TPHCM ngày càng hỗn loạn và khó kiểm soát. Hậu quả là chính quyền TPHCM cứ loay hoay hết giải pháp này đến giải pháp khác mà vẫn không giải quyết được ùn tắc giao thông.

Với những điểm bất cập mà các chuyên gia nêu ra, có thể thấy việc phát triển các đô thị vệ tinh là chìa khóa giúp giải quyết vấn đề giao thông. Bất cập này cũng được chính quyền TPHCM nhận ra và bắt đầu có những điều chỉnh. Trong đó, có việc ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc trục giao thông công cộng lớn. Đồng thời, không phát triển các dự án nhà ở cao tầng mới ở quận 1, quận 3 đến năm 2020.

Trước nhiều ý kiến băn khoăn của nhiều chuyên gia, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết khi nghiên cứu thực hiện đề án sở đã tính toán đến các kịch bản có thể xảy ra. Trước khi xây dựng đề án cũng đã điều tra xã hội học với 35.000 phiếu khảo sát được phát ra và có 62,56% ý kiến người dân ủng hộ việc cấm xe máy vào một số quận trung tâm. Do tác động rất lớn đến đời sống người dân nên kịch bản mà sở đề xuất là cấm từ từ, ban đầu là cấm theo một số khung giờ sau đó theo ngày rồi mới tiến tới cấm hoàn toàn. “Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia sẽ được sở ghi nhận, hoàn chỉnh đề án dự kiến vào quí 3-2019 để trình chính quyền TPHCM xem xét quyết định”.

Lê Anh

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo