Ashui.com

Monday
Apr 29th
Home Tin tức Việt Nam Hội nghị Thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, TP Hải Phòng

Hội nghị Thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, TP Hải Phòng

Viết email In

Ngày 16/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị Thẩm định quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, TP Hải Phòng đến năm 2025, với sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường, UBND TP Hải Phòng và một số cơ quan liên quan. Đây sẽ là khu kinh tế (KKT) biển trọng điểm, đa ngành với lĩnh vực chủ yếu là phát triển kinh tế hàng hải.

Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, TP Hải Phòng được thành lập theo Quyết định số 06/2008/QĐ-TTg ngày 10/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu xây dựng và phát triển KKT này trở thành KKT tổng hợp, năng động, đa ngành, đa lĩnh vực với lĩnh vực chủ yếu là phát triển kinh tế hàng hải.

Ngày 03/03/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 145/QĐ-TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ QH chung xây dựng KKT Đình Vũ- Cát Hải, TP Hải Phòng đến năm 2025 và ngày 24/11/2011 Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định số 1000/QĐ-BXD về việc điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ QHC xây dựng KKT đến năm 2025. Đồ án do Tư vấn Nikken Sekkei Civil Engineering.Ltd (Nhật Bản) lập.

Theo quy hoạch, KKT Đình Vũ – Cát Hải là KKT tổng hợp được vận hành theo quy chế riêng biệt nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP Hải Phòng và vùng duyên hải Bắc Bộ gồm kinh tế hàng hải (trọng tâm là phát triển dịch vụ cảng), trung tâm công nghiệp, dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch và thương mại.

KKT gồm 2 khu chức năng chính là khu phi thuế quan và khu thuế quan với tổng diện tích là 22.140 ha. Dự kiến theo quy hoạch đến năm 2025 dân số tại KKT là 310.000 người, trong đó số lao động là 172.000 người.

Theo định hướng phát triển không gian, cấu trúc không gian KKT Đình Vũ - Cát Hải được thiết lập trên nguyên tắc: Mở rộng chức năng cảng thông qua biện pháp lấn biển và phát triển luồng tàu hiệu quả cao (với cảng Đình Vũ 150 ha, Nam Đình Vũ 150 ha và cảng biển nước sâu Lạch Huyện 640 ha); bố trí khu dân dụng tách biệt với khu cảng, công nghiệp bằng mặt nước và cây xanh; xây dựng mạng lưới giao thông kết nối thuận tiện giữa khu đô thị và các khu cảng, khu công nghiệp. KKT nằm trong mạng lưới giao thông quan trọng, gồm đường bộ, đường thủy và đường hàng không như sân bay Cát Bi, đường sắt cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường bộ Hạ Long - Hải Phòng, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện),… Các dự án cần ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2015 là xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và tuyến đường bộ huyết mạch của KKT; xây dựng các khu tái định cư; xây dựng cảng vửa ngõ quốc tế Hải Phòng; triển khai các dự án khu đô thị, khu công nghiệp tập trung với tổng kinh phí khái toán gần 90.537 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia phản biện, các nhà khoa học, và các bộ ngành, nhìn chung ĐA được nghiên cứu kỹ, đủ cơ sở khoa học và có tính thực tiễn cao, đảm bảo được một đồ án đúng quy định pháp luật, phù hợp với quy hoạch và phù hợp với các quy hoạch cấp cao hơn; nội dung đầy đủ, phù hợp với nhiệm vụ thiết kế được duyệt. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Phát triển Đô thị, đồ án có nhiều ý tưởng, mạnh dạn đưa khung thiên nhiên vào để tạo sự cân bằng nhưng thiết kế đô thị thiếu điểm nhấn không gian chính, thiếu sự liên kết tổng thể. Vì vậy, đồ án cần làm sao để có những điểm nhấn tạo ra những ấn tượng, nổi bật ở những cửa ngõ vào như tuyến đối ngoại ở đường ngoài vào, tuyến biển, tuyến từ đường nội thì khác nhau như thế nào... hay việc tạo ra hình ảnh từ trên nhìn xuống như thế nào để tạo sự nổi bật của KKT. Đây là những hình ảnh mà kiến trúc cần đạt được.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhận định, cần có sự kết nối giữa KKT và TP Hải Phòng. Sự kết nối giữa vành đai 2, 3 của TP chưa đủ, cần có sự kết nối với TP mạnh hơn. Đồng thời KKT này là có cảng biển lớn và là khu công nghiệp lọc dầu, hóa dầu nhưng nằm gần kỳ quan thế giới, vì vậy đồ án cần đề xuất được việc bảo vệ cảng biển để không làm ảnh hưởng đến vịnh Hạ Long, nêu rõ hệ thống bảo vệ, phao bảo vệ được được thiết kế như thế nào trong trường hợp không may có tàu dầu cháy nổ hay tràn dầu.

Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài Nguyên Môi trường, đại diện Văn phòng Chính phủ… cũng đề nghị tư vấn cần lưu ý về vấn đề sử dụng đất, việc bố trí quỹ đất hợp lý để không ảnh hưởng đến môi trường như vấn đều liên quan đến quỹ đất khu tồn chứa và phân phối hóa chất, vấn đề ứng phó với nước biển dâng... Đồng thời, các chuyên gia cũng đề nghị tư vấn cần đưa ra các phương án kinh tế, khả năng huy động vốn như thế nào để phù với thể chế và khả năng phát triển của VN trong thời kỳ tới; và có những kịch bản khác nhau về huy động vốn. Ngoài ra cũng cần có những quy chế cụ thể cho từng khu chức năng, vì hiện mới đưa ra quy định chung chung. Nếu những vấn đề này được chỉnh sửa thì có thể trình Thủ tướng phê duyệt.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Hải Phòng là TP loại 1 và có bề dày phát triển trên nhiều lĩnh vực và là TP đóng vai trò trung tâm đóng góp cho sự phát triển KT-XH của miền Bắc. Việc phát triển KKT Đình Vũ-Cát Hải sẽ tạo ra bước đột phá để phát triển kinh tế biển, phát triển CNH-HĐH, vì nó có một vị trí đặc biệt với nhiều lợi thế để phát triển. Mà muốn phát triển khu vực này trước hết phải có quy hoạch. Hiện KKT này đang vừa triển khai vừa tiến hành quy hoạch, điều chỉnh những gì không phù hợp.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng lưu ý, tư vấn cần tiếp thu ý kiến của các nhà phản biện, nhà khoa học và các Bộ để có sự điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo sự phát triển bền vững của KKT. Bộ trưởng yêu cầu đồ án cần có sự thống nhất trong hồ sơ thủ tục trình; số liệu phải phù hợp; kết cấu đồ án cần sắp xếp lại quy trình cho hợp lý, theo đúng trình tự quy định của các văn bản pháp luật Việt Nam.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, đồ án cần phân tích rõ hơn và đưa các cách xử lý khách quan, chủ quan đối với những mặt tích cực cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình kinh tế thế giới, khu vực, trong nước có tác động thế nào đến KKT trong ngắn hạn và dài hạn; phân tích khả năng cạnh tranh của KKT này với các KKT khác trong nước và khu vực để tính toán quy mô đầu tư phát triển rõ hơn. Đồng thời phân tích rõ hơn mối quan hệ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, vấn đề môi trường của KKT với vùng KT trọng điểm Bắc Bộ và với các địa phương, với các nước trong khu vực; vai trò phát triển KKT với sự phát triển của đô thị Hải Phòng (tích cực và tiêu cực);... Trong định hướng phát triển không gian, đồ án cần gắn kỹ hơn với Quy hoạch chung phát triển đô thị Hải Phòng, kể cả với đảo Cát Bà (tác động về môi trường, xã hội, du lịch...) từ đó giải quyết xử lý các áp lực đối các khu vực xung quanh; hoàn thiện tiếp các bước quy hoạch còn lại (khu nào chưa phân khu tiếp tục phân khu); chuẩn bị hạ tầng để đầu tư.

Về vốn đầu tư, Bộ trưởng yêu cầu tư vấn cần phân tích các nguồn vốn khác nhau, không chỉ vốn từ ngân sách nhà nước mà còn có vốn của doanh nghiệp, của người dân và có sự điều chỉnh vốn cho phù hợp. Bộ trưởng đề nghị UBND TP Hải Phòng nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng cho KKT Đình Vũ - Cát Hải là 20% và nên giao cho Ban quản lý thực hiện chức năng nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể để phát triển KKT./.

Lan Anh

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo