Ngày 20/7, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
Với mục tiêu xây dựng hệ thống trụ sở làm việc đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng điều kiện làm việc của các Bộ, ngành Trung ương; nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước góp phần tinh giảm bộ máy hành chính; sắp xếp lại đô thị, giảm tải cho khu vực nội thành Hà Nội.
Nghi thức bàn giao Đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các Bộ, ngành. (Ảnh: Hữu Mạnh)
Ngày 20/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 423/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
Theo đó, hệ thống trụ sở mới này sẽ là nơi làm việc của 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan Trung ương của các đoàn thể. Đồ án quy hoạch gồm 02 bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại hai khu vực là Tây Hồ Tây và Mễ Trì.
Trong đó quy mô lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trụ sở Bộ, ngành Trung ương tập trung tại khu Tây Hồ Tây khoảng 35ha, gồm 20,7ha thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ và 14,3ha tại phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm.
Khu Tây Hồ Tây sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất về phía Bắc và Nam gắn với 2 trục đường đô thị để tạo thuận lợi cho khách và cán bộ đến tiếp cận làm việc bằng phương tiện giao thông cơ giới. Các công trình trụ sở được xây dựng thống nhất chiều cao 12 - 25 tầng, các khối công trình công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6 - 24 tầng, thống nhất chỉ giới xây dựng lùi so với mặt đường chính là 20m.
Phối cảnh hệ thống trụ sở làm việc các Bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây. (Nguồn: Ashui.com)
Đồ án quy hoạch chỉ rõ đối với khu Tây Hồ Tây, giai đoạn từ năm 2023 - 2025, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 1. Cụ thể, thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng và chuẩn bị đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1.
Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, thực hiện đầu tư giai đoạn 1 và chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2. Trong đó sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1 (hoàn thành trụ sở mới, di dời và bàn giao trụ sở cũ vào năm 2030) và chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2. Giai đoạn từ năm 2031 - 2035, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở các Bộ, ngành còn lại và các công trình công cộng (giai đoạn 2).
Tại khu Mễ Trì, quy mô quy hoạch chi tiết khoảng 55ha, trong đó khoảng 43,6ha thuộc phường Mễ Trì và khoảng 11,4ha thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. Không gian tổng thể của quy hoạch là các cụm công trình kiến trúc có chiều cao công trình trụ sở Bộ, ngành tương đối thống nhất. Trụ sở làm việc ở đây được thiết kế cao 17 - 25 tầng, công trình công cộng cao 3 – 5 tầng, giáp với tuyến đường đại lộ Thăng Long, đường Cương Kiên.
Giai đoạn từ năm 2023 - 2025, tại khu vực Mễ Trì sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án trụ sở Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và hoàn thành đưa công trình trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào sử dụng.
Từ năm 2026 – 2030, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan khác có nhu cầu di dời. Giai đoạn năm 2030 về sau, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các cơ quan có nhu cầu di dời.
Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: Cùng với yêu cầu phát triển của xã hội, việc tổ chức lại hệ thống các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, đồng hành với cải cách các phương pháp làm việc, thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là yêu cầu cấp thiết. Theo đó, cần phải có một hệ thống cơ sở vật chất mới, phù hợp với các yêu cầu mới, với mô hình Chính phủ điện tử và nâng cao hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp Trung ương.
Trên cơ sở các nhiệm vụ được phê duyệt, Bộ Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và Thành phố Hà Nội để tổ chức rà soát, đánh giá các thực trạng và lập quy hoạch hệ thống trụ sở các cơ quan. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, UBND Thành phố Hà Nội và các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tổ chức thực hiện Quy hoạch để đảm bảo hiệu quả, khả thi và đáp ứng các yêu cầu đã đề ra.
Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: Chính quyền Thành phố sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được Chính phủ phân công về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật kết nối…; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch kiến trúc, xây dựng dự án khu đô thị kế cận, để tạo sự kết nối về không gian, phù hợp với khả năng chịu tải của hạ tầng khu vực. Đồng thời, sẽ báo cáo Thành ủy, HĐND Thành phố Hà Nội thiết lập phương án tổ chức triển khai, phối hợp với Bộ Xây dựng, các cơ quan liên quan để thực hiện Đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các Bộ, ngành.
Tiến Hào – Lê Đức
(Báo Xây dựng)
- Hà Nội lập Hội đồng thẩm định danh mục các công trình kiến trúc có giá trị
- Hà Nội: Khởi công dự án cầu đường sắt Đuống với hơn 1.800 tỉ đồng
- TP.HCM đề xuất bổ sung thêm 3 tuyến đường sắt đô thị vào quy hoạch
- Dự kiến sẽ bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội quản lý từ 1/8
- TP.HCM: Đề xuất 4 vị trí làm bãi gửi xe cao tầng lắp ghép
- Định hướng Cần Giờ thành đô thị sinh thái hiện đại vùng Đông Nam bộ
- Quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, lấy con người làm trung tâm
- SBVN chính thức ra mắt chương trình Net Zero Building Pilot Project
- Eco Logistics Centre trở thành nhà kho xây sẵn đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận LEED
- Đề xuất chính sách trong Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị