Ashui.com

Saturday
Dec 14th
Home Tin tức Việt Nam "Nóng nghị trường" với vấn đề quy hoạch bán đảo Sơn Trà

"Nóng nghị trường" với vấn đề quy hoạch bán đảo Sơn Trà

Viết email In

Những luồng ý kiến nhiều chiều trong dư luận xã hội thời gian gần đây về quy hoạch bán đảo Sơn Trà đã làm nóng phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chiều 13/6.

Quy hoạch được lập đúng quy định, trình tự, thẩm quyền

Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt ra một loạt câu hỏi: Việc thẩm định, phê duyệt khu du lịch Sơn Trà (Đà Nẵng) đã đúng quy trình, thủ tục chưa? Có bảo đảm thống nhất khả thi không? Dựa vào tiêu chí nào để đưa ra con số 1.600 phòng? Quan điểm xử lý của Bộ trưởng đối với những dự án hiện nay trên bán đảo Sơn Trà như thế nào? 


Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ kiểm tra công trình xây dựng sai phạm tại dự án Khu du lịch Sinh thái Biển Tiên Sa ở bán đảo Sơn Trà.
(Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN) 

Chung mối băn khoăn, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng cử tri đang lo ngại khi 3 bản quy hoạch về Sơn Trà từ năm 2014-2016, cứ mỗi năm có 1.000ha rừng bị cắt trong quy hoạch này. 

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng lý giải về con số này và trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng quy hoạch.

Nhìn nhận đây là sự việc “nóng,” Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã báo cáo cụ thể về dự án này.

Theo Bộ trưởng, cơ sở để lập quy hoạch căn cứ vào Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chiến lược quy hoạch tổng thể khu du lịch Việt Nam 2020 tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và xác định bán đảo Sơn Trà là một trong 4 loại địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với sự thống nhất của thành phố Đà Nẵng đã tiến hành cho phép lập quy hoạch khu du lịch quốc gia. 

Nói về quá trình lập quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, năm 2014, Bộ đã lập quy hoạch và năm 2016 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong quá trình lập quy hoạch, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng ở tất cả các khâu từ lập đề cương nhiệm vụ, khảo sát thực địa, cung cấp thông tin, tài liệu đến hình thành ý tưởng…

Sau đó, Bộ đã gửi dự thảo quy hoạch và lấy ý kiến 11 bộ ngành liên quan. Các ý kiến cơ bản thống nhất với dự thảo quy hoạch.

“Có thể khẳng định, quy hoạch được lập đúng quy định, trình tự, thẩm quyền, phù hợp với quy định của Luật Du lịch, quy định của pháp luật liên quan và Chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,” Bộ trưởng Thiện nói.

Về nội dung trong quy hoạch, theo Bộ trưởng, bán đảo Sơn Trà có 4.439ha, quy hoạch điều chỉnh 1.056ha vì theo quy định, quy hoạch du lịch quốc gia không thể nhỏ hơn 1.000ha.

Đề án quy hoạch tổng thể định hướng du lịch tại bán đảo Sơn Trà là phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao trong đó du lịch văn hóa tâm linh gắn với mục tiêu môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, an ninh quốc phòng.

“Trong quá trình vừa rồi, có dư luận xảy ra, tôi là Bộ trưởng, tôi luôn luôn trăn trở. Ở Huế trước đây có dự án tương tự, là đồi Vọng Cảnh, chúng tôi cũng thấy thấm thía bài học này. Lần này chúng tôi đã lắng nghe tất cả các ý kiến,” Bộ trưởng bày tỏ. 

Phát triển đi đôi với bảo tồn và đảm bảo quốc phòng an ninh

Trên tinh thần cầu thị, tiếp thu, lắng nghe nghiêm túc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định quan điểm quy hoạch Sơn Trà là phát triền bền vững, có trách nhiệm, bảo vệ các giá trị nổi bật về đa dạng sinh học, vùng biển sinh thái môi trường, ưu tiên cho bảo tồn, giảm tối đa số phòng trong quy hoạch.

“Cụ thể là bao nhiêu, căn cứ vào tình hình để có số liệu cụ thể vì lợi ích của Đà Nẵng và nhân dân cả nước,” Bộ trưởng cho biết, đồng thời nêu rõ, trách nhiệm xử lý dự án này theo quy định của pháp luật là của thành phố Đà nẵng. Trong quá trình xử lý, Bộ sẽ phối hợp với thành phố Đà Nẵng.

Giải trình thêm về quy hoạch bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, năm 2016 Chính phủ phê duyệt quy hoạch và ngày 15/2/2017 vừa qua mới tổ chức công bố quy hoạch tại Đà Nẵng. Ngay sau khi được công bố đã có ý kiến của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về quy hoạch này.

Chính phủ đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thành phố Đà Nẵng phải xem xét, tiếp thu các ý kiến đóng góp một cách cầu thị, khoa học và công khai.

“Tôi đã trực tiếp đi, nhìn tận mắt những gì đã xây dựng, những gì đang xây dựng và những gì cần bảo tồn ở Sơn Trà. Tôi đã đọc mấy trăm trang tài liệu, đã mời kiến trúc sư trực tiếp làm đồ án này để hỏi và quyết định để việc tiếp thu ý kiến được khách quan thì tạm dừng thực hiện quy hoạch này. Trên thực tế hiện nay quy hoạch này chưa hề được triển khai,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng theo thẩm quyền của mình đã phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, cấp phép đầu tư cho 25 dự án, trong đó có 18 dự án về du lịch (11 dự án có xây dựng cơ sở lưu trú).

“Bất cứ dự án nào khác trên bán đảo Sơn Trà đều được cấp phép và nếu có vấn đề vi phạm thì đều phải được quản lý, xử lý bởi Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích, quy hoạch bán đảo Sơn Trà được thực hiện bởi một cơ quan tư vấn gồm các nhà chuyên môn, đưa ra rất nhiều giải pháp để đảm bảo phát triển đi đôi với bảo tồn và đảm bảo quốc phòng an ninh.

Theo các nhà chuyên môn, con số 1.600 phòng không phải là ý chí hành chính, mà đây là tính toán trên công thức, mô hình chuyên ngành du lịch để đảm bảo phát triển cân đối, ưu tiên cho bảo tồn.

Ngày 29/5 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có ý kiến chính thức. Trong báo cáo nêu rõ, Đà Nẵng không đồng ý với kiến nghị giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà, không xây dựng thêm cơ sở lưu trú của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.

“Mặc dù vậy, tôi đã yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục rà soát các dự án, làm việc với Hiệp hội Du lịch về hướng và quy mô phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà trên nguyên tắc đảm bảo phát triển bền vững,” Phó Thủ tướng cho hay.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ luôn chú trọng phát triển bền vững trong quá trình phát triển. Khi các yếu tố bền vững chưa được đảm bảo thì tốt nhất để lui lại để đến khi có đủ điều kiện sẽ làm. Ngoài ra, Sơn Trà chỉ đóng góp nhỏ cho du lịch cả nước.

Về ý kiến của đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó Thủ tướng nêu rõ, tháng 1/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cả nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó có khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà với diện tích là 3.871ha.

Sau đó, đến tháng 10/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch về rừng đặc dụng trên cả nước trong đó rừng đặc dụng ở bán đảo Sơn Trà là 2.591,1ha.

Tháng 11/2016, quy hoạch du lịch Sơn Trà do chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký quy định diện tích khu du lịch Sơn Trà là 1.056ha.

Ba con số này hoàn toàn khác nhau. Ngay trong 1.056ha phạm vi quy hoạch của khu du lịch quốc gia này cũng vẫn có rừng đặc dụng và không phải để xây dựng hết.

“Những quy hoạch này được các bộ chuẩn bị và đến Thủ tướng ký có rất nhiều điểm cầu thị, tiếp thu, có những điểm căn bản mà cả hệ thống đã làm rất trách nhiệm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm bán đảo Sơn Trà không phải của riêng Đà Nẵng. Do đó, khi có vấn đề, Chính phủ phải vào cuộc.

“Giống như Hạ Long, Sơn Đoòng, Cát Bà, bao nhiêu xương máu đã đổ để bảo vệ di sản này và chúng phải để lại cho con cháu mai sau. Do đó, không thể đặt vấn đề giao Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết. Khi có vấn đề, cử tri lên tiếng thì cấp trên phải vào cuộc. Riêng tôi đề nghị Chính phủ vào cuộc”, đại biểu Nghĩa cương quyết.

Theo quan điểm của đại biểu, 300 phòng ở khu vực bán đảo Sơn Trà đã là nhiều bởi số phòng nghỉ ở Đà Nẵng hiện nay đang dư rất nhiều và “từ Đà Nẵng lên Sơn Trà chỉ có 15 phút đi xe hơi mà thôi”./. 

(TTXVN / Vietnam+) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo