Ashui.com

Friday
May 03rd
Home Tin tức Thế giới Mêkông cạn kiệt

Mêkông cạn kiệt

Viết email In

Chủ nhật 14-3 là ngày hành động quốc tế vì các dòng sông. Một lần nữa số phận của sông Mêkông lại thu hút sự quan tâm sâu sắc của công luận và các tổ chức quốc tế khắp nơi.

Lý giải tình trạng nước sông Mêkông xuống thấp kỷ lục, các tổ chức môi trường quy trách nhiệm cho chính sách quản lý nguồn nước của Trung Quốc nhằm thủ lợi cho riêng mình thông qua việc xây dựng nhiều con đập lớn phía thượng nguồn mặc dù vài chuyên gia nói rằng thủ phạm thật sự là đợt hạn hán nghiêm trọng bất thường ở miền Nam Trung Quốc, Bắc Lào và Thái Lan.

Ủy ban sông Mêkông (MRC) trong báo cáo phát hành ngày 26-2 ghi nhận nước sông Mêkông đã xuống thấp hơn mực nước năm 1993 và dự báo mực nước sông sẽ tiếp tục giảm trong tháng tới trước khi tăng lên lại vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, trong khi theo lịch sử tháng 4 và tháng 5 hàng năm là thời gian mực nước sông Mêkông xuống thấp nhất.

Dòng sông cạn kiệt không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng hóa mà còn làm khô kiệt nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc Lào và Thái Lan. Tại đồng bằng sông Cửu Long, nước sông xuống thấp đã khiến tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng; nồng độ mặn trong nước sông rạch đã tăng gấp đôi và đã có hơn nửa triệu héc ta lúa đông xuân và nhiều diện tích nuôi tôm trong vùng bị đe dọa.

Trước sự nghiêm trọng của tình hình, hội nghị 4 nước thành viên MRC tại cố đô Luang Prabang (Lào) hôm 3-3 đã gửi một công hàm chính thức tới đại diện Trung Quốc tại Liên hiệp quốc yêu cầu có sự hợp tác tìm giải pháp cho dòng sông. Đây là lần đầu tiên MRC gửi công hàm phàn nàn tới Trung Quốc.

Thái Lan là nước lên tiếng mạnh nhất; Chính phủ Thái Lan đề nghị 4 nước thành viên MRC (Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam) gây áp lực lên Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao song phương. Phát biểu trên truyền hình ngày 7-3, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva hứa rằng: “Chúng tôi sẽ yêu cầu Trung Quốc quản lý tốt hơn dòng chảy của con sông để các nước Đông Nam Á không bị ảnh hưởng”.

Mới đây nhân ngày hành động quốc tế vì các dòng sông 14-3, Liên minh Cứu trợ sông Mêkông (Save the Mekong Coalition - SMC) và các tổ chức môi trường khác đã mạnh mẽ tố cáo các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn con sông đã gây nên tình trạng khô kiệt bất thường này. SMC chỉ ra rằng, nước sông Mêkông bắt đầu giảm mạnh kể từ tháng 10 năm ngoái, khi Trung Quốc bắt đầu tích nước vào hồ chứa của đập Tiểu Loan (Xiaowan) - con đập lớn thứ hai ở Trung Quốc sau đập Tam Hiệp và là đập thủy điện thứ tư trên thượng nguồn con sông.

Dẫn những dữ kiện lịch sử và nghiên cứu của giới khoa học, SMC cho rằng, dòng chảy của sông Mêkông bị biến đổi bất thường từ khi Trung Quốc bắt đầu vận hành con đập đầu tiên trên sông năm 1993. Đập Mạn Loan (Manwan) - con đập đầu tiên trên sông Mêkông - hoạt động năm 1992, trùng với đợt hạn hán dữ dội năm 1992-1993 trên toàn vùng Mêkông. Con đập thứ hai hoàn thành tháng 10-2003, trùng với đợt hạn hán năm 2003-2004.

Và hiện thời đập Tiểu Loan đang tích nước, dung tích hồ chứa của đập này lớn gấp năm lần cả ba con đập trước đó cộng lại. “Vai trò của những con đập này trong những đợt hạn hán trước đây đã không được thông tin hoặc làm rõ, ngược lại dữ liệu còn bị bóp méo và gây rối”, SMC nhận định.

Tuy nhiên những lời kêu gọi đã không mang lại kết quả. Từ trước đến nay Trung Quốc không bao giờ công bố thông tin về các con đập - mà họ coi là vấn đề an ninh quốc gia, không công khai cho công chúng. Chính thái độ đó của Trung Quốc từ lâu đã nuôi dưỡng mối hoài nghi trong các nước hạ nguồn. Trung Quốc, cùng với Myanmar, không tham gia MRC, càng làm cho mối hoài nghi này thêm sâu sắc. Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi người dân các nước hạ nguồn luôn coi Trung Quốc là thủ phạm gây ra tình trạng cạn kiệt hay lũ lụt của dòng sông.

Thiếu thông tin từ Trung Quốc, không ai biết được có bao nhiêu khối nước hiện bị giữ lại sau các con đập của Trung Quốc sau đợt hạn hán khắp khu vực trong năm 2009 vừa qua. Hơn thế nữa, trong khi hạn hán vẫn tiếp tục, sẽ không có khả năng Trung Quốc xả trở lại dòng sông lượng nước thừa sau khi đã dùng để phát điện.

Đáp lại sự phê phán, Trung Quốc đánh tiếng qua báo Bangkok Post ngày 10-3 (Thái Lan) mời đại diện các nước vùng sông Mêkông đến thăm đập Cảnh Hồng (Jinghong) vào cuối tháng này. Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan cũng tổ chức họp báo ngày 11-3 để trình bày lập trường của họ: sông Mêkông cạn kiệt là do hạn hán chứ không phải do các con đập của Trung Quốc. Một số người coi đây là một bước tiến tới sự minh bạch và hợp tác đa phương đối với sông Mêkông. Nhưng nhiều tổ chức quốc tế cho rằng đây chỉ là hành động đối phó với dư luận quốc tế mà không có thực chất.

Thiếu một ủy ban sông Mêkông bao gồm tất cả các nước ven bờ và có quyền lực thực sự thì các quốc gia hạ nguồn vẫn còn mù tịt và dễ dàng bị tổn thương bởi chính sách quản lý nguồn nước hết sức bí mật của Trung Quốc. Chừng nào Trung Quốc chưa thực sự hợp tác một cách có trách nhiệm qua việc chia sẻ thông tin về thủy văn và chế độ vận hành các con đập của họ thì số phận của dòng sông quốc tế này vẫn còn “mù mịt” và mối hoài nghi vẫn còn dai dẳng trong lòng người dân các nước hạ nguồn.

Huỳnh Hoa

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo