Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Chuyên mục Kiến trúc Từ nhà siêu mỏng đến bài toán thiết kế đô thị

Từ nhà siêu mỏng đến bài toán thiết kế đô thị

Dư luận hiện nay đang quan tâm đến việc chỉnh trang đô thị, trong đó vấn đề nhà siêu mỏng trên các trục đường mới mở gây nhiều phản cảm, bức xúc về thẩm mỹ đô thị. Nhưng bài viết này xin được nhìn vấn đề “nhà siêu mỏng” dưới một vài góc độ khác, để bài toán thiết kế đô thị không dừng lại ở chuyện nhà mỏng hay dày, to hay nhỏ, nên hay không nên.

Theo nghiên cứu về chính sách đô thị của TS Võ Kim Cương, chính quyền đô thị cần chú trọng bốn giải pháp trọng yếu, gọi tắt là 4I, đó là infratructure: cơ sở hạ tầng; incentives: kích thích, khuyến khích; interdiction: ngăn cấm hạn chế; và information: thông tin. Xét về bản chất thì Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đóng vai trò kích thích và tạo hành lang pháp lý thông suốt, chứ không nên gây ra tình trạng thiếu chủ động, thiếu thông tin trong chỉnh trang đô thị, dẫn đến cơ chế xin – cho rất phổ biến như hiện nay. Nhiều người đang tự hỏi: những ngôi nhà siêu mỏng kia phải có tính hợp pháp nào đó mới có thể được xây lên như thế chứ! Có xin, có cho thì ắt có xây, có tồn tại và có bất cập.

  • Ảnh bên : Nhiều ngôi nhà riêng lẻ dù cố gắng thế nào để “trang điểm” cho mình cũng không thể tạo nên một dãy phố có thẩm mỹ hoàn chỉnh

Sự tồn tại của những căn nhà siêu mỏng hiện nay vừa là hiện thực khách quan vừa là kết quả chủ quan, vừa kiểm soát được (trong một mức độ nào đó, ví dụ như giấy tờ sở hữu, thực tế hiện hữu) nhưng cũng vừa không kiểm soát được. Vì đây là vấn đề tương quan với chung quanh, chứ không phải lỗi nằm ở mấy căn nhà đơn lẻ đó. Khi cả tuyến phố cỡ toàn nhà rộng 5m mà nhà anh chỉ rộng dưới 2m thì gọi là nhà mỏng. Nhưng khi cả tuyến phố toàn nhà nhỏ cỡ ngang 2m đến 3m và sâu chưa đến 6m nằm san sát nhau thì sẽ chẳng tìm thấy nhà nào thuộc diện siêu mỏng, siêu nhỏ, siêu méo cả! Và nhìn rộng ra, vô vàn những ngôi nhà khác siêu dày, siêu dài, siêu hoành tráng… cũng đều chung một kiểu: vừa kiểm soát được lại vừa không kiểm soát nổi về thẩm mỹ. Ai dám bảo là một ngôi nhà to lớn được đầu tư kỹ lưỡng không “cắn xé” thẩm mỹ đô thị, hãy nhìn toà nhà “hàm cá mập” bên hồ Hoàn Kiếm xem nào!


Chỉ nhìn riêng đến chủng loại vật liệu và cách thức làm mái nhà cũng đủ hoa mắt chóng mặt rồi.

Hiện nay mọi người đều biết là về mặt thẩm mỹ và cảnh quan thì bản vẽ xin phép xây dựng nhà ở tư nhân (BVXP) là… không có gì cả! Người thiết kế và gia chủ được “bật đèn xanh” theo hướng dẫn: cứ làm đúng các quy định về cao tầng, lộ giới, khoảng bancông đưa ra… còn bên trong và mặt tiền thì tự do bố trí! Tức là BVXP cũng đâu có thể hiện được sự quan tâm đến không gian sống và thẩm mỹ đô thị, mà chỉ là những sơ đồ thể hiện sự “chặt trước lùi sau”. Nhiều người bảo như thế là mềm rồi đó, là dễ cho người dân mà. Nhưng thực tế đã chứng minh người dân xoay xở như thế nào, với đủ kiểu dáng đủ màu sắc. Đa số gia chủ khi xây nhà đều nói: xin phép vậy thôi chứ tôi sẽ lấn, sẽ sửa, sẽ thêm bớt, sẽ làm khác, xung quanh ai cũng vậy cả.

Nếu mở rộng ra chuyện cảnh quan trục phố thì cần đặt câu hỏi: chẳng lẽ cảnh quan đô thị chỉ là những nhìn ngắm loanh quanh ở các trục phố chính, còn nhà trong hẻm, nhà trong đường nội bộ, khu phố cũ… thì sao? Dẫu biết rằng điều kiện kinh phí luôn nan giải, rằng đẹp mấy ngày tết, đẹp ở trục ngoài là tốt lắm rồi, rằng nên làm kiểm soát thẩm mỹ đô thị thí điểm ở tuyến này tuyến kia… Nếu cứ tư duy theo kiểu tốt khoe xấu che như vậy thì sẽ dẫn đến các luật lệ, hạn chế, cấm đoán cũng theo cách nhìn tương ứng. Ngày 25.5 sắp tới, nghị định về quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị sẽ chính thức có hiệu lực, với nhiều quy định cụ thể về các tính chất của bộ mặt công trình trên các tuyến phố… Nhưng hiện nay giới chuyên môn cũng như người dân đều phát biểu rằng khá chung chung, không dễ thực thi. Và đã gọi là mỹ quan chung thì có tính đến dây điện lằng nhằng, mái ngói mái tôn mái bằng khấp khểnh lồi ra thụt vào, rồi bệnh nhại cổ – phục cổ – sao chép cổ tràn lan, rồi nhà như cái cột quảng cáo khổng lồ, bít kín hết mặt ngoài… thì tính thế nào? Dẹp nhà siêu mỏng, có thể sẽ dẹp được đấy, nhưng còn những ngôi nhà siêu lãng phí, siêu cóp nhặt, siêu bít bùng khác thì sao?


“Shop thời trang” trong các khu nhà trọ công nhân: tốt khoe mà xấu cũng khoe luôn!

Suy cho cùng, nhà siêu mỏng chỉ là một trong rất nhiều biểu hiện bất cập của công tác quản lý đô thị và phát triển đô thị hiện nay, đừng “chụp” lên nó nhiều tội lỗi nữa, mà hãy quan sát vấn đề mang tính rộng hơn. Chừng nào một thiết kế đô thị chuẩn và thiết chế cho thẩm mỹ công cộng còn chưa được quan tâm đúng mức và xem như việc cấp thiết, thì chừng đó vẫn chưa thể giải quyết được gốc rễ vấn nạn bộ mặt đô thị luôn vụn vặt và thiếu bản sắc như hiện nay.

Tôi lo rằng đến một lúc nào đó, ngôi nhà phố của mình có chiều ngang rộng 6m cũng sẽ bị coi như “nhà siêu mỏng” khi đứng cạnh những cao ốc hoành tráng đang xây chen trong đô thị hiện nay. Lúc đó nhà tôi sẽ ra sao nhỉ?


Dãy phố bên Singapore: sự đồng điệu và nhất quán làm nên thẩm mỹ chung mà không quá cầu kỳ tốn kém phức tạp


Các dãy phố mặt tiền Đà Lạt cho thấy một tập hợp lô xô nhà ống đang phá hỏng cảnh quan thành phố ngàn thông. Độ mỏng hay dày của từng ngôi nhà ở đây không còn ý nghĩa nữa, mà sự hỗn tạp và khấp khểnh mới là vấn đề cần bàn.

Bài: Vọng Bình - minh hoạ: Khánh Phương 

>> Nhà phố riêng lẻ - mối liên hệ không gian chiều thẳng đứng 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm