Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Biến đổi khí hậu và bài toán quy hoạch đô thị - Bài 1

Biến đổi khí hậu và bài toán quy hoạch đô thị - Bài 1

Viết email In

Bài 1: Hệ quả từ “du nhập kiến trúc”

Có một thực tế, xu hướng du nhập kiến trúc hiện đại phương Tây bất kể đó là điển hình của kiến trúc nào đang khiến chúng ta trả giá bằng sự lãng phí về năng lượng và ô nhiễm môi trường.  

Lãng quên “kiến trúc xanh”

Theo TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng), chúng ta chưa xây dựng được cơ chế thúc đẩy “kiến trúc xanh”, kiến trúc nhiệt đới như một số nước khác đã làm. Trong khi đó lại tồn tại thực trạng xu hướng du nhập kiến trúc hiện đại phương Tây bất kể đó là điển hình của kiến trúc vùng hàn đới, các nhà đầu tư bất động sản trong nước cũng có xu hướng thích bắt chước, các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài cũng muốn áp đặt kiến trúc của nước họ vào nước ta.

Tại Việt Nam hiện nay, năng lượng tiêu thụ cho các khu vực toà nhà, đặc biệt là các công trình nhà ở và công trình công cộng cao tầng ngay từ năm 1994 đã chiếm khoảng 23%-24% trên tổng số năng lượng tiêu dùng. Tỷ lệ này tăng lên rất nhiều trong vòng thời gian gần đây khi các đô thị phát triển rất mạnh mẽ và nguồn vốn đầu tư nước ngoài gia tăng đáng kể.

Chỉ tính riêng Hà Nội và TPHCM đã có hàng trăm dự án các khu đô thị mới và rất nhiều công trình nhà ở, căn hộ cao tầng được xây dựng hoàn thiện, trong đó phần lớn đã đi vào sử dụng. Song các chủ đầu tư chưa quan tâm đến những biện pháp để tiết kiệm năng lượng cũng như chưa tính đến hiệu quả kinh tế và xã hội của các biện pháp này.

Nhiều công trình khách sạn cao tầng cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại có diện tích sàn sử dụng trên 10.000m2 và tiêu thụ điện năng lớn hơn 2 triệu KWh/năm, trong quá trình vận hành cũng chưa tiến hành công tác kiểm toán năng lượng.

Phần lớn các công trình khách sạn và công trình cao tầng mới xây dựng từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài thường được thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn của nước ngoài, không thích hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên và kinh tế kỹ thuật của Việt Nam. Vì thế sử dụng nhiều năng lượng một cách không hợp lý và có nhu cầu sử dụng năng lượng lớn.

Ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo "Biến đổi khí hậu và phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam" được tổ chức vừa qua tại Hà Nội nhấn mạnh, Việt Nam được dự đoán là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Và với tốc độ đô thị hoá nhanh như hiện nay đòi hỏi đòi hỏi cần một chiến lược đúng đắn để phát triển đô thị bền vững. 

Đa số các công trình công cộng như các toà nhà hành chính, trường học, bệnh viện… được xây ựng trước đây đều dựa trên tiêu chuẩn thiết kế thấp, sử dụng các thiết bị lạc hậu có hiệu suất năng lượng chưa cao. Mặt khác, do hạn chế của điều kiện kinh tế xã hội, việc sử dụng năng lượng trong những công trình này kém hiệu suất, gây lãng phí.

Theo kết quả điều tra tổng quan tiềm năng tiết kiệm năng lượng do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện, những bất hợp lý trong các giải pháp thiết kế công trình, đặc biệt là phần vỏ công trình kém hiệu quả cách nhiệt và lắp đặt thiết bị đã làm thất thoát nguồn năng lượng sử dụng trong công trình xây dựng là 20-30%.

Nhận thức về “đắt- rẻ”

Hiện tại, chúng ta chưa xây dựng được thị trường tiêu thụ vật liệu thân thiện môi trường, chưa khích lệ tiêu dùng, đầu tư công nghệ chưa tương xứng dẫn đến năng suất thấp, chủng loại không phong phú. Kết quả là giá cao và người tiêu dùng không chấp nhận.

Theo phân tích của TS.KTS Lê Thị Bích Thuận (ảnh bên): Chúng ta cũng chưa có một tính toán cụ thể và sâu sắc nào về việc “đắt-rẻ” trong sử dụng vật liệu này. Liệu có phải đắt nếu sử dụng vật liệu thân thiện môi trường mà giảm tải trọng cho công trình, thời gian thi công được rút ngắn, tốn ít xi măng, sắt thép…; khi đi vào vận hành sử dụng lại tiết kiệm năng lượng hơn, môi truờng sống tốt hơn nhờ ngăn chặn được tối đa tình trạng bức xạ nhiệt, hiệu ứng lồng kính…? Đó là chưa kể đến những yếu tố có lợi cho cả xã hội, nền kinh tế và môi trường sống, sức khoẻ của cả cộng đồng.

Cũng theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, các cơ sở khoa học của các giải pháp kiến trúc nhiệt đới mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua chủ yếu là đối với các công trình kiến trúc thấp tầng, kiến trúc có quy mô nhỏ bé. Còn rất ít hoặc hầu như chưa có các nghiên cứu sâu sắc về giải pháp kiến trúc nhiệt đới đối với các nhà cao tầng, có quy mô đồ sộ, các quần thể kiến trúc hiện đại.

Trong khi đó, kiến trúc cao tầng, các ngôi nhà đồ sộ đang là xu thế phát triển của ngành xây dựng kiến trúc thời đại ở nước ta, chúng là các “cỗ máy” đang tiêu ngốn vốn năng lượng nhân tạo khổng lồ.

Trên thế giới mặc nhiên coi việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường để xây dựng “kiến trúc xanh” là một điều bắt buộc. Các chế tài xử lý ô nhiễm môi trường và lãng phí năng lượng trên thế giới cũng rất chặt chẽ.

Trong khi đó, nhìn tổng thể, chúng ta vẫn chưa có một chế tài cụ thể nào cho việc khuyến khích các công trình được xây dựng theo mô hình “kiến trúc xanh”, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường cũng như hướng dẫn chi tiết nào đồng bộ.

Mặc dù có nhiều các nghiên cứu trong lĩnh vực kiến trúc nhưng trên thực tế, kết quả chưa đạt được là bao. Ví dụ thực trạng phát triển kiến trúc ở đô thị Việt Nam: Sự khai thác không đi đôi với bù đắp dẫn đến sự mất đi tài nguyên cây xanh, mặt nước đô thị, phát triển không đồng bộ dẫn đến vấn đề đầu tư bị chồng lặp, thiếu sự phối kết hợp để phát huy hiệu quả tổng hợp.

Vì thế, theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề hiệu suất năng lượng của công trình xây dựng cao tầng và thương mại trong công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc và phát triển đô thị, đồng thời có những hướng dẫn và quy định cụ thể trong thẩm định cấp giấy phép xây dựng./.

Ngọc Thành 

>> Bài 2: Bài toán về sử dụng năng lượng hiệu quả 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo