Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị TP. Hồ Chí Minh sẽ là siêu đô thị

TP. Hồ Chí Minh sẽ là siêu đô thị

Viết email In

TP.HCM sẽ phát triển theo các hướng đông bắc,  nam -  đông nam, bắc - tây bắc, tây nam và có 10 triệu dân. Đó là nội dung trong dự thảo báo cáo về phát triển đô thị của TP.HCM vừa được Sở Xây dựng trình UBND TP, chuẩn bị báo cáo trung ương.

Theo đánh giá của dự thảo của Sở Xây dựng TP.HCM, trong thời gian qua TP.HCM đã có nhiều khu đô thị mới được hình thành. Việc phát triển không gian đô thị có tính đến việc kết nối với các đô thị lân cận, sự phát triển của vùng, diện mạo đô thị đã thay đổi nhiều theo hướng ngày càng hiện đại.


Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Số liệu khảo sát của cơ quan chức năng cho biết đến tháng 4-2009, bình quân diện tích nhà ở trên đầu người ở TP là 13,4m2/người và dự kiến đến năm 2010 là 14m2/người. Hiện nhà ở chủ yếu là nhà bán kiên cố, cấp 3, 4 và chiếm khoảng 65% tổng số căn nhà, số còn lại là nhà cấp 1, 2 và nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch. Dự kiến đến năm 2010 TP có khoảng 1,7 triệu căn nhà.

Phát sinh “giao thông con lắc”

Tuy nhiên, dự thảo cũng nhìn nhận cấu trúc không gian đô thị chưa hợp lý, diện tích đất dành cho công trình công cộng chưa nhiều. Vẫn còn tồn tại tình trạng xây dựng tự phát, phát triển theo kiểu “vết dầu loang” trên những khu đất nông nghiệp cũng như dọc các tuyến giao thông chính. Điều này khiến việc định hướng phát triển theo mô hình đô thị vệ tinh chưa đạt yêu cầu.

Việc phát triển nhà ở vừa qua cũng như hiện nay gặp phải một số hạn chế là phân tán, rải rác, chủ yếu ở khu vực phía đông (quận 2, 9, Thủ Đức), phía nam (quận 7, huyện Nhà Bè), phía tây (quận Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh) và ngay cả trong khu nội thành cũ như quận 6, Bình Thạnh... Trong tổng số 130 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP được Sở Xây dựng phê duyệt vừa qua có đến 63 dự án tại khu nội thành hiện hữu, tương đương số lượng dự án ở khu vực đô thị mới.

Siêu đô thị

Theo dự báo, đến năm 2020 TP.HCM sẽ có khoảng 10 triệu dân (hiện nay trên 7 triệu người) và sẽ là một siêu đô thị. Do vậy để đảm bảo TP là một đô thị hiện đại, có không gian sống tốt, cần khắc phục những vấn nạn đô thị trong tương lai, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật phải có tầm nhìn xa. 

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - trưởng bộ môn đô thị học (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), khi quy hoạch khu vực nội thành trước đây, cơ quan chức năng đã tính toán hạ tầng chỉ đáp ứng cho một lượng người nhất định. Nếu tập trung phát triển trong khu vực nội thành quá nhiều sẽ làm khu vực này quá tải, giao thông bị tắc nghẽn, đây là điều không nên.

Còn ông Nguyễn Đăng Sơn, Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, cho rằng việc phát triển phân tán như vừa qua đã dẫn đến thực trạng khá phổ biến: người dân ở chỗ này nhưng đi làm chỗ kia, phát sinh tình trạng “giao thông con lắc”, vấn đề mà các nước phát triển trên thế giới rất tránh. Ông Sơn đề xuất cần xây dựng các khu đô thị liên hợp vừa là nơi ở, vừa là nơi người dân làm việc, hạn chế việc đi lại gây tắc nghẽn giao thông.

Phát triển đa tâm

Theo dự thảo, TP phấn đấu sẽ trở thành khu đô thị hiện đại, gắn với vùng đô thị TP.HCM (gồm TP.HCM và bảy tỉnh xung quanh là Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang). Cùng với sự phát triển này đến năm 2020, TP dự kiến phấn đấu chỉ tiêu đất xây dựng đô thị bình quân 80-100m2/người, trong đó đất dân dụng bình quân 55-65m2/người, còn lại là đất cho cây xanh, giao thông, công trình công cộng... Tổng nhu cầu đất xây dựng đến năm 2020 lên đến khoảng 100.000ha.

  • Ảnh bên : Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM (Ảnh: N.C.T.)  

TP.HCM xác định việc phát triển TP sẽ theo hướng đa trung tâm, phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh và lấy trung tâm hiện hữu mở rộng sang khu đô thị mới Thủ Thiêm làm trung tâm chính. Các khu đô thị khác được xác định theo bốn hướng, cụ thể như sau:

Hướng phát triển về đông bắc gắn với huyện Dĩ An (Bình Dương) và TP Biên Hòa (Đồng Nai), gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức. Đây được xem là hướng cửa ngõ của TP đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc, đồng thời cũng là hướng phát triển chính với khu đô thị mới Thủ Thiêm, một trung tâm mới gắn liền trung tâm hiện hữu là quận 1, 3. Chính vì vậy khu đô thị mới này sẽ được ưu tiên đáng kể trong việc đầu tư hạ tầng, kỹ thuật với các dự án lớn đã và đang thực hiện: hầm, cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, đại lộ đông-tây...

Nhưng tại khu đô thị mới này có một số hạn chế cần khắc phục: hạ tầng kỹ thuật khu vực chưa đồng bộ, các dự án triển khai còn chậm, việc quản lý quy hoạch chưa được tuân thủ chặt chẽ, môi trường khu vực chưa được quan tâm đúng mức...

Một hướng chính khác là phát triển về phía nam, đông nam tiến ra biển gắn với khu Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ (TP.HCM), Nhơn Trạch - Long Thành (Đồng Nai). Đây có thể nói là địa bàn có nhiều lợi thế là đất đai rộng nhưng hạ tầng đô thị còn thiếu. Không phải bây giờ mà hướng này đã được TP tính từ rất sớm, điển hình như khu đô thị Phú Mỹ Hưng (khoảng 433ha) đến nay đã cơ bản xong phần hạ tầng chính và đã xây dựng xong nhiều khu nhà ở.

Riêng Cần Giờ cách xa khu trung tâm TP hàng chục cây số đang có dự án khu đô thị du lịch sinh thái lấn biển với quy mô hơn 850ha. Còn ở Nhà Bè thì dự án khu đô thị - công nghiệp cảng Hiệp Phước cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư với 2.000ha và sẽ trở thành khu vực gắn giữa phát triển du lịch với phát triển đô thị của TP.

  • Ảnh bên : Trung tâm TP Hồ Chí Minh (ảnh : Ashui.com)

Hướng phát triển thứ ba là bắc, tây bắc gắn với Củ Chi, Hóc Môn, dọc quốc lộ 22 - trục xuyên Á nối với tỉnh Tây Ninh và Campuchia. Dù được xem là hướng phát triển phụ nhưng địa bàn này có vị trí rất thuận lợi và dễ dàng tiếp cận với Bình Dương, Tây Ninh, Long An cũng như các tỉnh khác của miền Đông và miền Tây. Đây cũng là một trong những cửa ngõ của TP nên thời gian qua TP đã đầu tư hạ tầng giao thông khá nhiều cho khu vực này như đường Trường Chinh, tuyến xuyên Á. Nhưng so với các khu vực khác, việc phát triển tại đây còn chậm, chưa hình thành các khu đô thị hoàn chỉnh, kết hợp các khu đô thị tập trung.

Về mặt quy hoạch cũng chưa xác định những khu chức năng quan trọng hỗ trợ việc hình thành các khu đô thị lớn như khu đô thị tây bắc (bao gồm Củ Chi với huyện Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh, huyện Đức Hòa của Long An mà Chính phủ đã phê duyệt).

Hướng còn lại là tây nam dọc quốc lộ 1 trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. So với các khu vực khác, tốc độ đô thị hóa tại đây diễn ra rất nhanh.

Với đặc thù là cửa ngõ để TP tiếp cận với các tỉnh miền Tây nên có nhiều dự án cầu, đường đã và đang triển khai như quốc lộ 1A, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đại lộ đông-tây... Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển nhanh các khu công nghiệp tập trung tại khu vực này đã hút một lượng lớn dân nhập cư, khiến thiếu hụt chỗ ở và các dịch vụ đi kèm. Đây cũng là khu vực có nhiều nơi phát triển tự phát.

Chú ý vùng đất cao

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, việc TP xác định theo nhiều hướng là cần thiết. Nhưng vấn đề là nên xem lại hướng nào cần ưu tiên hơn và tốc độ phát triển, quy mô phát triển. Ông Hòa nhận định: hướng đông bắc và hướng bắc, tây bắc có ưu điểm là vùng đất cao, nền đất tốt nhưng nhiều năm qua hai hướng này phát triển còn chậm là do giao thông chưa tốt nên chưa “kéo” được nhiều nhà đầu tư vào đây cũng như người dân đến ở.

Đồng tình với ý kiến trên, một chuyên gia của Viện Quy hoạch - xây dựng TP cho rằng việc TP phát triển theo hướng đa tâm nhằm giảm tải cho khu trung tâm hiện hữu là phù hợp. Nhưng chuyên gia này góp ý: tùy theo điều kiện, địa hình của từng hướng mà xác định nên phát triển ra nhiều nơi hay hình thành theo cụm. Với hướng nam, đông nam tiến ra biển, cần tính đến điều kiện ở đây là nền đất yếu và các yếu tố về biến đổi khí hậu có thể xảy ra trong tương lai. 

PHÚC HUY


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
0 # Anh Khương 08/08/2013 09:35
Theo tôi khi TP.HCM là siêu đô thị việc cần làm của thành phố giải quyết việc ô nhiễm môi trường...đặc biệt như rác thải...nước ngầm các kênh rạch quanh thành phố...và tôi nghĩ Tp nên tính chuyện di dời san bay Tân Sơn Nhất ra khỏi nội ô...vì có ảnh hưởng quá lớn đên dân cư sống quanh san bay...!!!
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo