Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Nội - ngoại thất Tổ chức không gian căn hộ - Thiết kế linh hoạt & tầm nhìn dài hạn

Tổ chức không gian căn hộ - Thiết kế linh hoạt & tầm nhìn dài hạn

Viết email In

Hiện tại, cần xác định rõ “bản thân từng căn hộ phải là một ngôi nhà hoàn chỉnh”. Ngay từ giai đoạn thiết kế, cần đặt nhu cầu của người sử dụng lên trên các lợi ích khác để xem căn hộ như một hạt nhân cơ bản hoàn chỉnh. Tổ hợp các căn hộ sẽ tạo nên một chỉnh thể nhà chung cư giống như một cơ thể sống có các tế bào hạt nhân hoàn chỉnh, không phải là một tổ hợp không đồng nhất và hỗn loạn như hiện nay. Một tầm nhìn dài hạn với giải pháp thiết kế “linh hoạt” sẽ mang đến một cách tiếp cận mới đúng với bản chất hơn nhu cầu sở hữu và sử dụng của người dân, hạn chế được những bất cập trong thiết kế tổ chức không gian căn hộ chung cư.  


Chung cư cao tầng Mỹ Đình Sông Đà, Hà Nội

Còn nhiều bất cập trong thiết kế căn hộ chung cư hiện nay…

Cho đến nay, thiết kế nhà chung cư cao tầng ở Việt Nam đã bước sang thế hệ thứ hai. Tuy nhiên, ngay từ giai đoạn đầu mới phát triển những năm 2006, đã có rất nhiều các nghiên cứu chỉ ra một số nhược điểm của thế hệ chung cư cao tầng thứ nhất tại Việt Nam, tiêu biểu bao gồm: Khả năng mở rộng, biến đổi không gian chức năng thấp; Khó khăn trong việc bố trí nội thất; Thiếu khả năng chọn hướng bếp, bàn thờ và đồ nội thất; Thiếu chỗ phơi giặt, chỗ phơi ảnh hưởng tới mỹ quan (lô gia, phụ trợ chưa phù hợp hoặc thiếu); Nhiều không gian chức năng trong căn hộ không được thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên; Hệ thống kỹ thuật khu phụ trợ phức tạp, khó khăn trong vận hành sửa chữa; Chỗ đặt điều hoà chưa hợp lý, mất mỹ quan; Tầm nhìn từ phòng khách, phòng ăn còn hạn chế; Khu phụ thiếu thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên; Thiếu đồng bộ trong thiết kế kiến trúc và nội thất. 

Trong số những nhược điểm lớn trên, việc tổ chức cơ cấu và không gian căn hộ quá cứng nhắc, thiếu các khả năng mở rộng hay biến đổi không gian là một trong những yếu điểm lớn nhất. Ngay khi bắt đầu thực hiện dự án, nhà thiết kế và chủ đầu tư cũng đã phân ra các loại căn hộ theo một cơ cấu nhất định với các kiểu loại căn hộ có quy mô khác nhau để người mua lựa chọn. Tuy nhiên, thành phần và cơ cấu của một gia đình cũng biến đổi thường xuyên, thường nằm ngoài kịch bản dự đoán. Do vậy, thiết kế tổ chức các căn hộ chung cư cao tầng cứng nhắc, vô hình chung sẽ khép người sử dụng ở theo số phòng như vậy làm cho người ở không thỏa mãn, dẫn đến việc vừa sử dụng, vừa đập phá, cải tạo gây lãng phí của cải vật chất xã hội và ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, sau 10 năm thăng trầm, nhà ở cao tầng đang phát triển nóng trở lại, tiếc rằng các nhược điểm nêu trên không được cải thiện. Một số dự án mới đã và đang mở bán như: Tháp doanh nhân – Hà Đông, Time city, Royal city… tồn tại nhiều nhược điểm đã được chỉ ra từ cách đây cả thập kỷ.

Nếu xem xét trên góc độ thị trường, khi người mua phải bỏ ra 4 – 5 tỷ đồng nhưng phải khép mình trong một không gian “bắt buộc” là khó có thể chấp nhận. Theo những khảo sát gần đây, khoảng trên 60% người sử dụng đều không tán thành khi phải ở trong các căn hộ cứng nhắc, bởi các điều kiện sống theo văn hóa của Việt Nam đều bị hạn chế và bộc lộ nhiều bất cập. Ví dụ, khu bếp thiết kế hở hoàn toàn thậm chí đặt giữa căn hộ; Khu phơi phóng giặt giũ không có, chỗ để điều hòa còn thiếu. Thiết kế hình ảnh minh họa đẹp, nhưng khi sử dụng với quần áo phơi trên ban công, điều hòa treo vô tội vạ trên mặt tiền phá vỡ luôn kiến trúc mặt đứng, đồng thời cũng phá hỏng luôn cảnh quan đô thị. Hệ thống kỹ thuật rất phức tạp do vệ sinh và kỹ thuật được thiết kế tổ chức theo dạng xôi đỗ làm gia tăng đáng kể chi phí lắp dặt, bảo dưỡng và gây nên những tranh chấp không đáng có trong quá trình sử dụng.

Với nhiều lý do chủ quan và khách quan như: chủ đầu tư chỉ tập trung vào lợi nhuận thông qua diện tích sàn tối đa, nhà thiết kế chiều ý chủ đầu tư để thuận công việc, nhà quản lý chưa đưa ra được các tiêu chuẩn quy định kịp thời phù hợp với sự phát triển nóng của thị trường bất động sản… nên phần lớn các dự án NOCT hiện nay vẫn có chung bất cập nằm ở vấn đề cốt lõi là: cấu trúc căn hộ thiếu linh hoạt và thông thoáng tự nhiên.
Cần một thiết kế “linh hoạt” cho tổ chức không gian căn hộ chung cư

Ở Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng, tác động của các yếu tố ảnh hưởng quan trọng là khí hậu; Văn hoá, xã hội, gia đình; Kinh tế kỹ thuật tới nội thất CCCT có đặc điểm chung luôn là sự biến động. Sự tác động của chúng tới không gian nội thất có sự thay đổi theo thời gian. Đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế hiện nay tính biến động tự thân của các yếu tố tác động tới không gian nội thất nhà ở càng thể hiện rõ. Do đó tính chất, chức năng trạng thái của các không gian nội thất của ngôi nhà, căn hộ luôn có sự chuyển hoá, biến đổi qua lại. Ví dụ: Với không gian ở mùa đông cần đóng thì mùa hè lại phải mở, với các phòng ngủ trong căn hộ gia đình đông người cho là đủ, thậm chí cần tăng số phòng ngủ, còn với gia đình khác, ít người hơn lại biến thành chức năng sử dụng chung. Như vậy các tính chất, trạng thái như: Chung, riêng; Ðộng, tĩnh cũng có sự biến đổi qua lại, do đó có thể khẳng định rằng yêu cầu linh hoạt trong tổ chức không gian nội thất căn hộ CCCT tại Hà Nội mang tính tất yếu khách quan.


Minh hoạ giải pháp ngăn chia không gian chức năng ở trong căn hộ linh hoạt với 5 loại vách ngăn cơ động thông dụng

Quan điểm trong tổ chức không gian căn hộ NOCT xuất phát từ các nghiên cứu thực tiễn, các yêu cầu từ các yếu tố tác động tới NOCT, cụ thể nêu ra các quan điểm trong tổ chức không gian căn hộ:

Đối tượng, ảnh hưởng: Nghiên cứu kiến trúc, nội thất CCCT phải xuất phát từ các yêu cầu cụ thể về không gian bên trong của căn hộ mà trong đó căn hộ CCCT thực sự đã là một ngôi nhà với đầy đủ ý nghĩa của nó.
Các yếu tố tác động chủ yếu tới không gian nội thất căn hộ CCCT tại Hà Nội bao gồm: Điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế kỹ thuật, điều kiện văn hoá xã hội cũng như những đặc điểm và đòi hỏi của các gia đình Hà Nội với từng thành viên. Các yếu tố này cũng có chung đặc điểm, luôn có sự biến động và thay đổi, do đó một căn hộ có tính mở và linh hoạt cao sẽ có khả năng thích nghi cao hơn với các thay đổi tất yếu xảy ra trong cả vòng đời của nó.

Nhiệm vụ cơ bản: Tổ chức không gian nội thất căn hộ CCCT ở Hà Nội phải giải quyết được vấn đề cốt lõi là: Cấu trúc căn hộ thiếu tính linh hoạt và thông thoáng tự nhiên. Chỉ có một cấu trúc linh hoạt và mang tính mở, các căn hộ CCCT mới có khả năng thích ứng cao với các biến động của điều kiện Hà Nội.

Cơ sở cho các nguyên tắc, giải pháp: Để tạo ra không gian nội thất của căn hộ CCCT có tính linh hoạt cao nhất thiết phải tập trung một cách cao độ các thành phần cố định (các không gian phụ trợ) để có điều kiện linh hoạt tối đa cho các không gian còn lại (các không gian ở).

– Việc “giấu” các khu phụ trợ một cách khéo léo để đảm bảo thẩm mỹ mặt đứng nhưng vẫn có điều kiện thông thoáng chiếu sáng tự nhiên cũng sẽ thuận lợi hơn nhiều khi các không gian phụ trợ của các căn hộ được tập trung ở phía trong và thông thoáng nhờ các khoảng cách cần thiết giữa các căn hộ.

– Để đạt được hiệu quả trọn vẹn và đồng bộ, các căn hộ linh hoạt phải có các giải pháp trong ngăn chia không gian, sử dụng đồ đạc nội thất… một cách tương thích, nghĩa là phải tăng cường khả năng cơ động, đa năng và linh hoạt các yếu tố cấu thành không gian nội thất.

– Mặt bằng nhà CCCT cần được tạo dựng từ chính các không gian nội thất của từng căn hộ, bằng cách tổ hợp sắp xếp các “căn hộ linh hoạt” nêu trên theo những nguyên tắc nhất định.

Mô hình căn hộ linh hoạt được xác lập rõ khu phụ trợ tập trung bao gồm có bếp, vệ sinh, logia phụ trợ, được bố trí tập trung lại để tạo điều kiện cho các không gian ở (phòng sinh hoạt chung, phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn) có thể linh hoạt được. Bởi mặt bằng tổng thể của các nhà chung cư bây giờ, các khu phụ được xếp rất tự do trong khi đây là những thành phần cố định làm giảm khả năng linh hoạt và tự điều chỉnh cơ thể căn hộ. Một toà nhà chung cư theo cách đó sẽ đáp ứng các nhu cầu cụ thể cho nhu cầu của người sử dụng. Người chủ hộ có thể chia thêm số buồng ngủ hoặc bớt đi số giường ngủ. Làm được như vậy họ có thể bố trí được các giải pháp kiến trúc đồng bộ, kể cá các giải pháp về nội thất. Nếu làm được như vậy chúng ta sẽ làm được các tòa nhà chung cư phù hợp được với các yêu cầu của cư dân Việt Nam. 

5 nguyên tắc thiết kế mô hình căn hộ linh hoạt

Chúng ta chưa thể có mô hình NOCT phù hợp các điều kiện thực tế ở Việt Nam khi chưa có các quan điểm cụ thể để từ đó xây dựng các nguyên tắc tổ chức không gian cho NOCT. Luật xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế NOCT có thể được bổ sung kiện toàn dựa trên các nguyên tắc thiết kế. Qua quá trình nghiên cứu về NOCT việc xây dựng các nguyên tắc thiết kế NOCT dựa trên các yếu tố ảnh hưởng tới tổ chức không gian NOCT như khí hậu, văn hóa, kinh tế kỹ thuật… là các yếu tố có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới không gian nội thất căn hộ CCCT. Việc tổng hợp chúng cho phép quy nạp và đúc kết lại để rút ra các nguyên tắc cơ bản.

Nguyên tắc về phân khu chức năng trong căn hộ: Căn hộ CCCT cần được phân định thành hai không gian chức năng cơ bản là: không gian ở linh hoạt và không gian phụ trợ tập trung. Với mỗi khu chức năng cơ bản cần tuân thủ nguyên tắc riêng:
Đối với không gian ở linh hoạt, các chức năng cần được xắp xếp theo trình tự từ động tới tĩnh (tính từ lối vào căn hộ). Các chức năng ở phải được tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên và được bố trí ở mặt ngoài của công trình ưu tiên hướng nhìn đẹp. Phải tổ chức được thành không gian lớn phục vụ được các chức năng công cộng của gia đình (gồm các chức năng khách, ăn, thờ, tiền phòng). Sử dụng giải pháp ngăn chia nhẹ, linh hoạt để thay đổi, điều chỉnh được không gian khi có nhu cầu. Có định hướng cho việc tổ chức nơi thờ cúng trong không gian công cộng của căn hộ cả về diện tích cũng như vị trí. Lô gia như một không gian thiên nhiên chuyển tiếp bố trí tại các hướng bất lợi (Tây, Đông Bắc) ưu tiên mở thông với không gian công cộng của căn hộ hoặc phòng ngủ bố mẹ. Không bố trí các chức năng phụ trợ (phơi, giặt) tại các lô gia thuộc phạm vi không gian ở.
Đối với không gian phụ trợ tập trung: các chức năng cần được sắp xếp theo trình tự từ chung đến riêng (tính từ lối vào căn hộ). Các chức năng khu ướt phải đảm bảo thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên và bố trí kín đáo hạn chế nhìn thấy ở mặt ngoài công trình. Tổ chức lô gia phụ trợ liên hệ với bếp và có vị trí gần trung tâm khu ướt. Xác định không gian và vị trí dành cho các hệ thống thiết bị kỹ thuật của căn hộ một cách đơn giản, thuận tiện ngay trong khu ướt.

Nguyên tắc về chuyển đổi chức năng và trạng thái, tận dụng không gian trong căn hộ: Các không gian chức năng ở cũng như phụ trợ và thiết bị cần đáp ứng tối đa khả năng chuyển đổi linh hoạt để đáp ứng khả năng kết hợp, thay đổi hoặc phân chia lại không gian, thiết bị theo các nhu cầu của người ở.

Nguyên tắc về tổ chức không gian kỹ thuật căn hộ (bao gồm hộp kỹ thuật, trần kỹ thuật, sàn kỹ thuật và các trang thiết bị kỹ thuật của căn hộ): Các không gian kỹ thuật đứng cũng như ngang được bố trí ở trung tâm khu ướt (tại lô gia phụ trợ) để đảm bảo các yêu cầu linh hoạt, đơn giản ngắn gọn và thuận tiện trong hoạt động cũng như trong bảo trì.

Nguyên tắc về tổ chức không gian chuyển tiếp và đưa yếu tố thiên nhiên vào trong căn hộ: Tận dụng tối đa diện tích và không gian để bố trí các yếu tố tự nhiên như: Cây xanh, bể cá, non bộ, vườn treo, sân mái v.v… Nhằm tạo các không gian chuyển tiếp đa năng, tăng cường quan hệ trong và ngoài nhà, tạo cảm giác gắn căn hộ với tự nhiên hơn.

Nguyên tắc về tính hệ thống của không gian: Nhất thiết phải tạo ra sự linh hoạt và đồng bộ của không gian ở các cấp độ khác nhau, từ toà nhà đến căn hộ, từ căn phòng tới đồ đạc nội thất. Thiết kế nội thất cần được xem như một khâu trong quá trình thiết kế xây dựng CCCT.

Kết luận

5 nguyên tắc tổ chức không gian nội thất căn hộ nêu trên đề cập tới các yêu cầu cần xem xét kỹ lưỡng và tuân thủ khi thiết kế NOCT mà các căn hộ là những “tế bào” đóng vai trò quyết định trong thành công của việc tổ chức không gian sống trong thể loại nhà ở này. Từ các nguyên tắc nêu trên nhà thiết kế có thể tham chiếu để đưa ra các giải pháp phù hợp, nhà quản lý có thêm những cơ sở trong việc xây dựng hoàn thiện các tiêu chuẩn thiết kế NOCT hiện nay đang thiếu. Hy vọng rằng, trong tương lai gần Việt Nam sẽ sớm có mô hình nhà ở cao tầng cho riêng mình với các bản sắc và kiến tạo được một môi trường sống văn minh hiện đại./. 

TS.KTS Vũ Hồng Cương - Trưởng khoa nội thất và mỹ thuật công nghiệp, Đại học Kiến trúc Hà Nội 
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo