Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Góp ý với tư vấn Quy hoạch Hà Nội mở rộng

Góp ý với tư vấn Quy hoạch Hà Nội mở rộng

Viết email In

Tháng 2/2009, trả lời phỏng vấn của tạp chí Kiến trúc Việt Nam (Bộ Xây Dựng), đại diện của Jina – thành viên Tư vấn Quy hoạch (QH) Hà Nội mở rộng, ông  Park Nam Ho, giám đốc dự án cho biết: "Qua nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam, chúng tôi thực sự đánh giá cao tư tưởng Hồ Chí Minh, con người và đất nước VN … Chúng tôi bắt đầu bằng cách lắng nghe. Lắng nghe con người, chiêm ngưỡng mảnh đất VN và tìm hiểu về di sản văn hoá phong phú của đất nước này".

Cùng thời gian, Viện Kiến trúc - Quy hoạch Đô thị và nông thôn (BXD) thay mặt cho các đối tác mời các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu góp ý kiến về các lĩnh vực: Giao thông , Nông nghiệp và Sử dụng đất của Hà Nội.

Ngày 24/4, tại Hà Nội, Tư vấn QH báo cáo với Ban chỉ đạo và Thường trực Chính phủ lần thứ nhất. Tại hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo: "… cần lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia trong nước trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững...”.

Tuy không phải là chuyên gia, nhưng trước thiện ý lắng nghe của Tư vấn QH và các bên liên quan, với vị trí công dân Thủ đô và đã từng trực tiếp tham gia vài dự án Quy hoach đô thị nên tôi xin có vài ý kiến.

  • Ảnh bên : Hà Nội có đặc thù cây xanh và mặt nước. 

Hành lang xanh với hệ sinh thái sông hồ, mặt nước Hà Nội

Theo ý tưởng QH sẽ là 60% hành lang xanh và 40% đô thị, trong 60% hành lang xanh có 40% vùng bảo tồn và 20% phát triển dựa trên bảo tồn. Hành lang xanh (HLX) này gồm những gì : Nông nghiệp hiện đại, sản xuất nông sản chất lượng cao đồng thời là nơi hấp thụ rác thải, nước thải để tái sinh, tuần hoàn hay chỉ  là công viên giải trí, nhà chia lô có vườn rộng, bãi cỏ sân golf. Chức năng rõ ràng của HLX sẽ định ra mật độ cư trú và nhu cầu dùng nước. Cho dù nhiều hay ít thì HLX có tồn tại hay không phụ thuộc lượng nước sạch cung cấp đủ hay thiếu. Theo tính toán của Tư vấn QH thì để duy trì HLX có mầu xanh bốn mùa thì tổng lượng nước dự trữ cho mùa khô sẽ là bao nhiêu ?


Phương án Hành lang Xanh 60% diện tích đất tự nhiên do Liên danh tư vấn Quy hoạch Hà nội mở rộng (PPJ) đề xuất (HanoiData sưu tầm)

Nước cấp cho vùng HN từ sông Hồng, sông nhận nước sông Đà, sông Lô rồi cấp lại cho sông Đáy, sông Nhuệ và sông Đuống. Chênh lệch mực nước sông Hồng hai mùa lũ cạn là 8 m. Theo ý tưởng của Tư vấn QH : giải pháp nào để thoát nước nhanh, an toàn mùa lũ? Dự trữ nước mùa khô thì cần diện tích mặt nước dự tính sẽ là bao nhiêu?

Sông ở Hàn Quốc có dòng chảy không theo quy luật nào. Vùng hạ lưu chỉ thuyền nhỏ đi lại được nhưng lại phải đối mặt với triều cướng, phía Tây có thuỷ triều cao nhất thế giới (chênh lệch 8,5 m). Hàn Quốc đã xây đập ở cuối nguồn để ngăn xâm lấn nước mặn và giữ nước ngọt cấp nước sinh hoạt và tưói tiêu (đậpYeongsan dài 4,3Km). Đắp đập đầu nguồn để thành hồ nước ngọt, sản xuất thuỷ điện và tạo cảnh quan đẹp - kết hợp du lịch nghỉ dưỡng (đập Soyanggan và hồ Soyang). Kinh nghiệm quý này Tư vấn QH có áp dụng tại Việt Nam?

Tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với tăng nhu cầu dùng nước cho công nghiệp, nông nghiệp và thuỷ điện. Nguồn nước từ thượng lưu cạn dần (tại VN cũng như Trung Quốc). Nước biển dâng sẽ tăng nguy cơ nhiễm mặn. Khi đề xuất HLX cho Hà Nội, Tư vấn QH đã có tài liệu Đánh giá môi trường chiến lược (DMC) và giải pháp nào về vấn đề này?

Ưu tiên giao thông đường bộ, đường sắt hay đường thuỷ?

  • Ảnh bên : Xe buýt giá rẻ - phương tiện GTCC phổ biến tại Hàn Quốc. 

Ý tưởng QH 40% đô thị, trong đó 20% phát triển mới và 20% đã đô thị hóa. Khu vực đã đô thị duy trì 3,5 triệu dân. Vùng phát triển mới phân bố 3 hướng Tây, Bắc và Nam, dự kiến mỗi vùng dân cư tập trung mới có 1,1 đến 1,5 triệu dân (không kể các khu dân cư hiện hữu đan xen). Bán kính từ các vùng mới đến trung tâm khoảng 50-60Km. Vấn đề liên kết các khu này với nhau và từng khu với đô thị trung tâm sẽ ra sao?

Hàn Quốc là nước đô thị hoá lớn nhất châu Á với 80% dân sống trong đô thị vào năm 2003 ( Nhật bản 65%, Trung Quốc 39%). Những năm 60-70, Seoul và Busan là hai thành phố chịu sức ép lớn nhất. Tình trạng mất cân đối với ½ dân số Hàn Quốc sống ở Seoul. Để giảm áp lực, hàng loạt TP vệ tinh đã được xây dựng, bán kính mở rộng 40-50km. Các TP vệ tinh cung cấp chỗ ở rẻ hơn, nối với các TP trung tâm bằng  đường sắt và xe buýt  giá rẻ. Inchon và Suwon là hai TP vệ tinh của Seoul, số dân tăng gấp đôi kể từ năm 1985. Như vậy Tư vấn QH có áp dụng mô hình kết nối TP vệ tinh với trung tâm tại Hàn Quốc khá thành công vào Hà Nội ?

Với đặc điểm có 4 con sông chạy dọc Hà Nội theo hướng Bắc Nam, tổng chiều dài hơn 600km, Tư vấn QH có phương án giao thông thuỷ cho Hà Nội? Đặc biệt GT thuỷ ưu điểm rẻ tiền và bảo vệ môi trường - đang được cả thế giới khuyến dụng.

Vấn đề ô nhiễm môi trường và nguồn lực xây dựng đô thị

Ô nhiễm nước thải, rác thải, không khí, tại đô thị cũng như các làng quê là vấn đề của Hà Nội. Hàn Quốc cũng đã từng trải qua tăng trưởng kinh tế nhanh, gây ra nhiều kiểu ô nhiễm. Là nước sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu cao nhất trên thế giới, hoá chất nông nghiệp và công nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước ăn và thuỷ lợi. Năm 1998, chính phủ Hàn Quốc đã quản lý nước triệt để, nhờ đó năm 2004, chất lượng các nguồn nước cải thiện đáng kể. Tại Seoul, con sông nhỏ ( như sông Tô Lịch ) từng bị cống hoá vào thập kỷ 70-80 đã được khôi phục và trở thành suối lộ thiên, tạo cảnh quan và nơi ưa thích của cư dân TP.


Mạng lướí đường cao tốc chay ra bên ngoài Seoul men theo sông Hàn toả đi khắp đất nước 

Năm 1978, quận Nanjido của Seoul được chọn làm khu chứa rác thải của TP. Trong 15 năm (1978-1993) núi rác khổng lồ 93,5 triệu tấn, cao 90m, là một địa điểm nhức nhối. Năm 1994, nó được cải tạo thành công viên và nhà máy điện sinh khí, nơi du khách dạo chơi và động vật hoang dã trú ngụ. Kiểm soát môi trường của Hàn Quốc hiệu quả như vậy, Tư vấn QH có  ứng dụng vào Hà Nội? 

Mở rộng Thủ đô là việc đại sự và chi phí rất lớn. Riêng 5 tuyến đường sắt đô thị HN đã khoảng 7,5 tỷ USD, toàn bộ hệ thống đường bộ hơn 20 tỷ USD. Lớn không riêng Hà Nội mà cả nền kinh tế VN. Tư vấn QH có đưa ra kinh nghiệm (ví dụ như ở Hàn Quốc) thu xếp  tài chính phát triển đô thị. Phân đoạn tài tình thế nào để ngay khi chưa có đủ hàng chục tỷ USD một lúc thì hàng ngày bà con cũng nhận ra các công trình hạ tầng đô thị nơi này nơi kia hàng ngày được cải thiện. Tuyệt vời hơn nếu không phải vay mượn, vừa kết hợp kích cầu với việc xây dựng mới Thành phố.

Việc này thật khó, nhưng người Việt Nam vẫn biết câu “Cái khó nó ló cái khôn”. Việc khó mới nhờ cậy thầy giỏi. Tư vấn QH làm việc lớn đến vậy, nên chăng lập trang Web, các chuyên gia và người dân cùng thảo luận, gỡ dần từng nút thì quý biết mấy.

KTS Trần Huy Ánh

>> Hà Nội phải là đô thị có sức cạnh tranh cao 

[ FORUM > Vùng Thủ đô Hà Nội

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo