Thành tựu nghiên cứu của nhiều ngành khoa học dần dần đã làm sáng tỏ một thời đại sáng giá của dân tộc: Thời của các vua Hùng. Thời đó có thật và với những chứng tích khảo cổ học, đã cho thấy bức tranh kinh tế - xã hội thời này có khi còn văn minh hơn những gì mà truyền thuyết nói đến.
Trong vài chục năm gần đây, với những phát hiện về văn hoá Đông Sơn, các nhà khoa học mới có thể dựng nên bức tranh toàn thể về thời đại Hùng Vương dựa vào chứng cớ vật chất khai quật được trong lòng đất.
- Ảnh bên : Rìu đồng trang trí cảnh chó săn hươu, mới phát hiện trong khu mộ Gò De (Phú Thọ).
Thời Hùng Vương là có thật chứ không chỉ trong truyền thuyết. Chính văn hoá Đông Sơn là nền tảng cho thời này, khi mà niên đại của nó cũng khá trùng hợp với những gì sử sách chép lại về thời Hùng Vương, tức vào khoảng thế kỷ 7 trước Công nguyên. Tài liệu khảo cổ cho thấy đương thời đã có sự phân hoá xã hội giàu nghèo, có sự phát triển mạnh mẽ của các loại vũ khí chứng tỏ có xung đột và chiến tranh.
Tất yếu ra đời một loại thủ lĩnh quân sự. Chính Vua Hùng và Nhà nước Văn Lang ra đời là đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Thêm nữa, có thể Vua Hùng cũng là thủ lĩnh luyện kim giỏi, lại quản lý được nguồn nguyên liệu mỏ đồng từ thượng nguồn sông Hồng đổ về. Vì thế, có thể ban đầu Vua Hùng đã là người chế phục được các bộ lạc bằng ảo thuật, mà ảo thuật đây có khả năng là nắm được thuật luyện đồng.
Vậy là có thể Vua Hùng chỉ là một dạng thủ lĩnh của tộc người Việt cổ, mà sử cũ phiên âm từ Cun hay Khun - chỉ thủ lĩnh của người Mường cổ hay người Thái cổ - mà thành chữ Hùng, chỉ đơn thuần với ý nghĩa là thủ lĩnh, chứ không hẳn là tên người.
Nhà nước Văn Lang của Vua Hùng là nhà nước sơ khai, cùng một dạng như nhà nước Điền Việt hay Mân Việt, Nam Việt trong khối Bách Việt ở Hoa Nam, Trung Quốc. Nhưng Nhà nước Văn Lang ra đời sớm nhất và cũng là nhà nước có đông dân số nhất. Dựa vào sự so sánh qua nhiều nguồn tài liệu có thể hình dung, dân số người Việt thời này gấp khoảng chục lần Điền Việt và gấp rưỡi Nam Việt.
Thời Hùng Vương dưới ánh sáng của các tài liệu khảo cổ học đã cho thấy một xã hội đã khá phát triển. Khảo cổ học đã chứng minh được họ đã biết cày bằng lưỡi cày đồng, gặt lúa bằng lưỡi liềm đồng trên những cánh đồng thẳng tắp cò bay của các lưu vực sông màu mỡ phù sa.
Về mặt ẩm thực, người xưa không còn ở giai đoạn "lấy bột cây mà ăn" nữa mà đã trồng lúa. Dấu vết hạt gạo đã tìm được, các vỏ trấu cũng còn vương lẫn trong đất làm khuôn đúc đồng. Họ cũng không chỉ biết trồng lúa tẻ mà cũng đã biết trồng lúa nếp. Bằng chứng là phát hiện các mảnh chõ đồ xôi trong khu mộ táng Làng Vạc. Chính sự có mặt của hạt gạo nếp cũng phù hợp với một truyền thuyết trong thời Hùng Vương là truyền thuyết bánh chưng, bánh giầy.
Về mặt phục trang, nếu như sử gia Tư Mã Thiên (sinh năm 145 trước Công nguyên) có miêu tả trong "Sử ký" của mình đoạn về cách ăn mặc của người Việt cổ là: Âu Lạc là nước trần truồng mà cũng xưng vương với đầy hàm ý miệt thị, thì trước thời Âu Lạc, khảo cổ đã cho thấy cư dân Hùng Vương đã biết dệt vải (dấu vết vải gai tìm được trong mộ), tìm được dọi xe sợi.
Họ cũng đã tạo ra được bộ váy đẹp cho người phụ nữ (tượng phụ nữ trên cán dao găm) hoặc đàn ông thì đóng khố. Về mặt ở, họ cũng đã tạo ra được những ngôi nhà sàn rộng rãi, mái cong mà hình tượng còn lưu lại trên mặt trống đồng. Họ cũng tạo ra được những chiếc thuyền đi sông, đi biển có cả lầu trên thuyền.
Điều giỏi giang nhất của người thời Hùng Vương chính lại nằm ở chỗ họ đã rất thành thạo trong việc đúc đồng. Các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên khi biết người xưa chỉ bằng kinh nghiệm, đã biết cách pha chế đến 12 loại hợp kim để đúc, trong đó quan trọng nhất là hợp kim đồng-thiếc-chì. Họ đã đúc được những chiếc trống đồng Ngọc Lũ, Cổ Loa khá hoàn thiện, mà cho đến hiện nay, với các hiệp thợ thủ công làng nghề cũng vẫn chưa đúc thành công được những trống đồng theo đúng như xưa.
- Ảnh bên : Tượng phụ nữ trên cán dao găm đồng Làng Vạc.
Đời sống tinh thần của người thời Hùng Vương cũng hết sức phong phú, có ngày hội mà các chiến binh cầm vũ khí nhảy múa quanh cây cột thiêng và đâm trâu, bò. Các nam thanh, nữ tú lại được trang sức đẹp với các vòng ngọc, hạt cườm thuỷ tinh, các vòng ống đeo đầy cổ tay, cánh tay và cổ chân. Những chiếc vòng này lại được gắn nhiều chiếc chuông nhỏ.
Tài liệu khảo cổ học cũng cho thấy một sự tương hợp khá lý thú với truyền thuyết và thư tịch thời Hùng Vương. Đó là tương truyền Vua Hùng đóng đô ở quanh chùa Hoa Long (TP.Việt Trì), nơi hợp lưu giữa dòng sông Hồng và sông Lô, thì nay ở một nơi chỉ cách khoảng 1km đã phát hiện ra khu mộ Làng Cả có đến hàng trăm ngôi mộ, có những mộ hết sức phong phú về đồ tuỳ táng. Điều đó cho phép các nhà khảo cổ liên tưởng đến dấu tích của kinh đô Văn Lang có liên quan chặt chẽ đến khu mộ lớn nhất vùng này.
Có một điều mà chưa thư tịch và truyền thuyết nào nói đến là sự giao lưu của cư dân thời Hùng Vương khá rộng. Các bằng chứng khảo cổ - chủ yếu là các trống đồng Đông Sơn - đã cho thấy mối quan hệ "mở" của họ với cư dân Trung Quốc của vùng hồ Điền ở Vân Nam, với cư dân Quảng Đông, Quảng Tây, thậm chí cả với nhóm cư dân ở tận phía bắc của tỉnh Chiết Giang, vùng ven biển hạ lưu của sông Trường Giang.
Bằng con đường ven biển, cư dân Hùng Vương còn để lại dấu tích trống đồng khắp một vùng ven biển Malaysia, Thái Lan và nhất là vùng quần đảo Indonesia. Những đảo xa nhất về phía đông của quần đảo này cũng có trống đồng mà người Việt xưa đúc nên.
Với những phát hiện khảo cổ học ngày một nhiều trong những năm gần đây, chúng ta lại càng thấy rõ nét hơn toàn cảnh một thời Hùng Vương, bổ khuyết những gì mà thư tịch và truyền thuyết chưa nói đến hay đính chính những gì chưa chính xác mà qua lăng kính huyền ảo của truyền thuyết đã bị khúc xạ.
Khi sang làm việc trong một trường đại học bên Mỹ, một giáo sư chuyên nghiên cứu về VN, có hỏi tôi về cội nguồn sức mạnh của người Việt từ đâu và từ khi nào? Tôi đã trả lời ngay, từ thời Hùng Vương đã có một sự quần tụ nhiều tộc người trở thành dân tộc Việt.
Bản sắc văn hoá và bản lĩnh Việt cũng đã định hình từ đấy, để rồi trước phong ba bão táp của nghìn năm Bắc thuộc, vẫn không bị đồng hoá, để tiếp tục được hun đúc cao hơn trong thời kỳ độc lập tự chủ, là điều mà không phải tộc người nào cùng hoàn cảnh cũng đạt được.
PGS.TS Trịnh Sinh
- Ai lập quy hoạch cho Hà Nội và TP.HCM?
- Tùy bút về không gian Hà Nội
- Kiến trúc sư trưởng thành phố - Không nên đưa vào Luật
- Di sản đô thị: "Đứt đoạn" phá hoại "bền vững"
- Sự đánh đổi di sản trong đô thị ngàn năm tuổi
- Nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp
- Khách sạn Novotel on the park nên đặt ở đâu?
- Nhiều di tích bị méo mó sau khi tu bổ
- Bảo tồn phố cổ: không thể cứ trông chờ chính quyền
- Bảo tồn phố cổ Hà Nội: Cần sự chung sức