Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam năm 2012?

Định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam năm 2012?

Viết email In

Trong số 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, với 755 đô thị, gần 10.000 điểm dân cư nông thôn, trên 260 khu công nghiệp tập trung là quỹ của các đô thị tương lai, trong năm 2011 đã có một số thay đổi như sau:

Có 8 đô thị được xếp loại theo Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ về phân loại đô thị, trong số đó có 5 đô thị được nâng loại (từ loại II lên loại I là thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; Từ loại V lên hoặc đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV có 4 đô thị: thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh; Thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; Thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp; Thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Có 3 điểm dân cư nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V (Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước; Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước; Nậm Nhùn, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu).


(ảnh minh họa)

Theo Quyết định 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 thì hệ thống đô thị Việt Nam sẽ tăng lên 870 đô thị trong giai đoạn 2011-2015 (Năm 2010 là 755 đô thị) với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 38% (Năm 2010 là 30,5%). Để đạt được điều đó trung bình mỗi năm sẽ tăng lên khoảng 23 đô thị/năm (giai đoạn 2011-2015). Song trong thực tế phát triển năm 2011 chỉ có 3 điểm dân cư nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V (điều kiện cần phải có để hướng đến thành lập thị trấn trong tương lai gần). Sự cách biệt đó đòi hỏi chính quyền các cấp cần rà soát lại Chương trình phát triển đô thị của địa phương mình (đặc biệt là các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc cấp tỉnh, Phòng Kinh tế và Hạ tầng hoặc Phòng Công thương cấp huyện) và đặt ra các nhiệm vụ cụ thể hơn để thực hiện có hiệu quả Quyết định 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong 4 năm còn lại (2012-2015).

Ngoài ra năm 2011 có 5/755 đô thị được nâng loại (kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy trung bình một đô thị xây dựng đồng bộ, kiên trì và tích cực thì sau 15-30 năm sẽ có thể đạt tiêu chuẩn của đô thị bậc cao hơn), trong số đó, đô thị dài nhất trong lịch sử phát triển ở Việt Nam (tính đến cuối năm Canh Dần, đầu năm 2011) là Quảng Yên, được công nhận loại IV sau hơn 50 năm xây dựng và phát triển. Song với con số 5/755 đô thị được nâng loại năm 2011 đã chỉ ra điều bất cập rằng nếu cứ phát triển với tốc độ như vậy thì một đô thị (trong số 755 đô thị nói trên) để được nâng loại trong tương lai sẽ cần tới… 151 năm xây dựng và phát triển!

Để đảm bảo sự phát triển đô thị ngày càng tốt hơn cả về số lượng và chất lượng, một lần nữa đề nghị chính quyền các cấp cần quan tâm nhiều hơn đến sự nghiệp đô thị hóa của quốc gia và địa phương thông qua việc xây dựng Chương trình phát triển đô thị (5 năm và 10 năm) của địa phương mình, hoặc rà soát lại Chương trình phát triển đô thị (nếu đã được lập) theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị định 42/2009/NĐ-CP. Bên cạnh đó việc phát triển nông thôn không chỉ chú ý đến xây dựng nông thôn mới mà còn cần quan tâm nhiều hơn đến Đô thị hóa các điểm dân cư nông thôn, nhằm giảm bớt sự chênh lệch nhiều mặt giữa nông thôn và đô thị, đồng thời góp phần giảm bớt dòng người dịch cư từ nông thôn ra đô thị. Đó sẽ là hành động thiết thực để phát triển hệ thống đô thị Việt Nam trong năm mới 2012 đầy triển vọng và cũng nhiều thách thức./.

PGS.TS Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị VN

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo