Ashui.com

Tuesday
Apr 23rd
Home Tương tác Phản biện Di tích như một hằng số trong sự biến đổi và chuyển hóa không gian đô thị

Di tích như một hằng số trong sự biến đổi và chuyển hóa không gian đô thị

Viết email In

1. Nhận thức

Trong cuộc sống đương đại ngày nay, khi mà các giá trị vật chất đã tiếp cận đường biên giới hạn của sự thỏa mãn các nhu cầu của con nguời thì các giá trị văn hóa tinh thần gần như đang trở thành những đòi hỏi không có giới hạn. Sự giàu có trở thành bình thường trong quán tính của những suy nghĩ thông minh thuộc đời sống đương đại, sự thịnh vượng đã tạo nên kết quả tất yếu bởi những duy lý, khôn ngoan và toan tính.

Thế mà con người không dừng lại. Họ đang hướng tới những tiêu chuẩn mới và sâu sắc của đời sống đương đại, trong đó điều quan trọng là không bị ngộ nhận và đánh mất bản thân. Giàu có phải đi cùng sang trọng, thịnh vượng phải gắn liền văn hóa. Các quốc gia càng ngày càng nhận thức rõ điều đó, và xem những tinh túy văn hóa của dân tộc mình như những giá trị tiềm ẩn, là cơ sở tạo nguồn năng lượng và sức sống cho mỗi dân tộc.


Cuộc sống đời thường - Phố Hàng Cân, Hà Nội (Ảnh: Xunghi)

Trong khoảng một, hai thập niên trở lại đây người ta hay nói tới các thuật ngữ: đời sống đô thị (la vie urbaine), chuyển hóa đô thị (transformation urbaine), phát triển đô thị (developpement urbain)... như thể đang tồn tại một cách song song đời sống đô thị và đời sống con người.

Tuy nhiên đời sống con người thì xác định và có giới hạn, còn đời sống đô thị thì không xác định và vô hạn. Đô thị không có tuổi bởi nó gắn liền với đời sống của các di tích. Nếu có ai đó đánh thức được cuộc sống của các di tích này, tức là họ đã tạo điều kiện để con người hôm nay được tiếp cận và hiểu rõ cuộc sống của ngày hôm qua, khi nó khoác trên mình bộ xiêm áo của những di tích cũ kỹ. Những dô thị có sức hấp dẫn nhất trên thế giới này đều có một nét chung như vậy. Đó là biết kính trọng và tôn vinh các di tích, các di sản văn hóa và lịch sử, mà nó có cơ may được sở hữu.

Mặc cho thời gian cuốn băng các khu ở cũ để thay thế bằng các khu đô thị mới hiện đại, các công trình kiến trúc nhỏ bị phá đi để thay thế bằng các kiến trúc mới hơn, lộng lẫy hơn..., mặc cho không gian đô thị đang thay hình đổi dạng, với những tuyến giao thông mới mở và các khu vực xây dựng mới khang trang.., di tích vẫn như một hằng số trong sự biến đổi và chuyển hóa không gian đô thị. Nó buộc các chuyên gia đô thị phải giải một bài toán hết sức phức tạp, đó là dựa trên sự bất biến của di tích, cả về vị trí cũng như hình thức, để buộc các yếu tố đô thị phải phụ thuộc vào nó trong quá trình phát triển.


Florence, Italy 

Ở Florence (Italy) người ta muốn xây dựng một khu ở mới, cách không xa một khu phố cổ cổ cần phải bảo tồn, các chuyên gia đô thị đã phải làm một bài toán liên kết hình thái đô thị hết sức tinh tế, để cho khu ở mới có hình thức hài hòa với khu ở cũ, ít nhất là về mặt hình thái.

Ở Paris (Pháp) với phương án cải tạo mở rộng bảo tàng Luvre - một di sản kiến trúc có giá trị, kiến trúc sư Ieoh Ming Pei đã đi vào lịch sử, vì ông đã chọn giải pháp can thiệp ít nhất vào không gian vốn có, chỉ nhô lên trên mặt đất một tòa tháp nhỏ bằng kính hình kim tự tháp.

Cũng tương tự như thế, ở Moscow, phương án thiết kế siêu thị trung tâm được giải thưởng và được phép xây dựng là phương án thông minh nhất. Tác giả của nó đã cho xây ba tầng hầm dưới lòng đất, chỉ để hở một phần của quả cầu kính trên quảng trường Ma-nhe-giơ-xkai-a... Cách ứng xử như thế đã không làm hỏng không gian quảng trường Đỏ và Cung điện Kremlin.

Rõ ràng là trong các trường hợp trên giữa quy hoạch đô thị và văn hóa đô thị đã có sự giao thoa, mà giá trị của nó là sự hài hòa giữa kiến trúc mới và kiến trúc cũ. Sự ẩn mình trong lòng đất của kiến trúc đương đại để nhường chỗ cho sự chiếm lĩnh không gian của các kiến trúc di sản, đã không làm cho các kiến trúc mới hèn đi, mà ngược lại nó càng được tôn vinh theo cách của mình.

Ở Việt Nam, mối quan hệ này vẫn còn là khoảng cách. Chúng ta có quyền được hy vọng nếu như xác định được một chương trình hành động trong đó có sự kết hợp hài hòa giữa các chuyên gia trùng tu phục chế, các nhà quản lý và quy hoạch đô thị...

  • Ảnh bên : Dấu vết nền cung điện thời Lý ở Hố A20 - Di tích Hoàng Thành Thăng Long


2. Kế hoạch hành động

Một kế hoạch khiêm tốn nhưng sẽ có hiệu quả ít nhất là có sự tham gia của các nhà bảo tồn trùng tu di sản và quy hoạch đô thị, hay nói khác đi, một cách nhìn cân bằng giữa các yếu tố công năng và văn hóa đô thị.

Theo ý chúng tôi, trong mối quan hệ này, đối với các nhà quy hoạch đô thị cần phải:

- Biết cách né tránh các khu vực di tích khi quy hoạch tổng thể, kể cả khi biết rằng một tuyến đường thẳng là luôn có lợi hơn một tuyến đường cong. Một con đường có thể làm lại được, còn một di tích không bao giờ có thể làm lại đuợc, bất kể các giá trị đầu tư.

- Xác định phạm vi gây ảnh hưởng của các công trình bao quanh đối với di tích để tạo nên một môi trường không gian phù hợp. Cần tạo điểm nhìn có lợi cho di tích với các hướng tiếp cận khác nhau, cũng như cần tạo một không gian kíen trúc cảnh quan đóng vai trò chuyển hóa giữa không gian đương đại và không gian di tích.

- Vì di tích là một hằng số nên bản thân nó có thể đóng vai trò chi phối hình thúc các kiến trúc bao quanh nó cả về mặt định tính và định lượng. Về định tính nó ảnh hưởng tới kiểu cách, loại hình , phong cách kiến trúc... Về mặt định lượng nó quy định các giới hạn cho phép cả về mặt bằng cũng như chiều cao.


Bảo tàng Luvre ở Paris

Dưới góc độ bảo tồn di sản văn hóa, các nhà trùng tu di tích cần phải:

- Thống kê phân loại các di tích và di sản đô thị , đánh giá các giá trị của chúng theo các tiêu chí khác nhau, đánh giá tình trạng hư hỏng cần phải bảo tồn... là cơ sở để các nhà quản lý hoạch định chính sách phát triển đô thị và bảo tồn di sản.

- Việc bảo tồn gìn giữ các di sản đô thị, các di tích lịch sử văn hóa không có nghĩa là không thể đưa kiến trúc đương đại tới gần kiến trúc cổ. Vấn đề là tiếp cận kiểu gì, cách nào. Đó là phạm trù thuộc về khả năng tạo nên không gian văn hóa trong kiến trúc mà không phải kiến trúc sư nào cũng làm được. Ieoh Ming Pei là một người nằm trong số đó.

- Cần phải làm cho các công trình di tích gần gũi hơn, rộng mở hơn đối với các hoạt động đô thị. Trẻ em có thể tới đây nghe các thầy cô dạy môn lịch sử, các nhà mỹ thuật tới đây đề phân tích các mẫu hoa văn, các bậc phụ huynh có cơ hội kể cho con cháu nghe những câu chuyện truyền thống của dân tộc mình... Thực tế các di tích của chúng ta đang bị bó hẹp, đóng khuôn trong các hàng rào. Có những công trình rát có giá trị bị hàng rào hóa những hai lần, làm cho di tích ít có cơ hội xâm nhập vào đời sống đương đại. Lại có những di tích quay lưng ra đường, trái với quy luật phong thuỷ ngày xưa. Cải tạo di tích không chỉ là cải tạo bản thân nó mà còn phải quan tâm tới không gian tạo ra nó.

Một vài suy nghĩ xin được đóng góp để tạo nên gạch nối giữa Di tích và Không gian đô thị.

PGS.KTS Doãn Minh Khôi, Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (UAI) - Trường ĐH Xây dựng

>> Cứu vãn cảnh quan đô thị bằng nét văn hoá đặc sắc 

[ Chuyên đề : Bảo tồn di tích ]

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo