Ashui.com

Monday
Dec 09th
Home Tương tác Phản biện Quy hoạch kinh tế biển Hải Phòng đầu tiên và duy nhất

Quy hoạch kinh tế biển Hải Phòng đầu tiên và duy nhất

Viết email In

Tên đầy đủ của đề án là “phát triển kinh tế biển thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”. Đề án này Được thông qua tháng 5/2009 và cho đến giờ vẫn là đề án cấp địa phương đầu tiên, duy nhất bàn trực diện tới vấn đề phát triển kinh tế biển.

Lựa chọn lâu dài

Ngày xưa, bán đảo Đình Vũ là rừng ngập mặn cách trung tâm thành phố chừng 10km, đầu tuyến luồng vào cảng Hải Phòng. Ở Đình Vũ ngày ấy chỉ có anh công nhân canh đèn luồng cô đơn như Robinson trên hoang đảo. Đầu những năm 1980, ông Đoàn Duy Thành – bí thư Thành uỷ Hải Phòng – quyết định cho đắp đường ra Đình Vũ. Lần hồi nhiều năm, con đường bé như con lươn bò giữa rừng sú vẹt Đình Vũ cũng hoàn thành.



30 năm sau, vị bí thư Thành uỷ Hải Phòng ngày ấy vẽ một vòng cung trên bản đồ để diễn giải về ý tưởng hình thành tuyến đường ven biển riêng cho Hải Phòng. Tuyến đường sẽ đi qua các huyện An Dương, An Lão, Kiến Thuỵ, tới Thuỷ Giang (Nam Hải) thì vượt sông, gặp đường từ nội thành sang Đình Vũ – chính là đường Đình Vũ hiện tại. Ông Thành nói rằng, tương lai của Hải Phòng là phát triển ra biển, với kinh tế biển là nòng cốt. Đình Vũ là “chìa khoá” mở cánh cửa ra biển cho Hải Phòng, miền Bắc và khu vực Nam Trung Quốc. Xây dựng đường xuyên đảo là bước đầu tiên, quan trọng nhất để hiện thực hoá tầm nhìn ấy.

Nhưng tuyến đường ven biển chưa thành hình, ngoại trừ đoạn đường xuyên đảo Đình Vũ, thì ông Thành rời Hải Phòng (1986). Thành phố vẫn chưa có chiến lược phát triển kinh tế biển, dù đã sung túc hơn nhờ vào những chuyến tàu đi Nhật, đi Hong Kong...

Nhiều mũi nhọn

Theo quyết nghị của HĐND thành phố, kinh tế biển được xem là “hạt nhân” để phát triển kinh tế Hải Phòng. Có sáu lĩnh vực kinh tế biển trọng tâm theo thứ tự ưu tiên phát triển: hệ thống cảng, dịch vụ hàng hải, vận tải biển; khu kinh tế, các khu công nghiệp, các khu đô thị ven biển; công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuỷ và phương tiện nổi; kinh tế thuỷ sản; du lịch biển; các huyện đảo.

Ông Nguyễn Đình Chung – chủ tịch HĐQT công ty cổ phần vận tải đa phương thức Duyên Hải nhận xét: đề án đã đúng khi xác định phát triển cảng, dịch vụ, vận tải biển làm trọng tâm phát triển kinh tế của Hải Phòng. Ông Chung – chủ doanh nghiệp hiện có hơn 20ha kho container tại Đình Vũ – thích thú với viễn cảnh lượng hàng hoá qua các cảng khu vực Hải Phòng đến năm 2015 đạt 55 – 60 triệu tấn, và 80 – 100 triệu tấn đến năm 2020. Hàng hoá nhiều đồng nghĩa với cơ hội của các doanh nghiệp sẽ tăng lên.

Nguyên bí thư Thành uỷ Hải Phòng, Đoàn Duy Thành thì cho rằng: “Bờ biển Hải Phòng chỉ nên phát triển cảng, kho bãi, đóng tàu, du lịch. Các khu vực phía trong, không có bờ biển, mới tính chuyện cho công nghiệp”. Ông còn tếu táo: “Có giáo sư người Mỹ nói với tôi, chỉ cần một Cát Bà, họ cũng có thể khai thác du lịch với quy mô đủ để nuôi... cả Hải Phòng”. Kết luận ông rút ra từ đùa vui ấy, là nên tập trung cho mục tiêu cụ thể, thay vì xác định quá nhiều mục tiêu và rồi dễ phân tán nguồn lực đầu tư.


Hệ thống cảng và dịch vụ cảng biển là một trong năm trụ cột cơ bản trong phát triển kinh tế biển Hải Phòng. 

Còn ông Nguyễn Văn Thành – bí thư Thành uỷ Hải Phòng hiện nay, trong tham luận đọc tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, xác định có năm trụ cột cơ bản trong phát triển kinh tế biển của thành phố: hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển; công nghiệp biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; kinh tế thuỷ sản; du lịch biển; khoa học – công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển.

Vậy là, trong nhận thức của những người Hải Phòng, kinh tế biển luôn là thành phần quan trọng nhất của kinh tế thành phố. Nhưng có sự khác biệt tương đối trong xác định những trụ cột đóng góp cho nền kinh tế ấy. Khai thác cái gì từ biển và lợi thế gần biển, vì thế, vừa là điều người Hải Phòng thống nhất, cũng vừa là điều còn phải... bàn cãi.

Xây nhà từ móng

Để phát triển kinh tế biển, ông Thành đề nghị xác định vị trí pháp lý của quy hoạch sử dụng biển đảo trong hệ thống quy hoạch chung của quốc gia, tương tự như quy hoạch sử dụng đất trên đất liền. Đề nghị này cho thấy có sự khác biệt giữa phát triển kinh tế biển và kinh tế không thuần biển.

Cách hình dung này là đồng nhất với hình dung của của vị bí thư Thành uỷ Hải Phòng gần 30 năm trước, ông Đoàn Duy Thành: đầu tiên phải xây tư duy lý luận để làm “nền” phát triển kinh tế biển. “Thiếu tư duy lý luận thì dễ nản lắm”, ông Thành nói. Điều đó giải thích vì sao việc hình thành tuyến đường ven biển của Hải Phòng, với giao cắt chính ở bán đảo Đình Vũ, là điều ông kỳ vọng nhất, và cũng là công trình dang dở khiến ông day dứt nhất khi rời Hải Phòng.

Sau này, ông Nguyễn Văn Thành đã lý thuyết hoá ý tưởng của ông Đoàn Duy Thành bằng đề nghị: “Thay đổi chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng theo hướng lấy vùng ven biển làm trục phát triển, lấy hành lang vận tải ven biển là làm hướng chính, giảm vận tải trên bộ. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, mang đặc trưng của thành phố cảng biển, đạt tiêu chuẩn của một thành phố hiện đại”.

Vậy đó, cả hai vị bí thư Thành uỷ trước kia và hiện tại đều hiểu rằng, xác lập ranh giới giữa kinh tế biển và kinh tế không thuần biển là cơ sở lý luận để phát triển kinh tế biển. Và xây dựng hạ tầng dọc tuyến bờ biển là “chìa khoá” mở cánh cửa ra biển cho Hải Phòng. Nhưng về thời điểm, thì ông Nguyễn Văn Thành đang có thuận lợi hơn hẳn người tiền nhiệm: vấn đề đối mặt của Hải Phòng hiện nay không phải là nguy cơ dân đói như 30 năm trước, mà là làm sao sử dụng và thu hút tốt nhất các nguồn lực đầu tư để phát triển.

Quốc Dũng

[ Chuyên đề: Quy hoạch Đô thị biển

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo