Ashui.com

Saturday
Dec 14th
Home Tương tác Phản biện Kết nối sông Hồng trong không gian đô thị

Kết nối sông Hồng trong không gian đô thị

Viết email In

Khác với nhiều dòng sông khác trên thế giới, tuy vị trí cũng nằm giữa lòng đô thị nhưng sông Hồng lại không phải lúc nào cũng hiền hòa và dễ chế ngự. Chính vì vậy, trong nghiên cứu ý tưởng về quy hoạch cơ bản sông Hồng thì tiêu chí chỉnh trị sông Hồng được đưa lên hàng đầu, mang tính quyết định trước 3 tiêu chí khác là phát huy lợi thế cảnh quan, sắp xếp ổn định dân cư khu vực và khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên sông Hồng xây dựng phát triển đô thị bền vững.

Kinh nghiệm Hàn quốc trong ý tưởng quy hoạch sông Hồng

Trước đây, đã có những nghiên cứu về sông Hồng. Đặc biệt, để khai thác cảnh quan sông Hồng phục vụ đô thị thì các nghiên cứu đều chú trọng đến việc chỉnh trị sông Hồng, xác định lòng dẫn. Thậm chí, Hà Nội cũng đã chuẩn bị việc thực thi thí điểm 1km sông Hồng tại Tứ Liên. Ở đây xin được bàn về ý tưởng quy hoạch không gian sông Hồng.

Sự tương đồng và khác biệt: Hai sông Hàn (Seoul) và sông Hồng (Hà Nội) có cùng chế độ lũ (tuy độ dốc và lưu lượng thoát nước sông Hàn lớn hơn), vị trí đều nằm ở trung tâm thành phố, ngăn chia hai phần đô thị Cũ và Mới phát triển (tuy ngược nhau: đô thị cũ nằm ở phía Bắc sông Hàn, còn ở Hà Nội lại nằm phía Nam sông Hồng). Sự tương đồng còn thể hiện ở cùng vị thế Thủ đô và cùng nền văn hóa châu Á.
 
Sự khác nhau lớn nhất là tiềm lực kinh tế tại thời điểm triển khai dự án. Sông Hàn không có dân cư sống bám hai bên sông. Trong khi đó, Thủ đô Hà Nội là đô thị 1000 năm tuổi cần được kế thừa truyền thống lịch sử và văn hóa trong sự phát triển.

Kinh nghiệm Hàn Quốc trong đồ án cải tạo phục hưng sông Hàn đang nghiên cứu hiện nay khắc phục hạn chế của quy hoạch trước như việc tổ chức giao thông cơ giới sát bờ sông làm cản trở sự tiếp xúc tự nhiên giữa con người và cảnh quan, dòng sông; Các dãy nhà cao tầng với mặt nhà dài bám chạy dọc mặt sông ngăn cản tầm nhìn và án ngữ cảnh quan sông; Triền đê khụng được chia thành nhiều cốt và được tổ chức cây xanh cảnh quan tự nhiên...



Ưu điểm và hạn chế của nghiên cứu ý tưởng quy hoạch sông Hồng

Tuy còn ở mức ý tưởng nhưng nghiên cứu đã đặt vấn đề quan trọng trong nghiên cứu tổng thể về phòng chống lũ, thể hiện được mục tiêu chỉnh trị sông.

Về tổ chức không gian thì ưu điểm nổi bật của nghiên cứu này là ý tưởng đem đến sự tiếp cận thuận lợi giữa con người với cảnh quan tự nhiên của dòng sông Hồng. Tuy nhiên, vấn đề chính là đưa sông Hồng là chủ thể đô thị và kết nối với không gian xung quanh, thì nghiên cứu vẫn còn một số hạn chế, cần bổ sung sau:

Xác định không gian sông Hồng
: Trong tổng thể không gian Hà Nội với tiêu chí phát triển “Mặt nước - Cây xanh – Văn hóa” thì sông Hồng được coi là Lá phổi xanh – Xương sống đô thị Hà Nội. Nói một cách nôm na rằng: Sông Hồng là không gian TĨNH giữa đô thị phát triển ĐỘNG,  tạo nên sự gắn kết, nối hai bờ Bắc – Nam.

Sự liên kết sông Hồng với không gian Hà Nội:

- Sự liên kết sông Hồng với Hà Nội cổ: Qua quá trình hình thành và phát triển gần nghìn năm, đô thị Hà Nội đã định hình một hình thái không gian kiến trúc đô thị có dạng lòng chảo, trũng hướng vào khu phố Cổ. Trong nghiên cứu này, các công trình cao tầng tiếp giáp hồ Tây lại có xu thế cao dần về khu trũng đó. Đồng thời tuyến cao tầng dọc sông này lại chỉ hướng tới tận dụng tối đa lợi thế cảnh quan của sông Hồng và hồ Tây mà “quên” không tạo dựng thành trục kết nối từ bán đảo hồ Tây đến sông Hồng.
 
Một điều đáng nói là tại vùng hình thái "trũng"– trung tâm linh thiêng của Hà Nội này thì tổ chức cảnh quan tại đây phải gắn với việc xây dựng một khu vực hay tượng đài mang ý nghĩa biểu tượng cao nhất thể hiện khí phách hào hùng của một Thủ đô văn hóa và lịch sử, chứ không thể mang một ý nghĩa khác (trong ý tưởng của Hàn Quốc đề xuất là xây dựng công viên Seoul).

- Sự liên kết sông Hồng với không gian Hà Nội tương lai: Tại khu Bắc sông Hồng, đặc biệt trung tâm Phương Trạch là không rõ nét. Việc tổ chức không gian các công trình tại Yên Phụ - Nhật Tân (bờ Nam) cũng như Tàm Xá (bờ Bắc) không đạt được mục tiêu tạo thành trục “ảo” kết nối không gian “xuyên tâm” từ đường Láng – Hòa Lạc qua hồ Tây đến Đông Hội, Xuân Canh sang Cổ Loa. Đây là một trục không gian quan trọng và lại dễ dàng nhận biết khi có điểm nhìn từ các công trình cao tầng dọc sông hay quan sát từ trên máy bay.

- Sự liên kết với không gian các tỉnh thành liền kề: Việc nghiên cứu ý tưởng quy hoạch cơ bản sông Hồng lần này đoạn qua Hà Nội cũng cần được tính đếm đến sự phát triển của các khu vực tỉnh thành đầu nguồn và cuối nguồn, hướng và phạm vi phát triển mở rộng đô thị Thủ đô trong tổng thể mối quan hệ liên vùng. Với nghiên cứu quy hoạch cơ bản sông Hồng đoạn qua Hà Nội này sẽ là kinh nghiệm và là động lực thúc đẩy các tỉnh thành liền kề phát triển.
 
Nhìn chung, về tổ chức giao thông thì trong nghiên cứu này mới chỉ khai thác chủ yếu hai tuyến giao thông “xương sống” dọc sông, còn lại các đầu mối giao thông của các tuyến giao thông “xương cá” từ sông Hồng nối ra các tuyến giao thông khu vực kế cận lại chưa được đấu nối.
Việc khai thác quỹ đất 1500ha vẫn chỉ chú trọng đến việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới dọc sông, chưa tạo nên sự kết nối ăn nhập với không gian hình thái tổng thể đô thị Hà Nội cũng như các khu vực phố phường, làng xóm liền kề. Nghiên cứu nên xem xét phân bổ các chức năng trọng yếu, quyết định của bốn khu vực với chức năng công cộng là chủ yếu, tạo cực hút phát triển đô thị.

Như vậy, có thể lợi nhuận của các nhà đầu tư sẽ giảm hoặc không có, nhưng để bù lại, Thành phố cũng nên có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư “dũng cảm” đầu tư vào các khu chức năng này bằng cơ chế khuyến khích hoặc đựơc ưu tiên khi đầu tư dự án tại các khu vực khác ngoài sông Hồng.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo