Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Phản biện Tư vấn chiến lược trong quy hoạch kiến trúc

Tư vấn chiến lược trong quy hoạch kiến trúc

Viết email In
Trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường ngày nay, nhu cầu về tư vấn, nhất là tư vấn chiến lược, là nhu cầu mới cấp bách. Nhưng việc đào tạo và sử dụng nhà tư vấn chiến lược trong các dự án lớn của cả nước và của các đô thị cấp 1 hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Một nhà tư vấn chiến lược khác với những nhà tư vấn chuyên môn nói chung. Họ thường là người có uy tín và kinh nghiệm sâu rộng về các vấn đề qui hoạch kiến trúc của không những trong nước mà cả trên trường quốc tế. Họ đóng vai trò rất quan trọng cho việc giúp các nhà lãnh đạo chọn những quyết định có tính chiến lược đến tương lai phát triển xây dựng của một nước hoặc của một thành phố.

Các nhà chuyên môn có kinh nghiệm lâu năm đều có thể làm công tác tư vấn, nhưng số lượng người có khả năng làm công tác tư vấn chiến lược trong một nước thường chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

KTS Ngô Viết Thụ, một nhà kiến trúc lớn của VN, thường được biết đến qua công trình dinh Thống Nhất (dinh Độc Lập cũ), nhưng có lẽ ít người biết rằng ông còn là một trong những nhà tư vấn chiến lược qui hoạch và kiến trúc đầu tiên của VN, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng trên 20 tỉnh lỵ và thị xã mới, xây dựng làng đại học Thủ Đức, hệ thống xa lộ Biên Hòa, qui hoạch Sài Gòn - Chợ Lớn... và trong thời gian cuối đời tham gia trong việc phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thành một khu trọng điểm kinh tế của cả nước như hiện nay.

Chữ tâm

Chữ tâm là điểm chính yếu trong sự thành công của KTS Thụ. Ông thường nói rằng có thể thấy trước sự nghiệp của một nhà kiến trúc bằng việc xem xét chữ tâm và chí hướng của người đó, chứ không phải bằng khả năng chuyên môn hoặc phương tiện vật chất hiện tại của người đó. Người có cái tâm lo việc quốc gia đại sự thì sớm hay muộn sẽ có trình độ và cơ hội ở vị trí tương xứng để lo cho nước nhà. Và như người ta nói “chí lớn thường gặp nhau”, ông thường nói mình rất may mắn trong đời gặp được hai người lãnh đạo tri kỷ, một người vào thời kỳ đầu của sự nghiệp và một người vào lúc cuối đời, đều chia sẻ với ông hoài bão xây dựng VN thành một nước không thua kém các cường quốc năm châu, và đều tạo điều kiện cho ông phát huy tài năng kiến trúc của mình.

Chính vì chữ tâm đó mà ông từ chối lời mời của tổng thống VNCH thời trước để làm bộ trưởng xây dựng thay thế KTS Hoàng Hùng, không những vì KTS Hùng là người thay mặt tổng thống sang La Mã để mời ông về làm việc (theo ông, chiếm địa vị của người giúp mình là một hành vi không chấp nhận được của một kẻ sĩ), mà còn vì ông muốn giữ mình ở một vị trí độc lập, không lệ thuộc vào bộ máy chính quyền để có thể đưa ra những ý kiến chuyên môn khách quan, đáp ứng với nhu cầu của quốc gia.

Vì thế, ông mở Văn phòng Tư vấn kiến trúc và chỉnh trang lãnh thổ tại số 104 Nguyễn Du. Văn phòng này làm việc trực tiếp với phủ tổng thống, không thông qua Bộ Xây dựng (sau đổi tên là Tổng nha kiến thiết & thiết kế đô thị), để giúp tổng thống chỉ đạo chiến lược cho các chương trình phát triển đô thị miền Nam cho đến năm 1975.

Có thể nói đây là văn phòng tư vấn qui hoạch kiến trúc đầu tiên của VN. Vào đầu năm 1960, ngành qui hoạch trên toàn thế giới vẫn còn đang ở giai đoạn đầu phát triển, và tại VN lúc đó chỉ có ba người có cả hai văn bằng KTS và văn bằng đô thị gia tại nước ngoài: KTS Huỳnh Kim Mãng (giáo sư Trường cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn), KTS Lê Văn Lắm (sau làm giám đốc Tổng nha Kiến thiết đô thị), và KTS Ngô Viết Thụ.

Chữ đạo

Có thể có trường dạy KTS, nhưng không bao giờ có trường dạy một người làm sao để trở thành một nhà kiến trúc lớn. Ông thường khuyên rằng có chữ tâm sẽ tìm ra chữ đạo, tức là con đường mình phải đi để đạt mục đích. Vì vậy ông ít viết về kiến trúc, mà cho rằng những tác phẩm qui hoạch kiến trúc của ông là bài học sống động nhất dành cho giới trẻ.

Con đường trở thành một chuyên viên tư vấn chiến lược chủ yếu là con đường tự đào luyện và tự tìm tòi học hỏi. Tuy vậy, có những phẩm chất chung rất quan trọng của một nhà tư vấn chiến lược:

+ Kinh nghiệm làm việc về qui hoạch và kiến trúc nói chung ít nhất 10 năm.

+ Kinh nghiệm làm việc tại nước sở tại (VN) ít nhất năm năm (nếu là chuyên gia nước ngoài), để hiểu rõ phong tục tập quán, cách suy nghĩ, sinh sống và làm việc của người bản xứ.

+ Kinh nghiệm làm việc tại một nước công nghiệp phát triển ít nhất hai năm (nếu là chuyên gia của một nước đang phát triển như Việt Nam), để làm quen với phong cách làm việc tiên tiến khoa học, cẩn thận, chính xác và có hiệu quả.

+ Thông thạo ít nhất một sinh ngữ chính như Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha (đây là điều rất quan trọng để nắm bắt kịp thời các thông tin và công nghệ mới nhất, cũng như để trao đổi thảo luận với các chuyên viên nước ngoài).

+ Có kiến thức tổng quát rộng rãi về các ngành liên quan như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật.

+ Khả năng lập kế hoạch chiến lược và phân tích để giúp các nhà lãnh đạo quyết định.

+ Khả năng thuyết trình và lãnh đạo các cuộc thảo luận chuyên môn.

+ Khả năng lập chương trình phát triển cũng như đánh giá dự án.

+ Có điều kiện làm việc trực tiếp với các nhà lãnh đạo hàng đầu của quốc gia và tỉnh, thành phố (điều này cho phép ý kiến của nhà tư vấn chiến lược được tham vấn và sử dụng có hiệu quả nhất, không bị sự trói buộc của cơ chế hành chính) và cơ hội tham gia ban giám khảo các cuộc thi quốc gia và quốc tế, cũng như trong hội đồng phản biện và đánh giá dự án.

Điều cần nói là công tác tư vấn (tức cho lời khuyên, hướng dẫn và đánh giá dự án) không được lẫn lộn với công tác thực hiện (tức quản lý, thiết kế và thi công) để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” như hiện nay. Một nhà tư vấn có uy tín có thể có lúc này làm công tác tư vấn, lúc khác làm công tác thực hiện, nhưng thường không bao giờ nhận làm cả hai việc trong cùng một dự án.

Phần lớn chương trình giảng dạy chính qui của ngành qui hoạch tại các nước trên thế giới đều được thành lập vào thời gian những năm 1960, và chỉ đến gần cuối thế kỷ 20 ngành này mới đạt đến trình độ trưởng thành như các ngành khác. Thế hệ các nhà tư vấn chiến lược tương lai của VN cần có thêm những kỹ năng mà trước đó không được đặt ra cho các thế hệ đàn anh như:

+ Khả năng sử dụng các thiết bị và chương trình điện toán tiên tiến trong thiết kế qui hoạch kiến trúc (GIS, Map Info, Auto Cad, 3D Max hoặc Form Z, MS Office, MS Project).

+ Kinh nghiệm làm việc trong quan hệ hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia liên ngành và khả năng phân tích, đánh giá các quyết định về bảo tồn hoặc phát triển đô thị trong mối tương quan với các vấn đề kinh tế - xã hội nhân văn, khoa học kỹ thuật và quản lý đô thị. Phương pháp thiết kế kiến trúc và qui hoạch hiện đại ngày nay không còn dựa nhiều vào cảm tính chủ quan như trước, mà phải dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học về hiện trạng khu đất, cũng như về con người sống trong đó.

+ Kinh nghiệm làm việc với các tổ chức quốc tế về đầu tư, văn hóa xã hội, cũng như thiết kế qui hoạch kiến trúc. Trong các dự án quốc gia có yếu tố thiết kế thi công từ nước ngoài như qui hoạch Thủ Thiêm và xây dựng nhà Quốc hội mới, chúng ta thật sự cần có nhiều chuyên gia tư vấn có khả năng đóng vai trò cố vấn và phản biện để thay mặt chính quyền cùng làm việc với các nhà thiết kế và đầu tư nước ngoài trong mỗi giai đoạn giám định thiết kế và thi công, để đảm bảo việc có những công trình hiện đại nhưng phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và văn hóa, cũng như con người VN.

+ Khả năng nghiên cứu và phân tích đánh giá dự án một cách khoa học: các chuyên gia giỏi thường có trình độ nghiên cứu bậc tiến sĩ hoặc tương đương (không nhất thiết phải có bằng tiến sĩ, nhưng có thì càng tốt hơn, vì theo quan niệm quốc tế, việc thực hiện thành công luận án tiến sĩ là một minh chứng quan trọng cho khả năng nghiên cứu và phân tích các vấn đề một cách khoa học).

+ Hiểu biết sâu rộng về các vấn đề qui hoạch chiến lược, sử dụng đất, quản lý đô thị, nguyên lý qui hoạch hiện đại, qui hoạch cộng đồng và qui hoạch giao thông công cộng: đây là các vấn đề phức tạp đang trở thành những ngành học chuyên sâu riêng biệt trong qui hoạch mà chương trình giảng dạy đại học của ta hiện chỉ mới cung cấp những kiến thức nhập môn. Chúng ta cần xem xét lại việc có nên tiếp tục để cho KTS kiêm nhiệm luôn vai trò đô thị gia như hiện nay hay không, và việc làm sao có chính sách tạo điều kiện cho các KTS đã được đào tạo theo chương trình cũ có cơ hội tu nghiệp thêm về qui hoạch và kiến trúc.

+ Kỹ năng giao tiếp hợp tác làm việc quốc tế một cách trực tiếp và gián tiếp (qua điện thoại, thư tín, fax, mạng Internet). Các cố vấn chiến lược ngày nay không cần phải có mặt tại chỗ thường xuyên để làm công tác tư vấn, mà có thể làm việc từ xa một cách hiệu quả nhờ có hệ thống thông tin liên lạc hiện đại toàn cầu. Trong nhiều trường hợp, các cố vấn chiến lược cho các nước đang phát triển nên có văn phòng tại một nước phát triển để có sự thuận lợi trong việc truy nhập trực tiếp kho tàng dữ liệu đầy đủ và phong phú tại đó, mà kể cả các nước công nghiệp mới (NIC) cũng không có được.

Gần đây, các nhà lãnh đạo và quản lý đô thị VN lần đầu tiên tự mình quản lý một dự án qui hoạch hàng chục tỉ USD tại Thủ Thiêm, trong đó có nhu cầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài và có sự quan tâm đáng kể đến việc tham vấn ý kiến các chuyên gia nước ngoài, cũng như việc cải tổ phương pháp làm việc khác với cách làm từ trước đến nay.

Tuy vậy, việc sử dụng nhân lực tư vấn trong nước và nước ngoài vẫn còn nhiều lúng túng. Mặc dù có một vài nhà tư vấn và giám khảo nước ngoài đề nghị mô hình một trung tâm đô thị sinh thái cho Thủ Thiêm, thực tế cho thấy mô hình này vẫn chỉ còn là một lý thuyết chưa được thực hiện thành công mà chúng ta chỉ nên tham khảo, chứ chưa nên liều lĩnh thử nghiệm vì có quá nhiều rủi ro không thể lường trước được.

Thủ Thiêm cần phải được phát triển với một mật độ xây dựng và một chương trình phát triển phù hợp với tiềm năng lớn về kinh tế xã hội của nó, mới giải quyết được bài toán nan giải là làm sao dựa vào nguồn kinh phí nội tại từ quĩ đất để phát triển nó.

Bên cạnh ưu điểm nổi bật về giải pháp kinh tế của phương án đoạt giải của Sasaki Associates, vẫn còn tồn tại nhiều khuyết điểm lớn trong việc nối kết trung tâm Thủ Thiêm với trung tâm hiện hữu - một vấn đề cần phải điều chỉnh trong giai đoạn thiết kế chi tiết tỉ lệ 1/2.000. Chúng ta không nhất thiết phải làm y như khu Phố Đông Thượng Hải, nhưng đây là một mô hình (case study) gần gũi nhất với Thủ Thiêm mà chúng ta cần nghiên cứu kỹ để rút ra các bài học kinh nghiệm thực tế quí giá cho Thủ Thiêm.

Tóm lại, con đường tự đào luyện để trở thành một nhà tư vấn chiến lược (chữ đạo) thường là một con đường chông gai, vất vả và đơn độc, mà một KTS cần có một chữ tâm để tự mình vượt qua.

Vai trò của các nhà lãnh đạo trong việc sử dụng và đào tạo nhân tài cũng quan trọng không kém việc có được các nhà tư vấn giỏi.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu nên thành lập cho mình một hội đồng các chuyên gia tư vấn chiến lược (gồm các chuyên gia hoạt động độc lập trong và ngoài nước) và nên đầu tư vào việc đào tạo và tu nghiệp cho các nhà quản lý đô thị, cũng như quan tâm đến việc cải cách càng sớm càng tốt nội dung và phương pháp giảng dạy kiến trúc và qui hoạch tại đại học, để đáp ứng với nhiều vấn đề mới đang nảy sinh hằng ngày từ tình trạng bùng nổ trong phát triển đô thị tại VN như hiện nay.
 

Lời bình  

 
0 # no 19/01/2012 21:51
cam on bai viet. hien nay dai hoc kien truc tphcm cung da dao tao nha quy hoach theo chuong trinh moi.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo