Ashui.com

Monday
Sep 16th
Home Tin tức Sự kiện Hội thảo “Thị trường bất động sản Việt Nam: Những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm”

Hội thảo “Thị trường bất động sản Việt Nam: Những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm”

Viết email In

Sau giai đoạn chìm lắng do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường bất động sản Việt Nam đang phát đi những dấu hiệu khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, tác động của các chính sách kinh tế vĩ mô trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường này vẫn là một câu hỏi lớn mà nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này quan tâm.

Vì thế, nhằm đưa ra những phân tích và dự báo về tiềm năng, xu hướng vận động của thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới, dưới sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Bộ Xây dựng; Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội thảo "Thị trường bất động sản Việt Nam: Những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm".  

Hội thảo cũng là diễn đàn để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và đưa ra các khuyến nghị góp phần định hướng thị trường bất động sản vận động một cách tích cực.
 
Với nội dung đó, chương trình của Hội thảo được chia thành 2 phiên với những tham luận cụ thể của các chuyên gia, các nhà quản lý, các Hiệp hội và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.  
 
Phiên I: Các vấn đề chính sách, với các tham luận:

  • Định hướng về quản lý thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới” - Ông Nguyễn Trần Nam – Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
  • Bình luận về tác động của những chính sách mới với sự phát triển của thị trường bất động sản” - Ông Vũ Văn Phấn - Vụ trưởng, Trưởng Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.
  • Tình hình thị trường bất động sản Việt Nam và những kiến nghị của doanh nghiệp” - Ông Tống Văn Nga – Phó Chủ tịch TT Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Phiên II: Những vấn đề của thị trường, với các tham luận:

  • Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của phân khúc thị trường nhà ở dành cho người có thu nhập thấp” - Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng).
  • Tạo quỹ đất cho phát triển nhà ở” - Ông Đặng Quang Phán – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên – Môi trường).
  • Tình hình giao dịch bất động sản thông qua các sàn giao dịch trong thời gian qua và những kiến nghị” - Ông Phan Thành Mai – Trưởng ban điều hành miền Bắc, Sàn Giao dịch bất động sản Việt Nam.

Các doanh nghiệp tham gia kiến nghị, đóng góp ý kiến: Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng; Công ty CP Vincom,…

Hội thảo diễn ra từ 8h00 – 12h00, thứ Bảy, ngày 01/08/2009 tại Hội trường tầng 7, Trung tâm thương mại quốc tế, số 9 Đào Duy Anh - Hà Nội. 

Tới dự buổi hội thảo có ông Phạm Gia Túc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ông Nguyễn Trần Nam – Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Ông Tống Văn Nga – Phó Chủ tịch TT Hiệp hội Bất động sản VN cùng đông đảo các doanh nghiệp tham gia.
 

Ông Phạm Gia Túc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VCCI phát biểu khai mạc
 
Phát biểu mở đầu buổi hội thảo, ông Phạm Gia Túc cho biết: Trong hai năm gần đây ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam cũng có những ảnh hưởng nhất định và thị trường bất động sản cũng bị ảnh hưởng theo. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng  của thị trường này có độ trễ nhất định so với các nước khác trên thế giới.
 
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế các nước lớn trên thế giới đã có bước ổn định, nhiều dấu hiệu cho rằng nền kinh tế VN đã chạm đáy. Đây cũng là cơ hội để phát triển thị trường bất động sản, nếu phát triển tốt sẽ là kênh thu hút đầu tư lớn trên thế giới. Với mong muốn như vậy chúng tôi đã tổ chức hội thảo để có thêm kênh thông tin tới doanh nghiệp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp bất động sản trao đổi về những nội dung đã nêu.
 
Ông Túc nhấn mạnh: "Các vị lãnh đạo sẽ có những chia sẻ đối với doanh nghiệp, và chúng tôi sẽ lắng nghe những kiến nghị đó và có những yêu cầu kiến nghị lên Đảng và Chính phủ giúp doanh nghiệp". 
 
Tiếp đến ông Nguyễn Trần Nam – Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại hội thảo về "Định hướng quản lý thị trường bất động sản Việt Nam thời gian tới".


Ông Nguyễn Trần Nam – Thứ trưởng Bộ Xây dựng
 
"Thị trường bất động sản là một thị trường mang tính tổng hợp rất cao, nó mang tính nhạy cảm cao và liên quan tới các vấn đề xã hội. Do đó, cần phải có bàn tay lãnh đạo của nhà nước sâu sắc hơn. Vì thế, tôi đánh giá ở các điểm như sau:
 
Theo tôi, thị trường bất động sản Việt Nam là có rồi và có tổng lượng giao dịch, lượng tiền trong nước và ngoài nước. Các chính sách của chúng ta cũng đã có, và nhu cầu người dân rất là lớn…Thị trường mới hình thành và mức đóng góp còn khiêm tốn, nhưng trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh vì rất có tiềm năng .
 
Hệ thống cơ chế chính sách còn thiếu và chưa tốt, còn nhiều điểm mang tính chất ràng buộc và gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Cái này được chúng tôi đánh giá là chưa mang tính chuyên nghiệp từ cơ quan Nhà nước đến các doanh nghiệp liên quan tới các vấn đề này. Như vậy cần phải đòi hỏi một cơ chế chính sách đồng bộ.
 
Hiện nay, chúng tôi đang soạn thảo quản lý thị trường bất động sản và đất đai để trình Bộ Chính trị và hy vọng sẽ có cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp còn mới và kiến thức thì chưa nhiều. Do đó, chúng tôi thấy rằng cần phải đẩy mạnh công tác đào tạo doanh nghiệp làm bất động sản. Lĩnh vực không chuyên nghiệp còn thể hiện ở người dân, còn mang tính bao cấp và ỷ lại rất lớn. Đầu tư vào bất động sản cũng mang tính chất phong trào và tin đồn. Các nhận định về thị trường bất động sản còn mang cảm tính. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, về phía Nhà nước chưa đưa ra được những thông tin đầy đủ để cho các cơ quan truyền thông, các chuyên gia có thể nhận định được xác thực cho thị trường bất động sản.
 
Định hướng thị trường bất động sản trong thời gian tới : Về phía cơ quan nhà nước, trên cơ sở đề án trình Bộ Chính trị và trên cơ sở cơ quan nhà nước để thể chế hóa luật này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn là sẽ đào tạo được đội ngũ doanh nghiệp bất động sản tốt hơn. Báo chí cũng cần phải đưa tin nhanh nhưng đúng và chính xác sự việc.
 
Một trong những định hướng thị trường bất động sản là quyền tiếp cận nhà ở của chính quyền với nhân dân. Nhà nước cũng cần tạo ra cơ chế chính sách để tạo cho doanh nghiệp bất động sản hướng tới các đối tượng như người có thu nhập trung bình và thấp…
 
Chúng tôi cũng mong rằng, Nhà nước ngoài việc kích cầu thì cũng nên làm công tác dân sinh. Tôi cũng lưu ý các doanh nghiệp bất động sản là thị trường nhà ở cho người có thu nhập thấp và trung bình là thị trường tiềm năng lớn, dù lợi nhuận không cao".
 
Ông Vũ Văn Phấn - Trưởng Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về c/s nhà ở và TT BĐS tham gia hội thảo chủ đề “Tác động của những chính sách mới tới sự phát triển của thị trường bất động sản”


Ông Vũ Văn Phấn - Trưởng Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về chính sách nhà ở và TT BĐS

Thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh sẽ có tác động tích cực đến nhiều thị trường khác liên quan như thị trường tài chính - tiền tệ, ngân hàng - chứng khoán, thị trường lao động, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng,…và góp phần không nhỏ vào chủ trương kích cầu đầu tư, chống suy giảm kinh tế hiện nay của nước ta, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao điều kiện sống – sinh hoạt của nhân dân, tạo ra diện mạo mới về kiến trúc, cảnh quan cho đô thị, điểm dân cư nông thôn,…

Ông đề cập tới 3 vấn đề của các cơ chế chính sách mới đối với thị trường bất động sản: (1) Tác động đến sự phát triển chung của Thị trường bất động sản, (2) Tác động đến “cung - cầu” và giá cả hàng hoá bất động sản, (3) Những cải cách thủ tục hành chính tác động đến hoạt động kinh doanh bất động sản.

“Thị trường bất động sản Việt Nam 2009: Một số vấn đề về đầu tư kinh doanh trong thời gian tới” là bài tham luận của ông Tống Văn Nga - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
 

Ông Tống Văn Nga - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
 
Theo nhận định của những chuyên gia kinh tế hàng đầu về khủng hoảng, thì điểm tồi tệ nhất của khủng hoảng này còn đang đến, và suy thoái trên thế giới có nhiều khả năng còn kéo dài quá 2011. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế của Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn. Năm 2008, thị trường bất động sản Việt Nam đã có dấu hiệu bất ổn, gặp nhiều khó khăn. Tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới tiếp tục làm thị trường bất động sản giảm sút, giao dịch diễn ra cầm chừng trong bối cảnh thực hiện các chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
 
Năm 2009, các nhà đầu tư bất động sản đang đứng trước những thách thức lớn bởi sự suy thoái kinh tế đã và đang trực tiếp tác động vào Việt Nam; thị trường bất động sản có xu hướng giảm hẳn các giao dịch và đi xuống. Mặc dù vậy, thị trường bất động sản vẫn đầy tiềm năng và mở ra nhiều cơ hội tốt. Việc mở rộng các đô thị cũng như tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cùng với nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng dương sẽ làm tăng nhu cầu về bất động sản: nhà ở, văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại và các khu công nghiệp...
 
Một yếu tố khác có thể tác động tích cực vào thị trường bất động sản là từ ngày 1/1/2009, chúng ta bắt đầu thực hiện Nghị quyết về việc thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt Nam (trong 80.000 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì có 10.000 người có nhu cầu). 

Thời gian qua có rất nhiều ý kiến, đề xuất với các cơ quan quản lý nên có các cơ chế chính sách phù hợp để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững. Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng ba nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
 
Một trong những vấn đề cơ bản hiện nay của thị trường bất động sản vẫn là vốn, là mối quan hệ giữa thị trường tài chính và thị trường bất động sản. Vừa qua, chính phủ đã công bố gói đầu tư về nhà ở xã hội cho thị trường bất động sản “hy vọng gói đầu tư vào thị trường nhà ở xã hội sẽ có tác động như một cú hích lớn của Nhà nước làm cho thị trường này lành mạnh hơn.”
 
Trên thực tế, chênh lệch cung cầu của thị trường bất động sản vẫn còn rất lớn. Cho nên tại thời điểm này nhiều doanh nghiệp vẫn quyết định mạnh dạn đầu tư cho những dự án có tính khả thi cao. Dù bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nhưng nền kinh tế VN đang trong quá trình phát triển khiến thị trường bất động sản vẫn có những cơ hội tốt cho các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay cần tiếp tục có sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách của chính phủ như về thuế, cải cách thủ tục hành chính, chính sách lãi suất cho vay...
 
Giao dịch qua sàn cũng là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm. Nhưng đến nay, vẫn chưa có một cơ chế rõ ràng cho vấn đề này ngoài việc từ 1/1/2009, các sàn bắt buộc phải đạt yêu cầu chuyên môn theo Luật Kinh doanh BĐS và Nghị định 153/2007/NĐ-CP, đặc biệt là vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề định giá, môi giới BĐS.
 
Một vấn đề rất được quan tâm, đó là theo Luật Kinh doanh BĐS và Nghị định 153/2007/NĐ-CP, từ 1/1/2009 bắt buộc các công ty kinh doanh BĐS phải giao dịch qua sàn đã phát sinh nhiều câu hỏi từ phía nhà đầu tư, các chuyên gia. Ví như phát sinh các thủ tục, giấy phép con, tăng chi phí dịch vụ như vấn đề hàng hóa qua sàn sẽ tính như thế nào, thù lao qua sàn, tính trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh sàn, những quy định được cho là quá khắt khe, tính bảo đảm thông tin của các sàn... hay khái niệm sàn chuẩn là như thế nào?
 
Cho đến nay, vẫn chưa có một sàn giao dịch nào được công nhận là sàn chuẩn và Bộ Xây dựng còn đang lên kế hoạch xây dựng tiêu chí cho sàn chuẩn. Chính vì vậy, việc trông chờ sự minh bạch cho thị trường BĐS khi giao dịch qua sàn chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm.

Việc nâng cao chất lượng nguồn lao động thông qua việc đào tạo công nhân kỹ thuật, lao động có tay nghề, kỹ sư thực hành, nhân viên quản lý cao cấp, giám đốc điều hành đang là một thách thức đối với các doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nước và ngoài nước và nhu cầu phát triển kinh tế trong bối cảnh mới. 

(Diễn đàn Doanh nghiệp tường thuật trực tuyến


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo