Quần thể di tích cổ giữa rừng bị đe dọa

Thứ sáu, 22 Tháng 7 2011 15:14 SGTT
In

Dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A được các chuyên gia cảnh báo sẽ làm tổn hại rất lớn hệ sinh thái rừng. Nghiêm trọng hơn, nó còn có nguy cơ làm biến mất nhiều di sản văn hoá tồn tại hàng ngàn năm tại vườn quốc gia Cát Tiên.

Kinh nghiệm của giới khảo cổ học cho thấy, trước khi thực hiện các dự án thuỷ điện tại Việt Nam, nếu không tiến hành khảo cổ thì chúng ta sẽ mất rất nhiều di sản văn hoá. Những nền văn hoá cổ đáng ra được khai quật, bảo tồn sẽ chìm xuống đáy nước các hồ thuỷ điện mà không ai hay biết. Trong rừng Cát Tiên, ít người biết có một di sản lớn đã tồn tại hơn ngàn năm với nhiều giá trị có thể làm căn cứ để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.


Biểu tượng linga và yoni lớn nhất khu vực Đông Nam Á được tìm thấy tại Cát tiên.

Tiến sĩ Phạm Quang Sơn, nguyên cán bộ viện Phát triển bền vững khu vực phía Nam, người đã từng đi thực địa nhiều lần ở vườn quốc gia Cát Tiên, cho biết tiềm năng khám phá các di tích cổ của vườn quốc gia Cát Tiên rất lớn. Các di sản văn hoá nằm trải dài trên ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai. Đó là một quần thể di sản văn hoá mang phong cách Ấn Độ cổ kéo dài 17km với nhiều tàng tích văn hoá cổ. Đây mới chỉ là phát hiện bước đầu, khả năng sẽ còn xuất hiện thêm các quần thể di tích khác. Tuổi thọ của di tích được phát hiện từ 1.300 – 1.700 năm. Nhiều tượng cổ, các biểu tượng cổ bằng đá, bằng vàng đã được phát hiện tại đây và đang được lưu giữ, nghiên cứu cẩn thận.

Với các phát hiện tại Cát Tiên, quần thể di tích này có những sinh thực khí bằng đá xanh và đá bán quý (giống ngọc bích) thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á. Có giả thiết cho rằng, nếu nghiên cứu kỹ, các quần thể kiến trúc này có thể có tiền đề hơn 4.000 năm trước và có thể là tiền thân của kiến trúc Angkor nổi tiếng bởi nhiều nét tương đồng…

Theo tiến sĩ Phạm Quang Sơn, việc dự án thuỷ điện nằm cách khu di tích được phát hiện khoảng 20km không phải là khoảng cách an toàn và nhiều khả năng các di sản quý sẽ chìm dưới đáy nước nếu làm thuỷ điện mà chưa có nghiên cứu, đánh giá nào. Mặt khác, khu vực phát hiện ra quần thể kiến trúc cổ nói trên nằm giữa rừng đại ngàn ít có sự tác động của bàn tay con người nên hầu như các di tích vẫn còn khá tốt. Tiến sĩ Phạm Quang Sơn cho rằng, làm thuỷ điện có thể chỉ là cách để hợp thức hoá việc khai thác gỗ. Mất hàng trăm năm để trồng một cái cây và chờ nó lớn lên. Mất hàng ngàn năm mới có một khu rừng đại ngàn. Nếu chỉ vì một thuỷ điện hạng trung mà đánh đổi rừng thì đúng là quá đáng tiếc. Và trong và ngoài vùng ngập nước của thuỷ điện, sự thay đổi dòng chảy, địa bàn sống của người và thú có thể dẫn đến những tác hại khôn lường.

Ông từng kể khi xây thuỷ điện Trị An, nhờ có chuyên gia Liên Xô yêu cầu khảo cổ mới cứu được nhiều di tích ở khu vực lòng hồ. Theo tìm hiểu của ông trong giới khảo cổ thì tập đoàn Đức Long – Gia Lai lẫn bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đều chưa có động thái nào về việc này. Chúng ta đã mất khá nhiều thời gian, tiền bạc, công sức để vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Nay chúng ta có thêm cơ hội lớn để được công nhận thêm một di sản văn hoá thế giới cũng ngay tại Cát Tiên. Những giá trị ấy không dễ gì đạt được, nhưng phá bỏ thì rất dễ...

Mai Quốc Ấn (thực hiện)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: