Cơ bản hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường bộ vào năm 2030

Thứ sáu, 28 Tháng 8 2009 06:59 Website Chính phủ
In
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ (GTVTĐB) Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đáp ứng được nhu cầu về vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, bảo đảm an toàn, tiện lợi, kiềm chế tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường,...

Theo Quy hoạch đã được phê duyệt, phấn đấu đến năm 2020, vận chuyển 5,5 tỷ hành khách với 165,5 tỷ hành khách luân chuyển; khối lượng hàng hóa vận chuyển là 760 triệu tấn với 35 tỷ tấn hàng hóa luân chuyển; có khoảng 2,8 - 3 triệu phương tiện xe ô tô các loại.

Nhanh chóng phát triển giao thông vận tải xe buýt tại các đô thị lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; phát triển giao thông tĩnh và giao thông tiếp cận cho người khuyết tật; kiểm soát sự gia tăng phương tiện vận tải cá nhân; giải quyết ùn tắc giao thông và bản đảm trật tự an toàn giao thông đô thị.

Đồng thời, đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống đường bộ hiện có, nhanh chóng triển khai xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc theo quy hoạch, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc Nam, phát triển mạnh mẽ giao thông đô thị.

Mục tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2020, xây dựng 24 tuyến, đoạn tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 2.381 km; 100% quốc lộ vào đúng cấp kỹ thuật; hoàn thành xây dựng các cầu lớn, thay thế 100% cầu yếu trên quốc lộ; 100% đường tỉnh được rải mặt nhựa hoặc bê tông xi măng; 100% xã, cụm xã có đường ô tô đến trung tâm, xóa 100% cầu khỉ.

Phát triển giao thông vận tải địa phương đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, gắn kết được mạng GTVT địa phương với mạng giao thông quốc gia, tạo sự thông suốt, chi phí vận tải hợp lý, phù hợp với đa số người dân.

Định hướng đến năm 2030, hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tiếp tục xây dựng các đoạn tuyến, tuyến đường bộ cao tốc, đường đô thị, đường vành đai.

GTVTĐB là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần được ưu tiên đầu tư phát triển hợp lý, đồng bộ và bền vững trong một quy hoạch thống nhất có phân công, phân cấp và hợp tác, liên kết giữa các phương thức vận tải, phù hợp với điều kiện địa lý, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt và có hiệu quả. Đồng thời, phát triển hệ thống đường bộ đối ngoại gắn kết chặt chẽ với hệ thống đường bộ trong nước để chủ động hợp tác, hội nhập khu vực và quốc tế.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: