Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Kinh nghiệm của Pháp trong quy hoạch các khu đô thị sinh thái

Kinh nghiệm của Pháp trong quy hoạch các khu đô thị sinh thái

Viết email In

Khu đô thị sinh thái (écoquartier) ra đời vài năm gần đây ở Pháp như kết quả của những chiến dịch kêu gọi và hành động xây dựng đô thị phát triển bền vững. Giới nghiên cứu của Pháp thực ra vẫn chưa thống nhất giữa những khái niệm về écoquartier (khu đô thị sinh thái) và quartier durable (khu đô thị bền vững), mặc dù chúng đều chú trọng vào việc phát triển đô thị bền vững, tiết kiệm năng lượng và đặc biệt là công bằng xã hội.  


Confluence, một khu vực mới xây dựng lại tại Pháp. Khu đô thị này hoàn thành xây dựng vào năm 2011 tại vị trí trung tâm thành phố Lyon, nơi hợp lưu của 2 dòng sông chảy tới khu vực này. Trước đây khu vực là một bến cảng đường sông cũ, vì thế ý tưởng kiến trúc quy hoạch vừa phải nhấn mạnh yếu tố cảnh quan, vừa gợi nhớ lại kiến trúc công nghiệp thời kỳ trước. Nhưng chưa hết, thành công lớn nhất được tôn vinh đối với khu vực này là đã xây dựng được một khu đô thị sinh thái, cân bằng giữa phát triển kinh tế, công bằng xã hội, tiết kiệm năng lượng và điều kiện môi trường lành mạnh cho người dân nơi đây. Năm 2009, dù mới hoàn thành giai đoạn 1 của dự án, khu vực này đã đạt Danh hiệu "EcoQuartier", cho hạng mục Hình thái đô thị và Mật độ hiệu quả.
(nguồn ảnh: infoimmo.fr) 

Kể từ Rio 1992 và chương trình nghị sự 21 khẳng định nguyện vọng của nhân loại phát triển theo cách thức bảo đảm kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Ở quy mô đô thị, các tổ chức nghiên cứu phát triển thường đưa ra các khuyến nghị đối với chính quyền đô thị địa phương vận dụng phát triển các thành phố theo mô hình Ecocities, dựa trên Nghị sự 21. Tuy nhiên với Pháp cũng như các nước đã phát triển có tỷ lệ dân cư đô thị ở mức cao, tập trung tại các vùng đô thị rộng lớn, phát triển đa cực, thì các khái niệm như khu đô thị sinh thái (ecoquartier) có tính ứng dụng thiết thực hơn. Thường thì khu đô thị sinh thái là các dự án cải tạo đô thị, phục vụ cho số dân từ vài ngàn đến vài chục ngàn người (khoảng dưới 30.000 dân), vị trí có thể ở bất kỳ đâu trong mối quan hệ với đô thị: trung tâm, vùng ven hay nông thôn. Đặc điểm quan trọng của các khu đô thị sinh thái không phải là màu xanh xuất hiện tràn lan trên bản đồ, mà thường là các công trình, công nghệ tiết kiệm năng lượng và tính đa dạng trong cấu trúc xã hội. 

“Khu đô thị sinh thái là sự gặp gỡ giữa nghê thuật xây dựng các công trình bền vững và nghệ thuật quản lý một đô thị bền vững, hai lĩnh vực chính sách trong đó các bên tham gia khác nhau tiến triển độc lập với nhau. Ở Pháp, sự hợp lưu này bắt đầu diễn ra khoảng năm 2004" (Theo Pierre Lefèvre và Michel Sabard trong Les écoquartiers). 

Hai tác giả (Pierre Lefèvre và Michel Sabard), một kiến trúc sư và một nhà đô thị đã tóm tắt những nội dung quan trọng của một khu đô thị sinh thái gồm các điểm: 
- Thiết lập một khu đô thị sinh thái như một thành phố giữa một thành phố khác (đa chức năng, có tính tự trị cao về năng lượng và xử lý chất thải, quản lý nước, có các cơ sở kinh tế bên trong khu đô thị để cung cấp một phần việc làm cho dân nội khu)
- Phát triển các phương tiện giao thông thô sơ (đi bộ, xe đạp), (kết hợp với quy hoạch định hướng giao thông TOD cho nhu cầu liên kết với bên ngoài)
- Xem xét bố trí mật độ cao, để gia tăng diện tích không gian xanh, dân cư phân bố rộng là kẻ thù của phát triển bền vững, thành phân dân cư pha trộn đa dạng.
- Kiến trúc xanh, hay xây dựng xanh: ứng dụng các công nghệ xây nhà thụ động, tiết kiệm năng lượng
- Phát triển đô thị có sự tham gia của cộng đồng, người dân địa phương có quyền tham gia hiệu quả vào các quyết định của khu đô thị sinh thái.

Còn theo Catherine Charlot-Valdieu và Philippe Outrequin (trong Urbanisme durable: Concevoir un écoquartier), các tác giả nhấn mạnh về các dự án khu đô thị bền vững cần có các yếu tố xác định sau:
- Yếu tố môi trường và chất lượng sống tại địa phương
- Yếu tố đảm bảo môi trường toàn cầu (chống lại hiệu ứng nhà kính, vật liệu bền vững)
- Hội nhập khu đô thị trong tổng thể thành phố về mật độ, sự đa dạng, giao thông …
- Sự tham gia của người dân và các bên
- Yếu tố kinh tế của dự án với vấn đề việc làm, các hoạt động chức năng, sự hòa nhập thích ứng… 

Điểm thú vị của các dự án khu đô thị sinh thái như Taoufik SOUAMI nhấn mạnh trong “Ecoquartiers : secrets de fabrication : analyse critique d’exemples européens” là ngay từ khởi đầu dự án, cần phải suy nghĩ rằng “Không có khu vực nào thuận lợi hơn khu vực khác để bắt đầu một khu đô thị bền vững. Những điều kiện kinh tế và xã hội hiện trạng (như giàu có hay có dân trí cao) không phải là điều kiện tiên quyết cần thiết. Ngược lại, bản thân khu đô thị sinh thái là một đòn bẩy tiềm năng trong việc thay đổi kinh tế xã hội và thường ý chí thay đổi này mới là điều kiện tiên quyết của các dự án đó. Vì vậy, thay vì xác định các điều kiện kinh tế thuận lợi để khởi đầu dự án, hãy xem xét nó như công cụ để xây dựng một bối cảnh kinh tế xã hội mới”. Hay như “khu đô thị bền vững không phải là tiếp nối thực hiện cách quản lý, chính sách của mô hình phát triển bền vững trước đó,… Thực tế, các khu đô thị sinh thái xuất hiện như một hành động đoạn tuyệt với chính sách môi trường hay phát triển bền vững trước kia.”. Như vậy có thể thấy chính sự tìm tòi sáng kiến của chính quyền địa phương và các nhà phát triển đô thị, mới tạo ra động lực mới của phát triển bền vững. 

EcoQuartier còn là một danh hiệu do Bộ Sinh thái, Môi trường và Phát triển bền vững của Pháp trao tặng cho các dự án cải tạo đô thị đạt được những tiêu chí phát triển bền vững từ năm 2008. Trở lại bối cảnh chính sách nước Pháp khi "Grenelle Môi trường" lần 1 được ra đời cuối năm 2007 như một thỏa thuận 5 bên giữa chính phủ, chính quyền địa phương, tổ chức phi chính phủ, giới chủ tập đoàn và người lao động ngồi lại với nhau để thống nhất đưa nước Pháp tiếp cận con đường tăng trưởng xanh. Trong "Grennelle Môi trường" đã chỉ ra rằng các khu đô thị sinh thái như định hướng chính trong lĩnh vực quy hoạch đô thị với mục tiêu mỗi thành phố trên 100.000 dân sẽ có ít nhất một khu đô thị sinh thái. Danh hiệu EcoQuartier được đưa ra cho các dự án đạt đủ các yếu tố:
- Thúc đẩy quản lý các nguồn tài nguyên chặt chẽ; 
- Hòa nhập vào tổng thể đô thị và khu vực lân cận; 
- Tham gia vào nền kinh tế năng động; 
- Cung cấp nhà ở cho tất cả mọi người, đảm bảo một cấu trúc xã hội đa dạng, nơi mọi người sẵn sàng “chung sống cùng nhau”; 
- Cung cấp công cụ cần thiết cho một tầm nhìn chung giữa người dân và các bên tham gia quy hoạch quản lý ngay từ khâu thiết kế khu đô thị. 

Đã có hàng trăm dự án tham gia ghi tên ứng cử danh hiệu EcoQuartier (tổng cộng có 2 đợt vinh danh EcoQuartier 2009 và 2011, mỗi đợt có khoảng 20 khu đô thị sinh thái được phong tặng danh hiệu này và khu Confluence như bức hình minh họa là một ví dụ điển hình). 

Confluence được trao giải cho hạng mục Mật độ và hình thái đô thị, nhờ kiến trúc quy hoạch tôn vinh cảnh quan sông nước kết hợp với sử dụng vật liệu và công nghệ tiên tiến tạo ra khu đa năng hiệu quả. Khu vực rộng 150ha trong đó 60% diện tích là không gian xanh và không gian công cộng, dự tính khu vực sẽ có 25.000 dân (2020) có chức năng hỗn hợp giữa khu ở, thương mại, văn phòng và giải trí. Diện tích sàn xây dựng khu ở chiếm 1/3 diện tích sàn xây dựng, 2/3 còn lại là thương mại, văn phòng. Các công trình xây dựng đều tiêu thụ tiết kiệm 50% năng lượng so với tiêu chuẩn thiết kế hiện hành, các thiết kế và vật liệu nhà thụ động được sử dụng. Hơn nữa số lượng nhà ở xã hội trong khu vực chiếm tỷ lệ cao (lên đến 30% so với 8% của toàn quận hành chính mà khu vực thuộc về).  Trong khu vực có trung tâm thương mại lớn nhất nhì Lyon, có trung tâm hành chính toàn vùng đô thị, một trung tâm vui chơi giải trí, một bảo tàng đang được xây dựng, dự kiến sẽ có 20.000 người lao động trong khu vực này. 

Nhìn rộng ra ngoài nước Pháp thì lịch sử các mô hình khu đô thị sinh thái đã được xây dựng trên khắp châu âu, theo Daniela Belziti, trước thế hệ các khu đô thị sinh thái ồ ạt như hiện nay là những ví dụ được nhắc đến nhiều như BedZed ở Anh, Hammarby Sjöstad ở Thụy Điển, Kronsberg và Vauban ở Đức (Xem thêm bài Tiết kiệm năng lượng và nhà thụ động )… Còn nếu đi ngược tiếp trở về trước la những làng sinh thái écovillage ra đời sau khủng hoảng xăng dầu những năm 1970 hay thậm chí ý tưởng bắt nguồn từ những kiến trúc sư không tưởng như Le Corbusier hay Frank Lloyd Wright từ trước nữa. 

Khu đô thị sinh thái ngày nay đã trở thành một vũ khí mới của Pháp trong việc phát triển đô thị bền vững gắn liền với tăng trưởng xanh. Tuy nhiên việc áp dụng mới chỉ xuất hiện trong hơn 5 năm trở lại đây, còn nhiều vấn đề xã hội – môi trường – kinh tế đang được quan sát và nghiên cứu. Cũng như tiến trình phát triển quy hoạch đô thị bền vững dường như mới tìm được sự đồng thuận chung, còn hiệu quả của những giải pháp sáng tạo thì thời gian sẽ trả lời qua các đánh giá, nghiên cứu tiếp theo của những chuyên gia. 

Trần Quang 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo