Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Đại đô thị Lyon và chính quyền đô thị

Đại đô thị Lyon và chính quyền đô thị

Viết email In

Grigny và Givors là hai xã (commune) cách khá xa trung tâm nhất của vùng đô thị Grand Lyon về phía cực Nam, tuy nhiên điều thú vị là địa giới của nó không hề dính liền với vùng đô thị này. Giữa 2 xã này với vùng đô thị Grand Lyon còn có khoảng trống cách biệt. Được sự mời gọi của Grand Lyon, Grigny và Givors đã gia nhập Grand Lyon như một tầm nhìn chung, tiếng nói chung về phát triển đô thị, để xây dựng một cộng đồng đô thị Grand Lyon lớn mạnh hơn. Một tư duy quy hoạch đầy ý nghĩa, sự gắn kết giữa các cộng đồng mới chính là động lực để phát triển, chứ không đơn thuần là một sự sát nhập lãnh thổ. Gia nhập sẽ giúp người dân 2 xã được hưởng hỗ trợ từ mạng lưới quy hoạch và kỹ thuật của vùng đô thị (chẳng hạn như xe buýt nội thị) đồng thời cũng giảm nhẹ được cơ cấu bộ máy quản lý của mình.  

Việc gia nhập của Grigny và Givors là một bước đi gây ngạc nhiên về chính sách đô thị, nhưng một bước tiến mới hơn, đang diễn ra, thú vị không kém (với tôi) là sự cách thức biến chuyển của Grand Lyon thành một Đại đô thị Lyon (Métropole Lyon) đang diễn ra tại thời điểm này. Với khách du lịch, Lyon là tên gọi một thành phố quan trọng thứ 2 ở nước Pháp, nhưng trong quản lý đô thị, Lyon hay Grand Lyon và sắp tới là Métropole Lyon là những bước cải cách về bộ máy chính quyền đô thị rất linh động và hướng tới hiệu quả hơn để dẫn dắt quá trình phát triển không gian kinh tế – xã hội của vùng. Tiến trình biến chuyển này nhằm đáp ứng đòi hỏi của Cuộc cạnh tranh giữa các vùng đô thị, và Chính sách phân tán quyền lực về cho địa phương. Đằng sau nó là cả một môi trường xã hội dân sự nơi luôn luôn khuyến khích sự đối thoại giữa các tổ chức xã hội. 

Grand Lyon là một cộng đồng đô thị, nó không phải thành phố Lyon. Như một vài cộng đồng đô thị khác, Grand Lyon là một chủ thể quan trọng trong các dự án về quy hoạch và quản lý đô thị, tuy nhiên nó lại không nằm trong cơ cấu đơn vị hành chính của Pháp. Trong phân cấp đơn vị hành chính lãnh thổ của Pháp (Collectivité territoriale) chỉ có Vùng, Tỉnh và Xã (Région, Département, Commune). Các đơn vị hành chính này được tự quản bởi Hội đồng dân cử tại địa phương đó và tự do hoạt động theo pháp luật nhà nước quy định. Hội đồng các cấp độc lập nhau, không có quan hệ trên – dưới. Hội đồng này sẽ điều hành lãnh thổ theo phân cấp và trách nhiệm của mình, chẳng hạn ma chay cưới hỏi thì đi tìm ông hội đồng xã, các đồ án quy hoạch chi tiết của địa phương cũng do xã tự thực hiện, cùng với các hệ thống kỹ thuật như cấp thoát nước, rác thải, giao thông nội thị. Hội đồng cấp Tỉnh chỉ quản lý đường tỉnh lộ, và mạng lưới giao thông trong tỉnh (nhất là đưa đón học sinh), Hội đồng cấp Vùng thì lo Quy hoạch vùng là giao thông nội vùng… Các ông bà Vùng trưởng, Tỉnh trưởng (chính xác hơn là Thủ hiến) do Nhà nước đưa xuống chỉ có tác dụng giám sát hậu kiểm hoạt động của Hội đồng địa phương. Bằng cách đó quá trình phân quyền diễn ra, các địa phương tự phát triển theo khuôn khổ luật định, nhà nước trung ương không thâu tóm quyền lực. 

Tuy nhiên Quy hoạch là bài toán lớn sẽ hiệu quả hơn nếu có sự gắn kết tổng thể giữa các xã, chính phủ khuyến khích các Xã có cùng tầm nhìn chung về phát triển đô thị liên kết với nhau tạo thành các cộng đồng Đô thị. Nhắc lại là Chính quyền trung ương chỉ khuyến khích và ban bố khung luật hoạt động, việc gia nhập cộng đồng đô thị là do các hội đồng xã do dân bầu ra quyết định và trên cơ sở thỏa thuận với các xã khác. Grand Lyon là một cộng đồng đô thị lớn (diện tích khoảng 500 km2, số dân 1.3 triệu) gồm 58 xã của Tỉnh Rhone gia nhập, lấy Lyon làm hạt nhân (Lyon dù là một thành phố lớn, nhưng cũng chỉ là một Commune với diện tích khoảng 50 km2 và số dân gần nửa triệu, thuộc tỉnh Rhone và Vùng Rhone-Alpes). Lợi ích của việc hợp các xã lại với nhau là thống nhất được định hướng chung, làm cơ sở để quy hoạch lãnh thổ và phát triển kinh tế địa phương. Grand Lyon chăm lo về quy hoạch và quản lý các hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho tất cả các xã, đưa ra những chương trình phát triển kinh tế chung của toàn lãnh thổ, các xã lúc đó giảm bớt trách nhiệm và nhân sự địa phương, chỉ lo phát triển văn hóa xã hội và bản sắc địa phương. Cộng đồng đô thị Grand Lyon không nằm trong phân cấp hành chính (Vùng, Tỉnh, Xã), đó là một tổ chức được quản lý bởi một Hội đồng quản trị, tuy nhiên hội đồng này không do bầu cử mà do các Xã chỉ định người vào, số ghế tương tứng với quy mô dân số từng xã (thường là các ông bà hội đồng xã kiêm nhiệm giữ ghế). Với mô hình như một công ty cổ phần, hội đồng quản trị này sẽ chỉ định một ông Tổng giám đốc (Directeur génerale) có trách nhiệm điều hành chính và báo cáo lại Hội đồng quản trị. Ông tổng giám đốc này là người điều hành và đưa ra giải pháp cho các vấn đề về tài nguyên, phát triển đô thị, phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế, giao thông, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường. 

“Đây là thời điểm mà Grand Lyon chuyển từ một “cộng đồng của các kế hoạch” thành một “cộng đồng cùng chung vận mệnh” (communauté en destin) và có được tính chính danh bên cạnh các trách nhiệm hợp pháp để có thể đáp ứng các thách thức lớn về gắn kết xã hội, tiếp đó là phát triển kinh tế và ảnh hưởng quốc tế. ” (Công báo) 

Grand Lyon ra đời từ năm 1969 đến nay đã 45 năm, bỏ qua những thành công trong quy hoạch phát triển đô thị đáng khen ngợi thì cộng đồng đô thị này cũng phải đối mặt với nhiều khủng hoảng đô thị đặc trưng như khủng hoảng xăng dầu, vấn nạn nhập cư và các cuộc nổi loạn đô thị. Tiêu biểu là cuộc nổi loại đô thị năm 1981 tại Venissieux, sau đó đã lan ra toàn nước Pháp, như một hiện tượng “bạo loạn ngoại ô” làm đau đầu những nhà quản lý và nghiên cứu xã hội. Gần đây, sau rất nhiều những nghiên cứu, thảo luận và được Chính quyền trung ương ủng hộ thì Grand Lyon quyết định cải tổ thành một Đại đô thị Lyon (Métropole Lyon). 

Nhận thấy cách quản lý Cộng đồng đô thị có nhiều điểm yếu, do mô hình đã quá cũ không phù hợp với một môi trường cạnh tranh quốc tế hiện nay, do cỗ máy đô thị hoạt động như trong một công ty, tuy hiệu quả trong những dự án đô thị, nhưng bỏ qua những rạn nứt xã hội dần hình thành trong cộng đồng. Mô hình Đại đô thị quản lý bởi một chính quyền đô thị do dân trực tiếp bầu ra dự kiến sẽ biến Grand Lyon thành một thực thể dân chủ hơn mà vẫn giữ nguyên được tính hiệu quả và tổng thể của công tác quy hoạch – phát triển. Hơn nữa, điều này cũng giúp Metropole Lyon thành một cộng đồng có sức mạnh kinh tế văn hóa hùng hậu hơn để cạnh tranh trực tiếp với các Đại đô thị khác ở châu Âu. 

Với việc hình thành Đại đô thị thì Metropole Lyon sẽ có quy mô gần bằng Tỉnh Rhône, và vì thế nó trở thành một “đơn vị hành chính lãnh thổ” đặc biệt bên cạnh hệ thống (Vùng, Tỉnh, Xã). Kéo theo sự chuyển giao thêm nhiều trách nhiệm và nguồn lực từ Tỉnh Rhone, Vùng Rhone-Alpes và các chủ thể khác chứ không đơn thuần là đổi tên và cung cách bầu cử.

Nhưng không chỉ dừng lại ở đó Metropole này sẽ hướng tới liên kết với 3 cộng đồng đô thị khác ở phía Nam là Viennagglo, St Etienne metropole và Capi , để trở thành một vùng đô thị rộng lớn có sức cạnh tranh cao trên bản đồ kinh tế văn hóa thế giới, việc mời 2 xã Grigny và Givors gia nhập những năm trước đây là một bước đệm của ý đồ Nam tiến đó.

Những ngày cuối tháng 3/2014, dân chúng toàn vùng Grand Lyon bỏ phiếu thành lập Hội đồng Đại đô thị mới. Cái tên Grand Lyon sẽ chính thức xóa bỏ thay bằng Metropole Lyon. Mở ra một giai đoạn mới của chính quyền đô thị với kỳ vọng gần gũi với dân hơn và quản lý hiệu quả hơn trong việc gắn kết cộng đồng và cạnh tranh quốc tế. Trước và sau khi sự chuyển đổi này diễn ra đã có và chắc chắn vẫn còn tiếp những thảo luận và tranh cãi sôi nổi, tuy nhiên thế giới vẫn không ngừng biến chuyển, sự vận động trong cung cách quản lý bắt buộc phải xảy ra để thử nghiệm các giải pháp khắc phục vấn đề đô thị.

Dù rất nhạy cảm và nhận nhiều chê trách, Đô thị dù muốn dù không bắt buộc phải là những thử nghiệm lớn của xã hội. 

Trần Quang 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo