Ashui.com

Monday
Apr 29th
Home Tương tác Đối thoại Những cổng chào của thành phố

Những cổng chào của thành phố

Viết email In

Trước đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ý tưởng xây dựng năm cổng chào với kinh phí 50 tỉ đồng cho thủ đô đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các kiến trúc sư, giới sử học, các nhà văn hoá... và cả người dân. Tuy nhiên, tại TP.HCM hiện nay có thể dễ dàng nhận thấy các cửa ngõ thành phố đều được bố trí những “cổng chào” hoành tráng và... không giống ai - các trạm thu phí.

Người ta đang trăn trở về việc tăng phí thu cầu đường ra vào thành phố thay vì tạo giới thiệu về một vùng đất năng động với nhiều đặc trưng nổi bật của đô thị mới sau 300 năm phát triển... Một cách chào khách lạ lùng!

Xin giới thiệu đến độc giả góc nhìn của các chuyên gia về vấn đề này.


(Ảnh: Mai Quốc Ấn)

Ông/bà nghĩ gì về các cổng chào và những ấn tượng sâu sắc nào về các cổng chào mà ông/bà từng chứng kiến (trong và ngoài nước)?

Ông Lê Toàn, phó giám đốc sở Giao thông vận tải TP.HCM: Các cổng chào tôi từng thấy trước năm 1975 thường mang tính địa giới hành chính nhiều hơn. Ở nước ngoài nó lại có nghĩa khác, thường mang tính biểu tượng của thành phố đó nhiều hơn và rõ nét hơn.

Nguyễn Thị Hậu, viện phó viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM: “Cổng chào” Khải Hoàn Môn ở Paris (Pháp) hay Brandenburg ở Berlin (Đức) được xây dựng ở trung tâm thành phố từ lâu và hiện nay đã trở thành những di tích lịch sử. Kiến trúc của chúng đẹp, hoành tráng và các quy hoạch cảnh quan xung quanh được xây dựng, bảo tồn phù hợp với di tích và quan trọng nhất là nó gắn liền với những sự kiện lịch sử. Các cổng chào này vì thế mà tạo được ấn tượng và những cảm xúc mạnh cho du khách khi đến tham quan.

Ông Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về Quy hoạch kiến trúc: Tôi đặc biệt có ấn tượng sâu sắc khi viếng thăm những cổng chào mà bản thân công trình được công nhận như những kỳ quan thế giới như cổng chào Arc de Triomphe (Khải Hoàn Môn tôn vinh các chiến sĩ của cuộc cách mạng Pháp và của các cuộc chiến của Napoléon, 1836) và Grande Arche de la Défense (công trình kiến trúc xây dựng năm 1986 như một Khải Hoàn Môn của văn minh Pháp trong thế kỷ 20), là hai cổng chào nối kết khu trung tâm lịch sử đến khu trung tâm tương lai qua trục đại lộ Champs Élyseés của Paris. Ngoài ra, còn có cầu Golden Gate (San Francisco, 1937) và tượng Nữ thần Tự do (New York, 1886) là hai công trình được thiết kế như hai công trình điểm nhấn của lối vào thành phố bằng đường biển.


Arc de Triomphe (nguồn: earthinpictures.com)

Việc xây dựng cổng chào cho một thành phố, theo ông/ bà cần dựa trên những nguyên tắc, giá trị nào?

Ông Ngô Viết Nam Sơn: Cho dù quy mô lớn hay nhỏ, cổng chào bản thân nó là một công trình kiến trúc văn hoá, do đó không nên cứng nhắc áp đặt một quy tắc nào lên nó, ví dụ có cần cứ phải là một cổng vòm hoặc có trụ hai bên kèm theo khẩu hiệu, như chúng ta thường thấy tại Việt Nam hay không?

Cổng chào cần được thiết kế trong mối liên hệ chặt chẽ với cảm nhận thay đổi không gian khi từ từ đi xuyên qua nó, cần tạo được sự tương phản không gian kiến trúc, nhưng phải kết hợp hài hoà với khu vực xung quanh. Thành phần của cổng chào có thể bao gồm một hay nhiều yếu tố sau: công trình kiến trúc, cầu, tác phẩm điêu khắc, bố trí cảnh quan cây xanh, mặt nước với giải pháp xử lý âm thanh ánh sáng, và giải pháp xử lý giao thông hoặc không gian khác.

Nguyễn Thị Hậu: Ở nông thôn miền Bắc Việt Nam, mỗi làng thường có cổng làng, đánh dấu ranh giới của làng. Cổng làng kiến trúc giản dị, vừa là cổng (có cánh cửa, để bảo vệ làng) nhưng vừa có ý nghĩa là biểu tượng của mỗi làng. Thành Thăng Long, thành nội Huế trước đây có cổng thành cũng có ý nghĩa đó.

Còn “cổng chào” – theo như tôi biết, chỉ xuất hiện vài chục năm gần đây trong các dịp lễ hội của một địa phương, thậm chí của một cơ quan, gia đình. Nó chỉ mang tính chất trang trọng để chào đón khách khứa, tuy đẹp nhưng có phần “tạm bợ”.

Ông Lê Toàn: Việc xây cổng chào hay không thì sở Văn hoá, thể thao và du lịch phải đề xuất lên UBND TP.HCM. Trước đây vài năm tôi từng nghe phong thanh về việc này nhưng sau đó không thấy nhắc đến nữa.

Một thành phố có nhất thiết có cổng chào không, thưa ông/bà?

Nguyễn Thị Hậu: Theo tôi là không nhất thiết phải xây cái “cổng chào”. Các cửa ngõ vào thành phố, nếu được, nên xây dựng các công trình mang tính biểu tượng văn hoá của thành phố. Để khi nhìn thấy công trình này người ta biết ngay là đã đến thành phố nào. Công trình phải đẹp, độc đáo để người ta có ấn tượng và sẽ nhớ lâu.

Ông Ngô Viết Nam Sơn: Cổng chào cho lối vào một thành phố, vào khu trung tâm, hoặc vào một khu vực có chức năng đặc biệt. Từ các trục lộ chính là một yếu tố làm gia tăng bản sắc khu vực, và còn giúp cho việc tự định hướng không cần bản đồ của người lái xe được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tuỳ theo mục đích sử dụng mà cổng chào nên được thiết kế phù hợp, vừa hiệu quả, mà lại không phô trương một cách vô ích, giả tạo, và lãng phí.

  • Ảnh bên : trạm thu phí xa lộ Hà Nội, TPHCM (nguồn: VnExpress)

TP.HCM hiện nay đang không thiếu những “cổng chào”, đó là các trạm thu phí xuất hiện thường trực (và sẽ còn khá lâu) ở các cửa ngõ thành phố. Theo ông/bà, có thể coi đây là một dạng cổng chào “không đụng hàng” ở nước ta hay không?

Nguyễn Thị Hậu: Nhiều thành phố khác trong nước và ở khu vực Đông Nam Á cũng có tình trạng này. Tôi nghĩ không ai coi đây là “cổng chào”, đơn giản chỉ là một bộ phận của hạ tầng giao thông mà thôi. Tuy nhiên, các trạm thu phí này quá dày đặc, sát với khu vực nội thành, lại không đẹp về kiến trúc… sẽ gây cảm giác thành phố bị “bao vây” bởi trạm thu phí. Ngoài ra nó cũng gây cảm giác thành phố chật chội, không thoáng, kém thân thiện… Nhất là khi bước chân ra/vào thành phố là phải… mất tiền phí cầu đường!

Ông Lê Toàn: Hiện nay năm cửa ngõ thành phố có trạm thu phí là xa lộ Đại Hàn, xa lộ Hà Nội, cầu Phú Mỹ, đại lộ Nguyễn Văn Linh và đường An Dương Vương. Theo tôi, việc có khó chịu hay không là cảm nhận của từng người. Ví dụ như tại Singapore người ta đặt trạm thu điện tử giữa thành phố đấy thôi. Nhưng của người ta tiện hơn ở chỗ xe đi qua chỉ kêu “tick” một cái chứ không mua vé, xé vé thông thường như ở ta.

Ông Ngô Viết Nam Sơn: Thiết kế các trạm thu phí cũng là một dạng cổng chào, vì thế cần được đầu tư đúng tầm. Cho dù công trình dạng này có thể lắp ráp nhanh với niên hạn sử dụng không cao, nó vẫn có thể là một kiến trúc hiện đại có bản sắc riêng, kết hợp với cảnh quan, công trình điêu khắc, và các công trình phụ trợ khác.

Nếu được đề nghị hiến kế để xây dựng cổng chào cho TP.HCM, ông/ bà sẽ gửi đến lời khuyên nào có các ngành hữu quan?

Ông Ngô Viết Nam Sơn: Trong thời gian được mời tư vấn cho quy hoạch kiến trúc khu trung tâm TP.HCM những năm qua, tôi có đề xuất quy hoạch cảnh quan kiến trúc cho các lối vào chính của khu trung tâm TP.HCM (bao gồm khu trung tâm Lịch sử A, khu trung tâm Hiện hữu và mở rộng B, khu trung tâm Thủ Thiêm mới và mở rộng C và D) và cảnh quan hai bên bờ sông.

Lối vào TP.HCM tại ranh giới thành phố trên các quốc lộ và tỉnh lộ thì nên đơn giản hơn, ví dụ có thể đơn giản chỉ là một tấm đá khắc tên thành phố gắn trên bệ tường, bố trí hài hoà với cụm cây xanh hoa cảnh chào đón khách đi vào, hoặc rời thành phố.

(Bà Nguyễn Thị Hậu, ông Lê Toàn không có ý kiến.)

Mai Quốc Ấn (thực hiện)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2361 khách Trực tuyến

Quảng cáo