Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Khuyến khích phát triển đô thị xanh, thích ứng biến đổi khí hậu

Khuyến khích phát triển đô thị xanh, thích ứng biến đổi khí hậu

Viết email In

Như tin đã đưa, trong 2 ngày 24 và 25/10, tại TP Đà Nẵng, Bộ Xây dựng và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) chủ trì hội thảo quốc tế “Phát triển đô thị hợp nhất - Hướng tới các đô thị xanh và thích ứng với BĐKH ở Việt Nam”. 

Hội thảo sẽ tập trung vào 3 chuyên đề, gồm Hướng tới các đô thị xanh – Phương pháp tiếp cận tích hợp trong phát triển đô thị bền vững; Hướng tới khả năng ứng phó – Quản lý tổng hợp các rủi ro ngập úng đô thị; Lồng ghép biến đổi khí hậu (BĐKH) trong quy hoạch đô thị - Các công cụ cần và phương pháp tiếp cận hiện nay. Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu sẽ có 3 chuyến tham quan thực địa. 

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có bài phát biểu quan trọng, trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Tác động của BĐKH ngày một rõ rệt trên mọi miền đất nước 

Công tác phát triển đô thị luôn được xác định là một trong những lĩnh vực trọng tâm của ngành xây dựng. Là một quốc gia đang phát triển và có tốc độ đô thị hóa nhanh của khu vực, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống của người dân. 

Hệ thống đô thị Việt Nam đã có sự phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Diện mạo đô thị có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, đã tạo dựng được những không gian đô thị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng. 

Tính đến tháng 9/2013, mạng lưới đô thị Việt Nam đã được phát triển với gần 770 đô thị, với tỷ lệ đô thị hoá đạt hơn 33%. Đô thị đã khẳng định vai trò là động lực cho phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sự phát triển của đô thị Việt Nam trong thế kỷ 21 cũng đang đối mặt với nhiều thách thức mang tính toàn cầu về kinh tế, môi trường, năng lượng… và đặc biệt là tác động của BĐKH và những thảm họa thiên nhiên do BĐKH gây ra.

Đây là những thách thức làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đô thị, điều kiện và môi trường sống của người dân và đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững. Điều này đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Hệ thống đô thị Việt Nam chủ yếu tập trung dọc theo các vùng ven biển và các vùng đồng bằng, hàng năm, luôn đứng trước nguy cơ của bão, lũ lụt và nước biển dâng.

Trong khi đó, các đô thị miền núi và trung du cũng chịu nhiều ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng và hạn hán. Tác động của BĐKH ngày một rõ rệt trên mọi miền đất nước, trong đó, khu vực đô thị, nơi chiếm 70% GDP cả nước ngày càng dễ bị tổn thương và thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng...

Điều này đặt ra nhu cầu cấp bách cho các đô thị Việt Nam phải có chiến lược, định hướng phát triển, quy hoạch phù hợp và có những giải pháp quyết liệt để nâng cao khả năng dự báo trước những kịch bản BĐKH, thích ứng và ứng phó có hiệu quả với những tác động trước mắt cũng như những tác động tiềm ẩn lâu dài.

Hướng tới tương lai đô thị xanh và thích ứng với BĐKH 

Để ứng phó với các thách thức của BĐKH và đáp ứng các nhu cầu của thực tế phát triển đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng mang tính định hướng cho công tác phát triển đô thị tại Việt Nam.

Có thể kể đến như Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia (2003), Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 năm 2004),và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050, trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái (eco-city) nhằm hướng đến mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam nhanh, bền vững và thích ứng với BĐKH.

Thực hiện các Định hướng, Chiến lược, Chương trình có liên quan đến phát triển đô thị xanh, thích ứng với BĐKH nêu trên, trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, cùng hệ thống văn bản dưới luật và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá công trình, phân loại đô thị, để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam.

Hiện tại, Bộ đang tổ chức xây dựng “Chiến lược phát triển công trình xanh ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050” và đang tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến tiết kiệm năng lượng và tài nguyên của ngành xây dựng.

Bộ cũng đang hoàn thiện tiêu chí đánh giá công trình xanh; hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các hướng dẫn kỹ thuật về công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Bên cạnh công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý khuyến khích việc phát triển đô thị theo hướng xanh và thích ứng BĐKH, Bộ Xây dựng đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các Định hướng, Chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Định hướng Phát triển hệ thống đô thị Quốc gia đến năm 2020, Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia đến năm 2020.

Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó BĐKH. Đề án được phê duyệt sẽ là tiền đề triển khai nhiều chương trình, dự án phục vụ định hướng phát triển đô thị xanh, ứng phó BĐKH tại Việt Nam

Tuy các chủ trương, chính sách về tăng trưởng xanh đã được thực hiện tại Việt Nam trong hơn 10 năm trở lại đây, nhưng thực tế nhìn nhận, phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng BĐKH tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu, kết quả thực tế vẫn còn chưa như mong muốn, đòi hỏi phải phấn đấu nhiều hơn của các cấp, các ngành, của xã hội và cần tranh thủ nhiều hơn nữa kinh nghiệm và nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Nhân sự kiện này, tôi xin gửi lời cảm ơn tới Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển và Tổ chức hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức GIZ vì những đóng góp hiệu quả, thiết thực cho công tác phát triển đô thị ứng phó BĐKH của Việt Nam trong thời gian qua.

Riêng trong lĩnh vực hạ tầng, các dự án hợp tác Việt-Đức đã có mặt tại 14 tỉnh, TP Việt Nam, tập trung nhiều cho Chương trình quản lý nước thải, chất thải tại các tỉnh lỵ và Chương trình thoát nước chống ngập úng tại các đô thị quy mô vừa vùng Duyên hải thích ứng với BĐKH.

Các dự án đã góp phần không nhỏ trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân và góp phần đảm bảo thích ứng BĐKH, phát triển bền vững các khu vực thực hiện dự án. 

Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị gửi lời chia sẻ với chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung và TP Đà Nẵng đã chịu thiệt hại nặng nề sau trận bão vừa qua. “Kết quả hội thảo hôm nay sẽ góp phần tích cực giảm thiểu thiệt hại và góp phần ứng phó hữu hiệu hơn với BĐKH và các tác động của nó cho các đô thị Việt Nam trong đó có các tỉnh miền Trung trong tương lai” – Thứ trưởng nhận định. 

Hội thảo “Phát triển đô thị hợp nhất - Hướng tới các Đô thị Xanh và Thích ứng BĐKH tại Việt Nam” cùng phối hợp tổ chức ngày hôm nay một lần nữa khẳng định sự cộng tác chặt chẽ giữa Bộ Xây dựng và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Cộng hòa Liên Bang Đức trong việc định hướng phát triển các đô thị Việt Nam.

Hội thảo sẽ là cơ hội tốt để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị trong và ngoài nước, đại diện các tổ chức quốc tế cùng trao đổi về định hướng phát triển cho các đô thị Việt Nam hướng tới đô thị xanh theo phương pháp tiếp cận tích hợp Phát triển đô thị bền vững, hướng tới khả năng ứng phó BĐKH thông qua quản lý rủi ro, ngập lụt đô thị; đồng thời xác định các công cụ cần và các phương pháp tiếp cận mới, tổ chức lồng ghép nội dung thích ứng BĐKH trong quy hoạch đô thị. 

Hoàng Vân (Báo Xây dựng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo