Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Những thành phố có khu trung tâm mật độ cao thì hoạt động kinh tế hiệu quả hơn

Những thành phố có khu trung tâm mật độ cao thì hoạt động kinh tế hiệu quả hơn

Viết email In

Mật độ – sự sinh sống tập trung của những nhóm người trong cộng đồng – là một nhân tố quan trọng để tạo ra tiến bộ về kinh tế – kĩ thuật cho cả thành phố lẫn quốc gia. Các nhà kinh tế học, đô thị học và các chuyên gia kiến tạo nơi chốn đã nhận thấy rằng mật độ liên quan đến rất nhiều vấn đề, từ hiệu quả sử dụng năng lượng vượt trội cho đến nguồn nhân tài, lao động lành nghề ở trình độ cao hơn, lượng sáng kiến nhiều hơn và mức thu nhập tốt hơn.  

Hầu hết các nghiên cứu về những ảnh hưởng của mật độ được thực hiện sơ sài bằng cách tính số lượng người trung bình trên một đơn vị diện tích đất (mật độ trung bình). Với phương pháp tính toán cơ bản này thì Los Angeles có mật độ dày đặc hơn New York. Nhưng số người tụ hội ở trung tâm Manhattan lại đông hơn rất nhiều lần tại so với bất kỳ nơi nào ở thành phố Los Angeles. 

Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu các thành phố có mật độ dày đặc hơn – nơi con người và các hoạt động kinh tế tập trung ở gần các khu trung tâm hơn – có cho thấy những biểu hiện tích cực hơn về mặt kinh tế? 

Những dữ liệu gần đây từ Cơ quan điều tra dân số Mỹ đã cung cấp thêm cho chúng tôi một thước đo khác về mật độ. Phương pháp này dựa trên việc phân bố dân cư thực tế bên trong các thành phố cũng như giữa các thành phố và các vùng đô thị. Phương pháp tính mật độ có tính đến quy mô dân số (population-weighted density) này được xác định bằng mật độ trung bình của các khu vực nhỏ – các khu vực điều tra dân số (census track) – các thành phần tạo thành của vùng đô thị. Cục điều tra dân số cũng đo mật độ của các thành phố và các vùng đô thị trong vòng bán kính 1 dặm và 5 dặm xung quanh khu lõi trung tâm. 

Với sự giúp đỡ của Charlotta Mellander tại Viện Martin Prosperity, tôi nhận ra các loại hình mật độ khác nhau có liên quan đến một loạt kết quả kinh tế vùng khác nhau. Mellander đã thử nghiệm sự tương quan đơn giản giữa các phép đo mật độ này và nhiều biến số như mức thu nhập, tiền lương, sản lượng kinh tế, lượng sinh viên tốt nghiệp đại học, tầng lớp sáng tạo, ngành công nghiệp công nghệ cao, giá nhà, phương thức đi lại và thậm chí là mức độ hạnh phúc trong vùng. Bảng biểu dưới đây đã tóm tắt các kết quả chính. Lưu ý rằng, sự tương quan không đồng nghĩa với quan hệ nhân quả. Tuy nhiên, những phát hiện này vẫn rất thú vị và nó góp phần làm sáng tỏ vai trò của mật độ trong việc phát triển kinh tế vùng, đặc biệt là ở những thành phố mà dân cư tập trung đông hơn bên trong và xung quanh khu trung tâm. 

Theo như biểu đồ phân tán (Scatter graph), điều đầu tiên cần chú ý là mặc dù vùng đô thị được xếp hạng cao trên thước đo lường về mật độ trung bình (một lượng dân cư lớn tính trên mỗi km2), thì không nhất thiết dân cư và các hoạt động kinh tế ở mọi nơi trong khu vực này phải đồng đều và tấp nập như ở khu vực trung tâm đô thị. Mật độ trung bình và mật độ có tính đến quy mô dân số thực tế không phải là một mặc dù chúng có liên quan đến nhau (Giá trị tương quan là .46)(i).

Không có gì ngạc nhiên khi các khu vực nhà ga trung tâm lớn thường có mật độ dày đặc hơn.Giá trị tương quan giữa mật độ có tính đến quy mô dân số và mật độ trung bình là .64 

Jane Jacob – nhà tư tưởng đô thị và nhà kinh tế học – lập luận rằng sự tập trung của những người tài năng và nhiều tham vọng sẽ làm tăng năng suất lẫn nhau và tăng năng suất của cộng đồng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Như thế về khía cạnh phát triển kinh tế, phải chăng sẽ xảy ra mạnh mẽ hơn ở vùng đô thị có dân cư tập trung vào một khu vực? Và câu trả lời là đúng.

Ở những nơi mật độ dày hơn, mức độ tài năng, lượng sinh viên tốt nghiệp, lượng kiến thức cũng như nguồn nhân lực sáng tạo đều cao hơn. Ngược lại, công việc thuộc tầng lớp lao động thường xuất hiện ở những nơi thưa dân hơn trong vùng đô thị.

Kết quả cũng tương tự khi chúng tôi quan sát các kỹ năng cơ bản. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng doanh thu từ các kỹ năng lao động chân tay (Physical skill) đang suy giảm, trong khi những kỹ năng tư duy và hiểu biết xã hội – hai kỹ năng đằng sau những công việc tri thức – đang dần chiếm ưu thế. Kỹ năng lao động chân tay tỷ lệ nghịch với mật độ, trong khi các kỹ năng tư duy và hiểu biết xã hội tỷ lệ thuận với nó.

Còn những ngành nghề cụ thể thì sao: liệu có ngành nghề nào chịu ảnh hưởng của mật độ nhiều hơn những ngành nghề khác? Chúng tôi phân ra 3 loại ngành nghề có liên hệ mật thiết với mật độ, đặc biệt là ở các vùng đô thị nơi dân cư tập trung ở lõi trung tâm: nghệ thuật, truyền thông và giải trí; khoa học và công nghệ; kinh doanh và quản lý. Mặc dù các tổ hợp giáo dục và y tế được coi là động lực tái thiết tại các thành phố chậm phát triển, chúng tôi không tìm thấy mối liên hệ về toán thống kê giữa yếu tố này với bất cứ đo đạc nào về mật độ.

Thêm nữa, kể cả khi có nhiều quan điểm cho rằng các ngành công nghiệp công nghệ cao thường tập trung ở những vùng ngoại ô dàn trải nơi “dân nghiền công nghệ” (NV: nerdistan) sinh sống, theo sự phân tích của chúng tôi, chúng cũng có xu hướng phân bố dựa vào mật độ.

Sự đa dạng thường xuất hiện ở những nơi có mật độ cao hơn. Điều này hoàn toàn đúng với nhóm dân nhập cư và nhóm dân được sinh ra ở nước ngoài (Khi mật độ có tính đến quy mô dân số lớn hơn gấp đôi so với mật độ trung bình) cũng như những người đồng tính nam và đồng tính nữ. Ở những trường hợp này, có thể xem những nhóm người khác nhau dễ dàng bị thu hút đến các vùng đô thị đông đúc thay vì trở thành nguyên nhân để tạo ra sự đông đúc đó. Tuy nhiên, sự đa dạng và mật độ dân số có mối quan hệ rõ ràng với nhau.

Mật độ tạo ra ảnh hưởng đến cách mà người dân di chuyển tới nơi làm việc mỗi ngày. Một nghiên cứu mà Gary Barnes thực hiện cho Sở Giao thông ở Minesota trong năm 2001 đã tìm ra mối liên quan mật thiết giữa hai yếu tố này và phân tích của chúng tôi cũng hỗ trợ cho những phát hiện của ông. Ở nơi mật độ phân bố tập trung (ở trung tâm vùng đô thị thay vì phân tán – ND), có nhiều người sử dụng xe đạp để di chuyển đến chỗ làm thay vì tự mình lái xe. Tỷ lệ người sử dụng xe đạp tỷ lệ thuận với mật độ có tính đến quy mô dân số và tỷ lệ nghịch với tỷ lệ người lái xe đến chỗ làm một mình.

Giá nhà ở cao hơn ở khu vực mật độ cao hơn và lên tới đỉnh điểm ở trung tâm vùng đô thị. Điều này cũng đúng với giá nhà điểm giữa (median housing price(ii)) và tỷ lệ thu nhập của người dân dành cho vấn đề nhà ở. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: mức lương và thu nhập cao mà các thành phố và vùng đô thị có mật độ cao có thể cung ứng, nhu cầu sống gần khu vực trung tâm của những thành phố và vùng đô thị này, hoặc một số giới hạn khiến cho khả năng cung ứng nhà ở có hạn –những yếu tố tự nhiên như đường bờ biển hay những rặng núi, những yếu tố chính sách như giới hạn chiều cao, quy chuẩn xây dựng nghiêm khắc, bố trí công trình điểm nhấn (mà do đó khiến cho chiều cao công trình bị giới hạn – ND) và quy định về sử dụng đất và định dạng công trình (zoning).

Có một truyền thống lâu đời ở Mỹ, ít nhất là từ thời Thomas Jefferson cho rằng con người sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn trong những không gian của riêng họ, rộng mở và không đông đúc như ở đồng quê. Những trung tâm đô thị đông đúc, dày đặc là nguyên nhân gây nên lo lắng, bối rối, đau khổ và thậm chí là trạng thái bệnh lý cho con người. Nhưng đó không hoàn toàn là những gì chúng tôi tìm thấy. Thay vào đó, các cấp độ hạnh phúc có mối liên hệ chừng mực với yếu tố mật độ tại vốn tập trung ở trung tâm các thành phố.

Mật độ là nhân tố chính trong việc phát triển các thành phố, sự hạnh phúc và phồn vinh của các quốc gia. Những thành phố và vùng mà mật độ cao tập trung ở khu vực trung tâm đô thị dường như đạt được lợi thế kinh tế lớn nhất. 

Richard Florida ("Cities With Denser Cores Do Better" / The Atlantic Cities
Phan Trần Kiều Trang (dịch) 

Chú thích: 

(i) : Hai biến được coi là hoàn toàn giống nhau nếu giá trị tương quan = 1 – ND 
(ii): Giá trị điểm giữa (median value) là giá trị của nhân tố nằm ở giữa trong thang giá trị và khác với giá trị trung bình là giá trị được tính bằng tổng các giá trị chia cho số lượng các giá trị trong một tâp hợp. Ví dụ: tập hợp 3 số: 1, 2 và 3 có giá trị điểm giữa là 2 nhưng có giá trị trung bình là 3. Giá trị điểm giữa thường được dùng trong thống kế để phản ánh giá trị “trung bình” thực của một tập hợp thay vì giá trị trung-bình-tính-toán vốn dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các giá trị cực trong tập hợp. VD: một thành phố có rất nhiều dân nghèo và một số nhỏ người siêu giàu có thể có giá trị thu nhập trung-bình-tính-toán như một thành phố chủ yếu là người trung lưu. Do đó giá trị điểm giữa về thu nhập sẽ được dùng để phản ánh thu nhập trung bình thực của người dân của thành phố này. 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo