Góp ý đề thi không gian ngầm TP.HCM: Cần mở rộng dư địa tự do sáng tạo!

Chủ nhật, 08 Tháng 5 2022 21:51 Người Đô Thị
In

Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM thông báo sẽ tổ chức thi tuyểnÝ tưởng quy hoạch không gian ngầm đô thị Khu trung tâm hiện hữu (930 ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM” với mong muốn tạo ra không gian để bố trí các chức năng hạ tầng kỹ thuật ngầm và các không gian chức năng phù hợp khác dưới mặt đất, tăng tính kết nối và giải tỏa áp lực xây dựng trên mặt đất để phục vụ người dân tốt hơn; góp phần tạo tiền đề và luận cứ khoa học cho việc tổ chức quy hoạch không gian ngầm trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến 2040 và định hướng 2060.


Thành phố đang dự kiến làm ba không gian ngầm ở các trường Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Tôn Đức Thắng. Trong ảnh là công trường thi công metro số 1 trên đường Lê Lợi.
(Ảnh: Trung Dũng)

Từ ý nghĩa của cuộc thi đối với tầm nhìn phát triển đô thị TP.HCM trong dài hạn, Người Đô Thị có cuộc trò chuyện cùng TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn.

Là một chuyên gia quy hoạch độc lập, ông Sơn từng là thành viên ban ban giám khảo cuộc thi “Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành” (do Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM tổ chức tháng 2/2020), vào giữa thập niên 1990 là thành viên nhóm thiết kế quy hoạch khu Trung tâm Phố Đông và Phố Tây Thượng Hải - đô thị có nhiều điểm tương đồng với TP.HCM.

Trước đó, trong thập niên 2000 sống và làm việc ở Montreal (Canada), ông từng là thành viên nhóm chuyên gia quy hoạch chỉnh trang và phát triển Khu phố quốc tế Montreal (Quartier international de Montréal), bao gồm việc mở rộng kết nối vào hệ thống không gian đô thị ngầm RÉSO của thành phố Montreal, được xem là không gian ngầm quy mô lớn nhất thế giới.

Những điều kiện cần thiết để phát triển không gian ngầm đô thị có thể được nhận dạng như thế nào, thưa ông?

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn (ảnh bên): - Theo tôi, nền đất cao, mật độ xây dựng cao và mật độ giao thông cao là những điều kiện thuận lợi có tính nền tảng mà khu trung tâm TP.HCM đều sẵn có, để phát triển và khai thác không gian ngầm hiệu quả.

Có thể hình dung thế nào về mối quan hệ giữa không gian ngầm và không gian trên mặt đất, thậm chí trên cao?  

- Bài học thành công của Montreal dựa trên nguyên tắc tất cả công trình cao tầng quan trọng trong khu trung tâm đều phải kết nối với không gian ngầm, vừa tăng thêm giá trị cho chủ đầu tư dự án, vừa cải thiện lợi ích công cộng. Tuy việc phát triển không gian ngầm tại TP.HCM đã được thảo luận từ lâu, rất tiếc, tầng ngầm của những công trình đang xây dựng như Saigon Centre 2, tòa tháp đôi trước chợ Bến Thành lại không hề được quy hoạch kết nối với không gian ngầm. Giá như những công trình này thiết kế chừa lỗ thông chờ sẵn, thì việc kết nối với không gian ngầm tương lai sẽ dễ dàng và ít tốn kém.

Do đã bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn, Nhà nước nên sớm có quy hoạch không gian ngầm, với chính sách ưu đãi đi kèm quy định các cao ốc mới quan trọng trong khu trung tâm phải kết nối với không gian ngầm đô thị.   

Bên cạnh đó, việc tích hợp giao thông ngầm, trên mặt đất, với đường đi bộ trên cao (skyway) kết nối giữa các tòa nhà, cũng cần phải dự trù trong quy hoạch, nhất là trong bối cảnh thành phố đã có chủ trương hạn chế giao thông cá nhân vào khu vực trung tâm.


Việc ngầm hóa giao thông đường Tôn Đức Thắng và khu vực xung quanh Công viên Bến Bạch Đằng nhằm giúp mở rộng không gian đô thị về phía sông Sài Gòn. (Ảnh: Trung Dũng)

Chung quanh cuộc thi mà Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM vừa công bố, đã có nhiều tiếng nói trong giới quy hoạch định hướng “lấy metro làm tâm” quy hoạch không gian ngầm. Luồng quan điểm này liệu có thể tiếp tục được thảo luận sâu hơn?

- Tôi cho rằng việc kết nối không gian ngầm hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách bộ hành. Tận dụng những khu vực gần metro để làm không gian ngầm là đúng. Nhưng bên cạnh đó, nhiều khu vực không gần metro vẫn có thể phát triển không gian ngầm. Chẳng hạn, khu vực quanh Tao Đàn (gồm Cung Văn hóa Lao động và sân khấu Trống Đồng) và khu vực Hồ Con Rùa (gồm cả Nhà thi đấu Phan Đình Phùng) đều có thể phát triển không gian ngầm liên kết, hỗ trợ cho quy hoạch không gian đi bộ của khu trung tâm, với các trục chính là trục Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Duẩn, và Đồng Khởi - Phạm Ngọc Thạch.

Phải chăng, “đề bài” cần được tiếp cận rộng hơn?

- Theo thông tin từ báo chí, chính quyền TP.HCM dự kiến làm ba không gian ngầm dưới đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Tôn Đức Thắng. Không gian ngầm đường Nguyễn Huệ nên kết nối với Lê Lợi, chợ Bến Thành và Công viên 23/9. Trong ba khu vực dự kiến làm không gian ngầm, tôi rất băn khoăn phương án hạ ngầm giao thông cơ giới toàn tuyến đường Tôn Đức Thắng chạy song song với bến Bạch Đằng.

Theo tôi biết kế hoạch này đã có từ mấy năm trước, nhưng may mà chưa triển khai, xuất phát từ tầm nhìn kết nối đường Nguyễn Huệ băng qua đường Tôn Đức Thắng sang bến Bạch Đằng nhìn xuống sông Sài Gòn. Nhưng giờ xem lại, tôi cho rằng không nhất thiết phải hạ ngầm dọc theo tuyến đường Tôn Đức Thắng bởi luồng đi bộ đông nhất đổ ra bến Bạch Đằng trong tương lai sẽ xuất phát từ trạm metro phía trước tòa nhà UBND TP.HCM qua ngả Nguyễn Huệ. Nếu mục tiêu chính là tách biệt giao thông cơ giới và khách bộ hành, thì vẫn còn nhiều phương án hiệu quả để kết nối Nguyễn Huệ với Bến Bạch Đằng.


Có hai lựa chọn là cầu vượt và đường ngầm kết nối Nguyễn Huệ với bến Bạch Đằng, bên cạnh phương án hạ ngầm toàn bộ tuyến đường Tôn Đức Thắng. Ảnh chụp ngày 21/4/2022.
(Ảnh: Trung Dũng)

Thứ nhất, là mở đường hầm kết nối từ không gian ngầm đường Nguyễn Huệ cắt ngang phía dưới đường Tôn Đức Thắng ra bến Bạch Đằng, chi phí sẽ thấp hơn phương án hạ ngầm trục đường Tôn Đức Thắng.

Phương án thứ hai, là mở cầu vượt đi bộ từ không gian 20m của dải phân cách trung tâm của phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đứng ở trên đầu cầu vượt trên cao giáp sông, khách bộ hành có thể quan sát bao quát toàn bộ khu vực trung tâm từ cầu Tân Thuận kéo đến cầu Sài Gòn. Thậm chí trên cầu có thể bố trí một tháp quan sát, tạo thêm một công trình điểm nhấn đối trọng với tòa nhà UBND TP.HCM. Theo phương án này, có thể trồng lại các hàng cây cao tán rộng che bóng mát cho khu vực Bến Bạch Đằng, mà không còn sợ ảnh hưởng đến công trình ngầm.

Vậy nên, tôi nghĩ để các nhà lãnh đạo thành phố có thêm những đề xuất sáng tạo mang tính đột phá, đề thi ý tưởng không gian ngầm nên theo hướng “mở” để khuyến khích ý tưởng mới, chứ không “duy ý chí” dựa trên các đề án cũ chưa xây dựng!

Trong đó, thay vì triệt buộc vào “đường ngầm Tôn Đức Thắng” thì nên cân nhắc “mở” theo hướng “không gian ngầm cho khu vực đường Tôn Đức Thắng”. Mở mang dư địa sáng tạo của thí sinh, cũng chính là mở ra cơ hội đề xuất thêm ít nhất một đường ngầm dưới lòng sông Sài Gòn, đi thẳng qua trung tâm Thủ Thiêm từ không gian ngầm đường Nguyễn Huệ, hoặc đường Hàm Nghi. Di chuyển bằng xe điện theo tuyến đường này chỉ tốn chừng 5 phút từ UBND TP.HCM đến khu trung tâm tài chính bên Thủ Thiêm, còn nếu đi bộ thì chừng 15 phút. Đây cũng là một trong những tiền đề chuẩn bị cho quy hoạch tích hợp hai bờ Đông - Tây sông Sài Gòn, kết nối khu trung tâm hiện hữu và trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm.

TP.HCM khá giống Thượng Hải với một dòng sông chia thành hai bờ Đông - Tây. Khu trung tâm của Phố Đông Thượng Hải được kết nối trực tiếp với trung tâm Phố Tây bởi 5 tuyến đường hầm dưới lòng sông Hoàng Phố. Trong khi đó, giữa hai khu trung tâm hiện hữu  và trung tâm Thủ Thiêm không hề được quy hoạch đường hầm hay đường giao thông kết nối trực tiếp.


Không gian ngầm Ga Nhà hát Thành phố - tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. (Ảnh: Trung Dũng)

Câu hỏi cuối: đầu tư xây dựng không gian ngầm đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn, nhất là trong bối cảnh ngân sách TP.HCM không dư dật?

- Theo tôi, khu vực công cộng trong không không gian ngầm chắc chắn Nhà nước phải đầu tư, nhưng những khu vực kỹ thuật, dịch vụ thương mại thì có thể tổ chức đấu thầu khai thác để thu hút nguồn lực đóng góp ngoài ngân sách. Trở lại với điển cứu Montreal, phần lớn diện tích không gian ngầm của đô thị này được đầu tư bởi tư nhân, đổi lấy quyền khai thác có thời hạn. Nhà nước, nhà đầu tư, và người dân đều có lợi. Như vậy, đề bài cũng nên có thêm một hạng mục về tài chính dự án, về quản lý, tổ chức vận hành, phòng cháy chữa cháy, thậm chí cho cả kịch bản có chiến tranh.

Khuê Anh thực hiện

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: