Trong thời gian gần đây, ở nước ta nổi cộm rất nhiều vấn đề liên quan đến việc bảo tồn, gìn giữ các công trình cổ, cũ hàng trăm năm tuổi. Phá đi xây mới để bảo đảm an toàn cho người sử dụng hay tìm mọi cách bảo tồn nguyên trạng? Chỉnh trang, làm đẹp hay đang phá hoại về mặt thẩm mỹ chính công trình ấy trong tương quan thẩm mỹ cảnh quan bao quanh? Chúng tôi có cuộc trò chuyện với KTS Phó Đức Tùng chung quanh chủ đề này.
Cần một định nghĩa rõ ràng về di sản
Một công trình có tuổi thọ từ 100 năm tuổi trở lên thường được xem là di sản. Cách hiểu thông thường này dẫn đến việc lâu nay, cứ có công trình cũ nào bị đập bỏ, xây mới, bất luận là dạng thức gì và ở đâu, dư luận xã hội lại có nhiều ý kiến phản ứng. Bình luận của ông về thực tế này?
- Di sản là tất cả những yếu tố thẩm mỹ, cảnh quan đặc thù, thường xuất phát từ những ứng xử đặc thù của một nền văn hóa trước những điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội nhất định. Di sản không nhất thiết phải là những công trình nhiều năm tuổi.
Ông có thể đưa ra một số thí dụ hoặc phân tích cụ thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn quan điểm này?
- Vấn đề không phải là một công trình cụ thể mà là một tổng thể di sản. Tổng thể này cần được định nghĩa, được thống nhất. Những công trình nào góp phần tích cực vào việc tạo nên tổng thể đó mới thật sự là di sản. Còn những gì không quan trọng đối với tổng thể, kể cả khi bản thân nó có giá trị cao thì vẫn có thể bị thay đổi.
Trong việc xem xét một công trình là di sản, vấn đề đầu tiên cần được minh định phải là chủ quyền. Thí dụ: bạn sở hữu một biệt thự phố rất đẹp, do ông cha để lại. Nay nhà nước phong cho căn nhà ấy là di sản, nghĩa là coi nó là của công và bạn trở thành người gác đền chứ không có quyền can thiệp vào ngôi nhà của mình nữa thì bạn thấy sao? Tất nhiên, di sản có giá trị của nó nhưng ai là người nên có quyền quyết định, chủ sở hữu hay người ngoài? Bởi thế, di sản về bản chất phải là công hữu. Khi một công trình bất kỳ đã bị tư hữu hóa, có nghĩa nó không còn là di sản nữa. Vấn đề xâm hại di sản, do đó không nên chỉ nhìn vào việc nhiều tuổi hay không, đẹp hay không mà cần làm rõ đó là công trình công hữu hay tư hữu. Nếu là công hữu, không ai có quyền phá hủy nó mà không có sự đồng thuận của nhiều cấp.
Đình cổ Tự Đông bị Đoàn Thanh niên phường Cẩm Thượng (Hải Dương) phủ sơn, vẽ tranh cổ động nhằm hưởng ứng Tháng Thanh niên 2022 đã gióng lên hồi chuông báo động trong việc hồn nhiên xâm hại di tích vì nhận thức sai lệch trong “trang trí” hay “làm đẹp” di tích (nguồn ảnh: Internet).
Để sống cùng di sản và thẩm mỹ di sản
Tôi muốn trở lại với câu chuyện bấy nay ở thôn quê Bắc Bộ. Làng xã giờ xuất hiện nhiều nhà cao tầng. Những quy định từ thời trước về độ cao của kiến trúc dân sinh so với của các đình, chùa không còn được tuân thủ nữa. Thậm chí ở nhiều nơi, họ còn chỉnh trang công trình theo một mô thức “mô-đéc”, khiến cho nơi đây cổ - kim lẫn lộn, “thẩm mỹ bừa phứa”. Quan điểm của ông về chuyện này?
- Kiến trúc, định cư là những thực thể sống, sẽ phải thay đổi cùng với sự thay đổi của xã hội. Về cơ bản, những thay đổi tự nhiên đều có sự hợp lý, do đó có tính thẩm mỹ của nó. Những phát triển tự nhiên ở nông thôn hiện nay về cơ bản tốt hơn nhiều so với các đô thị mới. Tất nhiên, có một số công trình không đạt tính thẩm mỹ cao, nhưng chúng sẽ dần được thay thế theo thời gian. Về tổng thể, các làng quê Việt Nam đang phát triển theo chiều hướng tốt. Yếu tố di sản chính nằm ở mặt bằng, không phải ở hình thức kiến trúc. Vấn đề lớn nhất hiện nay không phải là thẩm mỹ của làng quê, mà ở khả năng nhận thức thế nào là thẩm mỹ của nhiều nhà quy hoạch, kiến trúc sư và nhà quản lý, chủ đầu tư, kể cả trong giới trí thức. Đôi khi, nhận thức sai lệch, duy ý chí về thế nào là tốt, là xấu của họ đã dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Trong quan sát lâu nay của ông, mức độ quan tâm của các nhà quy hoạch, tư vấn quy hoạch và phê duyệt dành cho di sản khi lập quy hoạch đô thị là như thế nào?
- Về cơ bản, các nhà quy hoạch cũng như chính quyền ít quan tâm tới di sản bởi nói chung, lĩnh vực quy hoạch ít quan tâm tới những khu vực hiện hữu mà chủ yếu tập trung vào những đô thị mới. Đây là một cái may đối với đất nước, vì thực tế, năng lực quy hoạch của chúng ta còn rất kém, động vào đâu thì tồi đi ở đó. Đô thị, nhất là những khu vực hiện hữu là đối tượng quá phức tạp để có thể đưa ra giải pháp quy hoạch tốt.
Mới đây, việc tháo dỡ bậc thềm, nền đá và chặt bỏ cây đa trong quá trình tu bổ Đình Chèm - Di tích quốc gia đặc biệt đã khiến dư luận bức xúc và lo ngại (nguồn ảnh: Internet)
Từ trải nghiệm cá nhân, sau nhiều năm học tập, làm việc, du khảo ở bên ngoài Việt Nam, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm đáng chú ý của họ về tạo dựng nguyên tắc cốt lõi trong sự thay đổi của quy hoạch/ kiến trúc cảnh quan ở khu vực có các di sản kiến trúc?
- Thí dụ ở Đức, nguyên tắc cơ bản nhất trong quy hoạch, kiến trúc của họ đối với các đô thị hiện hữu là nhà mới phải hài hòa với cấu trúc hiện có nhưng thế nào là hài hòa thì lại tùy thuộc vào từng địa điểm cụ thể. Mỗi khu vực sẽ có những định nghĩa rõ ràng thế nào là bản sắc của nó, có thể là chiều cao, khoảng lùi, phong cách, vật liệu, mầu sắc v.v. Tuy nhiên, họ phải khẳng định là những cấu trúc hiện hữu đáp ứng hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu sống hiện tại để quyết định có hoặc không cho phép mở rộng khu vực này. Nếu khu vực hiện hữu là di sản, theo nghĩa có giá trị rõ ràng, định nghĩa được, thì sẽ được bảo tồn nguyên vẹn, không mở rộng. Sau đó cho phép làm những khu đô thị mới tách biệt và hoàn toàn theo kiểu hiện đại, không cần liên quan gì tới khu cũ. Tuy nhiên, cách ứng xử với di sản của châu Âu xuất phát từ những điều kiện rất cụ thể và cũng không phải là không có những mặt trái của nó. Không đơn giản để áp dụng nguyên cách thức này vào Việt Nam.
Tôi tò mò tự hỏi, ở Đức hay châu Âu, với những nguyên tắc và chuẩn mực thực thi như vậy thì nếu giả sử xảy ra hiện tượng vẽ graffiti lên tường một công trình di sản kiến trúc, hẳn sẽ bị xử phạt rất nặng. Và ngay cả việc trang trí cảnh quan công cộng từ đô thị đến nông thôn cũng được quy định chặt chẽ, không thể có chuyện thình lình mọc ra cái cột điện, tủ điện “nở hoa” như ở ta, thưa ông?
- Vẽ graffiti lên tường, nếu đó là công trình tư hữu là xâm hại tới tài sản của người khác, là không được phép cho dù tác phẩm đó có thể là đẹp hay xấu. Còn nếu đó là công trình công cộng thì nhà nước có thể chủ động cho phép vẽ tranh tường.
Về “tò mò” của bạn (cười), tôi nghĩ rằng vấn đề lớn nhất nằm ở câu hỏi: Tại sao người ta lại nghĩ phải “trang trí” cho đường phố, cảnh quan? Vì họ cho rằng nó đang xấu, cần phải được làm đẹp hơn hay còn vì những nguyên do nào khác?
TS.KTS Phó Đức Tùng được đào tạo 15 năm tại Đức, ở nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, triết học, kiến trúc, quy hoạch. Đầu những năm 2000, khi mới về nước, anh là người gây dựng ngành lâm nghiệp đô thị và kiến trúc cảnh quan tại Đại học Lâm nghiệp Việt Nam. Hiện nay, anh là chuyên gia độc lập về kiến trúc và quy hoạch đô thị. Trong tất cả những hoạt động chuyên môn như giảng dạy, tư vấn, quy hoạch, tham gia viết sách, phản biện quy hoạch..., anh đều hướng tới việc phổ biến cách tiếp cận quy hoạch mới, còn gọi là quy hoạch cấu trúc chiến lược. (Thông tin từ Ashui.com) |
Chi Mai thực hiện
(Nhân Dân hằng tháng)
- GS Đặng Hùng Võ: Điều chỉnh quy hoạch là công cụ để vẫy vùng biến của chung thành của riêng
- Quy hoạch vùng ĐBSCL: Liên kết vùng từ 8 trung tâm đầu mối
- Sử dụng hiệu quả các công cụ để quản lý đất đai
- Bài toán chống úng ngập tại Hà Nội: Lời giải từ quy hoạch
- Góp ý đề thi không gian ngầm TP.HCM: Cần mở rộng dư địa tự do sáng tạo!
- Mô hình thành phố trong thành phố: “Chiếc áo” thể chế và kỳ vọng phát triển bền vững
- Thừa Thiên Huế: Gỡ vướng các dự án đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế
- Phó chủ tịch HAWA: Vẫn còn nhiều dư địa để khởi nghiệp ngành gỗ
- Thị trường bất động sản 2022: Thận trọng trước những ranh giới
- Một năm khó khăn kép với nhà thầu xây dựng