Dự án đường nối TPHCM – Nhơn Trạch dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2014 với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu đô la Mỹ, theo một nguồn tin từ Sở Giao thông vận tải TPHCM.
Tổng chiều dài tuyến đường nối TPHCM – Nhơn Trạch (một đoạn tuyến của đường vành đai 3) dự kiến dài hơn 28 cây số với lộ giới quy hoạch 120 mét (4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ hai bên). Được biết tuyến đường này bắt đầu từ khu vực Tân Vạn, đi qua Công viên lịch sử văn hoá dân tộc (quận 9, TPHCM), rồi vượt sông Đồng Nai và kết thúc tại thành phố mới Nhơn Trạch.
(Nguồn: Sở Giao thông vận tải TPHCM.)
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện bộ này đã thu xếp được 50% vốn (200 triệu đô la Mỹ) dự án từ khoản vay của chính phủ Hàn Quốc; 50% số vốn còn lại bộ dự kiến sẽ kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng góp sức theo hình thức PPP (mô hình hợp tác công tư - Nhà nước thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ).
Dự án đường nối TPHCM – Nhơn Trạch được các chuyên gia đánh giá là một trong những dự án quan trọng, khi hình thành nó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và khu vực, và đặc biệt, tuyến đường này sẽ quyết định sự phát triển (nhanh hoặc chậm) của thành phố mới Nhơn Trạch.
Tuy nhiên, dự án đường nối TPHCM – Nhơn Trạch đã “nằm bất động” từ hơn 10 năm qua đến nay mới rục rịch trở lại với vốn đầu tư tăng rất nhiều lần so với dự toán ban đầu chỉ hơn 2.000 tỉ đồng, tức chưa đến 100 triệu đô la.
Năm 2002: Thủ tướng cho phép đầu tư dự án theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Năm 2006: Dự toán tổng mức đầu tư hoàn chỉnh của dự án tăng lên gần 6.000 tỉ đồng và có thêm hình thức đầu tư nữa để nhà đầu tư lựa chọn là BT (xây dựng - chuyển giao). Năm 2007: Tập đoàn Kumho (Hàn Quốc) đã đề nghị đầu tư xây dựng cầu Nhơn Trạch (một phần dự án) theo hình thức BOT chiếc cầu dài khoảng 2km và rộng bốn làn ô tô này. Năm 2010: TPHCM đề xuất phát hành 700 triệu đô la Mỹ trái phiếu quốc tế để thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm trong đó có dự án này. Tuy nhiên, sau đó dự án “nằm bất động” cho đến nay. |
Đá Bàn
- TP.HCM: đường sắt đô thị “thúc” bến xe!
- Tỉnh nào “vô địch” về sai phạm đất đai?
- "Phán quyết” cuối cùng về vụ khách sạn trong công viên
- Dự án hầm Đèo Cả: Bộ Giao thông vận tải muốn thay nhà thầu EPC
- Khu đô thị mới Thủ Thiêm: đổi đất lấy đường
- Sẽ chỉ thu hồi đất cho dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn?
- Nhà đầu tư ngoại có thể được cho thuê lại bất động sản
- Quy hoạch không còn phù hợp: Phải điều chỉnh
- TP.HCM quy hoạch 1/500 khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị
- Công trình từ 2.500m2 bắt buộc sử dụng năng lượng hiệu quả