Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Biến đổi khí hậu gây khó cho các "thành phố bọt biển" Trung Quốc

Biến đổi khí hậu gây khó cho các "thành phố bọt biển" Trung Quốc

Viết email In

Tháng 9/2023, cư dân Thâm Quyến Autumn Fang buộc phải ở nhà gần hai ngày mà không có nước hoặc điện khi cơn bão Saola đổ bộ vào miền Nam Trung Quốc kèm lượng mưa kỷ lục.

Gần nhà cô, người dân chèo xuồng trong làn nước cao đến đầu gối để giải cứu những người đi bộ bị mắc kẹt. Cô chia sẻ: “Đó là ngã tư tôi đi qua hàng ngày. Tôi chưa bao giờ thấy Thâm Quyến như thế này”. Thật vậy, thành phố năm tại tỉnh Quảng Đông này đã hứng chịu trận mưa lớn nhất kể từ khi hồ sơ khí tượng bắt đầu được triển khai vào năm 1952. Lượng mưa trung bình trên toàn thành phố từ chiều ngày 7/9/2023 đến sáng hôm sau đã vượt quá 200mm.


Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân khỏi khu vực ngập lụt ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) ngày 2/8/2023.
(Ảnh: THX/TTXVN)

Năm 2023 đã xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, với các đợt nắng nóng và cháy rừng hoành hành khắp thế giới, Trung Quốc cũng hứng chịu một số trận lũ lụt lớn, dẫn đến thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 32 tỷ nhân dân tệ (4,5 tỷ USD) trong ba quý đầu năm.

Những thảm họa này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của chiến lược của Trung Quốc đối phó với lượng mưa cực lớn mang tên sáng kiến “thành phố bọt biển”.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin “thành phố bọt biển” được triển khai trên Trung Quốc vào năm 2015. Các chuyên gia cho rằng ý tưởng cơ bản giúp các thành phố hấp thụ lượng mưa dư thừa tốt hơn là đúng đắn. Nhưng việc triển khai nó cho đến nay lại khá khó khăn.

Để “thành phố bọt biển” thực sự giữ nước, cơ sở hạ tầng phải được triển khai nhanh hơn. Các chuyên gia cho biết ngay cả sau đó, các thành phố cũng sẽ không tự bảo vệ được trước những sự kiện thời tiết nghiêm trọng nhất mà biến đổi khí hậu sinh ra.

Theo một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2022, Trung Quốc là một trong những quốc gia có nguy cơ hứng chịu lũ lụt cao nhất thế giới, với gần 400 triệu người chịu tác động trực tiếp từ những trận lũ lớn 100 năm mới có một lần. Ngân hàng Thế giới cho biết, Trung Quốc mất khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm do lũ lụt, với hơn 640 thành phố có nguy cơ bị lũ lụt và 67% dân số sống ở các khu vực dễ bị lũ lụt.


Mưa lớn do ảnh hưởng của bão tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 30/7/2023.
(Ảnh: THX/TTXVN)

Sáng kiến “thành phố bọt biển” kêu gọi nhiều không gian xanh hơn, như cây cối, công viên đất ngập nước và hồ, được đặt giữa các cơ sở hạ tầng thông thường như đường sá và các tòa nhà. Điều này mô phỏng vòng tuần hoàn nước tự nhiên để tạo điều kiện cho các thành phố hấp thụ nước mưa, sau đó xả đi hoặc tận dụng nó.

Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng cách tiếp cận này không chỉ củng cố hệ thống quản lý nước và thoát nước của đất nước nhằm tăng cường phòng chống lũ lụt đô thị mà còn biến nó thành động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Quốc vụ viện Trung Quốc đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng: trang bị cho 80% khu vực đô thị các đặc điểm của thành phố bọt biển vào năm 2030 và tái chế ít nhất 70% lượng nước mưa. Bắc Kinh ấn định 60 thành phố là thành phố thí điểm tính đến tháng 5/2023. Chính phủ còn trợ cấp từ 700 triệu nhân dân tệ đến 1 tỷ nhân dân tệ mỗi thành phố. Từ năm 2016 đến năm 2020, đã có hơn 33.000 dự án từ cộng đồng dân cư đến công viên, trải rộng trên 90 thành phố ở 13 tỉnh, với tổng vốn đầu tư đạt 1,06 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Bất chấp nhiều nỗ lực, các thành phố của Trung Quốc vẫn dễ bị tổn thương. Tháng 7/2023, một số thành phố và tỉnh ở phía Đông Bắc Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc, đã hứng chịu lượng mưa và lũ lụt cực lớn do bão Doksuri. Theo chính quyền thành phố Bắc Kinh, ít nhất 1,3 triệu người bị ảnh hưởng và hơn 200.000 ngôi nhà bị hư hại.

Vào tháng 9/2023, bão Saola ập đến các tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông sau khi tấn công Hong Kong, khiến hơn 800.000 người phải sơ tán và hàng trăm chuyến bay bị hủy. Theo chính quyền Phúc Kiến, sự kiện này đã gây thiệt hại kinh tế trực tiếp khoảng 870 triệu nhân dân tệ cho tỉnh.

Những tổn thất như vậy đặt ra câu hỏi rằng sau khi rót hàng tỷ nhân dân tệ được và gần một thập niên xây dựng, liệu cơ sở hạ tầng của “thành phố bọt biển” thực sự có tác dụng bảo vệ các thành phố khỏi thiệt hại do lũ lụt?

Theo các chuyên gia về nước và kỹ thuật, những biện pháp của “thành phố bọt biển” là cách tiếp cận hợp lý để cải thiện khả năng chống chịu trước lượng mưa lớn. Các bề mặt ở khu vực đô thị như bê tông, gạch và thép làm giảm khả năng thấm nước, gây gia tăng nguy cơ lũ lụt khi có bão. Cơ sở hạ tầng “thành phố bọt biển” có thể cải thiện khả năng hấp thụ và lưu trữ nước của thành phố.


Dữ liệu từ Trung tâm Phòng, chống Lũ lụt và Hạn hán Quốc gia Trung Quốc.
(Ảnh: SCMP)

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng như vậy chỉ có thể quản lý một lượng nước mưa nhất định. Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu đang thúc đẩy các hiện tượng thời tiết cực đoan vượt quá mức mà “thành phố bọt biển” có thể xử lý. Ví dụ, theo số liệu thống kê từ cơ quan quản lý nước của thành phố Thâm Quyến, sau khi đầu tư hơn 2,3 tỷ nhân dân tệ từ năm 2016 đến năm 2022 vào các dự án “thành phố bọt biển”, Thâm Quyến hiện được bảo vệ khỏi lũ lụt lớn loại xảy ra một lần trong khoảng 100 đến 200 năm. Nhưng theo giới chức Hong Kong, trận mưa bão tháng 9/2023 là sự kiện 500 năm mới có một lần.

Ông Mark Fletcher tại công ty tư vấn xây dựng Arup (Anh) phân tích: “Thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt là rất nhiều điều không chắc chắn về biến đổi khí hậu”. Ông đánh giá cao “thành phố bọt biển” nhưng cho rằng có lẽ đã đến lúc phải chuyển sang cấp độ tiếp theo. Ông Fletcher nói điều quan trọng là phải đưa các biện pháp phi công trình, chẳng hạn như hệ thống dự báo và cảnh báo sớm hiệu quả, vào các nỗ lực chống lũ lụt đô thị. Ông nhận định chính phủ nên giáo dục người dân về các rủi ro và phương pháp bảo vệ để cải thiện khả năng phục hồi của cộng đồng, thay vì chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng việc ngăn chặn biến đổi khí hậu để tránh những thảm họa thiên nhiên thường xuyên và nghiêm trọng ngay từ đầu cũng rất quan trọng. Giáo sư Li Zheng tại Đại học Thanh Hoa, nêu bật: “Chỉ bằng cách kết hợp giảm thiểu với thích ứng, chúng ta mới có thể tối thiểu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội loài người. Cả hai đều không thể thiếu”.

Hà Linh

(Báo Tin tức /Theo SCMP)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo