Ashui.com

Sunday
Apr 28th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Ấn Độ tin tưởng giếng bậc thang cổ xưa giúp giải quyết khủng hoảng nước hiện tại

Ấn Độ tin tưởng giếng bậc thang cổ xưa giúp giải quyết khủng hoảng nước hiện tại

Viết email In

Nhiều thành phố của Ấn Độ phải đối mặt với khủng hoảng nước nghiêm trọng đang chuyển sang sử dụng các kỹ thuật lưu trữ nước cổ xưa. Và giếng bậc thang đang là lựa chọn hàng đầu.

Kênh DW (Đức) cho biết giếng bậc thang, công trình được xây dựng trong lòng đất để trữ nước, từng là tâm điểm của cuộc sống làng quê ở những vùng thường xuyên bị hạn hán ở Ấn Độ. Công trình này giúp cung cấp nguồn nước ổn định cho sinh hoạt và tưới tiêu.


Giếng bậc thang có thể có tới bốn lối vào riêng biệt.
(Ảnh: Alamy)

Giếng bậc thang nhanh chóng bị lãng quên bởi sự ra đời của hệ thống nước hiện đại. Nhiều giếng bậc thang đã bị bỏ mặc và xuống cấp. Trong số 3.000 giếng bậc thang được các chuyên gia ở Ấn Độ ghi nhận, chỉ có khoảng 400-500 chiếc vẫn có thể sử dụng được.

Nhưng kỳ quan kiến trúc này đang hồi sinh khi ngày càng nhiều kiến trúc sư, nhà sử học và nhà quy hoạch đô thị đấu tranh để khôi phục chúng về trạng thái ban đầu. Mục đích của họ là bảo tồn kiến trúc và lịch sử của giếng bậc thang đồng thời cung cấp giải pháp cho cuộc khủng hoảng nước ngày càng gia tăng ở Ấn Độ.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO), Ấn Độ là quốc gia khai thác nước ngầm lớn nhất thế giới. Mực nước ngầm ở Ấn Độ được cho đã giảm 61% từ năm 2007 đến năm 2017. Nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên quan trọng này không chỉ đe dọa khả năng tiếp cận nước uống của người dân mà còn đe dọa đến an ninh lương thực.

Theo Ủy ban Nước ngầm Trung ương Ấn Độ, khoảng 17% tầng ngậm nước ngầm của Ấn Độ đang bị khai thác quá mức. Vấn đề mực nước ngầm cạn kiệt đang trở nên trầm trọng hơn do gió mùa ngày càng thất thường ở Ấn Độ. Kết quả là, nhiều bang vốn dễ bị hạn hán và phụ thuộc nhiều vào nước ngầm đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng. Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc bảo tồn nước.


Ấn Độ từng có hàng nghìn giếng bậc thang. (Ảnh: BBC)


Hệ thống nước hiện đại đã khiến giếng bậc thang bị lãng quên. (Ảnh: CNN)


Hoa văn chạm khắc tinh xảo tại giếng bậc thang Ấn Độ. (Ảnh: CNN)


Giếng bậc thang Rani Ki Vav được xếp vào danh sách di sản thế giới của UNESCO. (Ảnh: DW)

Dưới đây là video về giếng bậc thang cổ Chand Baori tại bang Rajasthan (nguồn: CNA Insider):

Kiến trúc sư Ratish Nanda, CEO của tổ chức từ thiện chuyên bảo tồn các di sản trên toàn thế giới có tên Aga Khan Trust for Culture (AKTC), nhận định việc khôi phục giếng bậc thang có “khả năng giải quyết rất nhiều vấn đề về nguồn nước ở cấp độ làng quê”. Ông lý giải: “Về cơ bản, những gì chúng tôi đang cố gắng làm là chứng minh hệ thống thu gom nước mưa có thể có tác động đáng kể như thế nào trong một cộng đồng vi mô”.

Chính quyền bang Rajasthan ở phía Bắc Ấn Độ, một trong những khu vực chịu áp lực về nước nhất thế giới, đã kết hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) để tạo lộ trình hồi sinh các di sản - bao gồm một số giếng bậc thang.

Việc khôi phục giếng bậc thang không chỉ giúp các thị trấn ở những khu vực thường xuyên bị hạn hán tự cung tự cấp, nhiều địa điểm còn thu hút khách du lịch, thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Một trong những ví dụ nổi bật nhất là ở thành phố Jodhpur, bang Rajasthan vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch.

Vào năm 2017, giếng bậc thang có tên Toorji Ka Jhalra ở trung tâm thành phố Jodhpur đã được khôi phục. Quá trình trùng tu Toorji Ka Jhalra đã giúp phát hiện ra các bản khắc voi, bò và tài liệu tôn giáo, các bậc thang chạm khắc cùng thiết kế kim tự tháp ngược thể hiện phong cách kiến trúc Marwari (1830-1930). Điều này góp phần bảo tồn một phần quan trọng trong lịch sử của thành phố.

Toorji Ka Jhalra hiện là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Jodhpur và đã thu hút các cửa hàng thời trang, quán cà phê và các lĩnh vực kinh doanh khác đang tìm cách tận dụng dòng tiền du lịch trong khu vực.

Ông Vikramjit Singh Rooprai, người đã viết một cuốn sách về giếng bậc thang, cho biết công trình này "là độc nhất xét về mặt lịch sử gắn liền với chúng”.

Ông Rooprai cho rằng giếng bậc thang chỉ là bước khởi đầu trong nỗ lực hồi sinh các vùng nước vì lợi ích của cộng đồng địa phương. Ông nhấn mạnh: “Điều tương tự cũng phải xảy ra với tất cả sông, hồ và tất cả các công trình chứa nước mà chúng ta có, bắt đầu từ những ao nhỏ trong thị trấn cho đến toàn bộ đại dương của chúng ta”.

Giếng bậc thang được phân loại theo quy mô, cách bố trí, vật liệu và hình dạng. Chúng có thể mang hình chữ nhật, hình tròn hoặc thậm chí là hình chữ L. Chúng có thể có tới bốn lối vào riêng biệt. Giếng bậc thang được xây dựng dọc theo các sườn dốc tự nhiên để thu nước chảy và đóng vai trò là nơi hứng nước mưa. Công trình này còn được nối với các ao để có thể dẫn nước mưa.

Hà Linh

(Báo Tin tức /Theo CNN, DW)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo